Hậu Lê là triều đại phong kiến tồn tại lâu nhất trong lịch sử nước ta. Thời kỳ này, ba vị vua lên ngôi rất tình cờ và có số phận ly kỳ.
Trong số các vua của nhà Hậu Lê kéo dài từ năm 1428 đến năm 1788, Lê Trang Tông, Lê Thần Tông và Lê Hiển Tông là ba người có số phận ly kỳ nhất. Cuộc đời của họ trước và sau khi làm vua từng trải qua những bước rẽ không ai có thể đoán định.
Từ ăn mày thành hoàng đế
Lê Trang Tông (1514-1548) là vua đầu tiên của nhà Lê Trung Hưng. Vị vua này được nhân dân "ưu ái" gọi là "chúa Chổm" - cái tên gợi lên sự nghèo hèn, nợ nần, túng thiếu.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lê Trang Tông tên thật là Lê Duy Ninh. Sau khi nhà Lê bị Mạc Đăng Dung cuớp ngôi, vua cha và nhiều tôn thất bị giết hại, Lê Duy Ninh may mắn thoát nạn nhờ được đại thần Lê Quán đưa đi trốn sang đấi Ai Lao (Lào ngày nay). Đến năm 1532, Lê Duy Ninh được cựu thần Nguyễn Kim đưa lên làm vua, khôi phục nhà Hậu Lê.
Ngày còn lưu lạc trong dân gian, Lê Duy Ninh còn có tên khác là Chổm, rất nghèo, phải đi vay nợ để sống qua ngày. Sau này, khi lên làm vua, chúa Chổm trở lại kinh thành Thăng Long, được kiệu qua làng cũ, nơi mẹ con ông từng lánh nạn.
Nhiều người vây quanh đòi nợ, vua không thể nhớ hết nên truyền miễn thuế một năm cho dân cả làng. Triều đình ra lệnh cấm người đòi nợ chỉ tay xúc phạm vua. Do đó, con đường nhỏ vua từng đi qua có tên Cấm Chỉ, tồn tại ở Hà Nội đến ngày nay.
Bất đắc dĩ phải làm vua
Lê Thần Tông (1607-1662) tên húy Lê Duy Kỳ, vị vua thứ 6 của thời Lê Trung Hưng.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, "vua thông minh, học rộng, mưu lược sâu, văn chương giỏi, đáng khen là bậc vua giỏi, tính trầm tĩnh, khoan dung phúc hậu, có đức của bậc đế vương". Năm 1619, Duy Kỳ được Trịnh Tùng lập làm vua khi mới 12 tuổi.
Sau 24 năm làm vua, đến tháng 10 năm Quý Mùi (năm 1643), ông nhường ngôi cho con trai Lê Duy Hựu (Lê Chân Tông), lên làm thái thượng hoàng.
Tưởng chừng cuộc đời làm vua của Lê Thần Tông sẽ khép lại êm đềm như thế, nhưng Lê Chân Tông ở ngôi chỉ được 7 năm thì đột ngột qua đời. Lúc đó không có người nối dõi, Trịnh Tráng lại đưa thái thượng hoàng Lê Duy Kỳ trở lại làm vua vào tháng 8.1649.
Lần này, ông làm vua đến tháng 9.1662 thì qua đời, hưởng thọ 56 tuổi, trị vì 37 năm. Như vậy, Lê Thần Tông là người đầu tiên và duy nhất trong sử Việt từ thái thượng hoàng trở lại làm vua.
Ngoài ra, Lê Thần Tông cũng là vua đầu tiên lấy vợ Tây (con gái phó toàn quyền Hà Lan tại Đài Loan, Trung Quốc). Đây cũng chính là bà hoàng người châu Âu duy nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Từ tù nhân thành hoàng đế
Lê Hiển Tông (1717-1786) là vua áp chót của nhà Hậu Lê, có tên húy Lê Duy Diêu, con trưởng vua Lê Thần Tông.
Khi đang là tù nhân, tưởng như bị giam cầm đến cuối đời, ông trở thành thiên tử "danh chính ngôn thuận" chỉ sau một đêm. Kỳ lạ hơn, việc lên ngôi bất ngờ của Lê Hiển Tông được cho là nhờ vào giấc mộng của người khác.
Theo sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí, năm 1738, con thứ 4 của vua Lê Dụ Tông là Lê Duy Mật làm chính biến để lật đổ họ Trịnh nhưng bất thành, bị truy sát phải bỏ trốn. Lê Duy Diêu bị Trịnh Giang bắt giam.
Trịnh Giang nhường ngôi cho Trịnh Doanh vào năm 1740. Khác với anh trai, Trịnh Doanh có chính sách ôn hòa. Ông chủ trương đối xử tốt với vua Lê để thu phục lòng người.
Lên nắm quyền, Trịnh Doanh chuyển hoàng tử Lê Duy Diêu đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận. Kỳ lạ là đêm trước đó, Vũ Tất Thận "mơ thấy thiên tử tới nhà, cờ quạt phấp phới, nhã nhạc vang lừng, rõ ra cảnh tượng của đời thái bình".
Sáng hôm sau, thấy quân lính giải hoàng tử đến nhà, ông ta rất kinh ngạc, cho là ứng vào giấc mộng của mình, bèn kể lại với chúa. Trịnh Doanh thấy vậy cho là người có phúc lớn bèn đón hoàng tử về tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Cảnh Hưng.
Nhờ vào giấc mơ của Vũ Tất Thận, hoàng tử Lê Duy Diêu trở thành vua của nhà Hậu Lê. Lê Hiển Tông trị vì suốt 46 năm, lâu nhất của triều đại này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét