Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Giang hồ Sài Gòn xưa dẫn đàn em phá khám, đánh Tây

Trùm giang hồ Tư Mắt nổi tiếng trượng nghĩa từng thống lĩnh đàn em ở Sài Gòn - Chợ Lớn đánh Pháp, phá ngục cứu minh chúa.

giang-ho-sai-gon-xua-dan-dan-em-pha-kham-danh-tay
Chợ Cầu Muối, một trong những cứ địa của giang hồ Sài Gòn xưa nằm trong tay Tư Mắt. Ảnh: Tư liệu
Hơn 100 năm trước, Sài Gòn – Gia Định xuất hiện những giang hồ nổi danh vì hành hiệp trượng nghĩa. Trong đó, Tư Mắt (tên thật là Nguyễn Văn Trước) nắm hầu hết địa bàn ở Sài Gòn dù xuất thân là chủ tiệm tóc tên trên đường Thủy Bình - trước 1975 là đường Đồng Khánh, nay là Trần Hưng Đạo, quận 5.
Nhiều nhà viết sử miêu tả ông này có dáng mập lùn, bộ râu thời trang, mép vuốt sáp như trái ấu và có đến 3 vợ. Anh ta bắt chước theo hình tượng Đơn Hùng Tín trong truyện Tàu, kiểu lục lâm thảo khấu đối đãi tốt với đàn em, thường cướp của nhà giàu chia cho nhà nghèo.
Vì lẽ này, đám du côn ai đã chịu làm em nuôi của "Tư đại ca" thì không khi nào bỏ theo kiểu "hoạn nạn tương cứu, sanh bất tử ly". Đây là lý do Tư Mắt thu nạp được hàng trăm thuộc hạ khu Chợ Lớn, cầu Muối, chợ Bến Thành…
Biệt danh Tư Mắt do một chí sỹ yêu nước đặt cho Trước với ý nghĩa mỗi người chỉ có 2 con mắt nhưng Trước có tới 4. Việc này mong muốn gã giang hồ là người sáng dạ, lẹ tay nhanh chân chạy thoát mọi cuộc bố ráp của lính Tây.
Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn Sài Gòn năm xưa thuật rằng, với đám đàn em không tiền, gã cho tiền. Người nào không có áo, đại ca cho áo; thậm chí khi bị tù thì có người nuôi ăn, cung cấp thuốc, bánh. Nhưng khi Tư Mắt cần dùng tới thì việc gì cũng phải tuân, chết sống không kể thân.
Tư Mắt đi đến tỉnh thành nào thì đám lục lâm thảo khấu rần rần tìm đến ra mắt, phục vụ đại ca. Những hàng quán gã giang hồ bước vào thì người khác hội nên lui chân, đàn em tha hồ gọi bánh, gọi mì vì có Tư đại ca bao toàn bộ.
Lính tráng chính quyền Pháp kiêng dè nể mặt Tư Mắt và đám tay chân. Lệnh trốc nã đàn em của Tư đại ca được ban bố nhưng không ai dám đụng tới bởi không khéo mang thẹo, ăn dao của đám du đãng.
giang-ho-sai-gon-xua-dan-dan-em-pha-kham-danh-tay-1
Phan Xích Long - thủ lĩnh khởi nghĩa chống Pháp mà Tư Mắt tôn sùng quyết quá ngục giải cứu. Ảnh: Tư liệu
Trong sách Phong trào Đông Du ở miền Nam của Trần Văn Rạng có viết, Tư Mắt rất ngưỡng mộ ông Lê Văn Trung, người tham gia phong trào Đông Du ở miền Nam. Tư Mắt đề nghị với ông Trung ám sát De la Chevrotière, một thượng nghị sĩ Pháp nhưng bị ông ngăn lại. 
Năm 1913, Nam Kỳ xôn xao về vụ chính quyền bảo hộ bắt Phan Xích Long - người kêu gọi dân chúng đánh Tây khôi phục nước Nam - rồi giam ở khám Lớn Sài Gòn. Gã giang hồ muốn phá khám cứu minh chúa nhưng ông Trung khuyên không nên động thủ vì còn có hoàng thân Cường Để (cùng Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du) sắp xếp mọi việc.
Chí sĩ này sau đó gợi ý cho Tư Mắt gạt bỏ những du côn cướp giật, lập một hội kín bao gồm các anh em tốt. Hội này mở rộng địa bàn hoạt động ra các tỉnh quanh Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm thu hút giới nông dân và coi họ là thành phần nòng cốt.
Tư Mắt xây dựng hội kín trong 3 năm. Ngày 14/2/1916 thành viên hội ở Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Thủ Dầu Một, Biên Hòa... bí mật kéo về ẩn mình trong thành phố. Đến đêm, khoảng 300 người đi thuyền đến chợ cầu Ông Lãnh rồi kéo đến cột cờ Thủ Ngữ, giương cờ đề 3 chữ lớn Phan Xích Long.
Tất cả đều đem theo giáo mác, vận quần trắng, áo đen, khăn trắng quấn cổ, hẹn tập trung tại Khám lớn Sài Gòn. Đến nơi, họ hô to "cứu đại ca" Phan Xích Long, "giết Tây" làm náo động cả thành phố. Lính gác trong đồn xả súng bắn liên hồi khiến đoàn người thương vong rất nhiều...
Cuộc tấn công khám Lớn của Tư Mắt thất bại, ông bị bắt. Tòa khép tội "gia nhập hội kín ám trợ Cường Để" nhưng chỉ kêu án vài năm rồi thả nhằm xoa dịu phong trào chống Pháp đang lên cao ở Nam Kỳ.
giang-ho-sai-gon-xua-dan-dan-em-pha-kham-danh-tay-2
Khám lớn Sài Gòn, nơi Tư Mắt dẫn đàn em giải cứu Phan Xích Long. Ảnh: Tư liệu
Tham gia chống Tây, cứu Phan Xích Long là sự kiện khiến Tư Mắt hồi tâm chuyển ý. Ông tỏ ra hối hận, không muốn can dự chuyện giang hồ nữa nên vào chùa Giác Lâm (Chợ Lớn) tụng kinh ăn năn. Sau này Nguyễn Văn Trước có tham gia đạo Cao đài, thụ nhiều chức sắc cao.
Ông qua đời năm 1929 trong một vụ cháy nổ, kết thúc cuộc đời nhiều sóng gió.
Sơn Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét