Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Ngược sông Mã đến thăm Mường Lát

Là dòng sông gắn với nhiều huyền thoại xứ Thanh, sông Mã nổi tiếng không chỉ nhờ vẻ đẹp nên thơ mà còn bởi sự hung hãn khôn cùng của nó. Khởi nguồn từ miền Tây Bắc Tổ quốc, sông uốn một vòng hơn trăm cây số trên đất Sầm Nưa nước Lào rồi mới trở về đất Việt.
Dọc theo đường sông chảy từ huyện Mường Lát đến Cửa Hới tỉnh Thanh Hóa, những địa danh gắn với bài thơ Tây Tiếnluôn thôi thúc giới yêu thích khám phá được một lần đặt chân đến.
Chuyện buồn vui bên sông

Đường 15
Từ thị trấn Mai Châu (Hòa Bình), đoạn đường đến đất Thanh Hóa khá hẹp và quanh co, một bên là núi cao, một bên là từng mảng rừng rời rạc cằn cỗi. Sang mạn Quan Hóa, Bá Thước một bên sông Mã một bên núi cao, cảnh sắc trở nên hoang vu và đẹp hơn hẳn dẫu rằng cái hiểm ác của thời Tây Tiến đã không còn nữa.
Nhờ sự hoang sơ đó mà khi đi ngang một bản vắng, chúng tôi được chiêm ngưỡng cảnh tắm suối của các thiếu nữ vùng cao. Thanh Hóa cũng có nhiều bản làng, ruộng nương xinh đẹp của người Thái nhưng nơi đây chưa thu hút khách du lịch như tỉnh Hòa Bình.

Đường qua bản làng
Con đường 15 thưa thớt xe lớn. Lâu lắm mới thấy một cặp vợ chồng người nước ngoài chở con nhỏ đi trên đường hoặc vài cô gái tóc vàng mắt xanh hùng dũng cưỡi xe máy đường rừng. Một người chăn trâu tuổi trung niên cho biết: “Hơn 20 năm trước chốn đây toàn là rừng già. Bây giờ có đường nhựa bằng phẳng để đi nhưng rừng chẳng còn mấy nữa!”.
Hai bên những con đường nhỏ chạy dọc bờ sông Mã, từ Cẩm Thủy qua Quan Hóa đến Mường Lát đều nằm dưới bóng mát của những rừng luồng (hay còn gọi là cây vầu). Cây luồng cao vút, thẳng tắp mọc dày đặc hết lớp này đến lớp khác xanh thắm một màu hai bên bờ sông. Trên mặt sông, nhiều chỗ có những mảng bè lớn được ghép bởi hàng ngàn cây luồng dập dềnh theo sóng.

Một bản làng bên đường
Sự hào phóng của dòng sông đã tạo kế sinh nhai cho nhiều dân chài sống bằng nghề đẩy luồng. Những cây luồng đến tuổi trưởng thành sẽ được chặt rồi phóng từ sườn núi xuống bờ sông.
Người thu mua gom luồng, kéo luồng xuống sông rồi ghép lại thành những bè lớn. Mỗi bè luồng thường phải đạt đến con số 2.000 cây trở lên mới được đẩy về xuôi. Lợi dụng sức nước, những bè luồng này sẽ được đẩy xuôi theo dòng chảy đến các phân xưởng sản xuất tập trung phía cuối sông.
Mỗi cây luồng thu mua trên rừng có giá 18 ngàn đồng, sau khi đẩy về đến thị trấn Cành Nàng (Cẩm Thủy) bán được với giá 20 ngàn đồng. Mỗi bè do từ hai đến ba người vừa chèo vừa đẩy.

Một khúc sông Mã
Như vậy, nếu đẩy được một bè 2.000 cây, dân chài sẽ kiếm được 2 triệu đồng tiền lời, một số tiền quá ít ỏi so với công sức họ phải bỏ ra trong khi luôn phải đối mặt với ranh giới giữa sự sống và cái chết.
Những trận địa đá ngầm có mặt suốt chiều dài con sông với đủ hình thức hiểm hóc như thách đố dân chài. Các bè luồng được kết nối với nhau bằng những sợi dây thừng không may lọt vào bãi đá ngầm sẽ bị phá tan trong chớp mắt.
Một khi tai họa ấy xảy ra, người đẩy luồng dù bơi giỏi đến mấy cũng khó lòng thoát khỏi nguy hiểm khi bị kẹp chặt trong mớ hỗn độn của hàng nghìn cây luồng đang quay cuồng trong dòng nước xoáy. Phải là người thật bản lĩnh, nhiều kinh nghiệm mới đủ bình tĩnh để xử lý những tình huống nguy hiểm trên sông.

Bè qua sông Mã
Một nữ chủ thuyền tuổi khoảng ngoài 40 sang sảng nói: “Ở đây kiếm tiền khó lắm, chỉ còn mỗi nghề vớt gỗ là có đồng ra đồng vào”. Chủ thuyền này tên Trần Thị Ngò, gia đình chị đã nhiều đời sinh sống trên sông Mã.
Chị kể rằng trước đây vợ chồng chị cũng đã từng có thời gian sống trên bờ để cho con cái đi học, nhưng được vài tháng lại phải trở về vì nhớ sông. Nhiều gia đình ở đây có người thân bỏ mạng hoặc bị tàn tật vì vớt gỗ. Tuy nhiên họ chấp nhận điều đó như một phần tất yếu của cuộc mưu sinh.
Thăm thẳm Mường Lát
Chặng đường Quan Hóa - Mường Lát hơn một trăm cây số khá quanh co, nhiều dốc, nhiều cua gấp. Bù lại sông Mã đang mùa cạn nước, nhiều chỗ đáy sông phơi những phiến đá, những bãi sỏi rất đẹp. Bên đường nhiều đoạn có vài chục guồng nước đủ kích thước lớn nhỏ vẫn hằng ngày chậm rãi
đưa nước lên ruộng cao.

Phụ nữ dân tộc Mông
Ngang qua bản làng, cảnh thiếu nữ Thái ngồi xe sợi, dệt thổ cẩm vẫn thanh bình như bao đời nay. Thổ cẩm của vùng này nổi tiếng đẹp và vẫn giữ nguyên cách thức dệt thủ công, nhuộm màu bằng vỏ cây.
Cách thị trấn Hồi Xuân, trung tâm huyện Quan Hóa chừng hai cây số là một hang động nên thơ với mái vòm khổng lồ bắc qua sông. Nước sông đang trong xanh sau khi chảy qua hang này đột ngột chuyển thành màu nâu phù sa. Đoạn trước khe núi đá là một bãi sỏi. Nơi đó giữa nắng, một gia đình đang cần mẫn xếp các hộc đá làm thành chỗ đón cá vượt lũ khi mùa nước lên.

Cửa hang Ma
Hang Ma, một nghĩa trang nổi tiếng của người Thái cũng ở cách đấy không xa. Nằm giữa hai ngọn núi hùng vĩ, hang Ma dài hơn 500m nằm trên một địa thế hiểm trở. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Tuy nhiên, hình thức mộ táng bằng thân cây lớn khoét rỗng của người Thái cổ mới chính là điều làm nên không khí rờn rợn ở hang Ma.
Trong hang, những áo quan đẽo từ thân cây thành hai mảnh úp lại xếp ngổn ngang. Ánh sáng buổi chiều chiếu qua những hốc đá tạo thành một khung cảnh huyền bí. Cửa hang nhìn ra một ngọn núi và dòng sông Mã uốn lượn phía dưới.
Đến tận ngày nay, hang Ma vẫn được người Thái bản địa quan niệm là mảnh đất của thần linh. Cửa hang nằm khuất sau những tán cây rừng rậm rạp giữa sườn núi Pa Cáng.

Quan tài đã mục ruỗng trong hang Ma
Nhiều người cả đời không dám bén mảng tới chân núi này vì sợ sẽ đánh thức giấc ngủ của thần linh mặc dù ở nơi khác, người Mường, Thái vẫn có nhiều lễ hội bên trong hoặc cạnh các hang núi vì họ quan niệm tổ tiên xưa của mình đã sinh sống trong hang núi.
Để tiến vào Mường Lát, cả đoàn phải đi qua một cây cầu treo khá mỏng manh. Tên gọi “Mường Lát” trong tiếng Thái có nghĩa là “nơi nước tràn qua”. Mùa mưa ở đây, nước từ các con suối đổ về, tràn qua các làng bản gây nên những trận lũ dữ dội.
Từ trước đến nay, muốn vượt sông, người dân phải kết bè mảng từ những thân luồng với hai sợi cáp giăng ngang qua sông. Tuy nhiên sắp tới cảnh này chắc không còn nữa vì cầu Chiềng Nưa, điểm quan trọng trong tuyến đường nối các huyện miền Tây tỉnh Thanh Hóa sắp khánh thành.
Đến bản Sài Khao (xã Mường Lý), ai nấy mải mê ngắm nhìn đỉnh Pha Luông cao vời vợi rồi ngắm những thiếu nữ Mông rực rỡ xiêm áo trong nắng mới. Sài Khao có không khí mát lạnh quanh năm. Đứng trên đỉnh Pha Luông hùng vĩ, lữ khách có thể thu vào tầm mắt núi non trùng điệp. Bao quanh các bản là những nương lúa, nương ngô, trải từ sườn đồi nọ đến sườn đồi kia.

Cầu treo dẫn vào hang Ma
Buổi chiều, chúng tôi vào thăm một ngôi nhà sàn trong bản Poọng nằm dưới chân núi Sài Khao. Ông chủ nhà sau khi lâng lâng say đã đi ngủ sớm, bà chủ vừa nấu rượu ngô vừa ôm điện thoại nói chuyện miên man. Đời sống dân bản còn khó khăn nhưng du nhập nhanh đến không ngờ nhiều thứ từ
thế giới ngoài kia.
Cách đây dăm năm, cơn bão ma túy, HIV/AIDS tràn qua Sài Khao đã giết chết nhiều thanh niên trai tráng và hủy hoại nhiều gia đình. Đến giờ bản làng vẫn chưa hết vẻ xơ xác tiêu điều.
Có lẽ hoàn cảnh khốn khó nhất trong số những đứa trẻ mồ côi ở bản Poọng là gia đình em Hà Thị Cới. Bố em đã chết hai năm nay vì HIV, mẹ em cũng bị HIV vì lây qua chồng. Quá đau buồn, mẹ em thường bỏ nhà đi lang thang để lại bốn chị em, đứa lớn mới mười tuổi, đứa bé hơn hai tuổi đùm bọc nhau sống qua ngày.

Bản làng
Từ trên những cung đường nhìn vào các dãy nhà sàn ẩn hiện giữa núi mây mờ ảo, ai biết đằng sau vẻ đẹp nên thơ, trữ tình ấy là nhiều bi kịch cay đắng của thời đại…
Hửng sáng hôm sau bản làng thức giấc cùng với chút nắng sớm le lói xuyên màn sương dày đặc. Chỉ một thoáng sau sương tan. Mái nhà sàn bên sườn núi, tiếng suối trong vắt, rừng tre xanh mát hiện ra rõ mồn một. Đời sống con người lẫn rừng núi hai bên bờ sông Mã đã khác nhiều so với thời Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng. Thiên nhiên đang dần lùi bước trước con người.

Xanh mướt ruộng bậc thang Mường Lát
Hàng ngàn năm trước con người rời hang đá tiến ra dựng nhà dưới những cánh rừng. Chưa ai nghĩ ra được khi những cánh rừng biến mất hết thì con người sẽ tiếp tục tiến về đâu!


TRẦN VĂN HIỂN/DNSGCT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét