Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

Muối sả để dành

TTO - Trời sang thu, tiết trời bắt đầu se lạnh. Huế lúc này mưa, trời mưa rả rích… Những tháng ngày này mẹ tôi thường làm cho anh em tôi mỗi đứa một hũ muối sả để ăn dần.
Muối sả - Ảnh: Đinh Lăng

Chúng tôi là những sinh viên trọ học xa nhà, cám cảnh trời cứ mưa hoài, đôi lúc học bài khuya, bụng đói mà bữa cơm lúc chiều đã vét sạch thức ăn, hoặc những khi giáp hạt chẳng biết vay mượn đâu thì muối sả là giải pháp hữu hiệu nhất để chống đói.
Mà phải công nhận muối sả ăn kèm món gì cũng thấy hợp… Đói lòng, bắc nồi cơm lên, ăn với muối sả, vừa ăn vừa xuýt xoa vì cơm nóng, sả bùi. Luộc củ khoai, củ sắn chấm với muối sả ăn ngon đáo để. Hoặc nấu gói mì tôm, bỏ thêm ít muối sả, vài cọng hành bưng ăn thơm lừng cả xóm trọ…
Muối mẹ tôi làm thơm mùi sả, mùi mắm ruốc đặc sản quê tôi. Mỗi hạt muối chất chứa niềm yêu thương, hi vọng của mẹ trên bước đường danh vọng của những đứa con. Bấy nhiêu năm chúng tôi xa nhà đi học, rong ruổi khắp nơi, chưa năm nào mẹ quên gửi cho chúng tôi những hũ “yêu thương” này.
Nghe mẹ kể về công đoạn làm muối cũng đa công nhưng mẹ bảo luôn thấy vui vì vẫn được chăm lo bữa ăn cho mấy đứa con khi xa nhà.
Sả mẹ nhổ trong vườn và lúc nào cũng phải là những cọng sả to, chắc. Bóc lớp vỏ phía ngoài, rửa sạch, để ráo nước rồi xắt lát, băm nhỏ. Sả băm rang lên với dầu ăn, cho thêm vài muỗng mắm ruốc, đảo đều đến khi những “hạt” sả săn lại, khi nào dậy mùi thơm là được. Sau đó cho thêm lạc rang giã nhỏ, nêm ít gia vị vừa ăn là đã có món muối sả để dành ăn những ngày mưa.
Đó là những thành phần chính của món muối sả. Nhưng thỉnh thoảng, khi làm muối sả mà mẹ vừa cân con lợn trong chuồng thì thế nào món muối sả hôm đó cũng được cho thêm một ít thịt nạc băm nhỏ. Muối lúc này đậm hơn và dĩ nhiên cũng nhiều dinh dưỡng hơn. 
Ngày qua ngày, những hũ muối đong đầy tình thương của mẹ đến giờ vẫn giúp sức cho anh em chúng tôi tiếp tục chinh phục con đường tri thức phía trước.
ĐINH LĂNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét