(Dân trí) - Khu nghỉ dưỡng Bạch Mã tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế tọa lạc ở một trong những nơi đẹp nhất miền Trung Việt Nam ở độ cao hơn 1.400 mét. Xưa kia đây là 1 trong 7 khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương. Ngày nay khi trở thành Vườn quốc gia, Bạch Mã vẫn như “ngủ say” với rất nhiều tiềm năng du lịch độc đáo sẵn có.
Khu nghỉ dưỡng Bạch Mã đã xuất hiện hơn 80 năm về trước
Bạch Mã xưa kia - trước khi trở thành một vườn quốc gia đã được nhiều người quan tâm vì sự nổi tiếng về tài nguyên đa dạng sinh học của nhiều loài động, thực vật quý hiếm và khí hậu tuyệt vời, dễ chịu quanh năm với đỉnh cao nhất 1.450 mét.
Theo dòng lịch sử những ngày đầu tiên thì Bạch Mã được ông Girard, kỹ sư trưởng kỹ sư công chánh ở Trung Kỳ phát hiện vào ngày 28,29/7/1932. Tuy nhiên một số tài liệu lại cho rằng chính ông Raoul Desmarets, kỹ sư công chánh phân khu Thừa Thiên là người phát hiện ra khu nghỉ dưỡng này cùng với ông Graffeuil, Khâm sứ Trung Kỳ.
Năm 1933, ông Desmarets đã tiến hành một nghiên cứu nhằm xây dựng một ngôi làng trên các vùng núi tại Bạch Mã. Đường được hoàn tất vào tháng 5/1934 là chỉ một lối mòn đơn giản phục vụ cho khách bộ hành hoặc các phu kiệu. Năm 1935, các vị khách du lịch đầu tiên đã chính thức đặt chân đến đỉnh núi Bạch Mã. Đi bộ từ chân lên đỉnh núi mất khoảng 4 giờ 30 phút. Đỉnh núi cao nhất được quy hoạch thành một nơi trú chân ngắm cảnh có độ cao 1.450m được gọi là Vọng Hải Đài.
Những vị khách du lịch tại Bạch Mã (ảnh chụp vào năm 1936, sau 1 năm Bạch Mã đón khách, nguồn: Claudine Richard)
Tháng 4/1936, Khâm sứ Trung Kỳ ký nghị định quy định các điều khoản liên quan đến việc xây dựng các nhà và biệt thự tư đầu tiên tại Bạch Mã. Một bản đồ phân lô với 60 lô đất đã được đem bán đấu giá và trao cho các chủ nhân vào ngày 22/6 năm đó. Giá cho thuê rất thấp nhằm khuyến khích phát triển khu nghỉ dưỡng.
Các ngôi nhà bằng gỗ và sau đó là nhà bằng đá được xây dựng lên. Có khoảng 139 ngôi biệt thự bằng gỗ hoặc đá. Những dấu chân đầu tiên của người Việt Nam đến với Bạch Mã nhằm khám phá và bảo vệ thiên nhiên xuất hiện từ năm 1936 cùng với những tên tuổi như Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di... trong đoàn Hướng Đạo Sinh.
Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 9, khu nghỉ dưỡng này đóng vai trò quan trọng cho đời sống của người dân ở tại Huế. Đây là một vị trí trên cao, mát lạnh như Đà Lạt, tuyệt vời để nghỉ dưỡng, vui chơi và thư giãn. Chủ nhân các ngôi biệt thự thường đi dạo, ngắm cảnh, tham quan Thác Lớn (Thác Đỗ Quyên), quan sát hệ động thực vật, tắm trong các hồ tuyệt đẹp như Ngũ Hồ, đi pic-nic hoặc đơn giản là ở nhà yên bình đắm mình trong giấc ngủ trưa, chơi bài hoặc vui thú đọc sách.
Ngôi nhà của gia đình ông Grethen - công chức người Pháp ở tại Chalet 1 (Chalet: Kiểu biệt thự, nhà nghỉ mát làm bằng gỗ) - ảnh: Tân Hội Đô Thành Hiếu Cổ chụp năm 1939 và tham khảo tài liệu ông Thân Trọng Ninh
Trở thành Vườn quốc gia, “ngựa trắng” dần hồi sinh
Sau nhiều năm tháng chiến tranh, Bạch Mã rơi vào lãng quên. Được biết trước 30/4/1975, vào năm 1962, cố kỹ sư Nguyễn Hữu Đính đã có tờ trình về việc thành lập Quốc gia Lâm viên Bạch Mã - Hải Vân với diện tích 78.000 hecta với mong muốn Bạch Mã và khu vực Hải Vân sẽ trở thành khu bảo tồn có cảnh trí thiên nhiên hấp dẫn, bảo tồn thiên nhiên và giáo dục hay giải trí công cộng tuyệt đẹp.
Sau giải phóng thống nhất đất nước, vào năm 1986, khu rừng cấm Bạch Mã – Hải Vân được thành lập với diện tích là 50.000ha. Năm 1991, Vườn Quốc gia (VQG) Bạch Mã chính thức được thành lập với tổng diện tích là 22.031ha trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 2008, VQG Bạch Mã được điều chỉnh mở rộng với tổng diện tích là 37.487ha.
Do quy mô nhỏ về diện tích và công tác bảo tồn là không có ranh giới nên sự chia cắt về mặt hành chính đã ảnh hưởng đến công tác bảo vệ sinh cảnh sống của các loài thú lớn như voi, hổ, mang lớn, mang Trường Sơn, sao La,…được sự đồng ý của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 01/QĐ -TTg ngày 2/1/2008 về việc điều chỉnh mở rộng VQG Bạch Mã lên diện tích 37.487ha. Sau khi điều chỉnh mở rộng Vườn nằm trên địa bàn hành chính của hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Hiện VQG Bạch Mã trực thuộc sự quản lý của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT.
Tuy nhiên, tiềm năng du lịch to lớn ở đây vẫn chưa được khai thác trong những năm qua, dù Bạch Mã là một điểm đến cực kỳ tuyệt vời cho những ai thích nghỉ dưỡng, khám phá.
Khung cảnh đẹp như tranh tại Vườn Quốc gia Bạch Mã
VQG Bạch Mã là một phần của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi với các đỉnh núi cao trên 1.000m chạy ngang theo hướng từ Tây sang Đông và thấp dần ra biển. Địa hình hiểm trở, bị chia cắt mạnh và rất dốc, độ dốc bình quân toàn khu vực là 15°- 25°, nhiều nơi có dốc đứng trên 40°. Đây là nơi bắt nguồn các sông Truồi, Tả Trạch (đầu nguồn của sông Hương). Dưới chân của các dải núi là những thung lũng hẹp, dài với những dòng suối trong sạch tạo nên vẻ đẹp độc đáo thu hút khách du lịch, đồng thời góp phần cải tạo tiểu khí hậu vùng.
Vườn nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa (hay còn gọi là khí hậu nhiệt đới ẩm). Nhiệt độ bình quân năm của toàn vườn là 25°C, riêng khu vực đỉnh Bạch Mã là 19°C (độ cao >1.200m). Lượng mưa trung bình ở khu vực đỉnh Bạch Mã khoảng 8.000 mm/năm, lượng mưa bình quân năm trên toàn Vườn khoảng 3.500mm/năm. Độ ẩm khu vực đỉnh Bạch Mã khá cao, chiếm 90%. Độ ẩm bình quân toàn vùng là 85%.
Về động vật qua điều tra nghiên cứu đã ghi nhận được 1.715 loài (chiếm 7% tổng số loài trong cả nước). Trong đó có nhiều loài thú quý hiếm như khỉ đuôi lợn, khỉ vàng, khỉ mặt đỏ, voọc ngũ sắc, vượn má đen trắng, culi, gấu ngựa, chó sói, báo gấm, beo lửa, chồn, sóc, dơi, hổ. Riêng chim nhiều nhất với 363 loài. Vườn có nhiều loại chim đặc hữu tiêu biểu ở Đông Dương như gà so, trĩ, sao, gà lôi… có 7/12 loài trĩ tại Việt Nam.
Các loài gà lôi lam mào trắng, Voọc chà vá chân nâu, sao la quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam có ở Bạch Mã (ảnh: Vườn Quốc gia Bạch Mã)
Ở đây thực vật và hệ nấm có 2.373 loài (chiếm gần 17% tổng số loài thực vật trong cả nước). Trong đó có nhiều loại thực vật qúy như cây kim giao làm đũa khử độc, tùng Bạch Mã dáng điệu cổ kính, phong lan nhiều màu sắc, đỗ quyên ra hoa sau Tết với màu hoa đỏ như máu, cẩm tú cầu, dương xỉ lớn, cây cù lần…
Nếu theo Sách Đỏ Việt Nam, VQG Bạch Mã có 69 loài động vật và 73 loài thực vật được liệt kê cần phải được bảo vệ như: voọc vá chân nâu, sói lửa, cầy mực, báo hoa mai, sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, gà lôi lam mào trắng, bồ câu nâu, trăn mốc, rắn ráo, rùa hộp trán vàng, rùa đầu to, cá chình hoa… pơ mu, trầm hương, gụ lau, gụ mật, kiền kiền, kim tuyến, bảy lá một hoa…
Phong lan, đỗ quyên và cẩm tú cầu (ảnh: Vườn Quốc gia Bạch Mã)
Theo hướng dẫn của VQG Bạch Mã, mùa du lịch thích hợp nhất tại đây là mùa khô khi nhiệt độ dưới đồng bằng lên cao gây nóng bức. Cách TP Huế 40km và cách TP Đà Nẵng chừng 70km, nằm phần lớn trên ranh giới huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là khu nghỉ mát lý tưởng bởi vẻ đẹp của rừng mưa á nhiệt đới và khí hậu mát mẻ từ 15-23 độ vào hè như ở Sapa, Đà Lạt và mang hương vị biển khơi như ở Nha Trang, Vũng Tàu.
Đến Bạch Mã "ngựa trắng" bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên đa dạng với nhiều loài kỳ hoa dị thảo, phong cảnh hùng vĩ, trữ tình với nhiều núi cao, thác lớn và hồ nước trong xanh, mát lạnh. Bạn được cắm trại, tắm suối, xem chim, đi bách bộ, thắp hương lễ Phật hay ngắm nhìn vẻ đẹp huyền bí của những khu biệt thự cổ. Ngoài ra, bạn sẽ được vui chơi giải trí trên không và khám phá nhiều đường mòn thiên nhiên kỳ ảo như đường mòn Trĩ Sao, Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài, Rừng Chò Đen, Công Viên Đá Hát, Đường mòn MIA, Địa đạo Bạch Mã… Ngoài ra còn có tour đặc sắc “Thế giới hoang dã về đêm” xem động vật hoang dã từ 20h đến 22h đêm và tour “Gọi chim trời” xem hót gọi chim vào buổi sáng.
Đường vào Vườn Quốc gia Bạch Mã
Những khúc đèo uốn lượn quanh co khá hiểm trở để lên Bạch Mã
Vượt qua nhiều cung đường đầy thử thách
Đường đến Ngũ Hồ gồm 5 hồ lớn nhỏ nối với nhau từ cao xuống thấp
Ngũ Hồ hiện ra trong những khung cảnh kỳ ảo, màu nước như pha lê và nước mát đến buốt lạnh
Trên đỉnh thác Đỗ Quyên cao 300 mét. Nhìn ra phía xa sẽ thấy đỉnh núi Mang ở xa nhất, cao nhất vùng với độ cao 1.712 mét so với mực nước biển
Chênh vênh trên đỉnh thác
Dòng nước trắng bạc ở thác Đỗ Quyên
Ngọn thác Đỗ Quyên hùng vĩ là nơi thử thách cho du khách đam mê cảm giác mạnh với 689 bậc cấp, cao 300 mét
Tiếp tục hành trình chinh phục Bạch Mã
Đường dẫn tới Biệt thự Đỗ Quyên
Biệt thự Phong Lan
Biệt thự Cẩm Tú từ tầng 2 nhìn ra dãy núi hùng vĩ
Những đường mòn quanh co
Khách sạn bỏ hoang Morin - Bạch Mã tạo cảm giác rợn người
Nhiều loài hoa khoe sắc
Thiếu nữ bên hoa
Nhiều cây dương xỉ cao lớn
Một cây lá đỏ đang khoe sắc giữa rừng xanh
Các rễ cây trong rừng có hình thù kỳ quái
Gốc thông to lớn người ôm không xuể
Đỉnh Bạch Mã km số 0
Tuyến đường dẫn lên Vọng Hải Đài, nơi cao nhất Bạch Mã
Du khách sẽ gặp Địa đạo Bạch Mã - Di tích lịch sử quốc gia. Nơi đây xưa kia vào năm 1973-1974, bộ đội Thừa Thiên Huế đã đào địa đạo để phòng thủ tại những cứ điểm trên cao ở Bạch Mã
Rùa đá đội bia trước Vọng Hải Đài với dòng chữ "Non thiêng Bạch Mã"
"Ngựa trắng" Bạch Mã đứng chầu nhìn về phía núi cao
Tầng trên cùng của Vọng Hải Đài
Nhiều ô cửa sổ nhìn về 12 phía
Các hình vẽ ký họa dáng núi sông biển từ mỗi ô cửa sổ nhìn ra sẽ thấy tương ứng với cảnh vật trước mắt
Non xanh ẩn nhiều lớp nhiều màu sắc trong buổi xế chiều
Cảnh đầm phá Cầu Hai và cửa Tư Dung xa xa nơi Huyền Trân Công Chúa từng dừng lại cầu nguyện đất mẹ trước khi theo đường biển qua Chiêm Thành làm vợ vua Chế Mân, đổi lại 2 châu Ô Lý (nay là Thừa Thiên Huế, một phần bắc Đà Nẵng và nam Quảng Trị)
Khung cảnh tuyệt đẹp nơi cao nhất Bạch Mã cho các bạn trẻ chụp hình
Phía trên chuông đồng cầu nguyện là đỉnh Bạch Mã cao nhất với độ cao 1.450 mét
Đốt lửa trại qua đêm
Gà nướng than bên bếp lửa hồng
Cảnh đầm phá Cầu Hai và khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô nhìn từ Bạch Mã xuống về đêm
Sau một đêm ngon giấc, sáng sớm thức dậy ngắm nhìn cảnh bình minh tươi đẹp
2 du khách khoan thai dạo bộ trong sương sớm Bạch Mã
"Lá phổi xanh" Bạch Mã với những trải nghiệm tuyệt diệu vẫn đang chờ bạn phía trước
Video:
Bài, video: Đại Dương
Ảnh: Đại Dương – Đỗ Hoàng
Từ Ngũ Hồ bạn men theo đường mòn để đến thác Đỗ Quyên, một địa điểm không thể bỏ sót khi khám phá Bạch Mã. Thời gian di chuyển nếu chậm thì tầm một giờ đồng hồ bạn đã đứng ở đỉnh thác. Thác cao tầm 300m có nước quanh năm, vào mùa nước đổ thác bung mình trắng xoá, mùa xuân còn có hoa Đỗ quyên nở khắp nơi đó cũng là lý do mà người ta đặt tên cho ngọn thác xinh đẹp này. Đến với khu rừng này bạn sẽ gặp nhiều cây cổ thụ hùng vĩ mọc tập trung gần nhau, có những cây có đường kính trên 1m và cao trên 30m. Nhiều cây nằm trong nhóm quý hiếm và được dán tên theo dõi đặc biệt. Vào mùa thu lá cây rụng vàng khắp lối đi trông lãng mạn và xinh đẹp không thua gì rừng châu Âu vào thu, một anh bạn ở Canada thấy ảnh tôi gởi đã thốt lên như vậy.
Lâm
Khám phá mùa thu Bạch Mã
Bạch Mã là nơi lý tưởng dành cho những ai đam mê trekking cũng như muốn tìm chốn bình yên, hòa mình với thiên nhiên.
Thời tiết mùa này thật dễ chịu, không khí mát mẻ trong lành, là thời điểm thích hợp để có một chuyến du ngoạn nho nhỏ nhằm vuốt ve cảm xúc và nuôi dưỡng tâm hồn lãng mạn sau những ngày dài mỏi mệt với công việc, cuộc sống.
Bạn sẽ không cần phải chuẩn bị nhiều hay là lên chương trình gì quá phức tạp, chỉ cần bạn đủ hứng khởi, đủ đam mê bộ môn trèo đèo lội suối là có thể lên đường.
Cách thành phố Đà Nẵng chưa đến một giờ đi ôtô hoặc xe máy là bạn đã chạm chân đến thiên đường Bạch Mã, trốn được cái nóng bức của cuối hè chớm thu và không khí ồn ào của phố xá. Điểm đầu tiên mà ai cũng háo hức chinh phục khi đặt chân đến nơi đây không nơi nào khác chính là Vọng Hải Đài. Từ điểm chân núi Bạch Mã lên Vọng Hải Đài chừng 45 phút chạy xe. Xe sẽ dừng dưới chân gần Vọng Hải Đài và bắt đầu đi bộ lên đỉnh núi. Vọng Hải Đài có độ cao 1.430m so với mực nước biển. Khi đã đặt chân lên đến đỉnh cao nhất của Bạch Mã này cảm giác như vỡ oà, giữa không gian bao la của núi rừng và biển cả bạn thấy mình thật nhỏ bé, cái cảm giác được hoà quyện với thiên nhiên không gì làm ta thích thú hơn. Đứng trên Vọng Hải Đài có thể nhìn được vịnh Lăng Cô, Hồ Truồi… Một lưu ý nho nhỏ bạn nên ghé Vọng Hải Đài vào lúc sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn sẽ cảm nhận được vẻ đẹp trọn vẹn hơn.
Khám phá Bạch Mã tất nhiên không thể không nhắc đến thác Đỗ Quyên, Ngũ hồ bởi chính nơi đây mới đưa bạn đến thật gần với Bạch Mã, sống và hít thở trong lòng Bạch Mã, cảm nhận Bạch Mã qua hơi thở của núi rừng, sông suối cùng cây cỏ muôn thú. Ngũ hồ là tập hợp gồm 5 hồ nước ở 5 điểm cao khác nhau. Nước ở hồ rất trong và lạnh bạn có thể tắm và ngâm mình trong làn nước lạnh tinh khiết này.
Chính vì quý hiếm như vậy nên khắp nơi cơ quan quản lý rừng quốc gia đã gắn tuyên truyền khắp nơi trên mỗi thân cây dọc đường: "Hãy để lại dấu chân và mang về những bức ảnh đẹp". Bạn là người ưa hưởng thụ và thích sự sang trọng theo tiêu chuẩn gắn sao thì rất tiếc Bạch Mã còn khá sơ sài về dịch vụ. Nơi đây không có resort sang chảnh hay khách sạn 5 sao, thậm chí vẫn chưa có điện lưới quốc gia mà chỉ là máy phát điện hoạt động từ 5pm. Một vài villa được tôn sửa từ thời Pháp thuộc sẽ là chốn ngủ thần tiên của bạn. Nếu gặp may bạn sẽ có một mùa thu giá lạnh trên đỉnh Bạch Mã này. Nhiệt độ có khi xuống chỉ còn vào độ và phải sử dụng máy sưởi. Trong cái lạnh co ro, Bạch Mã không có gì tuyệt bằng. Hãy tin tôi, bạn nên thử điều tuyệt vời đó. À còn nữa, đồ ăn ở đây rất ngon.
Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét