Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Soi bóng chè Cam

Tốn khoảng 10.000 đồng -15.000 đồng, những thực khách từng trải có thể tìm lại cảm giác thơi thới, bồi hồi như chợt gặp lại cố nhân sau nửa đời sương gió bặt tin nhau.
    Nếu giới tuổi teen TP.HCM hay những tâm hồn mực tím, tìm ăn chè Cam vì thấy lạ hoặc có cớ để chụp hình "tự sướng" đặng "úp phây” (đăng hình lên Facebook) thì lứa muối tiêu càng nung nấu hạnh ngộ dòng chè ấy hơn.
    Họ, như cố… tắm hai lần trên một khúc sông xưa!
    Vừa lạ vừa quen
    “Xóm”  nhỏ  chè Campuchia, hiện diện ở chợ Lê Hồng Phong (Q.10, TP.HCM) đã gần 50 năm.
    Theo chị Có, chủ sạp  chè Cam độc nhất ở đây, từ năm 1970 bà già của chị (Dì Ba) đã mở bán tại đây rồi. Thời đó, Dì Ba mới 20 tuổi, vừa hoàn hồn sau trận chạy loạn từ Nam Vang về. “Mở tiệm, phần để mưu sinh phần giúp bà hoài nhớ cố hương!”, chị Có thủ thỉ.
    Có khoảng chục loại chè mặn - ngọt, giá tầm 10.000 -15.000 đồng/chén/ly, ở sạp chè Cô Có.
    Khi mẹ khuất núi, cô Có có cách nói năng ngọt như mía lùi nối nghiệp, khoảng 25 năm nay.
    Tám giờ sáng đầu tuần, chị Có vừa soạn lại hàng vừa tíu tít chào hỏi bao người quen lướt qua chợ Cam.
    Thượng vàng hạ cám, dường như kiểu gì chị cũng “bắt mạch” được mối bận tâm của bao thượng đế cũ - mới, quanh khu này. Từ chuyện người này vừa bị mất con chó Nhật tiếc đứt ruột đến nhà kia xin giấy phép sửa nhà “bầm giập quá”. Rồi lan qua việc lên kế hoạch ăn mừng thôi nôi cho con cháu thiên hạ…
    Gặp thời buổi kim tiền lên ngôi, lại có người sẵn lòng buồn/vui với bao lo toan đời thường của khổ chủ thì chuyện họ ủng hộ một ly chè ngang giá với 1 cái bánh bao hạng trung sẽ trở nên “nhỏ hơn con thỏ”.
    Tò mò, chúng tôi cũng gọi vài loại, nếm thử cho biết… thêm mùi đời.
    Lạ lẫm chè mặn hạt mít…
    Chén chè Cam thập cẩm (hột mít + hột me, đậu xanh…)  trông khá ngộ  nghĩnh, phảng phất hương sầu riêng quyến rũ.
    Ngộ nghĩnh, lạ miệng chè mặn hạt me.
    Dùng ruột hạt me nấu chè, chuyện tưởng  như chìm khuất sâu dưới lớp rong rêu thời gian, ở đất trời Nam bộ một thời xưa vắng. Nay, bỗng tinh khôi quay về.
    Hãy nghe anh Hai Trung Chính, thổ địa ở Bạc Liêu kể về thời “huy hoàng” của chè hột me: “Thời đó, khốn khổ muốn chết! Sang lắm mới có chén chè hột me cúng kiếng Phật trời, dịp Rằm lớn.”
    Trẻ nhỏ trang lứa anh Hai, chạy đi chơi quanh xóm, hễ thấy: mấy hột me, hột ô môi rơi rớt dưới đất đều lượm (nhặt) về rửa sạch. Họ đem chúng ngâm nước trong hũ keo sành. Ngày nào  cũng chăm chỉ thay nước sạch. Háo hức giở nắp hũ, thò tay vào thăm 3 - 4 bận/ngày, hễ nghe hơi mềm đã tém (nhai) ngon lành.
    Ngoái đầu  nhìn lại, cái “thời đó” của anh Hai đã hơn nửa đời người (trên 50 năm).
    Bí chọn nấu chè thường là bí sáp, “cơm” dẻo ngọt.
    Bởi vậy, ngày anh đăng ký nhập viện bệnh viện Bình Dân, TP.HCM, chờ điều trị, tôi mang chén chè nhỏ này, đến mời anh ăn chơi - giải khuây. Ánh mắt anh rạng ngời, mừng như trẻ nhỏ được quà ngon.
    Chị Có cho biết, nấu chè Cam phải xài đường thốt nốt xịn. Ăn cùng nước đá đập hoặc đá viên cỡ đầu ngón tay cái người lớn, tạo cảm giác lành lạnh mới dậy mùi thơm béo dịu dàng, thanh tao đặc trưng.
    Thăm cụm chè lai
    Riêng các loại chè chuối, chè hột me “sô lô”, chị mới nấu bằng đường trắng.
    Rưới thêm vài ba muỗng nước cốt dừa, chén chè Cam càng trở nên gần gũi hơn với chè Nam bộ
    Ở đây, có cả chè hột me + trứng gà + rau câu (phối giữa chè Cam với chè Việt).
    Và nếu các món: hột gà trà, chè trứng bột báng của người Hoa - Chợ Lớn thường giữ nguyên xi quả trứng thì các dòng chè trứng Cam có diện mạo khác.
    Chúng rực rỡ mà hồn nhiên và ẩn chứa một vài bất ngờ thú vị.
    Chẳng hạn, với một chén lòng đỏ trứng gà công nghiệp, sau khi khuấy đều, người thợ nấu sẽ dùng những khuôn bằng thiếc hoặc nhôm tạo hình thành vài ba chục cái bông bí hé nở hàm tiếu hoặc những màng “cơm” mít nghệ vàng ánh thật bắt mắt. Sau cùng, mang chúng hấp chín.
    Ẩn mình bên trong những múi mít vàng mọng là phần nhưn đậu xanh vàng ngà ngọt bùi thanh cảnh.
    Hoặc muốn tạo hình thành những sợi tơ vàng ươm, kiểu như lớp lưới chỉ hồng trong ruột trái bí rợ, thì họ lại ép phần nguyên liệu lòng đỏ trứng kia vào “rây” (khuôn)  khác, có lỗ nhỏ, kiểu như làm bún. Tất nhiên, hứng phía dưới là nồi nước sôi sùng sục.
    Những sợi tơ chỉ trứng trông thật lạ mắt.
    Tổng hòa, nghe beo béo lẫn ngọt bùi miên man, thật lạ miệng.
    Thêm tràng nhịp điệu giòn sần sật lẫn mát lạnh của bầy “đậu hạt me”. Chen chúc cùng hậu vị ngọt thanh dịu, của lượng đường được gia vừa phải. Càng hân khoái!
    Nghe tôi giả vờ chê thiếu ngọt, chị Có liền ôn tồn biện minh: “Bây giờ, người ta sợ ăn ngọt lắm! Ngọt thanh, thơm nhẹ tự nhiên vẫn tốt hơn ngọt gắt mà!”
    Vẫn chén chè hoa vườn khá sinh động đó, nếu “tắm trắng” bằng nửa vá (loại trung) nước cốt dừa sẽ trở nên quá đỗi thân quen.
    Bên cạnh đó, chén chè bí rợ chen tơ trứng, xâm xấp nước cốt dừa lại vừa lạ vừa quen.
    Muỗng nước chè, beo béo mùi vị nước cốt dừa lẫn chút béo thanh đậm với phảng phất làn hương sầu riêng tươi. Nó khá gần gũi với chén chè bột báng Bà Ba, của Nam bộ.
    Háo hức len răng vào cuộn chỉ trứng, nghe ngòn ngọt, bùi bùi, thanh thoát - lạ miệng chứ không gây ớn ngán.
    Còn tảng “cơm” bí rợ, vừa ngọt thanh đậm, vừa bùi bùi, deo dẻo. Chị Có cho hay, chị thường chọn loại bí sáp, cỡ “roi roi” (trung bình), nặng dưới 2kg/trái.
    Giao hòa, nghe đan xen béo - bùi của tổ hợp đạm trứng với nước cốt dừa và “thịt” bí, cùng mùi thơm sang cả của sầu riêng. Tất cả, đều gia giảm ở mức vừa đủ, nên không hề gây ớn ngấy.
    Béo bùi chè bí mặn
    Một dạng chè sền sệt - khá gần gũi với chè Việt, ở hơi hám nước cốt dừa với đường thốt nốt, cũng như sự góp mặt của toàn những nguyên vật liệu quen thuộc. Hay nói cách khác, đây là chén chè Bà Ba đội chiếc khăn rằn Khmer.
    Có lẽ, nhờ tôi đáo lại đây thêm 3 lần nữa, nên chị chủ càng tín nhiệm hơn.
    Và những “đạo” chè Cam
    Chị chân tình kể, có những khách mối “hai - ba đời” thích chè của chị. Có nghĩa, từ thời con gái họ đã khoái sà lại sạp chè “Cô Có”. Đến khi lập gia đình, rồi “cấn” (mang) bầu vẫn không thể “bỏ chị”. Tiếp nối, lứa con họ vẫn mê chè Cam.
    Khá đa đạng lứa tuổi, thành phần thực khách đến thưởng thức chè Cam.
    “Có đứa, chuẩn bị rời Từ Dũ ( sanh xong) đã gọi điện đặt liền 2 - 3 ly, nhờ xe ôm giao tới nhà.”, chị cười hãnh diện.
    Hỏi, lứa tuổi nào thường ủng hộ chè của chị. Chị bảo đủ cả, từ ăn dặm đến ăn chơi, kể cả tóc hoa râm.
    Đặc biệt, vào dịp hè, không ít du khách Campuchia đi xe đò chất lượng cao đến TP.HCM. Và hai điểm tham quan không thể bỏ qua của họ là: công viên Văn hóa Đầm Sen với chè chỗ chị.
    Lần nào ghé lại, cũng thấy chị cúng ông thần tài toàn chè. Thắc mắc: không sợ ổng ngán tới cổ sao. Chị tỉnh bơ đáp: “Thời buổi này, có ăn là quý rồi! Chắc ổng không đòi hỏi đâu!”
    Ruột hạt mít làm bằng nhưn đậu xanh, còn “cơm” mít cũng được chế biến từ lòng đỏ trứng gà.
    Một đồng nghiệp nữ, ở quận Bình Tân, vốn là “cao thủ chè” ở địa bàn TP.HCM, nhận định chân thành như sau: “Chè Cô Có chưa hẳn ngon nhất Sài Gòn, nhưng hiếm. Và cách bắt chuyện, mời mọc người ta ghé vô ăn ủng hộ của “bả” thì cao tay lắm!”
    Bài, ảnh: Tạ Tri

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét