Giữa miền đá núi quanh năm mây phủ, miếu thờ “tình yêu” của chàng Ba – Nàng Út nghi ngút khói hương...
Về với Hà Giang là về với miền đá núi nơi địa đầu Tổ quốc, về với phiên chợ tình Khau Vai “độc nhất vô nhị”. Ẩn mình giữa những tán cây cổ thụ, miếu Ông, miếu Bà là minh chứng cho câu chuyện tình yêu son sắt của miền mây ngàn gió núi.
Đi về miền đá núi Hà Giang.
Nơi có những phiên chợ mộc mạc.
Chợ họp giữa mây núi.
Theo truyền thuyết xưa, vùng đất Mèo Vạc gồm nhiều dân tộc sống thành từng làng, từng bản riêng biệt gồm người Nùng, Giáy, Mông. Có một gia đình nông dân nghèo dân tộc Nùng có ba người con trai đang độ tuổi đôi mươi. Người con thứ ba tên là Chàng Ba đẹp trai, khôi ngô, tuấn tú, siêng năng chăm chỉ. Đặc biệt Chàng Ba có giọng hát hay và tài thổi sáo đã làm biết bao cô gái xiêu lòng.
Ở nhà tộc trưởng làng người Giáy có Nàng Út xinh đẹp đã đến tuổi cập kê xinh như một đóa hoa rừng. Nàng có giọng hát rất hay, trong trẻo vút cao. Nàng càng lớn càng đẹp như chim lửa vào mùa kết bạn. Qua tiếng sao và các câu hát giao duyên của từng mùa trăng hai người đã đem lòng yêu thương nhau say đắm.
Miếu ông, nơi có câu chuyện tình bi thương từ trăm năm trước.
Không lấy được nhau, chàng Ba và nàng Út hẹn gặp nhau
mỗi năm một lần vào đêm 27/3.
Thế nhưng Chàng Ba là nhà nông dân người Nùng và Nàng Út là con nhà tộc trưởng làng người Giáy. Tập tục từ bao đời nay hai tộc người khác ma và phong tục tập quán nên chàng trai người Nùng không được phép lấy cô gái người Giáy và ngược lại con gái người Giáy không được phép lấy con trai người Nùng.
Mặc cho mọi lời cấm đoán, hai người nguyện thề yêu thương nhau nên đã bỏ bản và hẹn nhau trốn lên đèo Mây (nơi thờ tự Miếu Ông, Miếu Bà bây giờ) để được gặp nhau. Trước mối tình của đôi bạn trẻ gia đình, họ hàng và hai dân tộc xảy ra những cuộc xô xát, chém giết lẫn nhau…
Câu chuyện tình yêu được kể lại mỗi đêm chợ tình.
Cho những người có duyên mà không có phận.
Thương cha mẹ, thương họ hàng và không muốn hai họ mang thù hận, nên hai người đành ngậm ngùi nuốt nước mắt và ghìm tình riêng lại để chia tay. Lúc chia tay đôi trai gái đã cắt máu ăn thề trước sự chứng giám của trời, đất là yêu thương nhau nhưng không có duyên chung sống với nhau nên phải chia lìa mỗi người một đường.
Họ hẹn ước mỗi năm đến ngày chia tay (tối 27/3 âm lịch) lại lên đèo Mây cùng nhau hát ca làn điệu giao duyên, kể cho nhau nghe những điều thầm kín được ấp ủ, cất giữ tận đáy lòng mình trong quãng thời gian một năm xa cách. Vào cái ngày cuối cùng của cuộc đời họ tìm đến với nhau dưới gốc cây rừng, trên hòn đá thề, ôm lấy nhau mà đi vào cõi vĩnh hằng cũng đúng vào ngày 27/3 âm lịch.
Nhiều người thắp hương cầu khấn trước Miếu Ông, Miếu Bà.
Viết sớ cầu cho duyên tình không gặp khó khăn trắc trở.
Nơi họ khuất núi được dân bản dựng lên đôi miếu thờ, nay được gọi là Miếu Ông và Miếu Bà. Cũng theo truyền thuyết, Miếu Ông, Miếu Bà đều rất linh thiêng, nhất là đối với tình yêu đôi lứa, khi những đôi trai gái gặp trắc trở trong đường tình duyên chỉ cần đến thắp hương cầu nguyện là mọi việc trong tình duyên có thể được trở nên thuận buồn xuôi gió.
Tương truyền nếu cặp vợ chồng nào gặp khó khăn về đường con cái hay muộn đường con cái đến cầu xin trên phiến đá thề dưới gốc cây nghiến già hàng nghìn năm tuổi, giữa Miếu ông và Miếu Bà đều rất linh nghiệm.
Mỗi phên chợ Khau Vai về...
Là dịp cho những chàng trai, cô gái đi tìm người yêu.
Cho những người già tìm lại người tình xưa và... say men nồng.
Và thưởng thức những đặc sản của núi rừng.
Câu chuyện tình bi thương bởi những luật tục, cấm đoán của dòng họ nhưng cũng đầy thủy chung son sắt của tình yêu đôi lứa. Chính vì thế chợ tình Khâu Vai cứ thế, cứ thế tồn tại ra đời và tồn tại mãi đến ngày nay dành cho những người chót yêu nhau mà duyên phận lỡ làng.
Đây là chỗ được em, được khóc
Đây là chỗ dành cho nước mắt
Chỉ có một đêm thôi,
Còn lại ba trăm sáu mươi tư
Em lại mím môi cắn nước mắt cho đời…
………………………………………………
Chợ tình thành biển nhớ biển đau
Ai đến đây mà chẳng có một đời dang dở phía sau…
Giữa trùng điệp đã núi, dưới tán rừng già, trong sự huyền ảo của nắng gió mây mù, “Miếu Ông, Miếu Bà” còn đó như minh chứng cho tấm lòng thủy chung của những người yêu nhau. Họ đến chợ không phải để mua bán mà để tìm lại một bóng hình xưa, để chia nhau một chén rượu thề cùng thả lòng mình vào các câu hát giao duyên, trong cái men say của tình, của rượu sau chuỗi ngày xa cách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét