(PetroTimes) - Đầu năm, chúng tôi lên xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn, Nghệ An) để chứng kiến không khí đất trời và lòng người ở miền biên cương trong mùa Xuân mới. Thật may, lên đúng dịp Đoàn công tác của địa phương chuẩn bị thực hiện chuyến tuần tra biên giới đường sông, người viết được mời tham gia để có thêm sự trải nghiệm về cuộc sống.
Năng lượng Mới số 305
Vượt "trận địa"... thác
Từ bến đò bản Xiềng Tắm, 2 chiếc thuyền máy chở 15 thành viên của đoàn công tác do Thiếu tá Trần Quốc Nam - Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Mỹ Lý làm trưởng đoàn nổ máy rồi lướt nhanh trên mặt nước hiền hòa. Qua bản Yên Hòa và Xằng Trên, dòng nước Nậm Nơn đã bắt đầu chảy xiết, những thác ghềnh lớn nhỏ thi nhau xuất hiện để thử thách tài nghệ của người lái thuyền. Đầu tiên là Cành Cạp (tiếng Thái nghĩa là thác đá nhọn như những chiếc răng nằm khít nhau) với vô số những hòn đá nhọn được bày binh bố trận giữa lòng sông. Để đảm bảo an toàn và giảm trọng lượng khi thuyền vượt thác, mọi người phải lên bờ rồi men theo vách đá lởm chởm để đi qua, chỉ hai người ở lại trên thuyền để điều khiển.
Thuyền chúng tôi vượt qua khe Huồi Mai - là đường ranh giới phân chia lãnh thổ của của hai nước Việt - Lào. Từ đây, dòng chảy Nậm Nơn cũng thuộc về hai quốc gia, phía hữu ngạn là của Việt Nam, còn phía tả ngạn là của nước bạn Lào. Bên hữu ngạn có ba bản Thái là Piềng Típ, Cha Nga (xã Mỹ Lý) và Keng Đu (xã Keng Đu).
Vượt thác Nậm Nơn
Giữa trưa, đoàn ghé thăm bản Cha Nga. Sau bữa cơm trưa, Ban Quản lý bản báo cáo sơ bộ tình hình kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trên địa bàn. Điều đáng mừng là đời sống của bà con luôn được ổn định, an ninh trật tự được giữ vững, không có hiện tượng di dịch cư tự do và tái trồng cây thuốc phiện. Mối quan hệ với các bản bên kia đường biên được giữ gìn tốt đẹp, việc đi lại thăm thân và trao đổi hàng hóa diễn ra thuận lợi.
Sáng hôm sau, đoàn tiếp tục ngược dòng Nậm Nơn lên địa bàn tiếp giáp với xã Keng Đu. Lên thuyền, vượt Cành Sạc, Cành Sộc và Cành Mỡ, gần trưa thuyền chúng tôi cập bến Keng Đu. Tại đây, không biết các chiến sĩ biên phòng thuộc Trạm kiểm soát Keng Đu (thuộc Đồn Biên phòng Keng Đu) đã đón chờ từ lúc nào. Phía trước trạm, lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trước gió. Bên kia dòng sông là lãnh thổ nước bạn với những khu rừng nguyên sinh bạt ngàn.
Nỗi niềm tháp cổ
Trở lại bản Yên Hòa, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi được chứng kiến vẻ đẹp cổ kính của ngọn tháp soi bóng xuống dòng Nậm Nơn hùng vĩ. Một câu hỏi chợt thoáng hiện: Cư dân nào là chủ nhân của một công trình kiến trúc độc đáo và đặc sắc nơi sơn cùng thủy tận này? Và chắc hẳn nơi dải biên cương xa xôi này từng có một nền văn hóa phát triển khá rực rỡ và mang đậm bản sắc? Đó cũng chính là động cơ thôi thúc chúng tôi bước lên bờ hy vọng tìm hiểu được phần nào những “ẩn số” đằng sau vẻ trầm mặc, rêu phong của ngọn tháp cổ.
Tháp cổ Yên Hòa tọa lạc trên một vùng đất khá rộng rãi và bằng phẳng. Tháp cao chừng 25-30m và được xây bằng gạch nung. Thân tháp vẫn còn lưu giữ dấu tích của những bức phù điêu và nét hoa văn, họa tiết hết sức tinh tế. Nhưng thật tình, khi được tận mục sở thị, cái sự hồ hởi, háo hức ban đầu gần như tan biến và thay vào đó nỗi xót xa, bùi ngùi khi phải chứng kiến một phế tích. Và sẽ không quá lời khi nói rằng: Nếu không kịp thời trùng tu, ngọn tháp này sẽ đổ sập trong một ngày không xa.
Tháp cổ Yên Hòa
Bởi lẽ chân tháp đã xuất hiện nhiều lỗ thủng lớn, một góc đã sập, tháp có dấu hiệu bị nghiêng và những vết rạn nứt nói lên rằng tuổi thọ và sức chịu đựng không còn nhiều. Những bức phù điêu và đường nét hoa văn, họa tiết đã bị bong gãy và đứt đoạn nên không thể xác định rõ ràng, cụ thể hình hài và ý nghĩa. Chung quanh thân tháp cây dại bám đầy càng gợi lên vẻ hoang phế của một công trình kiến trúc chắc hẳn một thời từng là niềm tự hào của những cư dân bản địa.
Hỏi về nguồn gốc tháp cổ, gần như hầu hết người dân bản Yên Hòa ai cũng lắc đầu tỏ ý không biết. Theo họ, giờ đây may chăng có cụ Lô Văn Minh, một bậc cao niên sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này còn có thể biết được một đôi điều. Cụ Minh giờ đã theo con cháu về cư trú tại bản Xốp Tụ. Chúng tôi rời Yên Hòa và xuôi dòng Nậm Nơn xuống bản Xốp Tụ để tìm gặp cụ Lô Văn Minh, người được cho là còn giữ một ít điều bí mật về tháp cổ.
Ở độ tuổi 87 nhưng cụ Minh vẫn tỏ ra còn khá minh mẫn. Hỏi về tháp cổ Yên Hòa, cụ thong thả buông lời: “Từ khi còn bé ta đã trông thấy tháp. Hỏi bố ta, ông cũng trả lời như vậy. Và khi được hỏi, ông nội ta cũng chỉ có một câu trả lời như vậy thôi!”. Theo lời kể của cụ thì ngày xưa ngoài ngọn tháp ở bản Yên Hòa, ở Mỹ Lý còn có hai ngọn tháp có hình dáng tương tự nhưng kích thước nhỏ hơn tại bản Xằng Trên và bản Xiềng Tắm. Hai ngọn tháp này đã bị đổ sập từ lâu. Có lẽ do đứng ở vị trí trung tâm nên tháp Yên Hòa được người xưa thiết kế lớn hơn.
Lúc cụ Lô Văn Minh còn nhỏ và cho đến tuổi trung niên, tháp cổ Yên Hòa vẫn còn nguyên vẹn. Chung quanh chân tháp là cả một quần thể các bức tượng Phật và tượng La Hán được làm bằng chất liệu đồng và bạc với nhiều kích cỡ và tư thế khác nhau. Khuôn viên của ngôi tháp được phủ đầy tán của những cây bồ đề cổ thụ. Phía sau có một ngôi miếu thờ. Trên đỉnh tháp có một viên ngọc thường xuyên phát sáng vào ban đêm (gọi là ngọc dạ minh châu) càng làm cho ngọn tháp trở nên huyền ảo.
Ngôi tháp này được một vị sư tăng trông nom, chăm sóc và hương khói quanh năm. Vào ngày Rằm và mồng Một hằng tháng, người dân Yên Hòa và các bản khác trong vùng thường đem lễ vật, hương đèn đến cầu xin bình an, phúc lộc. Thế rồi, vào những năm 70 của thế kỷ trước, một số người từ nơi khác đến suốt ngày rình rập để đánh cắp các bức tượng. Bọn người này ngày càng liều lĩnh và hống hách đe dọa đến sự bình yên nơi cửa Phật, khiến vị sư tăng phải lặng lẽ cầm tràng hạt và gạt nước mắt xuống bến sông rồi đi đâu không ai hay biết.
Vị sư tăng đi rồi, bọn người ấy được thể lấy cắp cho bằng hết các bức tượng quanh tháp. Không dừng lại ở đó, chúng còn ngang nhiên đục và làm sập một góc chân tháp để vào trong tìm tượng và của cải. Rồi viên ngọc dạ minh châu trên đỉnh tháp cũng bị đánh cắp. Những cây bồ đề trong khuôn viên cũng lần lượt bị cưa đổ. Từ đó, tháp cổ Yên Hòa trở thành phế tích, giờ đây gần như không còn bao sức lực để chống chọi với mưa nắng và gió bụi thời gian. Kể đến đây, dòng ký ức của cụ Minh như chùng lại, nét mặt trở nên đăm chiêu, ánh mắt như đang tìm về một cõi xa xăm và trên khóe mắt hình như rưng rưng giọt nước mắt...
Có người cho rằng, ngọn tháp này có từ thời nhà Trần, nó được vương triều này dựng lên để xác định ranh giới, cương vực của quốc gia Đại Việt. Hay nói cách khác, tháp có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa, cột mốc tâm linh, góp phần khẳng định chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Nếu đúng như vậy, chúng ta phải thật sự kính phục tầm nhìn sâu rộng của những người đứng đầu nhà Trần.
Chuyện trò với chúng tôi, ông Kha Văn Nghệ - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lý, bộc bạch: “Thật buồn khi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này nhưng không nắm rõ truyền thống lịch sử và văn hóa quê hương. Người dân bản Yên Hòa nói riêng và xã Mỹ Lý nói chung đều có chung một mong muốn là tìm được nguồn gốc, lai lịch và có dịp được trùng tu tháp cổ để xây đắp niềm tự hào về truyền thống quê hương”.
Tường Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét