Thứ Sáu, 26 tháng 5, 2017

Ông vua nào có biệt danh 'vua Lợn'?

Vua chơi bời vô độ khiến dân nghèo đói, trộm cướp nổi lên, dẫn đến nguy cơ sụp đổ triều đại. Đại Việt sử ký toàn thư, sứ thần nhà Minh và người thời ấy gọi ông là 'vua Lợn'.

ong-vua-nao-co-biet-danh-vua-lon
Tranh vẽ minh họa vua thời xưa.
Lê Tương Dực sinh ngày 25/6/1495, có tên húy là Oanh (một số tài liệu ghi là Oánh), là cháu của vua Lê Thánh Tông, con thứ của Kiến Vương Lê Tân và bà Trịnh Thị Tuyên (người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương, tức Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay).
Lê Tương Dực là em con chú con bác của vua Lê Uy Mục. Khi còn là Giản Tu Công, ông bị Lê Uy Mục bắt giam trong ngục. Biết quan quân nổi dậy chống lại Uy Mục, Tương Dực mới tìm cách hối lộ cho lính canh rồi chạy thoát. Đến năm 1509, dưới sự trợ giúp của đại thần Nguyễn Văn Lang, ông dấy binh khởi nghĩa, lật đổ ông "vua Quỷ" Lê Uy Mục và lên ngôi.
Không kém cạnh Lê Uy Mục, Tương Dực cũng nhanh chóng lao vào con đường ăn chơi trụy lạc. Ông thường gian dâm với các cung nhân, thậm chí với cả vợ lẽ của cha. Đó là một trong những lý do khiến ông bị người đời gọi là "vua Lợn".
Năm 1513, sứ thần nhà Minh Phan Huy Tăng khi sang Đại Việt, nhìn thấy vua Lê Tương Dực liền quay sang nói với người đồng hành Nhược Thủy rằng “Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu".
Nổi tiếng là ông vua chơi bời vô độ, dâm ô nhưng những ngày đầu mới lên ngôi, vua vẫn biết nghe lời phải trái, được coi là có công trạng với đất nước. Đại Việt sử ký toàn thư nhận định về Lê Tương Dực: “Vua buổi đầu lên ngôi, ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, cũng đáng coi là có công nghiệp".
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1510, ngay khi mới lên ngôi, vua Lê Tương Dực đã trọng thưởng cho các công thần như Nguyễn Văn Lang, Lê Quảng Độ, Lê Phụ, Lê Bá Lân, Trịnh Hựu… Cũng trong năm này, vua bàn đặt quan đề lĩnh, trông nom việc quân ở bốn mặt thành, cho người canh phòng các nơi, tìm bắt kẻ gian.
Năm 1511, vua cho thấy sự cố gắng của mình trong việc vực dậy đất nước bằng việc tổ chức các kỳ thi Hội, thi Đình. Đặc biệt ở kỳ thi Đình, ông đích thân ra đề văn hỏi về đạo trị quốc. Vua còn cho trùng tu Quốc Tử Giám và làm mới nhà bia tiến sĩ để tỏ rõ sự khuyến khích nhân tài, cho khảo thí con cháu các quan viên về viết chữ và làm toán, người nào đỗ cho sung làm nho sinh ở nha môn.
Đại Việt sử ký toàn thư có trích bày ký do Đông các đại học sĩ Đỗ Nhạc soạn ca ngợi vua Lê Tương Dực “Vua thông minh xứng đáng bậc vua, sáng suốt làm gương cả nước, khôi phục quy mô xây dựng cơ nghiệp của Thái Tổ, mở rộng nền móng văn giáo thịnh trị của Thánh Tông”.
Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang. Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm”.
Vua còn sai người thợ Vũ Như Tô làm điện lớn hơn trăm nóc, dùng hết tiền của và sức dân trong nước, lại làm Cửu Trùng Đài, trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang cho mặc sức du ngoạn. Câu chuyện này đã được tái hiện trong vở kịch Vũ Như Tô.
Các việc làm của vua Lê Tương Dực khiến “dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc”. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Quân năm phủ đắp thành chưa xong được, đến đây lại có lệnh bắt các nha môn ở trong kinh thành phải làm, tập hợp nhau lấp hồ, khiêng đất. Vua hàng ngày bất thần ngự chơi các nơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc. Có chỗ chưa làm xong lại phải làm lại, sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười”.
"Vũ Như Tô" là vở kịch có quy mô lớn và xuất sắc của Nguyễn Huy Tưởng và nền kịch nói Việt Nam hiện đại. Tác phẩm được sáng tác vào năm 1941, gồm 5 hồi, viết về sự kiện lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long dưới thời vua Lê Tương Dực.
Vũ Như Tô, nhân vật chính của vở kịch là kiến trúc sư có tài và giàu sáng tạo, bị vua Lê Tương Dực bắt xây Cửu Trùng Đài để làm chỗ vui chơi. Nguyễn Huy Tưởng viết trong tác phẩm của mình rằng Vũ Như Tô vốn là nghệ sĩ chân chính gắn bó với nhân dân nên ông từ chối. Nhưng sau khi nghe lời khuyên của cung nữ Đan Thiềm, ông đã trổ tài xây một lâu đài vĩ đại, tô điểm cho đất nước, làm niềm hãnh diện của dân tộc. 
Tuy nhiên, công trình được xây dựng làm tốn rất nhiều mồ hôi, xương máu và tài sản nên Vũ Như Tô bị nhân dân vô cùng căm ghét. Khi biết tin đang bị đuổi bắt, Vũ Như Tô vẫn không chạy trốn vì cho rằng mình không có tội gì trong việc này, thậm chí còn nghĩ đã có công dựng lên một công trình hoành tráng. Đến khi Cửu Trùng Đài bị thiêu hủy, Vũ Như Tô mới bừng tỉnh nhưng đã quá muộn. Cuối cùng, ông cũng bị giết.
Qua tấn bi kịch của Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng muốn đặt ra những vấn đề muôn thuở về lý tưởng nghệ thuật cao siêu và vĩnh cửu với những lợi tích thiết thực của đời sống nhân dân.
Sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 có đoạn trích "Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài". Đoạn trích này là hồi 5, hồi cuối cùng trong vở kịch "Vũ Như Tô".
Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Trịnh Duy Sản giết vua ở cửa nhà Thái Học".
Trịnh Duy Sản là cháu nội của Thái úy Trịnh Khả. Ông là võ tướng có công lớn trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Trần Tuân, Lê Hy, Phùng Chương và được Lê Tương Dực phong tước Nguyên quận công, giao cho chỉ huy quân Cấm vệ. 
Tương Dực làm nhiều việc thất đức, Duy Sản nhiều lần can ngăn trái ý vua. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vì điều này mà Trịnh Duy Sản bị đánh bằng trượng. Từ đó, ông cùng Lê Quảng Độ, Trịnh Chí Sâm mưu việc phế lập, bèn cho sửa soạn thuyền bè, khí giới bến Thái Cực, nói phao lên là đi đánh giặc.
Đêm 7/5/1516, Trịnh Duy Sản đem theo 3.000 người ở các vệ Kim ngô và Hộ vệ vào cửa Bắc Thần. Vua nghe tin ấy, ngờ là có giặc đến, bèn chạy ra hồ Chu Tước phường Bích Câu thì bị võ sĩ của Trịnh Duy Sản giết chết. Thừa chỉ Nguyễn Vũ, người làng Thiên Mỗ (nay là xã Tây Mỗ và Đại Mỗ, thuộc Nam Từ Liêm, Hà Nội), theo hầu vua cũng bị giết.
Về việc Trịnh Duy Sản giết vua Lê Tương Dực, Nguyễn Khắc Thuần bàn trong Việt sử giai thoại: "Trịnh Duy Sản giết vua, lịch sử có thêm một kẻ tạo phản nhưng lại bớt một kẻ ngây ngô, chẳng biết nên coi đó là lợi hay hại. Mới hay, thời loạn, bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra".


Thanh Tâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét