Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2018

Bánh in Long Hựu: Mật ngọt đất cằn

Từ bao đời nay, những chiếc bánh trắng tinh, mịn màng, tròn vành vạnh gói ghém khát vọng đủ đầy, sung túc của người dân lam lũ miền hạ Long An vẫn đều đặn xuất hiện trên bàn thờ gia tiên của họ mỗi dịp Tết.
    Có thể nói, đây là một dạng bánh trung thu cách tân độc đáo - được Việt hóa bởi chính những bàn tay nội trợ đảm đang, ở xứ cù lao đồng chua nước mặn từ hơn trăm năm trước.
    Làng nghề trên trăm tuổi
    Bên ly trà chiều, ông Bảy Oanh (Võ Văn Oanh), 56 tuổi, ở ấp Cầu Ngang, xã Long Hựu Đông, dân cố cựu ở đây cởi mở về nghề “nhận” bánh in truyền thống quê ông: “Đây là nghề từ đời ông sơ, ông cố truyền lại. Trước năm 1980, hễ gần Tết là nhà nào cũng rộn ràng rủ nhau “nhận” 50 -100 cái. Trước, bà con để chưng trên bàn thờ gia tiên, sau để ăn Tết và để dành ăn dần đến hết tháng Hai ta vẫn không hư”.
    Trước kia, đất hai xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây nhiễm phèn mặn, chỉ cấy được một vụ lúa thơm, còn nếp thì có giống nếp dĩa, hạt mập hơn nếp Thái hiện nay, nhưng “cụt đòn” (ngắn). “Lấy nó đem rang, xay, nhận bánh in là ngậm mà nghe!”, ông Sáu Nên ở ấp Rạch Cát, cùng xã, góp chuyện. Thật đáng tiếc, sau trận mất mùa te tua năm 1978 (do lúa bị dịch bệnh vàng lùn), giống nếp quý này mất tích luôn.
    “Riêng Long Hựu, đặc biệt có loại bánh in nhân thập cẩm chay và mặn tựa như bánh trung thu, nhưng mùi vị thanh tao hơn. Do bánh ít dầu mỡ, nên ăn đỡ ngán hơn nhiều so với bánh trung thu, bánh pía người Hoa”, ánh mắt ông Bảy Oanh đầy vẻ tự hào.
    Lượm bạc cắc
    Chúng tôi ghé vào lò làm bánh in Oanh Muội ở ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông. Gia chủ Võ Thị Muội vừa lom khom dọn bếp vừa nghêu ngao hát. Chị Muội cho hay, vợ chồng chị vừa nhận xong 100 bánh từ sáng sớm, mới bán được phân nửa. Rảo thêm ba lò khác trong xã Long Hựu Đông, vẫn gặp tình trạng tương tự. Cuối cùng, chúng tôi đành quay lại nài nỉ vợ chồng chị Muội nhóm lửa xào nhân, làm giúp mẻ mới. Và hứa bao tiêu chẵn 100 cái.
    Giá bánh tại lò: 27.500 đồng/cây/5 cái, 55.000 đồng/2 cây. Tính chẵn: 6.000 đồng/cái. Mỗi cái có đường kính 9 - 9,5cm, dày 2,8-3cm. Bề mặt bánh nổi rõ hoa văn hình rồng, phụng khá sắc sảo. Do cần gấp, chị Muội nhờ thêm một người bạn hàng xóm sang tiếp tay. Cũng nhờ đã chuẩn bị sẵn gừng củ, chuối khô xắt chỉ (cho ngày hôm sau) nên các công đoạn xào nhân, khuấy đậu xanh tốn khoảng 40 phút.
    Nhân bánh in thập cẩm chay ở đây bổ dưỡng không kém nhân bánh trung thu cùng loại, mà lại ít ớn ngán  
    Ấn tượng nhất là bàn tay thoăn thắt của anh Bùi Hoàng Oanh, ông xã chị Muội. Mười ngón tay rắn chắc của anh khi dứt khoát nhận khuôn bánh, lúc khéo léo nương nhẹ - đẩy khối bánh mới thành hình ra vị trí đợi, chờ dẻ dặt hơn (10 - 12 tiếng). Lắm lúc anh còn lùi ra phía sau, mở máy trộn thêm vài ký bột nếp đã rang + xay sẵn, với đường mỡ gà (tỷ lệ 1-1), kêu rồ rồ trong chớp nhoáng.
    Cả ba phối hợp thật nhịp nhàng, thuần thục. Mất khoảng hai tiếng (tính từ lúc nhóm lửa đến khi rửa khuôn), 50 con phụng chấp chới đôi cánh màu trắng sữa cùng 50 con rồng nhỏ xinh, uốn mình sinh động đã tề tựu. Lấy công làm lời, bữa đó vợ chồng chị Muội thức dậy từ ba giờ khuya, cặm cụi cạo vỏ gừng, xắt chuối khô… Bán mỗi cái bánh, họ kiếm lời tối đa 3.000 đồng. Và nhẩm tính, tốn gần chục công đoạn bằng tay, mới có được chiếc bánh thành phẩm.
    Tiệc ngọt giữa đêm
    Biết chúng tôi cứ tò mò mãi về cái cảm giác hớp tách trà khuya nóng bỏng, lai rai mấy miếng bánh in thơm lựng trên vùng đất cằn cỗi nhưng nhân hậu này, ông Sáu Nên nồng nhiệt mời chúng tôi nghỉ đêm lại nhà ông, ở ấp Rạch Cát, xã Long Hựu Đông.
    Bốn giờ sáng, chủ khách cùng trở mình thức giấc. Và rồi, từng chung trà bốc khói thơm đã hiện diện, trên chiếc bàn nước ngoài hàng ba nhà ông Sáu. Chúng tôi nhẩn nha nhai miếng bánh cỡ hai ngón tay, thong thả hớp vài ngụm trà quạu ấm nóng giữa tiết trời khuya lành lạnh.
    Mỗi loại bánh đều chất chứa dư vị dễ mến riêng. Bánh nhân đậu xanh thoảng thơm mùi vani, toát lên chủ vị: ngọt, bùi thanh đạm. Hợp cùng chất chát ngọt của nước trà móc câu Thái Nguyên, phớt xanh màu đọt chuối, nghe mượt mà hậu vị vô cùng!
    Còn loại nhân đậu xanh, không trộn thêm “cơm” sầu riêng như bánh người Hoa
    Còn miếng bánh nhân mứt thập cẩm, da trắng ruột hồng, phảng phất mùi thơm dễ chịu của “tai vị” (tiểu hồi). Cắn vào, nghe nổi bật vị thanh tao của mật chuối, lan tỏa chất ngọt thơm dịu dàng từ dầu chuối.
    Và rồi, “đàn anh” chuối khô kia, nhanh chóng kết nối với chút béo + bùi của đậu phộng + mè. Chúng thấm đẫm tinh dầu gừng (vừa thoảng thơm dễ chịu vừa nồng the nhẹ), du dương hậu vị ngọt thanh của nước đường mỡ gà. Tất cả hòa quyện cùng khối “vỏ” bột nếp mịn màng, chân nguyên.
    Càng thú vị hơn, tuy nó hàm chứa năng lượng cao gần gấp đôi so với loại bánh nhân đậu xanh và bổ dưỡng tương đương bánh trung thu nhân thập cẩm chay, nhưng ít gây ớn ngán. Nhưng khi nghe hỏi: vị nào là tổ sư nghề làm bánh in cả vùng này, chủ nhà lắc đầu chịu thua.
    Về nguồn...
    Một số bậc cao niên sành ăn gốc Nam bộ cho rằng nghề này do dân mình học của người Minh Hương. Hiện nay, tại TP. Bạc Liêu, một số lò làm bánh in của người Tiều vẫn sản xuất các loại bánh in nhân đậu xanh trộn “cơm” sầu riêng rất thơm ngon và thứ bánh bằng bột nếp trộn đường - chất lượng không tệ. Vẫn hình tròn, cỡ bánh lớn gấp đôi sản phẩm cùng loại của Long Hựu, nhưng mỏng hơn.
    Riêng ông Nguyễn Phúc Ưng Viên, thầy thuốc thừa truyền triều Nguyễn ở quận Gò Vấp, TP.HCM, lại phản đối gay gắt: “Cha đẻ của bánh in Nam bộ chính là bánh khảo ngoài Trung!”.
    Khuôn bánh in được chạm khắc tinh xảo
    Ngược dòng lịch sử, thời mở cõi trời Nam, những lưu dân gốc ngũ Quảng (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức) đã sớm có mặt ở các vùng: Gò Công, Bến Tre, Cần Đước. Và có thể, họ đã cải biên chiếc bánh khảo nhỏ bé cố hương thành chiếc bánh in phổng phao như ngày hôm nay. 
    Thêm luồng ý kiến khác, trung dung hơn: bánh in là thành quả của sự giao thoa, tiếp biến trên nền văn hóa cộng cư Việt - Hoa. Có thể lắm chứ!
    Nếu vậy, từng chiếc bánh nhà quê trên dãy đất thừa nước mặn thiếu nước ngọt kia, còn biểu trưng cho sức sáng tạo không ngơi nghỉ của người nội trợ Việt. Còn vinh hạnh nào bằng? 
    Bài: Tấn Tới - Ảnh: Tạ Tri Nguyễn Bền

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét