Rực màu hoa lửa
“Hòn đảo kỳ thú nhất thế giới”, “Hòn đảo quyến rũ nhất hành tinh”... đó là “danh hiệu” cao quý mà các nhà du lịch thế giới đã dành tặng cho quần đảo Côn Đảo (CĐ), thuộc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu...
Đang bùi ngùi trước những dấu tích tại “Chuồng cọp”, “Địa ngục trần gian”- những cái tên mới thoáng nghe đã đủ làm rợn lòng người nghe - tôi như cuộn vào nỗi đau đến đắng đót khi nghe cô hướng dẫn thuyết trình về cảnh giam cầm, đọa đày như thời Trung cổ, khiến những nhà yêu nước có thể ngã xuống bất cứ nơi nào trên đảo... Nhưng sau những rưng rưng, lòng tôi lại ánh lên lòng tự hào khi được nghe, được thấy vẻ đẹp của tinh thần vượt qua nỗi đau thể xác của những chiến sĩ bị đọa đày. Giữa những đớn đau đẫm máu thể xác, tinh thần các tiền bối vẫn rạng ngời màu hoa lửa... Chính điều này đã tạo cho CĐ sức hút chẳng nơi nào có được!
Địa ngục trần gian
Bây giờ đến CĐ, có nhiều cách đi. Mỗi cung đường mang lại cho du khách mỗi trải nghiệm, thú vị riêng. Theo gợi ý của đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm, tôi chọn tàu cao tốc xuất phát từ Trần Đề (Sóc Trăng) để cảm nhận hết cảm giác bồng bềnh cũng như mùi và vị bao la của biển. Và tôi cũng không đi theo cung đường danh thắng thiên nhiên do các tour du lịch soạn sẵn, để khám phá CĐ trong vẻ đẹp “không đâu có được”... Đầu tiên, tôi khám phá những điều mà lâu nay những trang sách chưa làm thỏa mãn: “Banh và Chuồng cọp”. “Đây là 2 hình thức giam cầm tàn khốc nhất trong chế độ nhà tù CĐ. Banh, có nguồn gốc tiếng Pháp là “Le Bagne” có nghĩa “Trại tù khổ sai” do Thực dân Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1862. Còn Chuồng cọp, tên đầy đủ là Trại Cải huấn, được biết đến nhiều dưới tên “Chuồng cọp kiểu Mỹ” là trại giam thời Mỹ ngụy”- cô hướng dẫn thu hút tôi bởi âm vực đầy nội lực đặc trưng của xứ biển đầy sóng và gió - “Tuy tên gọi có khác nhau, nhưng tất cả đều là “Địa ngục trần gian” đối với người bị tù đày”.
Trong 113 năm tồn tại (1862-1975) nhà cầm quyền Sài Gòn đã xây 6 Banh và 4 trại Cải huấn với tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim và 504 phòng biệt lập. “Có ai biết vì sao mà nhà tù CĐ được ví như “Địa ngục trần gian”?”- không đợi ai trả lời, cô hướng dẫn nói ngay - “Vì ở đó áp dụng nhiều hình thức giam cầm, tra tấn dã man khiến người sống đau khổ hơn... chết”. Ăn uống kham khổ lại lao động khổ sai, tù nhân CĐ còn bị giam cầm và thường xuyên chịu những hình phạt, tra tấn gông cùm tàn bạo như thời Trung cổ với những thuật ngữ chỉ mới nghe đã “sởn da gà”: Cấm cố, biệt giam, khổ sai... Dã man hơn là các màn tra tấn truy bức cả thể xác lẫn tinh thần, như: Dội nước lạnh và ban đêm....
Để giúp tôi hình dung, vị đồng nghiệp đã nhắc nhớ: Trong Lời giới thiệu tác phẩm “Lịch sử nhà tù CĐ (1862-2975) với tư cách sử gia và người từng bị tù đày nơi đây, GS Trần Văn Giàu đã khắc họa: “Tôi đã trải qua nhiều nhà tù, tôi đã được đọc nhiều sách nói về nhà tù, nhưng nếu nói Hít-le là tàn độc nhất với ý nghĩa giết chết hàng triệu dân Do Thái bằng hơi độc, thuốc độc.. thì so với nhà tù CĐ, nhà tù của Hít-le như cái ao cạn với vực thẳm... Nhà tù CĐ thời Pháp thuộc đã là “Địa ngục trần gian”, đến thời Mỹ ngụy, đã trở thành “Địa ngục trong địa ngục” và nói như vậy cũng chưa vừa”. Những câu chữ của vị GS như thước phim đưa tôi ngược dòng thời gian để nghe rõ mồn một âm thanh vang xé lòng từ những chiếc “Chuồng cọp - địa ngục trần gian”. Và tôi như vỡ òa khi được biết, trong 113 năm tồn tại, nhà tù CĐ đã làm cho trên 20.000 nhà yêu nước, chí sĩ, cách mạng nằm lại bất cứ nơi nào trên hòn đảo vì kiệt sức, vì bị đánh đập, tra tấn tàn bạo... Vì vậy, mỗi tấc đất nơi đây đều thắm máu và xương của người tù... Trong đó, nhiều địa danh được biết đến như “nghĩa địa lộ thiên” của người tù lao dịch: “Cầu Ma Thiên Lãnh” với 365 người, “Cầu Tàu 941” với 941 người....
Rạng rỡ màu hoa lửa
Khi đến Banh 1 (trại Phú Hải), tận mắt chứng kiến những mô hình tái hiện những người tù trong tình trạng da bọc xương bị gông cùm dưới đủ mọi hình thức, tôi đã sửng sờ đến nghẹn lòng. Không phải vì cảm xúc trước nỗi đớn đau cả thể xác, mà chính là vì tinh thần của những người tù CĐ: Vẫn sừng sững như chính đỉnh Côn Lôn giữa biển đòn roi tàn bạo. Ở đó, không chỉ đào tạo, rèn luyện bản lĩnh, tinh thần để những người tù trở thành những nhà lãnh đạo vĩ đại của cách mạng Việt Nam sau này, như: Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng... mà còn biến những cơn mưa đòn roi tứa máu thành ngọn lửa thắp nên những cảm hứng nghệ thuật yêu nước thương dân... Có lẽ chính sự tồn tại đối lập này đã tạo cho CĐ nét linh thiêng thần thành chẳng nơi nào có được.
Lâu nay, khi viết về mảng nghệ thuật CĐ, nhiều người hay đề cập đến câu chuyện: CĐ đã truyền cảm hứng cho Camille (1835- 1921) - nhạc sĩ thiên tài người Pháp. Không ai chối bỏ tài năng của nhà soạn nhạc có chân trong Viện Hàn lâm ở Pari, bởi trong chưa đầy 2 tháng lưu lại nơi đây (3 - 4.1895) ông đã hoàn tất 3 chương cuối của vở nhạc kịch bất hủ “Brunehilda”, và khai sinh cho cho nhân loại triết lý nhân bản bất tử: “Ở đâu, cái đẹp được tôn trọng thì ở đó tội ác bị đẩy lui, ở đó chẳng cần đến luật pháp” (trích thư gởi Chúa đảo Louis Jacquet, tháng 4.1895)... Nhưng nếu đặt trong bối cảnh nhà soạn nhạc được Chúa đảo bố trí sống trong dinh thự thơ mộng bên bờ biển (nay được biết đến là Công quán) thì sự thăng hoa này so thế nào với những trước tác được thực hiện bởi những bàn tay run rẩy, tứa máu của những người tù vì bị đánh đập tàn nhẫn, bị bỏ đói trong nhiều ngày và có thể gục chết ở bất cứ nơi nào? Tôi ngạc nhiên đến sửng sờ khi biết được rằng, giữa 4 bức tường bê bết máu, các tiền bối vẫn sáng lập nhiều tạp chí, báo... như: “Ý Kiến Chung”, “Người Tù Đỏ”, “Tiến Lên”, “Độc Lập”, “Sinh Hoạt”...để động viên, truyền lửa cho nhau. Hơn thế nữa, từ nơi hầm tối đầy đớn đau về thể xác, các tiền bối còn cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển về ý chí quật cường. Trong những ngày bị giam cầm ở Banh 1 - một trong những “địa ngục của địa ngục trần gian” - Chí sĩ Phan Chu Trinh vẫn toát lên những vầng thơ thể hiện ý chí không gì lay chuyển được: “Những kẻ vá trời khi lỡ bước/Gian nan chi kể chuyện cỏn con” (“Đập đá ở Côn Lôn”). Cũng với tinh thần đó, Lã Xuân Oai (1838-1891) đã cho ra đời “CĐ thi tập” và Huỳnh Thúc Kháng (1876- 1947) hoàn thành thi phẩm “Thi tù tùng thoại”... Thậm chí, dù chưa một lần đến CĐ, nhưng hiện thực của nhà tù nơi đây đã thôi thúc nhà văn Phùng Quán (1932- 1995) thực hiện tác phẩm “Vượt CĐ” nổi tiếng. Đặc biệt, hiện thực dã man của nhà tù CĐ còn tiếp sức cho người tù Nguyễn Đức Thuận (1916 - 1985) - sau này là AHLLVT, Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN- thực hiện tự truyện “Bất Khuất” - “bản anh hùng ca sáng ngời chính nghĩa và khí tiết cách mạng của biết bao người cộng sản kiên cường” (lời Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng) - được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông và đại học và được dịch ra 5 thứ tiếng và “Quốc tế ngữ”.
Giữa bóng đen đặc màu tàn bạo của nhà tù CĐ, vẫn bừng lên những đóa hoa nghệ thuật. Đó là những đóa hoa lửa lộng lẫy...
Nghĩa trang bất tử
Vừa bước chân vào Nghĩa trang Hàng Dương (NTHD), lập tức, tôi chạm ngay đến sự linh thiêng của hòn đảo giữa trùng khơi của Tổ quốc.
“Đến CĐ mà không viếng NTHD là xem như chưa đến CĐ” - cô hướng dẫn du lịch xứ biển đã khẳng định như đinh đóng cột- “Vì nơi đó đang sở hữu điều không đâu trên dãi đất hình chữ S này có được”. Nằm khiêm nhường dưới những hàng dương hiên ngang trên nền cát trắng và gió biển, NTHD gần như vượt khỏi hội chứng “hoành tráng hóa” thường thấy ở nhiều công trình trong đất liền. Nhưng đàng sau nét đơn sơ, đến mức như “thuận theo tự nhiên” ấy là cả ý đồ nghệ thuật ... được các kiến trúc sư tính toán đến từng xăng ti mét. Cánh cổng đơn sơ với kết cấu như khung hình chữ nhật, bên dưới là bậc tam cấp được thiết kế theo hình bán nguyệt... Nhưng bên trong cái lớp vỏ đơn sơ ấy hàm chứa nghĩa thâm sâu về cuộc vuông – tròn của luân hồi. Hơn thế nữa, đây có lẽ là nơi duy nhất ở Việt Nam không sử dụng cụm từ “nghĩa trang liệt sĩ”... Đó không phải là sơ suất, mà là có chủ ý để vươn tới xóa nhòa giới hạn sinh –tử của những “cái chết đã hóa thành bất tử”. Bước qua cổng, là con đường nhỏ, gần như nguyên trạng với danh xưng “Đường Thiên Thu” mà xưa kia các người tù đã đặt tên cho lối đi đưa đồng đội, đồng chí về nơi vĩnh hằng. Từ đây, con đường uốn lượn dưới những tàn dương cổ thụ dẫn đến 5 phân khu được đánh dấu theo chữ cái ABCD, trong đó có B1 và B2, với tổng số 1.921 ngôi mộ, trong đó có 25 mộ tập thể, nhưng chỉ có 713 mộ có tên, còn 1.208 mộ chưa xác định được danh tính.
Ngoại trừ một số ngôi mộ được trùng tu, xây mới khang trang và có đầy đủ tên họ, quê quán, như Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, chí sĩ Nguyễn An Ninh, Anh hùng Võ Thị Sáu.... phần lớn các ngôi mộ còn lại gần như được giữ nguyên hiện trạng. Nói chính xác hơn là lô xô, không hàng lối, cái trên cao, cái dưới thấp, có cái cheo leo giữa bờ dốc... hoàn toàn khác biệt với các nghĩa trang liệt sĩ thường thấy. “Việc duy trì này không chỉ biểu hiện lòng tôn trọng và bảo tồn tinh thần – nghĩa trang của những người tù yêu nước – mà còn nhằm hướng tới ý nghĩa nhân văn hơn với xương cốt những người đã khuất”- cô hướng dẫn cho biết thêm- “Trong 113 năm (1862-1975) tồn tại, chính quyền chế độ cũ đã sát hại trên 20.000 người yêu nước vĩnh viễn nằm lại trên đảo. Trong đó, có nhiều người không kịp và không thể nào có thể đắp được nấm mồ như lời bài thơ khuyết danh: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu, đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người”. Và chúng tôi không ai bảo ai, tự động đi thật nhẹ, nói thật khẽ, ngay sau khi từ loa phóng thanh được bố trí cách điệu ven các lối đi trong nghĩa trang cất lên giọng nữ trầm: “Dưới chân chúng ta, trong từng nắm đất, gốc cây còn lẩn khuất xương cốt của rất nhiều nhà yêu nước, cách mạng... xin các quý khách hãy nói thật khẽ, đi thật nhẹ để tránh làm đau và làm thức giấc...”.
Như nằm ngoài vùng phủ sóng của tiếng gió biển từ xa khơi đồng vọng về, màu khói hương nghi ngút bao trùm, như khiến không gian NTHD tĩnh lặng và trầm mặc đến mức gợi cho tôi không khí trang nghiêm thường gặp ở đám giỗ quê ngày xưa chưa xa. Nhưng đám giỗ thì chỉ cúng một hoặc vài người, còn ở đây.... Và tôi đã hiểu vì sao NTHD được xem như “Bàn thờ Tổ quốc”.
Đêm... sáng
Biết tôi lần đầu đến CĐ, ông chủ “Nhà nghỉ” khuyến nghị: “Tối nên ra NTHD thắp nén nhang...”. Đã 11 giờ đêm, nhưng quán xá ở CĐ vẫn sáng đèn. Bởi đây là thời điểm người dân và du khách bắt đầu hành trình đến viếng và “thắp nhang” NTHD. Tất cả các tuyến đường từ trung tâm dẫn ra NTHD luôn nhộn nhịp phương tiện đi - về. Vì nhiều người nghĩ rằng về đêm, âm khí thịnh, hồn thiêng của các chí sĩ cách mạng sẽ về chứng giám. Tất cả như phác họa thành bức tranh đa tầng màu sắc về bóng đêm của CĐ: Đêm... sáng.
Vừa bước qua cổng, tôi ngạc nhiên đến sửng sờ khi toàn bộ 20ha của khuôn viên NTHD rực sáng từ bóng điện... Thậm chí, hơn thế nữa. Ánh sáng từ những ngọn nến, những bát hương trên từng ngôi mộ như thêm nghi ngút, như thêm lung linh bởi người đi trước thắp chưa kịp tàn, đã có người đi sau thắp tiếp. Rồi dòng người như gối lên nhau đến, tiếng khấn vái râm ran... xen lẫn với tiếng gió đêm từ biển đồng vọng về khua lên lá khô xào xạc, hòa trong tiếng lá dương lao xao... khiến cho không gian thêm huyền ảo, lung linh...như NTHD không ngủ để đánh thức cảm xúc thiêng liêng từ tận đáy lòng du khách... giữa màn đêm linh thiêng thần thánh!
Nằm ở cuối con đường từ cổng chính dẫn vào, nhưng Khu A lại thu hút nhiều người đến viếng. Không chỉ vì có số lượng mộ nhiều nhất trong 5 khu (690 ngôi mộ) mà còn vì có mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Chí sĩ Nguyễn An Ninh, Anh hùng Lương Thế Trân... Đặc biệt Khu B2 - nơi có mộ Anh hùng Võ Thị Sáu (Cô Sáu) càng đông người hơn. Vào ra tấp tập, nhưng theo trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình bày hương đăng, trà quả lên rồi khấn vái. Dù lưu luyến như chẳng muốn rời xa, nhưng rồi ai cũng tranh thủ lui ra để nhường chỗ cho người phía sau. Cứ thế, hết đoàn này đến đoàn khác, phần mộ của người nữ Anh hùng Đất Đỏ lúc nào cũng nghi ngút khói, hoa trái... Nhiều người cho rằng, sở dĩ, du khách đến viếng mộ Cô Sáu nhiều vì Cô mất lúc còn trẻ nên rất linh thiêng với nhiều “hiển linh” cầu được - ước thấy.
Dẫu biết rằng, mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng tín ngưỡng hay niềm tin Cô Sáu gợi tôi nhớ đến hiện tượng hút khách của “Bà Chúa Xứ Núi Sam” (An Giang). Nhưng sự khác biệt ở đây là niềm tin Cô Sáu bắt nguồn từ sự thật lịch sử. Hơn thế nữa, không chỉ hút người ở xa,người CĐ xem Cô Sáu như huyền năng chở che trong cuộc sống đời thường. Hàng chục năm nay, mỗi khi chuẩn bị “làm ăn lớn” hay các cặp đôi trước khi kết hôn, đều ra mộ thắp nhang cầu Cô Sáu phù hộ “ăn nên làm ra” và “trăm năm hạnh phúc”....
Càng về khuya, các cung đường dẫn về NTHD càng tấp nập. Chưa biết những người khấn nguyện có được như ý nguyện, nhưng có điều chắc chắn là Đêm sáng mang đến cho người du lịch chúng tôi trải nghiệm thú vị và tràn đầy tự hào lịch sử. Và tôi nghĩ, đây sẽ là đề tài hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian làm phong phú thêm sản phẩm lịch sử - văn hóa độc đáo giúp cho “ngành công nghiệp không khói” Côn Đảo thăng hoa, bay lên với sắc thái “không đâu có được”.
Ngày 10.5.2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận quần thể 20 di tích Nhà tù Côn Đảo là Di tích Quốc gia Đặc biệt trong đó có NTHD
Miếu An Sơn – “Đóa hoa quật cường”
Nhỏ bé và có phần đơn sơ... vì thế đừng mong chờ ở Miếu An Sơn cảm xúc thăng hoa với vẻ đẹp của kiến trúc hoàng tráng, những hoa văn, họa tiết tinh xảo như những công trình kiến tuyệt mỹ của kinh thành Huế, hay của Hà Nội thời 36 phố phường...
“Miếu An Sơn là “địa chỉ đỏ” với tất cả du khách đặt chân lên CĐ. Không chỉ vì là di tích cổ nằm giữa khung cảnh đẹp, hữu tình... mà vì chứa đựng nhiều giá trị...có thể mang lại cho du khách nhiều cảm xúc mà các điểm đến khác không có được”- lời “mách nước” của ông chủ nhà nghỉ là sĩ quan Bộ đội Biên phòng đã khiến máu “xê dịch” trong tôi sôi lên. Thế là đi. Mờ sáng tôi hối đồng nghiệp thuê xe viếng Miếu An Sơn. Từ trung tâm thị trấn Côn Đảo, đi hơn 02 cây số về hướng Đông - Nam trên trục đường Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng là đến. Đó là ngôi miếu nhỏ nằm dưới chân Thánh Giá - ngọn núi cao nhất CĐ, quanh năm ẩn mình trong thảm lụa mềm của sương mù. Thánh Giá còn được ví như đỉnh thiêng với nhiều truyền thuyết “linh ứng” về tình yêu.... Chính vị thế địa lý độc đáo này đã phủ lên ngôi miếu nhỏ của làng An Hải sắc thái hư hư - thực thực: Vừa có chút lãng đãng, bồng bềnh mờ ảo sương khói liêu trai, vừa hiện hữu giữa đời thường...
Lưng tự núi, mặt hướng ra Hòn Bà nằm giữa bốn bề tiếng sóng biển từ trùng khơi vỗ về... đó là vị trí đắc địa của ngôi miếu về mặt phong thủy, nhưng An Sơn lại hút hồn du khách ngay cái nhìn đầu tiên bởi không gian hùng vĩ với lớp lớp cây xanh đại ngàn ngân nga khúc nhạc tiếng lá rừng lao xao gọi gió du dương, êm ái - một trạng thái hoàn toàn khác với thế giới ầm ào, sôi động của tiếng sóng biển vỗ bờ cách đó không xa. Bước qua cổng tam quan được thiết kế độc đáo với mái đao cong vút hình đầu rồng “cưỡi mây, phun nước” in trên nền trời xanh, là khoảng sân rợp mát bóng cây cổ thụ, trong đó có nhiều cây thị rừng hàng trăm năm tuổi, vừa được công nhận là “Cây Di sản”.
Những gốc cây xù xì dấu tích thời gian đủ gợi cho du khách cảm giác xa xưa của lịch sử hình thành ngôi miếu. Theo ông Tư – người trông coi nhang khói - Miếu An Sơn được xây dựng lần đầu cách đây hơn 200 năm... Lúc đầu chỉ nhỏ bé, đơn sơ, sau nhiều lần trùng tu, hiện miếu có kiến trúc hình chữ nhất, 3 gian, vách tường, mái lợp ngói vảy cá đỏ, nhưng thời gian đã nhấn nhá thêm sắc rêu phong nên khá cổ kính và trầm mặc... Thoạt nhìn, ngôi miếu rất đỗi bình thường. Ngoại trừ phía trên cổng gian chính có tấm biển nền vàng với 3 Hán tự màu đỏ được viết theo lối chữ Khải (An Sơn Miếu - tức Miếu An Sơn) tạo ra điểm nhấn, còn lại đều rất “đời thường”. Phía trước sân là bàn thờ thông thiên, bên trong là 4 ngôi thờ. Tất cả đều được bày trí đơn giản và khiêm tốn như chính quy mô ngôi miếu. “Thấy vậy chứ ngôi miếu này nhiều ý nghĩa lắm” – ông Tư thật lòng sau khi thấy tôi háo hức tìm hiểu: “Theo truyền thuyết, miếu liên quan đến câu chuyện về chí tự cường của bà Hoàng phi...”
Hừng hực chí tự cường
Theo lời kể của ông Tư, Miếu An Sơn còn có tên là Miếu Bà, hay Chùa Bà vì bên trong thờ thứ phi của chúa Nguyễn Ánh (1762-1820), sau này là vua Gia Long. Tương truyền, bà Phi Yến có tục danh Lê Thị Răm. Khoảng năm 1783, trong lần bị quân Tây Sơn truy đuổi, chúa và đoàn tuỳ tùng chạy ra CĐ, trong đó có bà hoàng Phi Yến và con trai là Hoàng tử Hội An (tục danh Hoàng tử Cải). Vì thất bại liên tục nên chúa có ý định đưa Hoàng tử Cải tháp tùng giám mục Bá Đa Lộc (1741- 1799) sang Pháp làm con tin để cầu viện binh. Không đồng tình, bà Phi Yến khuyên chồng không nên cầu viện binh, vì việc đánh nhau với Tây Sơn, có thể coi như việc trong nhà, nên dùng nghĩa binh trong xứ: “Bệ hạ nhờ sức mạnh của người ngoài về giải quyết vấn đề nội bộ thì dù ta có thắng Tây Sơn chăng nữa cái thắng ấy cũng chẳng vẻ vang, thiếp e còn có lắm điều rắc rối tai tiếng về sau...”.
Nào ngờ, những lời khuyên đầy chí tự cường ấy của bà Phi Yến bị chúa nghi ngờ là có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn nên đã nổi trận lôi đình...May thay lúc đó Đô đốc Ngọc Lân khuyên can, chúa tha tội chết, nhưng biệt giam bà Phi Yến trong động đá ở một hòn đảo hoang, sau này hòn đảo ấy gọi là Hòn Bà... Mấy hôm sau, được tin Tây Sơn sắp truy kích, Nguyễn Ánh đã cùng tùy tùng xuống thuyền đào tẩu. Lúc thuyền sắp nhổ neo, Hoàng tử Cải (5 tuổi), không thấy mẹ đã khóc lóc, kêu gào phải cho mẹ cùng đi. Yêu cầu của Hoàng tử Cải không được chấp nhận và trong cơn nóng giận, Nguyễn Ánh đã con ném xuống biển. Hoàng tử Cải chết, xác trôi dạt vào bãi San Hô, làng Cỏ Ống. Dân làng đem xác chôn giữa khu rừng gần bãi Đầm Trầu. Bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu, biết con trai mất, vô cùng đau xót, gào khóc thảm thiết. Dân làng cám cảnh, đặt ra câu ca đầy cảm xúc:
“Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
Như để tăng độ tin cậy của lời kể, ông Tư đưa tôi xem quyển sách Di tích lịch sử CĐ, có phần giới thiệu về miếu An Sơn. Cẩn thận hơn, ông đưa tôi ra sân để trực tiếp xem bản giới thiệu sơ lược về miếu An Sơn do BQL Di tích CĐ thực hiện, cũng thể hiện nội dung tương tự. Thấy tôi hào hứng, ông Tư lại đưa tôi đến hòn non bộ nằm trước khu vực bàn thông thiên, rồi giải thích thêm: “Đây là hòn non bộ tái hiện lại hang đá bà Phi Yến bị chúa giam cầm”.
Theo lời ông Tư, tương truyền, Rằm tháng Bảy năm Ất Hợi (1785), sau khi dự lễ xá tội vong nhân do Ban Hương chức làng An Hải tổ chức, bà bị tên Biện Thi đem lòng tà dục, mò vào cấm phòng nắm tay. Tủi phận, bà tự chặt cánh tay bị xâm phạm rồi quyên sinh để giữ trọn tiết hạnh. Thương cảm, dân làng An Hải lập miếu thờ. Bài vị bà được đặt tại ngôi chính điện, hai bên tả hữu thờ Hoàng tử Cải và Đô đốc Ngọc Lân. Tương truyền miếu rất linh thiêng, dân đi biển hay đến khấn nguyên trước mỗi chuyến ra khơi...
Tuy nhiên, từ thập niên 40 thế kỷ trước đã xuất hiện ý kiến đòi xét lại khi cho rằng chúa Nguyễn Ánh chưa từng đến CĐ... Hiện cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn. Ai đúng – ai sai, rồi đây sẽ có câu trả lời, nhưng trước mắt, câu chuyện đầy nỗi niềm, cảm xúc này như dệt gấm, thêu hoa cho CĐ thêm hấp dẫn trong con mắt du khách... Nhưng quan trọng hơn là cảm xúc, ý nghĩa mà câu chuyện muốn hướng tới. Có một sự thật khá lý thú là, dù bất đồng ý kiến, nhưng các bên tranh luận đều thống nhất thừa nhận: Đàng sau câu chuyện “nhốt vợ, ném con xuống biển” chính là nỗi niềm, là khát vọng tự lực, cường, bất hợp tác với chuyện “cõng rắn, cá gà nhà” của người dân CĐ từ thưở... hồng hoan. Phải chăng, chính là “chất lửa” của vùng đất và khát vọng tự cường của lòng người CĐ đã tiếp sức cho hàng ngàn chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng có thêm sức mạnh biến CĐ từ “địa ngục trần gian” thành “trường học cách mạng”, góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang cho 2 cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc?
Chùa Vân Sơn – nơi ngân vang khát vọng hòa bình
Đứng bên hồ An Hải bạt ngàn triệu cánh sen, nhìn lên triền núi Một, rực lên mái ngói đỏ tươi giữa nền xanh của rừng cây cổ thụ soi bóng lên mặt biển Đông, chùa Vân Sơn (Vân Sơn tự) rạng rỡ trong bức tranh đền đài, rừng núi, mây nước hữu tình. Đúng như tên gọi, ở đây mây bàng bạc, la đà trên đỉnh núi, chốc chốc sà xuống lối đi để lộ dáng núi xanh như gấm... càng khiến cho công trình tôn giáo đồ sộ thêm diễm lệ... Trong thấp thoáng của ráng chiều, rừng thêm lao xao tiếng lá non gọi gió đại ngàn...bỗng ngân lên tiếng chuông hiền từ, thánh thót nơi cửa phật.. rồi theo gió lan xa... như truyền thông điệp yêu chuộng hòa bình từ “Địa ngục trần gian” ra biển lớn.
Rời Miếu An Sơn, tưởng chừng như cái hùng vĩ của rừng - núi Thánh Giá sẽ khuếch đại tầm vóc câu chuyện truyền đời về khí khái vùng đất quật cường, nhưng khi đến hồ An Hải, cái hừng hực ấy như chùng xuống, nhường chỗ cho bức tranh sơn thủy tráng lệ của tạo hóa hào phóng ban tặng cho CĐ... mà tới bây giờ khi ngồi viết những dòng chữ này, lòng tôi vẫn ngây ngất, choáng ngộp... Bên mặt hồ bạt ngàn triệu cánh sen, nhìn lên, núi Một sừng sửng ở độ cao 500m so mặt biển, xanh màu rừng cổ thụ soi bóng lên mặt biển Đông.
Tọa lạc ở triền vươn ra biển nên mái ngói đỏ tươi của chùa Vân Sơn, hay còn gọi Chùa Núi Một - ngôi chùa Phật giáo duy nhất ở CĐ - như rực rỡ trong bức họa bích của đền đài, rừng núi... Càng đến gần, Vân Sơn càng đẹp. Từ cổng tam quan nằm sau Di tích Sở Muối, theo con đường bậc thang nép mình dưới tàn cây cổ thụ, du khách như bước vào thế giới khác lạ. Trên cao, những cành nhánh lực lưỡng đan nhau, khiến cho lối đi bên dưới như “diệp đạo”, mát lạnh tự nhiên, nền nã tiếng chim kêu và tiếng chuyền cành của đàn khỉ... Đẹp nhất là lúc lên chùa. Từ đây nhìn xuống, mặt biển như nõn nà dưới dưới ánh mặt trời, rồi thoắt vụn vỡ ra theo cơn sóng,... gợi cho lữ khách nhớ về nỗi lòng man mác của Bà Huyện Thanh Quan năm nào...
Còn ngôi chùa, như tuyệt phẩm của sự hòa quyện giữa kiến trúc với cảnh quang, môi trường. Lưng tựa núi, mặt hướng ra biển và đúng như danh xưng, ở “Vân Sơn” thật nhiều mây... Mây bàng bạc và trải dài như chiếc khăn mỏng mảnh vắt trên đỉnh núi sự huyền ảo... Chỉ cần cơn gió thoảng nhẹ, mây trôi để lộ dáng núi xanh như gấm... không chỉ khiến cho màu ngói của công trình tôn giáo đồ sộ thêm rực rỡ, diễm lệ...mà còn tạo cho du khách cảm giác như phải dùng tay vén mây để mở đường lên chùa.
Trong thấp thoáng của cơn nắng quái chiều hôm, mây núi như la đà, rừng thêm lao xao tiếng lá non gọi gió đại ngàn, cảnh đẹp của thiên nhiên như làm tôn thêm ý nghĩa thâm sâu triết lý từ bi của kiến trúc tôn giáo. Chùa được xây theo kiểu “chữ tam” với mô típ kiến trúc thiền phái Trúc Lâm Việt. Ngôi chính điện nằm ở vị trí trung tâm nên tự thân “vẻ bên ngoài” ngôi chùa đã mang lại cho du khách vẻ đẹp của sự kín đáo, lắng đọng... để hướng đến điều thiện. Phía sau là khu nhà tổ, 2 bên là lầu chuông, lầu trống, phía trước là lầu khánh. Chùa được xây chủ yếu bằng gỗ. Chính điện được thiết kế 2 mái, lợp ngói lá đề, 4 góc là mái đao cách điệu hình mây cuộn, cong vút lên trời cao như “hệ thống tiếp âm” đưa âm thanh huyền diệu từ tiếng chuông chùa vươn cao, bay xa...
Bên trong, các cột, kèo và bao lam được chạm khắc theo mô típ Việt. Đặc biệt, cũng như các chùa phái Trúc Lâm Việt, đại tự, hoành phi, câu đối ở đây đều được thể hiện bằng chữ Việt. Và tất cả chi tiết tinh xảo đến mức tạo cho người xem cảm giác như đang đứng trước đại công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc mỹ nghệ ẩn chứa triết lý đạo Phật... để rồi gợi lên cảm giác xao xuyến không tan về cõi tĩnh tâm giữa “Địa ngục trần gian” rất độc đáo và hấp dẫn mọi bước chân quay lại, không chỉ một lần, hai lần... mà hơn thế nữa...
Rạng rỡ khát vọng hòa bình
“Chùa được xây dựng lần đầu vào năm 1964 với quy mô nhỏ, đơn sơ”- lời cô hướng dẫn viên như đưa tôi ngược dòng lịch sử trở về hơn nửa thế kỷ trước. Năm 1964, Hòa thượng Thích Tâm Giác (1917-1973) - tổ sơ khai chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) - ra đây xây chùa trên Núi Một. Cũng xin nói thêm, Hòa thượng cũng là người sáng lập Viện Nhu đạo Quang Trung – lò đào tạo võ Judo nổi tiếng mà dư âm còn vang đến nay, trong đó có Lê Thanh Vĩnh - HLV Judo quốc gia lập “kỳ tích” khi đạt 13 huy chương tại đấu trường SeaGame ngay lần đầu cầm quân. Sau khi hoàn thành, chùa trở thành cơ sở Phật giáo duy nhất trên đảo và lập tức trở thành nơi sinh hoạt tâm linh cho các gia đình trên đảo, như: nơi cầu nguyện cho mình, cho người thân và cầu siêu cho những người tử nạn vì thiên tai, hoạn nạn, nhất là hương hồn những người ngã xuống vì chính nghĩa tại các nhà tù của chế độ Sài Gòn. Giữa “Địa ngục trần gian”, xa cách đất liền và gần như chỉ có hệ thống nhà tù bao trùm mà có được cơ sở phật giáo làm chỗ dựa tinh thần cho người dân thế này thì quả là điều đáng trân quý...
Trải qua thời gian cùng điều kiện khắc nghiệt của hòn đảo nằm giữa biển đầy nắng, gió... ngôi chùa được trùng tu nhiều lần, nhưng vẫn xuống cấp. Đặc biệt là từ sau ngày thống nhất đất nước, với chủ trương tự do tín ngưỡng của Đảng, Nhà nước, ngôi chùa hơn 50 năm tuổi đã không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của người dân CĐ vào những dịp lễ, Tết..., nhất nguyện vọng tổ chức cầu siêu cho hương hồn các chiến sĩ Cách mạng đã anh dũng hy sinh dưới đòn roi tàn độc của chế độ nhà tù... Đặc biệt là trào lưu cầu nguyện hòa bình cho quê hương vừa trải qua bom đạn chiến tranh, cũng như nhu cầu tham quan, thăm viếng ngày một tăng vọt với tốc độ bùng nổ của du khách trong, ngoài nước... đã đặt ra hu cầu phát triển ngôi chùa hơn bao giờ hết.
Trước nhu cầu chính đáng, thiết thực và hợp tình, hợp lý này, năm 2010, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đứng ra xây cơ ngơi mới ngay trên nền chùa cũ từ nguồn đóng góp của các phật tử, các tổ chức, cá nhân trong xã hội... Sau hơn 1 năm thi công, tháng 4.2011, trong không khí cả nước hân hoan đón chào sự kiện 36 năm Ngày non sông thống nhất, các chư tôn cùng đại diện Đảng, Nhà nước tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu... làm đại lễ khánh thành chùa Vân Sơn mới đẹp và độc như đã trình bày. Độc đáo hơn, bên cạnh không gian tôn nghiêm thờ Phật và các vị Bồ tát theo nghi thức thiền phái Trúc Lâm Việt, nhà chùa còn bố trí riêng điện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng Võ Thị Sáu, bà Phi Yến và anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất CĐ... Vì vậy, mà ngay sau khi đưa vào sử dụng, Chùa Núi Một không chỉ đơn thuần là cơ sở tôn giáo, nơi cầu nguyện và tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc...., mà còn là công trình đặc biệt về văn hóa, danh thắng, là di tích lịch sử độc đáo để CĐ gọi mời, “quyến rũ” các đoàn hành hương trong nước và quốc tế tìm đến và lưu lại...để khám phá hòn đảo linh thiêng giữa trùng khơi: Bất khuất, quật cường, nhưng cũng tràn đầy lòng từ bi, yêu chuộng hòa bình ...
Chùa Vân Sơn là “điểm đến” không thể bỏ qua của tất cả lữ khách đến Côn Đảo. Bởi đến đây không chỉ được ngắm hình hài hòn đảo hình chú gấu hùng dũng, mà còn được nghe âm vang khát vọng hòa bình ngay trên “Địa ngục trần gian” của thời chưa xa.
Lục Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét