Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Hành trình trên đất bazan

Những cơn mưa và cả cái nắng gay gắt của miền cao nguyên hùng vĩ ẩn chứa biết bao điều kỳ thú và cả những huyền thoại. Trong mịt mùng ấy, người đi bất chấp lạnh lùng, ướt át là để tìm đến một nơi chốn hết sức đặc biệt của nước non này, có vậy mới thấy được giá trị thực sự của cảm xúc, của tình yêu và lòng tự hào về quê hương xứ sở.

Những bản làng trên đèo Violac
Trên đất bazan
Chuyến đi của chúng tôi qua 3 tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Quảng Ngãi với gần 700km đường bằng xe máy. Vốn là người đã quen dịch chuyển bởi cái nghề cầu đường rày đây mai đó trước kia, nên bao giờ trong ba lô, túi xách của tôi cũng tương đối đầy đủ đồ nghề cho những chuyến đi xa: bản đồ toàn tỉnh và bản đồ chi tiết thành phố Kon Tum, giấy bút để ghi chép lại những gì tai nghe mắt thấy nơi miền đất nắng gió huyền thoại của sử thi.
Chúng tôi chạy xe qua khu vực của huyện Đăk Glei. Đây cũng chính là quê hương của tục lệ "củi hứa hôn" của đồng bào người Giẻ Triêng: Khi đến tuổi cập kê, các cô gái ngày ngày vào rừng lấy củi về để dành cho lễ bắt chồng. Cũng chính khu vực huyện Đăk Glei này, có ngã ba rẽ về hướng đông để đến được Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi có giống sâm cực kỳ quý hiếm.
Nếu ví von tuyến đường xuyên sơn chiến lược này là trục xương sống của Tổ quốc, thì địa phận của mỗi địa phương cấp huyện mà nó băng qua có thể xem như là một đốt xương sống. Những tên làng, tên đất Đăk Man, Đăk Pék, Đăk Kroong... mới mẻ với chúng tôi hứa hẹn những phát hiện nhiều hấp dẫn, giống như những mạch máu li ti dẫn dinh dưỡng nuôi hình hài Tổ quốc thiêng liêng và bi tráng.

Trường sơn mây mù
Vừa đặt chân đến thị trấn Plây Kần của huyện Ngọc Hồi (Kon Tum), chưa khuấy tan mấy muỗng đường trong ly cà phê phố núi, câu chuyện của chúng tôi đã hút một chàng trai trẻ chạy xe máy tình nguyện làm hướng dẫn viên. Qua vẻ xởi lởi, nhiệt tình và cởi mở của hướng dẫn viên rất trẻ này, chúng tôi mới có cơ hội bon bon trên quốc lộ 40 tìm về Ngã ba Đông Dương mà văn chương ví von "nơi tiếng gà gáy ba nước cùng nghe".
Chúng tôi được chào đón bằng một trận mưa, mưa như roi quất vào mặt, vào người cùng với gió. Mưa mặc mưa, chúng tôi vẫn cứ uốn lượn những vòng xe men theo những vách taluy sừng sững đỏ, những vực thẳm hun hút phía bên dưới thung lũng kia mà trầm trồ sung sướng.
Rồi vút qua những bản làng của đồng bào dân tộc nằm khiêm tốn đến đáng yêu bên những cánh rừng, những sườn núi thoai thoải gợi ra bao cảnh yên bình mộc mạc, vút qua những địa danh hào hùng máu lửa một thời chiến trận.
Ngã ba Đông Dương, điểm đến này còn hơn ý nghĩa của một vùng phên dậu. Bởi nó là một trong hai miền biên viễn có cái đặc biệt là cùng lúc tiếp giáp với hai đất nước láng giềng.
Nếu ngã ba biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc và nước bạn Lào, thì ở đây lại là điểm tiếp giáp cùng lúc với nước bạn Lào và xứ sở Chùa tháp Campuchia. Sau khi dừng chân để lòng mình giao hòa cùng đất trời, đứng giữa gió mưa này mà nghe trong ta dấy lên một nỗi tự hào, một tình yêu thiêng liêng rơm rớm mắt nhìn.

Biểu tượng bất diệt của Tây Nguyên
Thiêng liêng Tổ quốc
Những kẻ lữ hành chúng tôi tiếp tục làm cuộc "xuất ngoại" bỏ túi qua ngõ cửa khẩu quốc tế Bờ Y trong cái chiều mưa không dễ gì gặp được lần nữa trong đời. Thăm mái quán biên giới đìu hiu thuộc bản Phu Cự, huyện Phu Veng, tỉnh Atapư nước bạn.
Một cụm quán vùng biên chìm trong màn mưa sẫm tối, chúng tôi thưởng thức món xôi Lào dẻo thơm trong những chiếc giỏ đan nho nhỏ xinh xắn nhiều màu, món dế đặc sản của bạn và ly bia Lào đậm đà sưởi ấm cơn lạnh một chiều mưa biên giới hết sức thi vị.
Ai ai cũng nghe trong tâm hồn mình dấy lên những cảm thức bâng khuâng kỳ thú. Cũng núi rừng kia thôi, cây lá kia thôi, cách nhau một cánh chim trời, một tầm hú gọi, nhưng chỉ một lúc nữa thôi là ta lại về được Tổ quốc yêu dấu của mình, như thể đã từng những tháng năm dài lênh đênh phương trời vô định.
Sau đêm tình tang những hát cùng hò, chủ khách chuyện trò râm ran bên ly rượu ấm nóng, chúng tôi bịn rịn chia tay và hẹn hò tái ngộ. Đoàn xuôi theo mượt mà khoai sắn dọc đường Tân Cảnh, Đăk Tô. Xa kia, bạt ngàn cao su đang khoe những cung bậc sắc màu xanh đến thao thiết.
Thị trấn Đăk Hà hôm nay khang trang phố thị. Một thay đổi ngỡ như trong mơ, mới vài chục năm trước thôi, nơi này từng là rừng thiêng nước độc, hiu quạnh bước chân người, qua bao vật đổi sao dời và sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong chiến đấu, bảo vệ và dựng xây của đất và người Kon Tum.

Di tích cách mạng Cao điểm 601
Hôm nay kể lại câu chuyện này cho những thế hệ sinh sau đẻ muộn, chưa từng qua thời bom đạn chiến tranh, e rằng sẽ nhận lại nỗi hoài nghi: Lẽ nào cha ông ta đã làm được một phép mầu như cổ tích.
Chẳng biết ngoài Bazan thổ nhưỡng ra, dưới mảnh đất này còn tố chất dinh dưỡng nào nữa mà mỏi mắt hai bên đường là mơn mởn non tơ của sắn, thăm thẳm sắc màu cao su. Xa kia, những cánh rừng trồng nhiều lớp tuổi cứ kế tục hứa hẹn sự sung túc hôm nay và giàu có cho một tương lai đã cận kề.
Thành phố Kon Tum hôm nay sang trọng, đẹp và hiện đại trong sự quy hoạch có tính đến phần gìn giữ bản sắc của một vùng Tây Nguyên cực Bắc.
Sau khi thăm thú những điểm đến không thể bỏ qua như: Nhà ngục Kon Tum, Nhà thờ Gỗ Kon Tum, Nhà rông Kon Klo của đồng bào Bahnar, chúng tôi có buổi cà phê sáng thân mật với anh chị em văn nghệ báo chí Kon Tum bên dòng sông Đăk Bla thơ mộng và hùng vĩ đã đi vào lịch sử bởi chiến tích lẫy lừng vào mùa Hè đỏ lửa năm 1972.
Giòng sông này cùng với chi lưu Pô Kô, Căn cứ Đăk Tô, Tân Cảnh, cứ điểm 601, những ngọn đồi kéo một đường cánh cung mang những cái tên bi tráng trong bản đồ chiến sự: Charli, Alpha, Delta, Hotel... đã gợi lên bao niềm thương cảm và kính trọng.
Chúng tôi lại đi qua những thôn xóm đã ngày càng thay da đổi thịt, những núi đồi nhấp nhô xanh trong nắng gió. Lại những sắn là sắn, sắn cơ hồ tươm lên những giòng mật ấm no trên từng đọt lá non hồng hào bụ bẫm, từng phiến lá xanh ngời ngút ngát hứa hẹn biết bao nhiêu thu hoạch.
Lại cao su, cơ man là cao su. Từng khoảnh rừng cao su dài vuông vắn và tăm tắp đội ngũ. Phía dưới xa kia, Măng Đen, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp, đang chờ, nghe nói môi trường và cảnh quan nơi đây được mọi người tự hào là một Đà Lạt thu nhỏ.
Thật vậy, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plong đón chúng tôi bằng những cánh rừng thông đặc chủng tỏa bóng xuống hai bên đường. Những ngôi biệt thự im lìm nấp sau những cánh rừng kia cho thấy tương lai của một điểm đến hấp dẫn.
Ấn tượng nhất trong chuyến đi này đối với chúng tôi có lẽ là khi xuôi xe xuống đèo Violac. Không biết chiều dài thực sự của đoạn đường đèo này là bao nhiêu cây số, chỉ biết bắt đầu từ khoảng gần trưa, với tốc độ trung bình khoảng 40 cây số/giờ, thi thoảng dừng lại dăm ba phút bên những cánh rừng đẹp, những đoạn uốn lượn tài tử để chụp hình lưu niệm, phải mất đến hơn bốn giờ đồng hồ chúng tôi mới coi như tạm xuôi xuôi ở địa phận ngã ba Ba Tơ, Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi.

Bên cột mốc biên giới Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y
Đêm Tây Nguyên, những cơn mưa đầu mùa kéo theo hơi ẩm ngoài kia, gió miên man thổi qua những cánh rừng và từng làn sương mỏng đã buông se lạnh ngọt ngào xuống không gian, nhưng sao chúng tôi vẫn nghe ấm áp lòng mình.
Hóa ra cái tình người có chung một địa bàn chôn nhau cắt rốn ấy nó mới đằm thắm và cụ thể, nó mới cho ta những cảm nhận chân giá trị về nơi từng thế hệ cha ông đã bền bỉ khai phá tạo dựng sinh cơ rồi truyền đời con cháu.
Để mỗi khi bước chân ra đi háo hức với những mới mẻ trời xa đất rộng, thì cũng đồng nghĩa với mong ngóng trở về, chẳng thế mà cứ mỗi độ tàn Đông, khi trời đất trở mình cho cây lá đâm chồi nảy lộc, là lại một lần thao thức ánh mắt đợi chờ đoàn viên cố xứ, là bụng dạ réo sôi níu đòi những gì gần gụi thân thuộc của mình, dẫu nghèo khó bao nhiêu đi nữa cũng thiêng liêng, không thể nào dứt áo quay lưng cho đành đoạn.
Hơn 700km đường thiên sơn vạn lý, mưa nắng thất thường, gió sương dầu dãi, đi qua bao làng mạc quê nhà, đi qua biết bao nhiêu yêu thương ấm áp, điều đọng lại trong mỗi người chúng tôi chẳng thể nào đo đếm được.
Chẳng thể gọi tên cho đúng nghĩa ước mong mình, chỉ ôm ấp trong lòng một tình yêu ngày càng thiết tha hơn về bầu bạn, về con người và quê hương đất nước, như một tứ thơ ngân rung từng li ti mao mạch dẫn nguồn máu nóng ấm truyền lưu trong tâm hồn và huyết quản, trong dài rộng, nguy nga của dáng hình giang sơn cẩm tú.


HỮU CƯỜNG - ĐỨC DŨNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét