Cánh đồng rộng hàng nghìn hecta, có mồ chôn tập thể gần 2.000 người, có thể ở hai bên Đường 3 tháng 2 và Điện Biên Phủ ngày nay.
Đồng Tập Trận (người Pháp gọi là Đồng Mả Mồ) khá nổi tiếng ở Sài Gòn thời xưa, là nơi luyện tập, diễu binh của quân đội nhà Nguyễn trong nhiều năm.
Cánh đồng đã biến mất từ lâu trong quá trình đô thị hóa, song theo các nhà nghiên cứu, nó có thể bắt đầu từ khu vực Ngã Sáu Công trường Dân Chủ, trải dài theo Đường 3 tháng 2 và đường Điện Biên Phủ, khu vực Ngã Bảy (nơi có đường Lý Thái Tổ chạy qua) cho đến tận khu Trường đua Phú Thọ. Đối chiếu với bản đồ, thì cánh đồng này thuộc địa bàn quận 10 (phần lớn) và quận 3 ngày nay.
Khu vực này còn được gọi là "Mô súng" vì có các mô đất cao đặt các khẩu súng đại bác để phục vụ công tác huấn luyện của quân đội nhà Nguyễn. Nó còn có tên gọi khác là Mả Ngụy (hay Mả Biền Tru) vì nơi đây có ngôi mộ chứa 1.831 xác người già trẻ, trai gái bị xử tử sau khi cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi bị quân đội nhà Nguyễn đánh dẹp vào tháng 7 năm Ất Mùi (1835).
Đồng Mả Mồ trên bản đồ Sài Gòn do người Pháp vẽ năm 1878, dân cư tập trung chủ yếu hai bên đường Impériale (nay là Hai Bà Trưng) về phía rạch Thị Nghè và từ đường Chasseloup Laubat (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) về hướng sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Ảnh tư liệu.
|
Sự biến Lê Văn Khôi với kết cục gần 2.000 người bị xử tử (trong khi dân số Sài Gòn lúc bấy giờ còn ít ỏi), chôn cùng một chỗ, đã gây kinh hãi cho người dân thành Gia Định suốt một thời gian dài.
Khu vực Đồng Tập Trận thường được nhắc lại như một vùng đất của oan hồn, không ai dám bén mảng, dần trở thành vùng rừng cây rậm rạp rộng lớn giữa trung tâm Gia Định. Theo nhà Nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, vị trí các "mô súng ở gần Mả Ngụy" tức ở khu vực Ngã Sáu (Công trường Dân Chủ) ngày nay.
Trong thời Pháp thuộc, sau khi đến Sài Gòn, Raoul Postel đã mô tả lại cánh Đồng Mả Mồ trong tác phẩm L’extrême-Orient, Cochinchine, Annam Tonkin như sau: "Chẳng có ai đến Sài Gòn chỉ trong một ngày mà lại không nghe nói đến ít nhất về cái nghĩa địa bao la được gọi dưới cái tên là Đồng Mả Mồ.
Đồng này trải dài bên phải của con đường chiến lược (rue strategique, nay là Đường 3 tháng 2), từ Sài Gòn đến Chợ Lớn và bị cắt ngang qua đoạn giữa của nó bởi đường Thuận Kiều (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám), trong chiều ngược lại các chiến tuyến Kỳ Hòa (Chí Hòa), như thể tạo thành một diện tích rộng nhiều dặm vuông.
Những tháp trụ nhỏ góc vuông hay lục giác, những ngôi chùa thu nhỏ với cửa hình vòng cung và rồng bằng đá, những núm đất có bốn góc, một vùng đất khô cằn, bụi bặm, chỉ lỏng khỏng và họa hoằn vài chòm cây cằn cỗi, đó là bộ mặt của cánh đồng nổi tiếng này".
Một phần nhỏ Đồng Tập Trận do người Pháp chụp. Ảnh tư liệu.
|
Về lễ xuất binh, học giả Vương Hồng Sển trong quyển Sài Gòn năm xưa viết: Cứ ngày mồng sáu tháng Giêng, Tả quân Lê Văn Duyệt làm lễ xuất binh (muốn gọi ra binh, hành binh đều được). Dịp này, người ta ra lệnh đòi hết các cơ binh đóng ở Lục Tỉnh về để Người (Tả quân) duyệt nơi Đồng Tập trận cũng gọi Mô Súng sau này mới gọi là Mả Ngụy.
Lễ này diễn ra để thị oai với các nước lân bang (Cao Miên, Xiêm La…) vừa để võ an dân tâm, vì thuở ấy dân tình chất phác vẫn tin tưởng quỷ thần và hiểu rằng đầu năm có diễn oai lực binh quân làm vậy thì trong xứ suốt năm dân sẽ được bình an vô bịnh, bởi tà ma quỷ mỵ đều khiếp sợ oai võ của Tả quân.
Ngày mồng sáu tháng Giêng, Tả quân tắm gội trai kỳ, ngồi kiệu đến Hành cung làm lễ chúc thọ vua (Chúa Nguyễn Ánh - Gia Long đóng đô ở Sài Gòn trong hơn 20 năm) rồi phát ba tiếng súng tiền hô hậu ủng, lên kiệu thẳng Đồng Tập Trận, khi binh gia rầm rộ kéo ra do ngả Gia Định môn, khi khác lại do cửa Phan Yên, từ đó xuống ngả Chợ Vải (tên xưa của xóm Chợ cũ Sài Gòn ngày nay) để trở lại đường Cửa Hữu (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), và trực chỉ lên Mô Súng.
Tả quân Lê Văn Duyệt - người chủ trì lễ xuất binh ở Đồng Tập Trận. Ảnh tư liệu.
|
Tại đây, người ta bắn súng đại pháo, duyệt binh, con voi tập trận. Sau đó ông Lớn Thượng (tên kính trọng của dân Nam tặng Đức Tả quân) đi vòng ra phía sau thành tới cơ Xưởng thủy để xem một trận chiến giả, rồi trở về thành. Trong suốt cuộc rước binh đó, dân chúng gây tiếng động trong nhà, như đốt pháo xua đuổi tà thần có thể ếm hại gia đình...
Thuở ấy, quân lịnh của Tả quân rất nghiêm. Mỗi khi hành quân thì những người có tang khó, nhứt là người đàn bà bụng mang dạ chửa, đều phải lánh xa. Đi trước đám quân sĩ, có lịnh nạt đường và quân cầm đồ nghi trượng: hai thanh mác trường, hai ngọn cờ tiết mao, hai trái dùi đồng, hai phủ việt (búa hoặc rìu), hai cái biển, một khắc chữ Tĩnh Túc (im lặng cung kính), một đề Hồi Tỵ (tránh đi) để cho thần dân biết trước mà đề phòng tránh mặt và sửa soạn chuẩn bị lễ rước cho oai nghi.
Học giả Trương Vĩnh Ký trong bài Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cậnđánh giá cuộc thao diễn của quân đội nhà Nguyễn được quan niệm dưới hai khía cạnh vừa chính trị vừa tôn giáo, đúng hơn là mê tín. Cuộc thao diễn có mục đích khoa trương lực lượng sẵn sàng đàn áp mọi cuộc gây rối, đồng thời để xua đuổi ma quỷ xấu xa.
Trung Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét