Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

Nàng Hương chết trinh tiết... hiển linh thành Thánh mẫu

(ĐVO) Để giữ tiết hạnh, nàng Hương gieo mình xuống núi... Sau này nàng hiển linh giúp vua Gia Long chạy giặc và được phong Linh Sơn Thánh mẫu.

Núi Bà Đen là ngọn núi cao nhất miền Đông Nam bộ (986m) và là biểu tượng cho mảnh đất và con người Tây Ninh. Có truyền thuyết cho rằng, tên núi chỉ nàng Lý Thiên Hương sống giữa thời Trịnh - Nguyễn phân tranh.

Chuyện xưa kể rằng, nàng Thiên Hương vốn là con của ông Lý Thiên và Bà Ðặng Ngọc Phụng, người gốc ở Bình Ðịnh vào Trảng Bàng lập nghiệp. Tuy nàng không phải bậc tuyệt thế giai nhân nhưng lại rất có tài và có duyên khiến nhiều người để ý. Trong làng có chàng trai Lê Sĩ Triệt, mồ côi cha mẹ, được nhà sư Trí Tân nuôi dưỡng từ nhỏ, nên có được văn hay võ giỏi.
Một góc núi Bà Đen.

Lúc đó, con trai của Hà Ðảnh, quan Huyện Trảng Bàng, rất bạo ngược, dùng quyền thế, tiền bạc mua chuộc Thiên Hương đem về làm thiếp nhưng không được, nên sai một thuộc hạ thân tín tên Châu Thiện cầm đầu nhóm người Miên dùng võ lực quyết bắt nàng Thiên Hương đem về cho kỳ được.
Thiên Hương bị đám côn đồ vây bắt. Giữa lúc nguy khốn thì chàng Lê Sĩ Triệt xông ra đánh đuổi, cứu được nàng. Nàng rất cảm động tạ ơn chàng, rồi về nhà thuật chuyện cho cha mẹ nàng rõ. Ðể đáp ơn chàng, cha mẹ nàng Thiên Hương gả nàng cho Lê Sĩ Triệt. Chưa kịp đám cưới thì Lê Sĩ Triệt phải tòng quân đánh Tây Sơn. Chàng Triệt ra đi để lại nàng Hường ở nhà vò võ trông chờ.
Một hôm nàng lên núi lễ Phật và thăm sư Trí Tân, dưỡng phụ của Lê Sĩ Triệt. Lúc về đến chân núi, thình lình bọn Châu Thiện thấy nàng đi một mình, liền vây bắt. Nàng chạy trở lên núi nhưng bị tuyệt đường, đành nhào xuống khe núi tử tiết. Ba hôm sau, Thiên Hương báo mộng cho sư Trí Tân, trụ trì ngôi chùa trên núi xin sư phụ xuống triền núi Đông Nam đem thi hài hỏa táng giùm.
Hòa Thượng làm theo lời mách bảo, tìm gặp xác của Thiên Hương, làm lễ hỏa táng chu đáo. Bọn Châu Thiện đến xem hỏa táng bị nàng Thiên Hương báo oán, khiến cho hộc máu chết liền tại chỗ.
Sau một thời gian khá lâu, Chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh đuổi, chạy lạc đến Tây Ninh, nàng Thiên Hương đến báo mộng, mách bảo Nguyễn Ánh phải qua Xiêm tá binh, sau nầy sẽ khôi phục cơ đồ, thống nhứt giang sơn.
Sự linh hiển của nàng Thiên Hương được đồn vang, dân chúng các nơi lên núi Tây Ninh cầu cúng rất đông. Lúc bấy giờ Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt ở Gia Ðịnh đi lên núi Tây Ninh xem xét hư thực thế nào, đến nơi nói với người khuất mặt: "Hồn trinh nữ Thiên Hương quả có hiển linh, hãy xuất hiện cho bổn chức xem thử".
Tượng thờ Bà Đen trong chùa trên núi. (Ảnh minh họa)

Vừa dứt lời, Tả quân thấy ngay một cô gái chạy đến ứng tiếng: "Tôi là Thiên Hương đây, xin chào Thượng quan". Thì ra Lý Thị Thiên Hương nhập vào xác của một cô gái đến nói chuyện với quan Thượng Công. Cô nói tiếp: "Tôi xin mách trước cho Thượng quan biết, Thượng quan sau nầy sẽ được phong Thần vinh hiển, nhưng xác của Thượng Công bị hành hạ, mả bị xiềng xích, tên tuổi bị đục khoét, sau mới được minh oan".
Lúc này, ngài Thượng Công Lê văn Duyệt nói: “Bổn chức không cầu xin biết tương lai của mình mà muốn biết rõ căn do của nàng”. Hồn Thiên Hương qua miệng cô gái thuật rõ mọi việc: “Thượng Ðế chứng lòng đoan chính của thiếp, nên cho thiếp hết đọa luân hồi và được xuống trần cứu nhơn độ thế”.
Ngài Thượng Công không còn nghi ngờ gì nữa, liền dâng sớ về triều tâu rõ mọi việc. Vua Gia Long nhớ lại chuyện bôn tẩu năm xưa, khi đến Tây Ninh, có nàng Thiên Hương hiển linh báo mộng, nên ra sắc chỉ phong Lý Thị Thiên Hương là Linh Sơn Thánh mẫu, chủ trì Linh Sơn Tiên Thạch Ðộng, cho cất điện và đúc tượng bằng đồng đen để thờ nơi núi Tây Ninh.
Kể từ đó, núi Tây Ninh được gọi là núi Linh Sơn, và để tránh gọi tên Thiên Hương, dân chúng gọi là Bà Ðen, vì tượng của Bà màu đen, và gọi núi ấy là núi Bà Ðen.
Lễ Vía Linh Sơn Thánh Mẫu được tổ chức hằng năm tại Ðiện Bà vào dịp đầu Xuân, từ ngày mùng 10 đến 15 tháng Giêng âm lịch, có hằng trăm ngàn người đến cúng vái cầu xin sự phò hộ của Bà để việc kinh doanh và việc gia đình được may mắn tốt đẹp.
Ngày nay, quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24 km², gồm 3 ngọn núi tạo thành: Núi Heo - Núi Phụng - Núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m cao nhất Nam Bộ. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà... Ngọn núi này thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ, nhiều hang động, nhiều ngôi chùa nguy nga tráng lệ.
Bảo Bình

Núi Bà Đen

Núi Bà Đen là một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng nổi tiếng Nam Bộ. Với hệ thống hang động và cảnh quan tự nhiên kết hợp kiến trúc tôn giáo đã tô điểm cho núi một nét đẹp hài hòa với thiên nhiên. Nó thật sự trở thành nơi trở về với cội nguồn, đời sống tâm linh, du lịch sinh thái và truyền thống cách mạng của dân tộc. Di tích nằm trên địa bàn của 3 xã : Ninh Sơn – Tân Bình – Thạnh Tân thuộc thị xã Tây Ninh. Là di tích lịch sử văn hóa và danh thắng. Được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa tại Quyết định số : 100/VH-QĐ ngày 21/01/1989.
   Quần thể di tích Núi Bà trải rộng 24km2, cao nhất vùng Đông Nam Bộ (986 m). Núi được cấu tạo bởi đá Granit, Granodionit… nên đỉnh khá nhọn và nền tương đối dốc với 3 đỉnh cao: Núi Bà 986 m, Núi Phụng 372 m và Núi Heo 335 m.. Hệ thống chùa Điện Bà ở núi có chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, chùa Hang và một số hang động được các tăng ni, phật tử sửa chữa làm nơi thờ tự như động Thanh Long, động Ông Hổ, động Ba Cô, động Ba Tuần, động Thiên Thai, động Ông Tà …
      Tọa độ từ 106007'41” đến 106011'06” kinh độ Đông và 11021'06” đến 11024' vĩ độ Bắc, nằm trên địa bàn thị xã, cách thị xã Tây Ninh 11 km nằm về hướng Đông Bắc và cách thành phố Hồ Chí Minh 100 km về hướng Tây.
Hội xuân Núi Bà được  tổ chức hàng năm vào dịp đầu năm âm lịch. Nơi đây, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu trong lành cùng với hệ thống hang động, rừng nguyên sinh, làng văn hóa..., đã làm cho núi Bà Đen thành một điểm du lịch hấp dẫn, hàng năm thu hút hơn 1 triệu khách du lịch. Từ chân núi, du khách lên, xuống chùa Bà bằng hệ thống cáp treo, máng trượt hoặc leo núi, tùy thích.

Quy hoạch chi tiết khu du lịch Núi Bà đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt vào tháng 6.1999.

Tây Ninh kêu gọi các nhà đầu tư vào khai thác khu du lịch Núi Bà với các điều kiện ưu đãi.

Điện thờ Bà trên núi


Xem triển lãm ảnh “180 năm Tây Ninh hình thành và phát triển”. Thấy bức ảnh các nhà sư đứng trước một hang đá, có ghi chú là các nhà sư trên  năm 1900. Cảnh trí quen quen. Chợt nhận ra đây chính là nơi có ngôi Điện Bà trên núi mà lâu nay người dân Nam bộ vẫn coi là chốn linh thiêng, thành kính.
Điện Bà ngày Trung thu năm 2016
Điện Bà ngày Trung thu năm 2016
Ở Tây Ninh, trong nhiều chùa Phật đều có bàn thờ Bà Linh Sơn ở một vị trí ngang với bàn thờ Quan Thánh Đế (Quan Vân Trường), để phật tử và du khách có thể nhân dịp viếng chùa mà cúng Phật, cúng Bà. Tuy nhiên, lễ hội trọng thể nhất, có sự tham dự của đông đảo bà con phật tử nhất có lẽ là lễ vía Bà ngày 5.5 âm lịch tại Điện thờ Bà trên núi Bà Đen. Ngoài ra, lễ còn được tổ chức ở chùa Phước Lâm – một chi nhánh của chùa Linh Sơn trên núi Bà.
Hiện chùa nằm trên địa bàn phường 1, . Điểm thứ hai tại đền thờ Bà ở khu phố Lộc An, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng. Một điểm nữa là ở ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, nơi có ngôi miếu thờ Bà . Riêng miếu này lại có ngày vía Bà là ngày mùng 4 tết. Trong chiến tranh, giao thông giữa Trảng Bàng và thị xã Tây Ninh có nhiều nguy hiểm, bà con các tỉnh phía Nam và huyện Trảng Bàng có thể đến dự lễ vía Bà ngay tại miếu Lộc An.
Ngay cả ở khu vực phía Bắc tỉnh, khi cuộc “Chiến tranh đặc biệt” đang đến độ quyết liệt đầu những năm 1960 thì tăng ni ở núi cũng bị buộc chuyển về chùa Phước Lâm. Pho tượng Bà bị thất lạc do lính Pháp lấy đi đem bán. Khi tìm lại được cũng đem về lưu giữ tại chùa này. Từ đó cho đến ngày giải phóng miền Nam năm 1975, tăng ni, phật tử thực hiện nghi lễ vía Bà chủ yếu tại chùa Phước Lâm. Nói tóm lại, hơn 200 năm qua, hương khói thờ phụng trong lễ vía Bà chưa bao giờ dứt trên đất Tây Ninh, mặc cho vật đổi sao dời.
Điện Bà trên núi ở vào độ cao 250 mét trên mực nước biển, ở sườn mé Đông Nam của núi. Do tự nhiên và cả do công lao khai sơn phá thạch của nhiều đời tăng ni mà quanh ngôi Điện đã có một khoảng sân rộng trên 2.000 mét vuông. Quần tụ quanh đây còn có ngôi chùa Phật và chùa Tổ, là những ngôi chùa chính của hệ thống các chùa trên núi.
Theo cuốn sách nhỏ “Ngọn đuốc cửa thiền” tác giả Phan Thúc Duy viết trước năm 1937 (năm sư tổ Tâm Hòa tạ thế) thì hang Điện Bà trước chỉ là một hang tự nhiên do đá núi chồm ra che một mặt bằng rộng khoảng 30m2, trần hang cao từ 2,2 đến 2,5m. Vào năm 1872, sư tổ Thanh Thọ – Phước Chí từ chùa Phước Lâm lên núi để xây hang Điện. Tấm ảnh chụp hang Điện vừa kể cho thấy đã có những mảng tường vôi, vài ô cửa sổ và cửa đi, hai bên có đắp (hoặc viết) những câu đối.
Tuy nhiên, tường bao còn thụt vào trong gầm hang, có nghĩa là diện tích hang lúc ấy khá nhỏ. Đến năm 1957, do tường hang đã bị hư hại nặng, nên ban quản trị núi đã phá dỡ xây lại, phần cơ bản vẫn còn đến ngày nay. Sau giải phóng 1975, người ta mới tu sửa thêm bằng cách làm thêm ngôi võ ca ở trước hang và lắp đặt thêm ống thoát khói từ một góc trần hang, dẫn khói nhang thoát ra ngoài. Bên trái (nhìn từ ngoài vào), có một nhà nhỏ làm nơi trưng bày những bộ áo mão do nhân dân tín ngưỡng dâng cúng Bà. Hai bên còn có 2 ngôi miếu nhỏ, như kiểu miếu ông Tà, trong đó đặt một viên đá có hình thù giống một Linga – ngẫu tượng thờ theo tín ngưỡng Bà La Môn. Viên đá luôn được trùm khăn đỏ.
Ngôi võ ca xây theo kiểu thường thấy ở miếu, đình Nam bộ, diện tích khoảng 80m2, cũng cấu trúc theo lối tứ trụ, chỉ có cột mà không có tường bao. Bên trên là hai tầng mái bê tông giả ngói có 8 đầu đao vươn ra bốn phía. Bên trong hang Điện có bàn thờ Bà đặt chính giữa, trên có ngai tượng Bà và hai cô thiếu nữ đứng hầu. Hai bên còn có hai bàn thờ nhỏ thờ cậu Tài, cậu Quý. Dọc hai bên hang còn có bàn thờ tứ vị sơn thần. Trong ngôi võ ca có bàn thờ Diêu Trì Địa Mẫu, áp sát tường hang và ở ngoài còn thêm một tượng Phật Bà Quan Âm hướng ra thung lũng.
Cùng trên một mặt bằng sân chung với ngôi Điện Bà, có ngôi chùa Phật, thường gọi là chùa Bà, tên chính thức là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Ngôi chùa này nằm ở phía ngoài, trên sân hang Điện được xây trong khoảng cuối thế kỷ XIX dưới thời trụ trì của sư tổ Trừng Tùng- Chơn Thoại. Chùa này được cất hoàn toàn bằng gỗ cây sao, kèm theo còn có một nhà giảng. Đến năm 1922-1924, sư tổ Tâm Hòa dỡ ra xây lại bằng đá.
Trong chiến tranh, chùa Phật cũng đã bị sập đổ và cháy rụi hoàn toàn. Chùa được Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa chủ trì xây lại, hoàn thành năm 1996. Phía ngoài chùa Phật, ở khoảng sân thấp hơn gần một mét còn có ngôi chùa Tổ, chuyên thờ cúng các vị sư tổ trụ trì qua các thời kỳ. Trước mặt chùa Tổ, chếch về bên trái còn có một ngôi nhà trù, nhà nghỉ dành làm nơi phục vụ cơm chay và nghỉ lại qua đêm cho khách hành hương. Phía ngoài, thẳng với lối lên chùa là dốc Thượng, đỉnh dốc là mặt bằng sân chùa Tổ, có một cổng cũ từ xưa còn lại. Cổng chỉ có hai trụ cột và trên nóc xây tường hình cuốn thư có đắp nổi ba chữ Việt là Núi Điện Bà; một bảng đại tự 5 chữ Hán, có nghĩa là Linh Sơn Tiên Thạch Tự. Gần cổng nhất, đối diện với ngôi chùa Tổ còn có một tháp treo quả chuông đồng nặng hơn 6 tấn.
Còn có thể kể thêm, lên khỏi cổng chùa trên dốc Thượng, nếu rẽ về phía phải sẽ sang động Thanh Long. Động núi là một hang nhỏ nhưng khu vực này có cảnh trí đẹp bởi các khối đá chênh vênh xếp đặt mà nên. Đó đây còn là những cây rừng có gốc rễ xùm xòa, lạ mắt. Nhiều dây thanh long bò xoài trên mặt đá.
Ở khoảng giữa Điện Bà và ngôi chùa Phật có một lối dốc lên đã xây bậc đá và lan can sắt dẫn tới một mặt bằng nhỏ phía trên, cao hơn mặt bằng sân Điện chừng 20 mét. Tại đây có một cửa hang, lúc nào cũng thấy gió lùa ra mát lạnh nên được đặt tên hang Gió. Từng có một sự cố khiến hang không còn thông gió nữa nhưng giờ hang đã được phục hồi hun hút gió thổi. Trước hang có tượng Phật nằm dài 12 mét. Từ đây có lối đi xếp đá quanh co sang chùa Hòa Đồng như một chiếc ban công của núi. Từ các điểm cao ấy, ta có thể nhìn bao quát toàn bộ các kiến trúc quần tụ quanh sân Điện, xa hơn là những cánh đồng, nương rẫy trải dài suốt triền chân núi. Muốn sang bên chùa Hang và động núi Ba Cô, lại phải vòng trở xuống để đi qua trước Điện Bà.
Nhìn chung kiến trúc toàn cảnh đã tạo nên một hình ảnh “trùng thềm điệp ốc” với nhiều lớp mái bê tông giả ngói đỏ, với những đầu đao họa tiết hình rồng phượng hơi dày rậm. Các kiến trúc đều chú ý đến việc kế thừa vốn cổ truyền của kiến trúc dân tộc với phong cách đình chùa Nam bộ, hơi có chút khoa trương về hình thức nhưng lại có sức thu hút vì phù hợp với tâm lý nhân dân các tỉnh trên vùng đất mới phương Nam.
Theo TRẦN VŨ (Tây Ninh Online)

Tượng bà Linh Sơn Thánh Mẫu

Bà thì đen nhưng đá ngọc lại trắng có vân màu tím. Vì thế, mặt tượng phương phi, tươi sáng. Tượng ngồi trên ngai, áo mão đàng hoàng chạm khắc tinh vi, cao chừng trên dưới 1 mét.

Tượng Bà trên điện Bà ở núi Bà Đen
Tượng Bà trên điện Bà ở .
Không còn nhớ năm, nhưng lại nhớ rõ ngày! Đó là ngày 4.6 còn năm thì vào khoảng 2011 đến 2012. Là thời điểm núi Bà có lễ rước rất trọng thể cỗ ngọc ấn của bà . Lễ có các quan chức tỉnh và cả Trung ương về dự. Người hiến tặng cũng có tên tuổi lớn. Đó là gia đình Phó GS, Tiến sĩ Huỳnh Quang Thuận, nguyên viện trưởng một viện nghiên cứu. Gia đình này tự kể, rằng là hậu duệ đời thứ 5 của vua nhà Nguyễn – Gia Long. Sau khi xong các nghi thức đón rước, an vị rất là long trọng, thì ấn được mở ra đóng thử ngay tại điện Bà. Bằng con mắt của một người am hiểu chữ Hán cổ kim, một vị sư bảo: ngọc thì ngọc thật, nhưng chữ là mới khắc, vì người ta đã không còn dùng chữ Hán cổ, thường được khắc trên ấn tín thời xưa. Vậy đã có thể khẳng định, cỗ ngọc ấn kể trên không phải là ấn cổ. Mà nếu Bà Linh Sơn xưa có ấn (nghe nói được vua ban) thì ấn này cũng là mới chế trên một viên đá ngọc xanh màu lục bảo mà thôi!
Lần lên núi gần đây nhất, vào tháng 4.2016, mới thấy trong điện Bà, ngoài cỗ ngọc ấn còn thêm một pho ngọc tượng nữa. Các nhà sư bảo, đấy cũng là tượng của gia đình hậu duệ vua Gia Long từng cung hiến ngọc ấn trước đây đem hiến tặng khoảng năm 2013. Quả thật, pho tượng mới này làm sáng cả một ngai thờ.
Bà thì đen nhưng đá ngọc lại trắng có vân màu tím. Vì thế, mặt tượng phương phi, tươi sáng. Tượng ngồi trên ngai, áo mão đàng hoàng chạm khắc tinh vi, cao chừng trên dưới 1 mét. Nghĩa là cao bằng pho tượng Bà xưa cũ đứng cùng cậu Tài, cậu Quý ở phía sau. Nghe nói, khối đá ngọc ấy được tín chủ mua tận mỏ đá Myanmar, đem về thuê nghệ nhân chế tác.
Nhiều chùa Tây Ninh có gian riêng thờ Bà, có tượng. Phần lớn tượng Bà trước đây đều có dáng nét trầm luân khắc khổ. Chứ đâu được ánh nhìn thanh thản, rỡ ràng như trên pho ngọc tượng. Chợt nhớ đến pho tượng Bà tạo bằng đá núi Bà ở chùa Thiền Lâm – Gò Kén. Trong các pho tượng Bà hiện có ở Tây Ninh, pho ở Gò Kén chắc chắn là lớn nhất. Cao tới gần 2 mét, khối đá có tiết diện gần vuông với cạnh khoảng 1 mét, nên tượng ấy nặng đến 3 tấn. Điều đáng chú ý là cũng giống như pho ngọc tượng, pho này cũng tạc Bà trên ngai ngồi thanh thản, hai tay ung dung đặt trước gối. Cặp mắt mở to dưới đôi mày cong vút. Có lẽ để cho thêm phần sinh động, người ta đã sơn vẽ trên phần đầu từ cổ trở lên. Để mặt tượng có nước da hồng mịn với mắt mi đen và cả môi son… Như nhiều tượng cổ dân gian, tượng bà Gò Kén cũng được tạo hình cách điệu với sự trau chuốt chủ yếu trên gương mặt phúc hậu, biểu lộ một tinh thần sáng trong thuần khiết, một phong thái ung dung. Tuy vậy, khối thân tượng dù đơn giản hơn nhưng cũng đã chú ý đến từng nếp lượn và các chi tiết trên trang phục. Bà có đầu tóc bới cao như phụ nữ Nam bộ xưa, vận áo dài xưa. Tiếc rằng, cũng như nhiều pho tượng khác, Bà đã được phật tử sùng kính khoác thêm cho nhiều lớp áo khăn thêu ren lộng lẫy, cầu kỳ kể cả đội chiếc mũ miện có gắn kết hình chim phượng cùng nhiều chuỗi đá, pha lê lấp lánh. Vậy nên, tài năng của người nghệ sĩ dân gian tạc tượng được rất ít người biết đến. Được biết, pho tượng này do anh Sáu Phước, chủ một xưởng chế tác đá ở Long Thành Trung hiến tặng.
Hai pho tượng vừa kể chỉ là tượng mới! Thế còn tượng xưa của Bà có trong khá nhiều ngôi chùa, miếu Tây Ninh? Pho cổ nhất, theo truyền thuyết cũng như Huỳnh Minh chép trong sách Tây Ninh xưa là pho tượng do “vua Gia Long truyền cho quan địa phương đúc cốt bà Đênh bằng đồng đen mà thờ tại động trên non linh”. Nếu đúng vậy thì tượng đã có hơn 200 năm tồn tại. Số phận pho tượng này cũng rất long đong, lận đận. Mà sự lận đận này có khi lại bắt nguồn từ chính truyền thuyết về pho tượng. Ấy là vào khoảng năm 1945- 1946 khi lính Pháp tái chiếm Tây Ninh, chúng cho quân lên chiếm núi Bà. Nghe đồn tượng quý nên lính Pháp đã lấy đem về tỉnh bán. Chuyện không rõ vì sao mà sau đó tượng lưu lạc đến đền thờ Phật mẫu của Tòa thánh Cao Đài. Theo lời kể, cô Mười – một vị sư phụ trách điện Bà khi ấy đã về chùa Vĩnh Xuân lánh giặc, do được Bà mách bảo trong giấc chiêm bao, nên đã đi “xin” lại. Đến năm 1957, sau hơn 10 năm lưu lạc rồi pho tượng cũng được trở về an vị tại chùa Phước Lâm – chi nhánh của cụm chùa núi Bà Đen.
Sự thật là không có đồng đen, mà tượng bằng đồng đỏ, được đúc rỗng, cao khoảng 60cm. Phần đế phía sau bị móp, có lẽ do vết đạn bắn thời Pháp chiếm. Không một con số hoặc chữ nào để người xem biết tượng đúc năm nào. Nhưng cứ nhìn vào khối tượng, cũng có thể đoán là tượng xưa nhất. Bởi hình tượng còn gần gũi với người bình thường nhất. Cũng tóc bới cao với một vài vành khăn buộc giản đơn. Mũi thẳng, mày cong, mắt dõi xa xăm về phía trước. Tư thế ngồi vô cùng gần gũi, thân quen; chân trái xếp bằng, gối phải chống lên, tay phải đặt trên gối, tay trái nâng một cành sen. Trông bà y hệt một phụ nữ Nam bộ trên những trang sách xưa viết, vẽ về con người Nam bộ. Ngay sau tượng Bà trên cung thờ, còn có một bộ ba tượng gỗ. Ngoài pho chính, còn có 2 pho đứng hai bên, là các cậu Tài, cậu Quý – những người thân tín theo hầu. Ở pho tượng gỗ này, hình tượng về Bà đã được trau chuốt và “quan trọng hóa” hơn, bởi Bà đã “ngồi ngai” với mão áo, trang sức cầu kỳ lộng lẫy. Điều khác biệt lớn nhất là ở tay phải nâng một nhành hoa, không phải hoa sen.
Ngay trên điện Bà hiện nay, ngoài các pho tượng đã kể, vẫn cần biết một pho tượng mới. Đó là vào năm 2011, sau khi hoàn thành chuông lớn núi Bà nặng hơn 6 tấn, còn dư lại một khối lượng đồng. Ni trưởng Viện chủ mới đề nghị đúc thêm một tượng Bà, có thêm một số nữ trang vàng, bạc bỏ vào để nấu. Thế mới có một pho tượng đồng rất đẹp, được bày ngay phía trước cung thờ Bà trong điện. Đến lúc này chăng, hình tượng về Bà mới thật rõ ràng, sinh động. Tượng vừa có sự kế thừa pho tượng cổ xưa của núi, với tư thế chống gối phải, nâng cầm tay trái; lại vừa có sự minh triết trên nét mặt trầm tư tĩnh tại của một bậc chân tu.
Hoặc là Bà linh thiêng biến hóa. Hoặc là tượng luôn có gì đó gần gũi với con người tại thời điểm được sinh ra. Ngắm những pho tượng này thôi, cũng đủ để hình dung một phần lịch sử tu tụng ở núi Bà – đã một phần tư thiên niên kỷ trôi qua dưới trời mây trắng.
Theo Trần Vũ (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét