Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

Dinh thự cổ giữa cao nguyên đá

(du lich) - Khu dinh thự cổ bề thế là di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên miền cao nguyên đá Hà Giang.

Khu dinh thự cổ bề thế, uy nghi dưới bóng hai hàng sa mộc cổ thụ cao vút, ẩn sau những ngọn núi đá tai mèo vắt ngang lưng trời là một di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên miền cao nguyên đá Hà Giang.

Sau bữa trưa ồn ào, đầy ắp tiếng nói cười bên những bát rượu ngô sóng sánh và những nếp váy thổ cẩm rực rỡ sắc màu ở chợ Sà Phìn, chúng tôi bước theo con đường lát đá tảng giữa hai hàng sa mộc cổ thụ cao vút dẫn đến dinh thự nhà họ Vương. Chỉ đến khi bước qua cánh cổng ngoài đơn sơ cạnh bức tường đá hộc dày dặn, chắc chắn, ngước mắt nhìn lên ngôi nhà cổ uy nghi, bề thế với mái ngói cong vút và khu mộ cổ dưới bóng hàng sa mộc, tiếng nói cười huyên náo mới lặng dần. Thập thò mãi bên cánh cổng gỗ đóng hờ, rồi chúng tôi vào bên trong khu dinh thự nhờ đi theo một cô bé xinh xắn, là cháu gái của người đang giữ chìa khóa khu nhà này, cũng là cháu chắt của hai đời chủ nhân khu dinh thự - những ông “vua” người Mông cực Bắc Vương Chính Đức và Vương Chí Sình.

Dinh thự cổ giữa cao nguyên đá, Du lịch,
Qua cánh cổng, đứng trong bóng tối lờ mờ của khu nhà, ánh mắt chúng tôi đã bị hút theo một dãy cửa thẳng tắp xuyên suốt các dãy nhà ngang, ngăn cách nhau bằng những khoảng sân vuông vắn lát đá. Khu dinh thự xây theo 3 lớp cao dần vào trong gồm tiền dinh, trung dinh và hạ dinh, với 4 nhà ngang và 6 nhà dọc xây 2 tầng, gồm 64 buồng.

Nghe nói dinh thự cổ bao bọc giữa bốn bề núi đá này được xây cất ròng rã 8 năm, rộng hơn 1.000m2. Ngày ấy, cụ Vương Chính Đức mời thầy địa lý đi hết vùng núi non Hà Giang, cuối cùng dừng lại ở khu đất nổi lên như hình mai rùa ở thung lũng Sà Phìn thuộc địa bàn huyện Đồng Văn này. 8 năm trời, những người thợ tài hoa từ vùng Vân Nam (Trung Quốc) cùng với những tốp thợ người Mông giỏi nhất đã tạc đá, xây nhà, tạo nên một khu dinh thự bề thế, uy nghi, kết hợp hài hòa đường nét kiến trúc nhà Thanh với văn hóa người Mông bản địa.

Dinh thự cổ giữa cao nguyên đá, Du lịch,
Dấu ấn đặc trưng của văn hoá Mông thể hiện ngay ở bờ tường đá vòng tròn quanh khu nhà. Hơi khác với những bờ rào đá xếp chồng lên nhau quen thuộc khắp vùng cao nguyên đá, bức tường dinh thự này được xây chắc chắn, dày đến gần nửa mét, tạo thành khuôn viên riêng biệt đầy vẻ bề thế cho khu dinh thự. Bên trong bờ tường đá là những khu nhà trình tường, lợp ngói âm dương, với những khung cửa gỗ, lan can, hàng cột chạm trổ tinh xảo.

Dãy cửa thẳng tắp của các khu nhà ngang có sức cuốn hút lạ kỳ, lôi kéo bước chân chúng tôi đi một đường thẳng tắp xuyên dọc khu nhà. Cảm giác thật thích, cứ bước hơn chục bước trong khu tiền dinh tôi tối, vừa đủ thấy sờ sợ, rón rén là đã ra đến khoảng sân trời lát đá ngập tràn ánh nắng. Lại mạnh mẽ, tự tin bước lên vài bậc tam cấp, đi tiếp vào trung dinh lờ mờ ánh sáng hắt qua những ô cửa chạm trổ tinh xảo, đến khi bước chân vừa thấy rụt rè, lại đã ra đến khoảng sân rộng nối với hậu dinh. Cứ thế, những bước chân vừa tò mò, vừa hồi hộp đi hết chiều dọc dài đến gần 50m của khu dinh thự, tới tận 2 lô cốt xây đá xanh ở góc trong cùng.

Dinh thự cổ giữa cao nguyên đá, Du lịch,
Khi đã quen dần với vẻ tôi tối đầy bí hiểm của khu nhà, chúng tôi bắt đầu rẽ ngang rẽ tắt, tỏa vào các dãy nhà ngang, nhà dọc. Tôi cứ tha thẩn đi dọc các dãy hành lang, định bụng đếm xem khu nhà này có đủ 64 phòng hay không. Nhưng khi leo lên tầng 2, tôi ngay lập tức bị hút hồn bởi những khung cửa sổ và những mái nhà lợp ngói hình chữ thọ chạy dọc các hàng hiên. Quên mất việc đếm phòng, tôi chiếm giữ một khung cửa sổ, mê mải chụp ảnh những mái ngói ngang dọc xếp chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp ở bốn góc khu nhà. Rồi những khung cửa sổ tối đen xung quanh dần xuất hiện những bóng áo đỏ, áo xanh cùng những vuông khăn Mông rực rỡ sắc màu của những người bạn đồng hành. Lâu lâu, bóng áo đỏ bên khung cửa này lại thì thầm với bóng áo xanh ở khung cửa bên cạnh, rồi nói với qua khoảng sân rộng, tới tận bóng áo vàng ở dãy nhà đối diện. Tiếng nói cười lại ríu rít bên những mái ngói đã lên màu rêu mốc.

Phía dưới sân, những người bạn tôi cũng chọn cho mình một góc yêu thích trong khu dinh thự cổ. Đứa ngồi dựa lưng vào hàng cột gỗ lớn ngoài hiên, đứa đung đưa buông thõng hai chân bên thềm nhà lấp lóa nắng chiều, lơ đãng dõi theo đôi má đỏ hồng lấp ló ẩn hiện trên những khung cửa sổ tầng hai và tiếng cười lanh lảnh của mấy cô bé, cậu bé người Mông bay dọc dãy mái ngói rêu phong. Tiếng cười trong trẻo ấy vượt ra khỏi những mái ngói của khu dinh thự cổ, vượt qua hàng sa mộc cao vút, vượt cả những triền núi cao ngất tận lưng chừng trời, theo chúng tôi mãi trong suốt hành trình trên miền cao nguyên đá.



Theo Ngân Hà (Lao Động)

Thăm cung vua trên cao nguyên đá

Quãng 100 năm trước, nơi người Mông (Hà Giang) sinh sống, có dòng họ Vương mà đứng đầu là "Vua Mèo" - Vương Chính Đức đã xưng vương thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này. Để khẳng định uy quyền của mình, ông đã cho xây dựng một dinh thự riêng. Trải bao mưa nắng đến nay nó vẫn tồn tại và trở thành một di tích lịch sử, văn hóa đáng để dừng chân thưởng lãm giữa cao nguyên đá... Nhưng hồn thiêng giờ đã nhạt, chỉ vương vấn chút oai xưa.
Cách thị xã Hà Giang 125km, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển Nhà Vương thuộc xóm Sà Phìn A, xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Nằm im lìm trong thung lũng Sà Phìn, bao bọc bởi núi đá dưới những hàng cây Sa Mộc cao vút. Pháo đài của "Vua Mèo" Vương Chính Đức hiện ra trong lảng bảng sương mù của cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Vượt qua cổng trời Quản Bạ, đi qua núi đôi tròn trịa như bầu vú thiếu nữ xuân thì!  Nơi quanh năm bao phủ bởi mây và sương mù, nơi một thời ông Vua Mèo đóng cổng để xưng vương, đường xe sẽ đưa bạn men theo đường 4C uốn lượn như dải khăn dài mỏng manh vắt qua các dãy núi hình cánh cung lên rồi xuống. Cảm giác chênh vênh, chếnh choáng khi khi nhìn quanh cửa kính xe ôtô là khung cảnh hùng vĩ của núi đá tai mèo tầng tầng lớp lớp của miền đá Đồng Văn, rồi chợt dinh đá hiện ra sừng sững.
Tương truyền, để chuẩn bị xây dựng ngôi nhà, Vương Chính Đức đã đích thân sang Tàu tìm thầy địa lý về chọn đất. Sau khi khảo sát khắp vùng cao nguyên đá, thầy địa lý đã chọn thung lũng Sà Phìn, vì giữa thung lũng nổi lên một khu đất hình mai rùa, được ví như là gò “thần Kim Quy”, phía trước là hai quả núi hình mâm xôi, tượng trưng cho cuộc sống đầy đủ, ấm no. Sau nhà là một dãy núi đá tựa lưng về trời Bắc, sừng sững như bức tường thành vòng cung ôm lấy dinh thự mà thầy địa lý phán rằng để con cháu đời sau sẽ vinh hiển, gia tộc vững bền.

Được biết rằng, sau khi chọn được mảnh đất ưng ý, năm 1920 dinh thự họ Vương bắt đầu được xây dựng. Hầu hết thợ xây dựng được gọi từ những hội thợ  là người Hồi vùng Vân Nam (Trung Quốc) và những tốp thợ khéo léo nhất, thu nhặt trong các bản người Mông. Có lẽ lúc xưa, hàng ngàn dân thợ ngày đêm, nắng mưa gió lạnh đã lăn lóc khắp các nẻo núi đá quanh vùng để xẻ đá, chặt gỗ làm nhà. Mất 8 năm và tốn khoảng 150.000 đồng bạc trắng nhà Vương mới hoàn thành.
Dinh thự họ Vương được thiết kế theo lối kiến trúc Hoa Nam vùng Mông “tộc” độc đáo có giá trị nghệ thuật, với những đường cong, nét lượn, trạm trổ tinh xảo. Được tạo dựng bằng nguyên liệu đá xanh, gỗ thông, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già được chạm trổ công phu hình rồng, phượng, dơi, tượng trưng cho sự quyền quý và hưng thịnh. Tường xây bằng đá, trong ốp ván, cột kèo gỗ, sàn lát gỗ, mái ngói máng, có hàng hiên lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ Thọ.
Tổng thể dinh thự họ Vương rộng khoảng 1.200m2 mặt bằng kiến trúc. Xung quanh là tường bao bằng chất liệu đá xanh, dày 60 - 80cm, cao khảng 2,5 - 3m. Toàn bộ khu dinh gồm khoảng 13 hạng mục chính như: tiền dinh, trung dinh, hậu dinh, lô cốt, bể nước, chuồng ngựa…
Hai bên đường vào có hàng cây Sa mộc hiên ngang như đội gác. Tường rào đá đã rêu xanh cây mọc lòa xòa. Biệt thự qua bao nắng mưa, bão gió, có chỗ đã bị thời gian mài mòn, hoang phế nhưng về cơ bản vẫn giữ được hình xưa dáng cũ nhà chính quay ra cổng, còn những ngôi nhà khác xây dọc hai bên song song và vuông góc với nhau. Ở giữa có một con đường lát bằng đá xanh dẫn vào dinh thự họ Vương. Các bậc đá xẻ dẫn vào nhà được gọt đẽo theo những hình thù đặc sắc.
Những gian nhà trong được chia làm nhiều phòng nhỏ, phòng chính sau hậu viên được dành cho Vương Chính Đức, trong phòng của Ông Vương còn có một kho chứa thuốc phiện lớn. Hai bên cánh làphòng cho ba người vợ của ông cùng các con trai, con gái. Ngoài ra còn có các phòng cho người hầu, lính gác.Tại đây vẫn còn lưu giữ được tấm hoành phi do vua Nguyễn trao tặng ghi bốn chữ “Biên chinh khả phong”.
Ngắm chiếc chum nước đặt ngay góc sânmới thấy hết sự cầu kỳ quyền uy của Mèo xưa thế nào! Chỉ một cái lu nước, mà khoét nguyên cả khối đá xanh thật kỳ công. Những cây cột cái được trạm trổ hình mai rùa và hai hàng vẩy rồng từ dưới chân lên đỉnh, cùng với các cột con được khắc ở chân hình rơi phú quý. Mái nhà cong cong như cánh bay của rồng.
Đến thăm dinh “Vua Mèo” thấy ngôi nhà như đã nằm im theo bụi thời gian, sau nhiều biến cố. Chỉ còn lại những nét “hùm” trầm mặc của thủa vương quyền xưa lặng lẽ nhìn du khách qua lại. Một cung điện thu mìnhnằm giữa miền đá ngút ngàn trước thời cuộc. Giờ đây cũng chỉ còn như một chứng tích lịch sử, đi cùng cuộc sống của dân bản hôm nay quanh bức tường rêu dinh thự. Hãy đến cao nguyên đá để sống lại trăm năm xưa cũ miền cao nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét