Món canh bún đặc trưng Sài Gòn không thể thiếu rau muống luộc, huyết heo và đậu hũ chiên vàng cùng miếng cua béo ngậy.
Nhiều người phải đi vào con hẻm đông đúc của Nguyễn Đình Chiểu ở quận 3 để tìm ăn món này. Quán lúc nào cũng tấp nập thực khách. Người Sài Gòn chuộng cả bún riêu và canh bún, có nơi sẽ có hai nồi nước lèo, có nơi chỉ duy nhất một nồi.
Tô canh bún đặc trưng của Sài Gòn
Nhiều khi có cảm giáctô bún riêu và canh bún chỉ khác nhau ở rau ăn kèm. Đã là canh bún thì không ăn rau sống như bún riêu mà chỉ ăn kèm rau muống, đồng thời dùng sợi bún to như sợi bánh canh nhuộm màu gạch tôm.
Tô canh bún ở đây có thành phần rất hùng hậu, gồm riêu cua đã được nén rồi cắt miếng vuông, ăn thơm nức mùi cua chứ không pha nhiều đậu hũ như các hàng khác, vài miếng huyết heo, đậu hũ chiên, miếng chả lụa to, lát cà chua đỏ rực đối chọi với rau muống luộc xanh mướt, tất cả tạo nên một tổng thểmàu sắc thật hấp dẫn.
Rau muống cùng nồi nước lèo hấp dẫn
Huyết heo ăn kèm
Chả là món ăn kèm không thể thiếu
Quán có một chén nước chấm mắm gừng để ăn cùng canh bún cho đậm đà. Tuy nhiên, nhiều người lại thích kiểu ăn nồng nàn hơn, đó là chấm huyết, đậu hũ, chả… vào chén mắm tôm có nước me, ớt bằm cay xé. Ăn vậy mới đã!
Không ai biết rõ nguồn gốc món canh bún này từ đâu. Món bún riêu thì có vẻ rõ xuất xứ hơn vì bắt nguồn từ những người Bắc di cư vào Nam, sau một thời thì gian bún riêu cũng biến đổi khi cho thêm vào đó giò heo, huyết, thịt.
Món canh bún Sài Gòn rất tương đồng với món bún đỏ của Buôn Mê Thuột. Bún đỏ cũng có riêu cua tương tự như cách làm riêu của miền Nam. Riêu được làm từ thịt cua, thịt heo và tép xay nhuyễn. Nước dùng của bún được ninh từ xương heo, xương bò và nước cua nên tạo được vị ngọt đậm đà. Ngoài ra còn có thêm trứng cút, huyết heo, điểm thêm ít hành phi, tóp mỡ.
Bún đỏ có sợi to như sợi bánh canh. Để sợi bún mềm và ngấm các gia vị,người nấu phải khéo léo canh thời gian bỏ bún vào nồi. Bún được nấu trong nồi nước dùng khoảng 10 phút cho hơi nở. Rau ăn kèm là rau đã chần sơ gồm cải ngọt, giá và đặc biệt không thể thiếu cần nước.
Tuy khá giống bún đỏ ở nhiều điểm nhưng rõ ràng canh bún và bún đỏ không hoàn toàn giống nhau. Cho tới thời điểm này, món canh bún kiểu Sài Gòn đã định hình về cách nấu và thành phần, trở thành một trong những món ăn chơi phổ biến của thành phố này. Chưa ăn canh bún, có lẽ chưa phải người Sài Gòn vậy.
Theo Sài Gòn ẩm thực
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét