Ở phường Hiệp Ninh (Thị xã Tây Ninh) có một khu chợ mang cái tên rất đặc biệt có lẽ không giống bất cứ chợ nào trong tỉnh: chợ Bắp. Gọi như vậy vì xưa kia nơi này chỉ mua bán một thứ duy nhất đó là bắp-sản phẩm nông sản xuất được trồng khá phổ biến tại tỉnh nhà.
Công việc mưu sinh của nhiều người ở Chợ Bắp
Ở đây người ta bán chủ yếu là bắp luộc, bắp nướng phết mỡ hành thơm phức và hạt bắp tươi được bào ra để bỏ mối cho các nhà hàng, quán nhậu. Ngoài bán cho khách tại chỗ, trái bắp từ Hiệp Ninh còn được lưu thông đến các huyện Bến Cầu, Gò Dầu, Trảng Bàng, Tân Biên… Có thể nói chợ Bắp cũng là một chợ đầu mối.
Chợ đóng ngay từ đầu đường Huỳnh Tấn Phát, thuộc khu phố Hiệp Lễ (ngày trước gọi là lộ 20) đi vào vài trăm mét. Bà con cư ngụ hai bên đường nhiều người bày bán bắp. Những đống bắp tươi xanh được bày bán có lúc cao ngất, nhất là từ sau ngày mùng 5 tháng 5 hằng năm là thời điểm mùa bắp rộ.
Hiện nay thì bất cứ lúc nào chợ cũng có bắp. Ngày trước, nông dân vận chuyển bắp về đây bằng nhiều loại phương tiện: xe đạp, xe máy, xe bò, xe lam đến cả xe tải, không khí rất nhộn nhịp. Bắp đến đây từ các vùng nông thôn có trồng nhiều loại nông sản này mà nhiều nhất là ở Dương Minh Châu, Hoà Thành (tên gọi bây giờ).
Những nồi nấu bắp khá to chứa được 200 trái bắp được đặt vững vàng trên một cái bếp gạch cao khoảng 5cm và bán kính khoảng 8cm, đun bằng củi. Chúng đỏ lửa liên tục từ sáng cho đến tối. Mỗi ngày mỗi người bán có thể nấu đến 4 nồi bắp.
Ở đầu đường cạnh thánh thất họ đạo Hiệp Ninh ngày nay quanh năm đều có người bán bắp luộc, bắp nướng rất thu hút khách, nhất là những bạn gái trẻ. Những trái bắp to sau khi lột vỏ lộ ra những hạt tròn, đều đặn, nóng hổi luôn là món ăn khoái khẩu cho mọi người.
Gia đình cụ Trần Văn Tra năm nay đã ngoài 80 tuổi, là một trong nhiều hộ buôn bán bắp rất lâu năm ở đây, đến nay vẫn giữ lấy nghề. Cụ Tra cho biết: “Bán bắp là cái nghề kiếm sống của người dân lao động nghèo ở đây. Riêng gia đình tôi mỗi ngày nấu bắp hai lần, có thể bán được 400 trái bắp, nếu bán hết sẽ kiếm lời được hai trăm ngàn đồng”.
Vui chuyện, cụ nhắc lại những ngày xa xưa của chợ Bắp. Từ trước năm 1960, tức là đã hơn một nửa thế kỷ từ khi chợ Hiệp Ninh được thành lập (ngày trước gọi là “chợ Thương Binh”) bà con mua bán bắp ở một khu vực riêng nay là khu vực Trường mầm non Hiệp Ninh.
Khoảng những năm 1965-1966, khu chợ Bắp được dời đến địa điểm hiện nay và tồn tại cho đến bây giờ. Người mua bán bắp bây giờ không chỉ là người dân Hiệp Ninh mà có cả bà con từ nơi khác đến. Nhiều người đã tự tạo cho mình một cuộc sống khá ổn định từ việc mua bán bắp.
Đến thăm chợ Bắp, ta có thể bắt gặp hình ảnh những người lao động lom khom bên bếp lửa nấu bắp, mồ hôi ướt đẫm vai áo. Với nhiều người, đây vẫn là công việc kiếm sống dễ dàng nhất, nhẹ nhàng nhất của họ. Hiện còn khoảng trên 10 hộ vẫn giữ nghề bán bắp ở chợ Bắp.
Điều trở ngại nhất ở khu chợ Bắp bây giờ là con đường từ đầu chợ đi vào đã hư hỏng, lầy lội từ lâu đầy những ổ gà, ổ voi gây khó khăn cho người qua lại. Trước nhà cụ Tra mỗi khi mùa mưa đến lại chẳng khác gì cái ao bởi nước đọng tràn trề, lênh láng.
Theo PHAN KỶ SỬU (Tây Ninh Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét