Nhiều người đến Liêng Rơwoa đã choáng ngợp bởi thiên nhiên hùng vĩ. Ai đó đã bảo rằng, Liêng Rơwoa hoang sơ nằm ở cao nguyên Lâm Đồng như một sơn nữ với tình yêu mãnh liệt.
Dòng thác đẹp hoang sơ
Liêng Rơwoa ở trung tâm thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt trên 60 km. Đến thác này qua những cung đường đẹp giúp du khách chiêm ngưỡng núi non hùng vĩ, bản làng hai bên...
Nam Ban là vùng đất trú ngụ lâu đời của người K’ho. Câu chuyện cổ tích về thác Liêng Rơwoa lưu truyền từ đời này sang đời khác về tình yêu mãnh liệt. Ngày xưa ở vùng núi này có vị tù trưởng có cô con gái tài sắc vẹn toàn. Tiếng hát của nàng có thể làm gió ngừng thổi, cây ngừng rung.
Ngay cả loài chim B’ling hót hay nhất cũng đậu lại lắng nghe nàng hát. Muôn thú ngưng bắt mồi, chạy nhảy để thưởng thức tiếng hát trong trẻo, vang xa. Người yêu của nàng hẹn ước khi thắng giặc trở về sẽ nên duyên chồng vợ.
Chàng lên đường, nàng mỏi mòn chờ đợi ở chốn núi rừng. Ngày xa dần, nàng không nhận được tin chàng. Bóng chàng vẫn bặt tăm. Nỗi nhớ mỗi lúc càng da diết làm tiếng hát nàng càng cao vút và vang xa nhưng đầy ai oán. Rồi nàng quyết định lên đường tìm chàng. Nàng vừa đi vừa hát và mong rằng ở nơi xa chàng nghe được tiếng hát và quay về.
Đến một ngày nọ, nàng kiệt sức. Đôi chim B’ling báo cho nàng rằng chàng đã chết. Nàng đem hết hơi thở của mình tiếp tục hát những bài hát đau thương cho đến khi chết lịm bên khe đá. Nửa đêm hôm đó, có một tiếng nổ lớn gãy đôi sườn núi, tạo ra một dòng thác ầm ầm tuôn chảy ngày đêm.
Đàn voi nằm nghe nàng hát lâu quá đến hóa đá không hay. Dòng thác ấy được người trong bản đặt tên là Liêng Rơwoa để ghi nhớ mối tình chung thủy, nồng nàn của đôi trai tài-gái sắc núi rừng này...
Chinh phục Liêng Rơwoa
Đứng từ đỉnh thác cao hơn 30 mét nhìn xuống, du khách thấy những khối đá lô nhô hình dáng như những con voi quỳ. Du khách theo lối mòn đi vòng qua rừng nguyên sinh đến với chân thác. Rừng khá dày, đá chất chồng cheo leo nên khách không nhìn thấy được dòng thác trên đường đi, mà chỉ nghe tiếng ầm ầm của nó.
Dù được khai thác du lịch lâu nay nhưng không gian Liêng Rơwoa vẫn được giữ nguyên vẻ hoang sơ. Khách đều phải leo trèo, nhảy... để đi lên phía trước. Có những khối đá lớn, dốc, du khách phải bám tay vào những gờ đá, rễ cây, dây rừng... làm điểm tựa.
Cuộc chinh phục vô cùng gian nan nhưng đầy thú vị. Bước sâu vào rừng, khách như đi dưới những cơn mưa rừng. Nước tích tụ trên lá, trên cây tạo thành giọt rơi xuống như mưa.
Không khí rất ẩm và mát lạnh. Con đường khúc khuỷu, gian nan nhưng cái mát mẻ ngăn được mồ hôi đổ; nghe tiếng thác reo khách càng hăng say, bước tiếp không ngại những khó khăn trước mắt...
Từ vị trí cách chân thác đến vài trăm mét, du khách có thể thưởng thức hết vẻ đẹp hùng vĩ của Liêng Rơwoa. Nước đổ thẳng xuống, va vào đá tạo âm thanh dữ dội. Nước tràn qua các phiến đá, tuôn chảy về phía hạ nguồn. Gần chân thác, có rất nhiều hốc đá lớn tạo thành những hang động.
Muốn vào các hang, khách phải bước qua những phiến đá trơn trợt, rất nguy hiểm. Phần lớn du khách đến đây đều dừng chân lại phía sau “bầy voi” quỳ hóa đá để ngắm thác và ghi lại những bức ảnh đánh dấu một chuyến đi đầy thú vị.
Liêng Rơwoa mới được khai thác du lịch gần đây nhưng đã là điểm đến từ nhiều năm nay của nhiều du khách thích khám phá thiên nhiên, vùng đất mới. Khách quốc tế đến thác này khá sớm và trở thành điểm đến quen thuộc khi đặt chân đến cao nguyên Lâm Đồng.
Liêng Rơwoa ngày nào cũng đón nhiều khách quốc tế. Họ đến đây để bị mê hoặc bởi không gian hoang sơ của rừng rậm, sự kỳ bí của những hang động ở gần chân thác.
Nghe câu chuyện huyền thoại, nhiều du khách ví ngọn thác như một sơn nữ với tình yêu mãnh liệt. Tiếng thác đổ là tiếng hát véo von, kéo dài đến vô tận. Vì thế, “bầy voi” mãi hóa đá dưới dòng nước-tiếng hát này.
Theo Vĩnh Bảo (Cần Thơ Online)
Chuyện ngược đời chinh phục chân thác ở Lâm Đồng
Điều lý thú khi đến thác Voi ở
thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách Đà Lạt khoảng 25 km, là du khách
không phải chinh phục đỉnh mà là chân thác.
Bên cạnh thành phố hoa Đà Lạt, Lâm Đồng còn nổi tiếng bởi nhiều ngọn
thác nước bọt tung trắng xóa, gắn với những truyền thuyết ly kỳ. Nếu đã
quen thuộc với thác Cam Ly hay Datanla, thì không có lý gì bạn không
chọn thác Liêng Rơwoa làm điểm dừng chân cho chuyến khám phá Lâm Đồng
lần tới.
Vẫn vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ nhưng khi đến đây bạn còn cảm nhận được
không gian đậm chất nghệ thuật với những tảng đá hình voi phủ phục nằm
ngay chân thác. Bởi vậy thác Liêng Rơwoa mới có tên gọi thác Voi.
Trước đây để đến thác Voi, du khách phải xuống đèo Prenn, rồi từ Liên
Khương theo hướng đi Đắk Lắk, đến huyện Lâm Hà rẽ vào Nam Ban.
Thác Voi là một trong những thác lớn và quy mô nhất ở Tây Nguyên. Ảnh: wiki
|
Ngày nay, từ Đà Lạt bạn chỉ cần đi qua Tà Nùng là vào đến Nam Ban.
Ngoài đi xe máy từ trung tâm thành phố, bạn có thể chọn tuyến xe buýt Đà
Lạt – Nam Ban. Con đường trải nhựa thẳng tắp dài chưa đầy 30 cây số men
theo những triền thông vi vu gió thổi sẽ dẫn bạn đến Thác Voi.
Từ xa, du khách đã có thể nghe tiếng vọng lại của tiếng nước, tiếng
thác như réo gọi, chào mời. Chỉ cần lần theo tiếng vọng là thấy khung
cảnh choáng ngợp của một dòng nước từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, bất
chợt đứt gãy, rồi đổ xuống vực sâu.
Chỉ cách đường tỉnh lộ khoảng 50 m nhưng thác Voi vẫn giữ được nét
hoang sơ đầy quyến rũ. Từ trên cao nhìn xuống, thác hun hút như một dải
lụa trắng nối liền trời xuống đất. Để rồi khi ánh nắng mặt trời chiếu
rọi qua từng tia nước bung tỏa qua sườn núi đá hoa cương, thác Voi như
ánh lên bức họa sắc màu lung linh, huyền ảo. Khói tỏa, sương bay như lạc
vào miền thần tiên.
Đường xuống chân thác Voi là thử thách với cả những người gan dạ. Ảnh: wiki
|
Tuy nhiên phải xuống chân thác bạn mới có cái nhìn toàn cảnh về thác
Voi. Do đó, du khách buộc lòng phải làm chuyện ngược đời, là chinh phục
chân thác. Gọi là chinh phục quả không sai khi từ đỉnh xuống chân thác
chỉ khoảng 145 bậc thang nhưng bạn sẽ có cảm giác như đi trong rừng già
và thám hiểm một vùng đất lạ.
Không chỉ có những cây cổ thụ, cung đường có vẻ đẹp nguyên sinh này còn
dày đặc dây leo chằng chịt. Bởi thế, khi lần theo từng bậc đá chênh
vênh, dây leo rừng trở thành chỗ bám an toàn cho bạn. Đôi lúc hơi nước
đọng lại trên tán lá rơi rớt như giọt “mưa rừng”, khiến không khí càng
thêm mát mẻ.
Những tảng đá tựa voi phục dưới chân thác. Ảnh: dulichbui
|
Càng đi bạn càng như cuốn vào một câu chuyện đầy bí ẩn bởi không gian
tịch mịch, bốn bề là rừng và đá núi, ấm ầm tiếng thác đổ bên tai. Điểm
xuyết giữa màu xanh nhút ngàn của cây rừng là màu vàng đỏ của lớp lá
chuyển mùa, màu vàng li ti của những thảm hoa dại ven đường cùng màu tím
biêng biếc của hoa leo.
Khi xuống chân thác, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy những tảng đá nhấp nhô
phủ đầy cỏ dại ở đây có hình thù tựa như những chú voi chen nhau tắm
suối. Cùng với tiếng đổ nước ào ào, du khách liên tưởng đến đoàn voi gầm
rú qua đây.
Ngồi trên “lưng voi”, dưới chân là dòng nước cuộn chảy qua các ngóc
ngách đá, bạn sẽ có góc nhìn đẹp nhất về dòng thác cao hơn 30 m và trải
rộng chừng 15 m. Đây là một trong những dòng thác lớn và quy mô nhất của
Tây Nguyên.
Phía sau dòng thác là những hang sâu kỳ thú. Nào là hang Dơi lạ mắt,
nào là hang Gió vi vút tiếng sáo trời. Một chuyến trở về với thiên nhiên
hoang dã, khám phá thác Voi trong những ngày nghỉ sẽ giúp bạn trải
nghiệm nhiều điều thú vị.
Vy An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét