Nhị Hà - dòng sông không bao giờ cạnCòn sông, số lượng khiêm nhường hơn: Sông Hồng, sông Đáy, sông Cầu, sông Đuống, Nhuệ Giang, Tích Giang, Kim Ngưu, Cà Lồ, Tô Lịch, sông Sét, sông Lừ, sông Công, sông Thiếp. Cả thảy 13 sông chảy qua địa danh Hà Nội. Nhưng thân thuộc gần gũi với người Hà Nội vẫn là sông Hồng, dòng sông chảy qua giữa lòng Hà Nội. Sông Hồng với nhiều tên gọi khác nhau: Sông Thao, sông Cái, sông Nhị Hà. Sông Hồng chảy đến địa phận Hà Nội dòng chảy uốn cong như hình vành tai bởi vậy mới có tên Nhĩ Hà gọi chệch là Nhị Hà. Ngày xưa các sông hồ trong lòng Hà Nội giao kết nhau tạo thành mạng lưới giao thông chằng chịt trên bộ dưới thuyền. Các sông trong lòng Hà Nội giờ đã hẹp dòng, lại bị ô nhiễm trầm trọng, chỉ còn sông Hồng vẫn rộng dài như ngàn xưa đã có. Dù khí hậu và thời tiết đổi thay, dù cho con người và thiên nhiên xâm hại, nhưng chưa bao giờ sông Hồng cạn khô kiệt nước. Dù mùa khô hay mùa lũ, dòng sông vẫn một màu hồng đỏ tươi - màu đỏ phù sa – một màu khác biệt, đặc trưng của sông Hồng. Qua dòng chảy thời gian, dòng sông vẫn miệt mài lấn biển, mở rộng thêm bình nguyên Bắc bộ màu mỡ. Nước sông Hồng không chỉ chứa phù sa mà còn có nhiều khoáng chất tác động tích cực tới cơ thể con người. Nhiều người đã nghiện tắm ở sông Hồng. Da họ bắt nắng đỏ au như người miền biển. Thứ da mà người Âu châu thèm khát, còn ở ta mối mọt phải chào thua. Chả biết nước sông Hồng có phép lạ gì, nhưng những người nghiện nó ít thấy ốm đau. Mùa hè đường phố ngột ngạt, đường nhựa bốc hơi như lò sấy, vượt ra bờ sông Hồng hóng gió, uống cốc nước chè tươi. Dưới bóng tre già, thả mắt xuống dòng sông, chợt thấy cảm giác khoan khoái, lâng lâng choáng ngợp. Sông Hồng nổi tiếng với các loài thủy sản: Cá lăng, cá Anh Vũ, cá bống, cá chiên và đặc biệt là loài rùa khủng, lưng to bằng cái chiếu, nặng vài ba tạ, lôi được cả trâu, cả bò xuống nước. Ở vùng Hạ Hòa, Phú Thọ người dân nhiều lần thấy rùa nổi trên mặt nước. Người ta còn tìm được cả rổ trứng rùa trên bãi cát. Thiết nghĩ, loài rùa này liệu có bà con họ hàng gì với cụ rùa Hồ Gươm. Rất có thể vì trước đây Hồ Gươm thông với các hồ và các sông trong đó có sông Hồng. Và nếu điều kỳ diệu ấy xảy ra thì cụ rùa Hồ Gươm sẽ không còn phải sống độc thân cô quạnh nữa. Chiều nay tôi thả bộ qua cầu - Cầu Long Biên lịch sử - Cây cầu hiện đại vào loại TOPTEN trên thế giới khi nó mới ra đời. Hà Nội đã có ngày ngút trời khói lửa của chín năm kháng chiến trường kỳ, và trong đạn bom, lửa cháy những ngày chống Mỹ. Cầu Long Biên đã bao lần hiên ngang trong mưa bom bão đạn, đặng giữ cho tuyến giao thông huyết mạch của Tổ quốc không bao giờ ngừng chảy. Nơi đây vào dịp Tết Kỷ Dậu năm 1789, hàng vạn quân xâm lược Mãn Thanh đã phải đền mạng khi tháo chạy. Nơi đây vào một đêm năm 1946, sau 60 ngày đêm khói lửa cầm chân quân địch, trung đoàn Thủ đô đã bí mật vượt sông Hồng trước mũi súng của binh lính Pháp. Đây là cuộc rút quân thần kỳ có một không hai trong lịch sử. Dòng sông đã là mồ chôn quân xâm lược, nhưng lại là con đường sống cho những người dân đất Việt. Họ đã vượt qua chính nơi mà kẻ thù không thể ngờ tới. Và đoàn quân ấy còn tiếp tục tiến hành cuộc trường chinh vĩ đại vì sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Và mùa Xuân 1975, lá cờ quyết chiến quyết thắng của quân đội ta đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đất nước đang hồi sinh mạnh mẽ. Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Những cây cầu mới đang nối hai bờ gần lại. Tính đến nay, ngoài cầu Long Biên, Hà Nội đã xây dựng thêm bốn cây cầu hiện đại khang trang: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì và chiếc thứ năm là cầu Nhật Tân sẽ được khởi công vào cuối năm nay. Những dự án tôn tạo, xây dựng thành phố sông Hồng đang được khẩn trương thiết kế khảo sát. Chắc chắn rằng, một ngày không xa nữa, sông Hồng sẽ trở thành điểm đến, điểm chờ, nơi hẹn hò cho các du khách gần xa. {-baotintuc-}
Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng.
|
Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011
Nhị Hà - dòng sông không bao giờ cạn
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét