Cùng với công lao của các lưu dân người Việt buổi đầu mở cõi, một số nhân vật lịch sử đầu triều Nguyễn bằng trí tuệ sâu sắc cùng tài dũng lược quân sự đã dẹp nội loạn, chống ngoại bang xâm lấn, bảo vệ nơi phên giậu và vùng đất mới, đào kênh khai rạch mang lại nhiều lợi ích cho đất nước và nhân dân. “Hùng dũng tướng” Nguyễn Công Nhàn là một điển hình về vấn đề trên. Quốc sử đã vinh danh ông, bậc trí dũng song toàn triều Nguyễn.
1. Vài nét về tiểu sử Nguyễn Công Nhàn
Tài liệu ghi chép về Nguyễn Công Nhàn rất ít, [1] trong số ít ỏi có đề cập đến cũng không ghi năm sinh, năm mất của ông, [2] chỉ biết ông là người ở Biên Hòa, không rõ làng vì như Liệt truyện chép: “(nơi ấy đã làm nhượng địa, không tra xét được)”. [3]Nhượng địa ở đây chỉ phần đất nhà Nguyễn đã cắt nhường cho thực dân Pháp theo Hiệp ước Nhâm Tuất ngày 5-6-1862. Theo đó, triều đình Huế nhượng hẳn cho Pháp ba tỉnh miền Đông Nam kỳ (Gia Định, Định Tường, Biên Hòa), đảo Côn Lôn cùng nhiều khoản khác. Như vậy, từ năm 1862, Biên Hòa đã thuộc quyền tổ chức cai trị của thực dân Pháp. [4]
Là con quan Khâm sai Chánh quản Đồ gia Bắc thành, từ nhỏ Nguyễn Công Nhàn đã có năng khiếu võ nghệ nên được vào trường Anh Danh, trường đào tạo võ quan chuyên nghiệp, lập dưới thời Minh Mạng cho con em các quan ở kinh đô Huế. Sau khi ra trường, với trí dũng song toàn, ông đã đóng góp nhiều công lao to lớn: Đập tan những cuộc bạo loạn của các tộc người thiểu số ở Tây Nguyên, các cuộc xâm lấn biên giới Tây Nam và Trấn Tây thành (Chân Lạp) của quân Miên, Xiêm. Không chỉ giỏi về quân sự, ông còn là người có tầm nhìn chiến lược về kinh tế thông qua chủ xướng việc đào kinh Vĩnh An Hà ở An Giang đem lại nhiều lợi ích cho cư dân ở buổi đầu vương triều. Xả thân thờ vua giúp nước trải ba triều: Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1848-1883), ông nhiều lần được khen thưởng và sắc phong các chức vụ quan trọng. (Trình bày ở phần sau)
Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ nhất. Sau thất bại ở Đà Nẵng, Pháp chuyển quân vào đánh Gia Định (năm 1859), Nguyễn Công Nhàn được bổ làm Đề đốc quân vụ hiệp cùng Nguyễn Tri Phương chống giặc. Đến tháng 7-1859, sau khi thành Gia Định bị Pháp chiếm, ông được cử làm Hộ lý Tây đô An Giang.
Năm 1861, Pháp đánh Định Tường. Lúc bấy giờ ông giữ chức Tổng đốc, đã tổ chức quân binh chống trả. Tháng 12 cùng năm, quân Pháp tấn công Biên Hòa, ông được sung làm Đốc binh theo Nguyễn Tri Phương đánh giặc. Đến khi Pháp chiếm Nam kỳ lục tỉnh, triều đình Huế lần lượt ký các hiệp ước cắt nhường đất đai cho chúng và ra lệnh giải tán các lực lượng kháng chiến ở đây, đồng thời cử các thủ lĩnh nghĩa quân đi trấn nhậm nơi khác theo yêu cầu của Pháp. Tháng Giêng năm 1862, vua đổi Đốc binh Nguyễn Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh Yên. Ông không tuân lệnh triều đình, ở lại tiếp tục chiêu tập nghĩa dõng chống Pháp [5] và lui về cố thủ tại vùng Đồng Tháp Mười – Tiền Giang. Sau đó, do lực lượng suy yếu nên ông rút toàn bộ nghĩa quân về Long Hưng (Nước Xoáy) tiếp tục chiến đấu rồi qua đời ở đây. Mộ phần của ông hiện ở ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.
2. Nguyễn Công Nhàn, bậc trí dũng song toàn triều Nguyễn[6]
Về trí, mặc dù xuất thân là con nhà võ với năng khiếu bẩm sinh từ thuở ấu thời nhưng ở Nguyễn Công Nhàn mưu kế khéo léo, trí tuệ hiểu biết thể hiện xuất sắc qua nhiều sự kiện được quốc sử ghi chép:
Theo Liệt truyện:
“Năm thứ 2 [Thiệu Trị – ĐKT], mùa xuân, giặc Xiêm đem quân xuống Hà Âm nói phao là có 20.000 người kết liền đồn lũy ở một dải Tràng Giang, để chống cự quan quân. Bấy giờ Công Nhàn đóng quân ở Vĩnh Tế, cùng Điển [Nguyễn Văn Điển – ĐKT] bàn nghĩ kế đánh phá giặc Xiêm. Sách [Đoàn Văn Sách – ĐKT] cho là quân chúng nhiều, quân ta ít, nếu tiến đánh cùng một lúc, thì không khỏi chia quân. Nếu địch có quân viện, thì thế khó tiếp ứng.” [7]
Lúc bấy giờ, Nguyễn Công Nhàn đương giữ chức Thự Đô đốc An Giang, với vai trò chỉ huy đội quan quân triều đình ở đây. Sau khi nắm rõ hư binh của giặc (nói phao là có 20.000 người kết liền đồn lũy …), hội bàn kế sách cùng các tướng, ông quyết định:
“đem toán quân lẻ đánh vào trung đoàn của giặc, rồi chia giao các tướng hợp sức vây đánh; quân các đạo gắng sức tranh lên trước, giặc bèn tan vỡ, quân ta chém và bắn chết số giặc được nhiều, thu được khí giới vô kể. Tin thắng trận dâng lên, vua khen bảo rằng: Nhàn lấy quân 1 đạo mà đánh phá ba đồn sở của giặc, đã đánh là được, trí nghĩ vẹn toàn.” [8]
“Đã đánh là được, trí nghĩ vẹn toàn” lời ban khen của vua Thiệu Trị đối với Nguyễn Công Nhàn được quốc sử trân trọng ghi chép đã thể hiện ông là một bậc túc trí. Và sau chiến công này, vua cho phép các tấu chương, tờ từ được ghi “Hùng dũng tướng” lên trên họ tên của ông.
Cũng theo Liệt truyện, năm Thiệu Trị thứ 3, vua hỏi về việc quân Xiêm quấy rối ở Trấn Tây [9] nên đánh dẹp hay phủ dụ? Hùng dũng tướng cùng Nguyễn Công Trứ tâu rằng:
“… quân Xiêm hiện ở thành không bằng 1 phần 10 khi trước. Nếu đem đại binh đánh thẳng vào, thì cơ hội có thể làm được. Nhưng đánh thì không khó mà giữ được là khó. Đợi tháng 7 này, mưa lụt đường bộ không thông, ta cho quân thủy vây đánh. Đến bấy giờ chúng thế khuất, lực cùng; nhân thế mà thiên dụ bọn chúng, mới có cơ hội mà thôi. Huống chi, Miên, Lạp chán nước Xiêm tàn ngược, mộ nước ta khoan dung, thì sớm muộn chúng cũng cắn lại nhau. Ta nhân thể mà thừa cơ thì phủ Hải Đông, Hải Tây có thể lần lượt thu phục được vậy. Vua cho là phải.” [10]
Nghệ thuật quân sự xưa từng chỉ rõ: Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Qua sử liệu trên cho thấy, ông không chỉ nắm rõ thực lực của giặc mà còn rất am hiểu về “thiên thời, địa lợi” và đặc biệt, tài trí tuyệt vời của Hùng dũng tướng còn biểu hiện qua việc biết khai thác mâu thuẫn của Miên, Lạp đối với Xiêm, qua đó bảo vệ vững chắc vùng phên giậu và chủ quyền biên giới Tây Nam của đất nước. Tài trí ấy trong bối cảnh lúc bấy giờ thiết nghĩ không có kế sách nào hay hơn. Vì vậy, sử triều Nguyễn đã chép sự đồng thuận của vua Thiệu Trị như trên đã dẫn.
Tài trí của Hùng dũng tướng Nguyễn Công Nhàn không chỉ được lưu danh ở triều Thiệu Trị mà còn tiếp tục dưới thời vua Tự Đức. Cụ thể như sau: “Năm Tự Đức thứ 6, Nhàn vào chầu, vua hỏi về mưu kế làm cho người xa phải phục, biên giới được yên và yếu chốt về ngày thường dùng binh. Nhàn tâu đối đủ cả. Vua khen là thực, cho Nhàn đi cung chức.” [11]
Xét đoạn chép ở quốc sử nêu trên cho thấy, các vấn đề vua Tự Đức đặt ra cho Nguyễn Công Nhàn đều là việc “quốc gia đại sự”: “Người xa phải phục”, “người xa” ở đây phải chăng chỉ các vùng biên ải hay xứ bảo hộ, thậm chí các nước ngoài. Nước Đại Nam của nhà Nguyễn vào thời điểm kết thúc độc lập năm 1883 – 1884, lãnh thổ chính bị chia thành 3 xứ: Nam Kỳ thuộc địa (Cochinchina), Trung Kỳ (Annam), Bắc Kỳ (Tonkin) thuộc Pháp. Lãnh thổ cực đại của nhà Nguyễn thời độc lập tương đương với 3 xứ này và những vùng hay vương quốc mà nhà Nguyễn từng sáp nhập ở xung quanh: Trấn Ninh, Tây Nguyên (Pays de Mois), và Trấn Tây (Cambodge 1834-1840). [12] “Người xa phải phục” chỉ việc thu phục Trấn Ninh, Tây Nguyên và Trấn Tây. Mở rộng ra là chính sách ngoại giao đối với phương Tây mà trực tiếp lúc bấy giờ là nước Pháp; Chính sách phòng thủ biên giới (“biên giới được yên”); Các điểm mấu chốt quan trọng thường ngày về quân sự (“yếu chốt về ngày thường dùng binh”). Các vấn đề không tách rời riêng biệt mà luôn có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Bởi lẽ, “người xa” chỉ thần phục khi trong nước quân phải mạnh, biên giới phải vững chắc và ngược lại binh mạnh, nước hùng lân bang, thuộc quốc sẽ kiêng nể.
Nếu mưu kế, tài khéo về quân sự như trên đã nêu phản ánh một khía cạnh về trí ở Nguyễn Công Nhàn thì việc chủ xướng đào kênh Vĩnh An Hà (An Giang) mang lại nhiều giá trị quân sự, kinh tế là biểu hiện khác về phẩm chất này ở ông. Nhà sưu khảo Nguyễn Văn Kiềm trong tác phẩm Tân Châu (1870 – 1964) cho biết lịch sử con kênh này như sau:
“Đúng theo cổ-sử thì kinh này gọi là “sông Tân-châu” (Tân-châu hà), nằm bên cạnh huyện trị Đông-xuyên, tức cũng khởi con kinh tại thôn Long-sơn, chỗ quận-lỵ Tân-châu bây giờ. Đường sông (hay kinh) thông từ Tân-châu Bảo (Trước là Tân-châu đạo – sau đổi ra Tân-châu bảo) ở Tiền- giang đến Châu-giang thủ (phía trên xóm Châu giang hiện nay) ở Hậu-giang. Dài hơn 550 trượng, trên miệng rộng 6 trượng, dưới đáy rộng 3 trượng, sâu 9 thước (thước cổ). Khởi đào vào năm Thiệu-Trị thứ 3 (1843) và hoàn tất vào năm Thiệu-Trị thứ 5 (1845). Kinh này còn có tên là Long-an hà, Vĩnh-An-Hà và sau cùng đổi ra Tân-châu hà dưới đời Tự-Đức. […]
Kinh Vĩnh-An nối liền Tiền-giang với Hậu-giang – từ Tân-châu qua Châu-đốc (qua đò Châu-giang) dài 17cs. Rộng từ 15 đến 17 th. Đào theo chương-trình của Tuần-phủ Vĩnh-Long là ông Nguyễn-tri-Phương và Đốc-Bộ Châu-đốc là ông Nguyễn-công-Nhàn.
Để tỏ lòng tri ân nồng-hậu hai vị công-thần trên đây, nhà cầm quyền Tân-châu ghi tên ông Nguyễn-tri-Phương bên đường tả-ngạn kinh Vĩnh-an. Còn ông Nguyễn-công-Nhàn thì ghi tên đường bên hữu-ngạn kinh này.” [13]
Về giá trị quân sự và kinh tế của kênh Vĩnh An Hà, cũng theo Nguyễn Văn Kiềm cho biết:
“Chắc hẳn, xưa triều-đình ta cho đào con kinh này với hai mục-đích:
A) VỀ MẶT QUÂN SỰ: Kinh Vĩnh-An nối liền với kinh Vĩnh-tế nhờ sông Hậu-giang (hai kinh này cách nhau độ một cs). Trong khi cần độ binh từ mặt Tiền-giang qua Hà-tiên để phòng-thủ biên-cương, hoặc tấn-công Miên quốc (Cam-bốt) và Xiêm-quốc (Thái-lan) rất mau chóng (theo thời đó); vì kinh Vĩnh-an ăn thông ra vịnh Xiêm-La.
B) VỀ MẶT KINH TẾ: Khai-thác vùng đất hoang-vu hai bên bờ kinh được trở nên phì-nhiêu nhờ đất phù-sa sông Cửu hằng năm bồi đắp, ngõ hầu giúp dân mở mang nông nghiệp.” [14]
Nhà Nam bộ học Sơn Nam trong biên khảo Lịch sử đất An Giang mô tả việc đào kinh này:
“Con kinh Vĩnh An, nối sông Hậu qua sông Tiền (Tân Châu), đào năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), dùng dân phu từ Vĩnh Long đến, hiệp với An Giang, đào 2 đợt, mặc dầu rất ngắn, qua vùng đất không hiểm trở. Một tư liệu cho biết từ Bến Tre (bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long), dân phu chia làm 8 đội, mỗi đội 50 người đến hiện trường, có phó tổng hoặc hương chức địa phương đi theo kiểm soát, cứ 15 ngày nghỉ một phiên. Họ đến trước để cất lán trại, mỗi đội mang 10 cái mai đào đất, thêm phảng phát cỏ, rìu đốn cây, gàu múc nước (để tát khúc kinh vừa đào, vì đất thấp), thêm gióng, gánh, ky, mỗi thứ 30 chiếc, và dây bằng tre chẻ, đánh lại. Tháng tư năm sau (1844), kinh đào xong, đặt tên Long An Hà (do công sức dân Vĩnh Long, An Giang), sau đổi là Tân Châu Hà (ăn đến chợ Tân Châu) còn gọi Vĩnh An Hà (ở địa phận huyện Vĩnh An của tỉnh An Giang).
Kinh này đào gấp, lúc chiến sự giữa ta và Xiêm đang hồi căng thẳng, nhằm đưa chiến thuyền từ sông Tiền qua sông Hậu, hoặc ngược lại, nhanh chóng hơn.” [15]
Khảo đoạn dẫn trên của Sơn Nam, đối chiếu với Nguyễn Văn Kiềm, tuy có sai biệt về năm hoàn thành nhưng cho thấy việc đào kinh Vĩnh An Hà do Nguyễn Công Nhàn chủ xướng được tổ chức rất cụ thể, mang lại giá trị rất lớn như trên đã nêu. Điều này thể hiện một góc nhìn khác về trí ở ông.
Như vậy, qua các việc: lấy ít địch nhiều; nắm bắt “thiên thời, địa lợi” khai thác mâu thuẫn của đối phương; giúp kế sách giữ yên biên giới, phòng thủ đất nước cùng với chủ trương đào kênh phục vụ quốc phòng, kinh tế đã chứng tỏ Nguyễn Công Nhàn là bậc tài trí. Một trong hai phẩm chất góp phần tạo nên “Hùng dũng tướng” ở ông.
Về dũng, chiến công đầu tiên của Nguyễn Công Nhàn được quốc sử ghi:
“Năm Minh Mạng thứ 19, làm Phó Vệ úy vệ Khánh Hòa, sung đi đóng thú ở Tiền Giang. Gặp bọn giặc man ở Khai Biên là lũ tên Châu làm phản dẫn bọn lũ trốn ở núi Dao bốc. Công Nhàn cùng Phó Lãnh binh là Nguyễn Tiến Phúc đánh đuổi đến núi La Ngốc, bắt sống được bè lũ giặc Sô Mịch hơn 10 tên phạm và săn bắt được hơn 400 tên vừa trai, vừa gái, già, trẻ. Quan thành ấy là Minh Giang đem việc tâu lên. Vua thưởng cho Công Nhàn kỉ lục quân công và ngân tiền phi long hạng lớn; rồi thăng Vệ úy, nhưng vẫn cai quản vệ binh lưu đóng thú ở đấy.” [16]
Tra cứu Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thấy chép các quy định về việc đúc tiền như sau: Minh Mạng năm đầu, đặt cục “Bảo hóa kinh cục” ở Kinh đô, tức cục đúc tiền ở Kinh. Lại có chỉ cho đúc tiền đồng và tiền kẽm “Minh Mạng thông bảo”. Năm thứ 18, vua ban dụ:
“tiền đồng lớn mừng hiệu, trước đã đúc nhưng vẫn không nhiều. Vậy cho 2 bộ hộ và công, cùng Đô sát, thị vệ, mỗi nơi phái một người thuộc viên hội đồng với viên đốc công, cứ Vũ khố lấy ra đồng thiếc kẽm hạng tốt theo phép phối hợp nấu lên mà đúc tiền, vẫn cho theo các thức và chữ hiệu năm trước đúc 100.000 đồng tiền.” [17]
“Đồng tiền lớn mừng hiệu” có nhiều loại, trong đó có Phi long ngân tiền hạng lớn. Theo Nguyễn Thế Anh cho biết: “Phi long kim tiền hạng lớn, mỗi đồng nặng trên dưới 7 đồng cân, trị giá 60 quan.” [18] Thời Thiệu Trị nguyên niên, “định giá vàng gấp 17 lần giá bạc và mỗi lượng bạc giá là 2 quan 8 tiền”[19] Như vậy, ngân tiền phi long hạng lớn mà vua Minh Mạng ban thưởng cho Nguyễn Công Nhàn trị giá gần 30 lượng bạc. Với giá trị tiền thưởng cùng kỉ lục quân công như đã nêu cho thấy công trận của ông không phải nhỏ.
Vũ công thứ hai của ông là đập tan cuộc xâm lấn của quân Xiêm. Liệt truyện chép việc này:
“[Minh Mạng – ĐKT] Năm thứ 20, mùa đông, Công Nhàn làm Phó Lãnh binh ở Trấn Tây; chợt có giặc Xiêm họp bọn đến sát Chi Trinh, Công Nhàn nhân ban đêm tuyển hơn 100 quân tinh mạnh đánh ập vào giặc, chém được thủ cấp, cắt lấy tai và đâm chết 10 đứa. Giặc bèn đem thêm quân đóng trại vây chặt. Nhàn ở trong đồn, quan quân gần hơn 200 người, hết sức chống giữ, đào hố để tránh súng của giặc. Qua 24 ngày, trông thấy Lãnh binh Đoàn Văn Sách đem quân đến tiếp viện. Nhàn mới mở cửa đồn ra phía trước, phía sau đánh ập lại, giặc cả tan vỡ, chém được 5 thủ cấp, cắt lấy tai, đốt hết trại, sách, rồi đem quân về Sa Tôn đắp thêm đồn lũy, làm kế chống giữ, và đem việc tâu lên, vua khen ngợi.” [20]
Sau đó để phục thù, quân Xiêm bao vây Sa Tôn. Lãnh binh Đoàn Văn Sách phá trận rồi sai tướng Hoàng Văn Quang triệt hạ đồn giặc và đắp thêm đồn lũy tăng cường phòng thủ. Do bất cẩn, Quang thấy giặc mai phục nên đem quân đánh, bị lọt vào trận đồ của chúng. Lãnh binh Sách nghe tin, cùng em là Đoàn Văn Lộc ứng cứu, nhưng do giặc vây chặt xung quanh nên Quang, Lộc tử trận, còn Sách cũng bị trọng thương. Lúc đó, “Công Nhàn trông thấy, sấn lại cố sức đánh giặc mới lui. Nhàn bèn đỡ Sách đưa về đồn, và đem sự trạng tâu lên. Vua dụ rằng: Công Nhàn lấy cô quân giữ đồn lâu mãi, giặc không dám phạm. Đến sau lúc giải vây, Sách gặp phục kích bị thương, Nhàn dấn thân giết giặc cứu Sách, đáng khen là dũng tướng…” [21]
Xét lời vua dụ: “lấy cô quân giữ đồn lâu mãi, giặc không dám phạm”, “dấn thân giết giặc” cho thấy Nguyễn Công Nhàn thật xứng đáng với ân thưởng vua ban “đáng khen là dũng tướng” và cũng là một biểu hiện về dũng ở ông.
Trong các công thần buổi đầu triều Nguyễn, Nguyễn Công Nhàn được đặc ân ban tặng “Hùng dũng tướng”. Sự kiện này gắn liền với chiến công thứ ba của ông, được phản ánh qua sử liệu:
“[Minh Mạng – ĐKT] năm thứ 21, được bổ Lãnh binh Trấn Tây. Sau vì bọn giặc ở Sa Tôn, thế rất hung hăng, bèn chia đường tiến đánh. Công Nhàn đem 700 quân ở đồn làm tiền khu, từ Mi Súc đến Tà Sà, đánh liền mấy ngày, phá được hơn 10 đồn, chém đầu giặc, bắt sống giặc, thu hoạch súng ống vô kể. Khi đến Chi Trinh, có một bọn ước vài nghìn tên ẩn phục bên kia sông. Quân ta đuổi theo, chém được 5 thủ cấp, cắt lấy tai, giặc bèn chạy trốn. Nhàn đem quân về Sa Tôn và việc thắng trận tâu lên. Vua bảo rằng: Công Nhàn trước đây, giữ vững Sa Tôn, giặc không dám làm gì; lại biết nhân lúc giặc sơ hở, đánh giặc cứu được Đoàn Văn Sách ra, hùng dũng ấy, đáng khen, đặc cách cho Nhàn tấm bài vàng có chữ “Hùng dũng tướng” để đeo.” [22]
Năm trước, ông được vua ban “đáng khen là dũng tướng”. Năm sau, lời khen đã được “đặc cách” bằng tấm bài vàng mang mỹ tự “Hùng dũng tướng” và gắn liền đến suốt cuộc đời ông. Đó là sự ghi nhận công lao xả thân giúp nước và cũng là một minh chứng cho phẩm chất gan dạ, can đảm không biết sợ hãi. Tức nội hàm của bậc uy dũng vậy.
Không chỉ có công chống quân Xiêm xâm lấn, “Hùng dũng tướng” còn được quốc sử vinh danh trong việc bình man ở Ba Xuyên. Theo Liệt truyện, tháng 10 năm Thiệu Trị thứ nhất,
“giặc thổ phỉ ở Ba Xuyên lại nổi lên, Tiến Lâm cùng Nguyễn Tri Phương từ Lạc Hóa dời quân đi đánh; thừa thắng tiến đánh Trà Tâm, Sóc Chăn, giặc trông thấy bóng là chạy trốn; sau lại chạy về Súc Sâm tựa chỗ hiểm để cự quân ta. Tiến Lâm đánh phía tả, Nguyễn Công Nhàn đánh phía hữu, Nguyễn Tri Phương đánh phía giữa, Nguyễn Lương Nhàn chẹn phía sau. Bọn giặc hơn 2 000 người giữ lũy để đánh. Tiến Lâm đốc bọn Lãnh binh, Quản suất đương trận đánh thực dữ, giặc tan vỡ…” [23]
Sau khi thắng trận, ông được thăng Thự Đô đốc An Giang. Đến năm sau, ông cùng Nguyễn Văn Điển phá được giặc Xiêm ở Hà Âm (đã nêu ở trên), vua bổ làm Đô đốc An Giang, lại ban dụ:
“viên đề thần ấy [tức Nguyễn Công Nhàn – ĐKT] vâng mệnh giữ đường sông Vĩnh Tế, hầu hơn 1 tháng, vỗ về rèn tập quân lính, có sức mạnh lại biết lễ phép. Nay biết thời cơ trước, đánh phải lấy được, mạo hiểm phá giặc khiến cho giặc không dám trông thẳng vào nữa. Một trận mà lập kỳ công, huân danh càng tỏ.”[24]
Cũng năm này, ông cùng các tướng Lê Văn Đức, Tôn Thất Bạch đánh chiếm các đồn giặc ở Sâm Phủ, Bàn Li, Sách Sô nên được vua thăng Tổng đốc An Hà cùng đặc ân cho phép ghi “Hùng dũng tướng” trên các tấu chương, tờ từ (đã trình bày ở trên). Như vậy, chiến công thứ tư của Nguyễn Công Nhàn gắn liền với việc bình man (thổ phỉ ở Ba Xuyên) công man (đánh quân Xiêm). Những cứ liệu trên là cơ sở xác tín cho phẩm chất dũng lược ở ông.
Uy dũng của Nguyễn Công Nhàn còn được các sử quan triều Nguyễn trân trọng ghi chép qua nhiều sự việc: Niên hiệu Thiệu Trị thứ 4, vì có công bình loạn ác man nên được ân giảm tội và khôi phục chức Hiệp quản. Năm Thiệu Trị thứ 5 được bổ Phó Lãnh binh phủ Tây Ninh. Thiệu Trị năm thứ 7, triều đình xét định công đánh giặc ở Trấn Tây, Nguyễn Công Nhàn được vua bổ Lãnh binh Bình Định, tước Tri Thắng Nam, cho khắc tên vào cổ súng đồng Thần Uy phục viễn. [25]
Sang niên hiệu Tự Đức, năm thứ 9, ông được thăng Chưởng vệ, lĩnh Đề đốc. Tháng 11 cùng năm, đổi làm Tuần phủ Hà Tiên kiêm Bố chính sứ. Năm Tự Đức thứ 12, quân Pháp đánh Gia Định, ông được bổ làm Đề đốc quân vụ, hiệp cùng quan quân triều đinh chống giặc. Đến tháng 7, được cử làm Hộ lý Tây đô An Giang. Hai năm sau, đổi làm Tổng đốc Định Tường. Khi quân Pháp đánh Biên Hòa, ông được cử làm Đốc binh theo Nguyễn Tri Phương chống giặc. [26]
Sau khi Nam kỳ lục tỉnh rơi vào tay giặc Pháp, cũng như các thủ lĩnh nghĩa quân Trương Định, Võ Duy Dương, … ông không theo lệnh triều đình đi trấn nhậm nơi khác, tự tổ chức lực lượng kháng chiến ở vùng Đồng Tháp Mười – Tiền Giang. Sau cùng do binh cùng lực kiệt, ông qua đời tại Long Hưng – Nước Xoáy (thuộc huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). [27] Nhân dân trong vùng thương tiếc chung lo đắp cho ông nấm mồ đơn sơ để tránh sự trả thù của giặc và bảo vệ thông tin về ông. Vì vậy, các sử quan triều Nguyễn đã chép: “Rồi sau 6 tỉnh không giữ được, không biết Công Nhàn về sau thế nào.” [28]
Qua các chiến công: Bình man ở Khai Biên; công Xiêm ở Chi Trinh, “dấn thân cứu Sách”; tấn công, tiêu diệt giặc từ Mi Súc, Tà Sà đến Chi Trinh giữ vững Sa Tôn; bình man ở Ba Xuyên, phá Xiêm ở Hà Âm, đánh chiếm Sâm Phủ, Bàn Li, Sách Sô với nhiều lần khen thưởng của triều đình mà đỉnh cao là chức “Hùng dũng tướng” tước Tri Thắng Nam là những biểu hiện phẩm chất uy dũng của Nguyễn Công Nhàn.
Con người là một thực thể xã hội, như các thực thể khác cũng bao hàm hai mặt đối lập trong thống nhất, nghĩa là có tích cực và hạn chế. Nếu Nguyễn Công Nhàn qua các cứ liệu đã dẫn ở trên cho thấy ông là bậc trí dũng song toàn thì cũng có một chi tiết được ghi trong quốc sử không khỏi bị hậu thế chê bai. Liệt truyện cho biết về việc này:
“Năm thứ 4, [Thiệu Trị – ĐKT] Nhàn vì việc lấy tiền hối lộ, việc phát ra (người An Giang là Đào Văn Quận đơn kiện) nên bị giáng 4 cấp lưu lại. Rồi Nhàn cùng Nguyễn Công Trứ không ưa nhau, vu tấu Công Trứ phái riêng người đi đặt phá mua sừng tê và đậu khấu các hạng. Vua sai Tham tri Trần Ngọc Dao đi tra xét hết tình trạng là Công Nhàn vu tấu hại người. Án xử Công Nhàn phải tội phạt trượng đem đi lưu. Vua cho là Công Nhàn có công, gia ân lượng giảm làm tội cách chức hiệu lực, phái theo dưới quyền chỉ huy của Tôn Thất Bật. Sau vì đánh bình loạn ác Man có công nên được khai phục Hiệp quản.” [29]
Qua sử liệu trên rõ ràng tội nhận hối lộ, lại còn “vu tấu” Công Trứ. Việc này dù biện minh dưới góc độ nào thì hành xử trên của ông cũng đáng chê trách. Tuy vậy, nhìn chung ông vẫn được đương thời và hậu thế đánh giá cao về tư cách đạo đức và sự nghiệp phò vua giúp nước.
3. Thay lời kết
Vùng đất sen hồng đã từng là nơi lựa chọn của các bậc trí dũng từ buổi đầu mở đất đến khi tiếng súng chống Pháp xâm lược rền vang khắp Nam kỳ lục tỉnh. Trong đó nổi bật những anh hùng, danh nhân: Thiện hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, Thống lãnh binh Nguyễn Văn Linh, Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, … và còn nữa những nhân vật lịch sử đến nay thân thế sự nghiệp chưa được ghi chép đầy đủ: Nguyễn Công Nhàn, Nguyễn Văn Thư, …
Xem lại lịch sử ở 2 thế kỷ XVIII – XIX, trong quan hệ với Chân Lạp và Xiêm của nhà Nguyễn, GS. Lê Thành Khôi đã ví Chân Lạp như một thứ sân chơi cho những tham vọng của Xiêm và Việt. Ông viết:
“Dẫu vậy, Chân Lạp vẫn không có được sự bình yên. Người Xiêm và người Việt do các ông hoàng Khmer thuộc bên này, bên kia trong cuộc đụng độ, mời tới, tạo nên các vụ lộn xộn. Người Xiêm chiếm các tỉnh Tonlé Repou, Stung Treng và Mlu Prey vào năm 1814, trong khi đó, năm 1834, Minh Mạng đã tìm cách sáp nhập cả xứ Chân Lạp, biến thành tỉnh Trấn Tây Thành, […] Chính sách đồng hóa được áp dụng ngay sau đó: đặt các viên chức dân sự và quân sự, mở các trường học Việt Nam, kiểm soát thương mại, đo đạt đất đai, thu các loại thuế đinh, ruộng, ghe thuyền và các thổ sản. Nhưng các lạm dụng của quan lại khiến Chân Lạp nổi dậy chống lại kẻ xâm lược.” [30]
Dẫn luận trên đã kiến giải vì sao hầu hết chiến công của Nguyễn Công Nhàn lập được đều ở Chân Lạp, vùng đất phên giậu của Việt Nam dưới triều Nguyễn.
Nguyễn Công Nhàn bằng sự hiểu biết sâu sắc, uy dũng hơn người, “đánh là được” đã đóng góp nhiều công lao to lớn về quân sự và kinh tế cho vùng đất Tây Nam bộ, trong đó cụ thể là An Giang và Đồng Tháp. Ghi nhận sự cống hiến của ông, sử quan triều Nguyễn trân trọng vinh danh qua ghi chép:
“Công Nhàn xuất thân từ người tướng hiệu nhỏ, trải qua việc hàng trận, mạnh mà có trí. Về phép hành quân, Nhàn có thể lấy số quân ít đánh số quân nhiều; lại khéo dỗ quân lính, không nỡ khinh, dối, cho nên ai cũng đều vui, làm việc đến đâu là có công.” [31]
Khảo những từ ngữ của quốc sử: “mạnh mà có trí”, “có thể lấy số quân ít đánh số quân nhiều”, “làm việc đến đâu đều có công” và hệ thống lại những huân công của ông, xét thấy lời nhận định trên rất xác đáng.
Do công lao to lớn của Hùng dũng tướng nên nhiều địa phương đã lập đình thờ phụng ông, như đình Tân Phước (Lai Vung, Đồng Tháp), đình Mỹ Tú (Sóc Trăng). Tại An Giang, con đường từ nút giao Lê Lợi đến ngã tư Nguyễn Thị Định – Trần Phú ở Thị xã Tân Châu được đặt là đường Nguyễn Công Nhàn như một sự tri ân đối với tiền nhân.
Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hậu thế nghĩ gì khi một danh tướng như Nguyễn Công Nhàn qua đời với nấm mộ đơn sơ, tài liệu ghi chép thiếu cụ thể và chưa tường minh? [32] Sẽ là có lỗi với tiền nhân lẫn thế hệ mai sau nếu không nhanh chóng tôn tạo mộ phần của ông, bổ túc đầy đủ và minh định khoa học thân thế sự nghiệp của “Hùng dũng tướng” [33] . Một đơn vị hành chính, con đường, trường học mang tên ông, một bia đá ghi tóm tắt tiểu sử, sự nghiệp của ông dựng ở vàm kinh Vĩnh An Hà không phải là quá lớn so với công lao của Tri Thắng Nam. Hội Sử học Đồng Tháp cần phối hợp Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tổ chức tua “Theo dòng lịch sử” đưa du khách tham quan cụm di tích: Nam Phương linh từ, Miếu Gia Long, Cây da bến ngự, Lăng mộ ông Bỏ Hậu và Lăng mộ Hùng dũng tướng (sau khi trùng tu, tôn tạo) cùng tọa lạc tại xã Long Hưng, huyện Lấp Vò. Làm được những điều như thế không chỉ là sự tri ân đối với bậc trí dũng song toàn triều Nguyễn mà còn là sự công bằng của lịch sử đối với ông, như với các anh hùng, danh nhân khác.
Đỗ Kim Trường
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)
Đăng lại từ tạp chí Chim Việt Cành Nam (Chimviet.free.fr)
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Nxb Thuận Hóa, 2014.
2. Nguyễn Văn Kiềm, Tân-Châu (1870 – 1964), in lần thứ nhứt, Tác-giả xuất bản, Bính-Ngọ 1966.
3. Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang & Lịch sử đất An Giang, Nxb Trẻ, 2009.
4. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập III, Nxb Thuận Hóa, 2005.
5. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, 2008.
6. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX, Nxb Thế giới và Cty Nhã Nam, 2014.
7. Bửu Kế – Vĩnh Cao, Tầm nguyên từ điển, Nxb Thuận Hóa, 2002.
8. Các trang thông tin điện tử:
http://www.baophuyen.com.vn/94/71916/di-san-han-nom-o-phu-yen-trong-boi-canh-hoi-nhap-tiep-theo-ky truoc.htm
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_C%C3%B4ng_Nh%C3%A0n
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0nh_ch%C3%ADnh_Vi%E1%BB%87t_Nam_th%E1%BB%9Di_Nguy%E1%BB%85n
2. Nguyễn Văn Kiềm, Tân-Châu (1870 – 1964), in lần thứ nhứt, Tác-giả xuất bản, Bính-Ngọ 1966.
3. Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang & Lịch sử đất An Giang, Nxb Trẻ, 2009.
4. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập III, Nxb Thuận Hóa, 2005.
5. Nguyễn Thế Anh, Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, 2008.
6. Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX, Nxb Thế giới và Cty Nhã Nam, 2014.
7. Bửu Kế – Vĩnh Cao, Tầm nguyên từ điển, Nxb Thuận Hóa, 2002.
8. Các trang thông tin điện tử:
http://www.baophuyen.com.vn/94/71916/di-san-han-nom-o-phu-yen-trong-boi-canh-hoi-nhap-tiep-theo-ky truoc.htm
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_C%C3%B4ng_Nh%C3%A0n
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0nh_ch%C3%ADnh_Vi%E1%BB%87t_Nam_th%E1%BB%9Di_Nguy%E1%BB%85n
Chú thích
[1] – Trong các bộ sử triều Nguyễn: Đại Nam nhất thống chí, Nxb Lao động, 2012; Lịch triều hiến chương loại chí, Tập 2, Nhân vật chí, Nxb Trẻ, 2014; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng – Nguyễn Bá Thế, Nxb Văn hóa thông tin, 2013; Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Đinh Xuân Lâm – Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Nxb Giáo dục, 2006; Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam, Nxb Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay, 2015; Đồng Tháp nhân vật chí, Nxb Trẻ và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, 2015 đều không có mục từ về Nguyễn Công Nhàn.
[2] – Cũng có ý kiến cho rằng Nguyễn Công Nhàn sinh năm 1798 mất năm 1872, thọ 74 tuổi. Nguyễn Công Nhàn con của Minh nghĩa Đô úy Nguyễn Công Thùy và bà Nguyễn Thị Định. Ông sinh tại xã Phú Lộc, tổng Thượng, huyện Đồng Xuân (nay thuộc thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông được tuyển vào trường Anh Danh năm 1818.
[3] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Nxb Thuận Hóa, 2014, tr 379.
[4] – Vấn đề ký Hiệp ước Nhâm Tuất 1862 xin xem thêm: Cao Huy Thuần, Giáo sĩ Thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam (1857 – 1914), Phương Nam Book – Nxb Hồng Đức, 2014, tr. 96 – 97 và TS. Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858 – 1897), Nxb Hồng Đức, 2016, tr 91 – 103.
[5] – Theo Wikipedia, mục từ Nguyễn Công Nhàn.
[6] – Trí : (智), có nhiều nghĩa, như: Khôn, hiểu thấu sự lí; Nhiều mưu kế, tài khéo; Trí khôn, trí tuệ, hiểu biết. Ở đây hiểu theo nghĩa mưu kế, tài khéo, trí tuệ, hiểu biết.
Dũng:(勇), gồm các nghĩa: Mạnh, có đảm lượng, như: “dũng sĩ” người có sức mạnh, người gan dạ, “dũng khí” sức mạnh, can đảm; Mạnh dạn đảm đương trách nhiệm; Tinh thần mạnh mẽ, không biết sợ hãi. Nghĩa dùng trong bài là mạnh dạn đảm đương trách nhiệm, không sợ hãi.
Tầm nguyên từ điển chú: “Trí: Thông minh biết xét đoán mọi việc. Dũng: Sức mạnh”. Xem: Bửu Kế – Vĩnh Cao, Tầm nguyên từ điển, Nxb Thuận Hóa, 2002, tr 557.
Song toàn: (雙全), nghĩa là trọn vẹn cả hai và bổ túc, hỗ trợ lẫn nhau.
Trí dũng song toàn (智勇雙全) chỉ người trọn vẹn về hai phẩm chất: 1. Hiểu biết, có trí tuệ sâu sắc. 2. Can đảm, mạnh dạn, dám nhận nhiệm vụ, không thoái thác sợ hãi. Hai phẩm chất này thể hiện ở các hoạt động cụ thể nhưng có mối quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ tích cực cho nhau giúp ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đối với đất nước.
[7] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 380.
[8] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 380.
[9] – Trong giai đoạn 1836-1840, Cao Miên (Campuchia) không có vua chính thức, nhà Nguyễn bảo hộ Cao Miên, đã sáp nhập vùng lãnh thổ Cao Miên do nhà Nguyễn bảo hộ (các tỉnh phía Đông Nam Biển Hồ bao gồm cả Oudong và Phnom Penh) vào lãnh thổ Đại Nam gọi là Trấn Tây và chia và đặt tên thành 33 phủ và 2 man để quản lý. Và thời Minh Mạng, Trấn Tây (phủ), đổi từ phủ Nam Vang, gồm 2 huyện: Thái An (đất bờ phía Tây phủ Nam Vang hợp với đất La Kết (Kien Svay, Leuk Daek)), Lư An (Lvea Aem, đất bờ sông phía Đông phủ Nam Vang hợp với đất Tầm Vu). Xem: Hành chính Việt Nam thời Nguyễn.
[10] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 380 – 381.
[11] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 381.
[12] – Xem: Hành chính Việt Nam thời Nguyễn. Mục tham khảo.
[13] – Nguyễn Văn Kiềm, Tân-Châu (1870 – 1964), in lần thứ nhứt, Tác-giả xuất bản, Bính-Ngọ 1966, tr 123 – 124.
[14] – Nguyễn Văn Kiềm, Tân-Châu (1870 – 1964), Sđd, tr 125.
[15] – Sơn Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang & Lịch sử đất An Giang, Nxb Trẻ, 2009, tr 186 – 187.
[16] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 379.
[17] – Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập III, Nxb Thuận Hóa, 2005, tr 359.
[18] – Nguyễn Thế Anh, Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, 2008, tr 159.
[19] – Nguyễn Thế Anh, Kinh tế & xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn, Nxb Văn học, 2008, tr 158.
[20] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 379.
[21] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 379.
[22] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 379 – 380.
[23] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 377 – 378.
[24] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 380.
[25] – Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 381.
[26] – Xem: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 381.
[27] – Theo Wikipedia, ông mất năm 1867.
[28] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 381.
[29] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 381.
[30] – Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX, Nxb Thế giới và Cty Nhã Nam, 2014, tr 427.
[31] – Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, tập 3-4, Sđd, tr 382.
[32] – Hiện tại có ý kiến cho rằng Nguyễn Công Nhàn quê ở Phú Yên. Xem chú thích 2.
[33] – Tương truyền, năm 1861 khi quân Pháp tổ chức đánh Định Tường. Nguyễn Công Nhàn vừa tới Định Tường thì thành Mỹ Tho đã thất thủ. Ông phải thu thập quân binh rút về cố thủ ở Kiến Đăng. Thành Mỹ Tho mất, ông bị tuần phủ Nguyễn Hữu Thành vu cho tội bỏ thành chạy, vua Tự Đức cho lột hết chức tước để chờ nghị tội nhưng vẫn ngầm yêu cầu ông lẻn về lỵ sở cũ để chiêu tập dân dõng mưu báo phục về sau. Việc này, một nhà thơ khuyết danh đã làm bài thơ có ý chê trách như sau:
“Có quan hùng dũng Nguyễn Công Nhàn
Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan
Giặc tới Bến Tranh run lập cập
Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng.
Mưu thần trước biết ngang sông chắn
Kế giữ sau toan đóng củi hàng.
Thất thủ muốn liều cho giữ tiết,
Ngặt vì con, vợ bận chưa an.”
Hùng dũng nhưng mà lại nhát gan
Giặc tới Bến Tranh run lập cập
Tàu vô Cửa Tiểu chạy bò càng.
Mưu thần trước biết ngang sông chắn
Kế giữ sau toan đóng củi hàng.
Thất thủ muốn liều cho giữ tiết,
Ngặt vì con, vợ bận chưa an.”
Chúng tôi cho rằng bài thơ này là chưa khách quan, cần xóa bỏ khi nghiên cứu về Hùng dũng tướng, Tri Thắng Nam Nguyễn Công Nhàn để trả lại sự công bằng cho ông.
- Đỗ Kim Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét