(Dân trí) - Tháng 3 khi mùa hoa gạo nở rộ đỏ rực cùng tiếng chim vơ –linh (chèo bẻo) âm vang khắp núi rừng thì cũng là lúc người Hrê, miền núi Quảng Ngãi vui mừng đón tết truyền thống của dân tộc mình.
Đây là một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống đậm bản sắc dân tộc mà người Hrê gìn giữ qua bao đời nay
Các đồng bào dân tộc Hrê (miền núi Quảng Ngãi) cùng nhau uống rượu cần trong dịp tết
Tết của người Hrê không diễn ra cùng một lúc mà mỗi buôn làng định ra những ngày ăn tết riêng nhưng thường gặp trung nhiều nhất vào khoảng tháng 3. Những người cao tuổi ở trong làng sẽ là người bàn bạc với chủ làng quyết định ngày nào dân làng tiến hành ăn tết.
Không khí trong buôn làng những ngày trước tết rất rộn ràng, nhộp nhịp. Một ngày trước tết, chủ làng sẽ tuyên bố ngày vô lá (tức là ngày dân làng mang lá dong vào nhà). Ngày hôm đó cả nhà dọn dẹp sửa sang nhà cửa, tu sửa lại chuồng, chọn những cây tre to, đặc về làm trụ cửa chuồng trâu, tranh thủ đi bắt con cá dưới suối về muối chua, ăn kèm với bánh lá dong, bẫy hú rừng để bữa tiệc ngày tết thêm đầy đủ. Dân làng vào rừng kiếm dây mây nhỏ làm dây treo ching chủ (tiếng Hrê gọi chiêng là chinh. Chinh chủ là chiếc lớn nhất), lấy cây lồ ô làm đàn vinh-rút, cây triên về làm cần uống rượu cần, cây trảy về làm trụ buộc chóe rượu, lá dong về gói bánh,…
Cũng như người kinh gói bánh tét, bánh chưng thì người Hrê gói và nấu bánh lá dong bằng nếp trên rẫy. Khi trời tối cũng là lúc bánh đã gói xong cho vào nồi đưa lên bếp lửa giữa nhà sàn, nấu bánh cho đến ngày hôm sau thì chín. Bánh lá dong của người Hrê có đôi và bánh đơn. Bánh đôi là bánh bó chung hai chiếc bánh đơn thành cặp trước khi nấu. Bánh đơn còn gọi là bánh cử, mỗi người trong gia đình một chiếc, ăn vào sáng đầu năm.
Cứ mỗi dịp lễ tết, ngày mừng lúa mới là người dân tộc Hrê lại tụm năm, tụm bảy uống rượu cần. Uống rượu cần đã trở thành một trong những phong tục truyền thống của người Hrê nơi đây. Các gia đình khui hầm chum, chóe, chuẩn bị lúa nếp làm rượu cần. Nhà khá giỏi ngày tết có từ 5 – 6 chóe rượu cần trở lên. Theo chị Phạm Thị Thương, thôn Nam Lân, Xã Ba Động, huyện Ba Tơ cho biết: “muốn chóe rượu thơm, ngon ngoài sử dụng nguyên liệu (mì, nếp, ngô,…) còn phải có cách chế biến men khéo léo và kinh nghiệm của những người phụ nữ trong gia đình.
Vào ngày tết thì chóe rượu cần thơm ngon nhất sẽ được gia đình đem ra mời khách. Điều đó thể hiện sự mến khách của chủ nhà nhưng cũng thể hiện sự ý nhị của người phụ nữ trong gia đình”. Trong phong tục của người Hrê, chóe rượu cần còn có cả linh hồn. Người Hrê đều mong cho chóe rượu cần làm ra thơm ngon; vị ngọt, vị đắng quyện vào nhau để “cái miệng của khách uống không biết chán, say không biết đường về”. Rượu cần từ khi bắt đầu làm, ủ cho đến khi uống được phải mất cả một tháng . Kinh nghiệm của người Hrê là dùng lá chuối bịt kín miệng chóe rượu cần. Khi lá chuối bịt miệng chóe rượu khô, trở sang màu vàng úa, tức là rượu đã chín, uống được sẵn sàng đem ra cúng thần linh.
Vào ngày tết thứ nhất, các gia đình trong làng bắt đầu dọn nhà, xua đuổi tà ma, xua đuổi điều xấu, rước điều tốt vào nhà và làm lễ rước thần linh, tổ tiên về ăn tết cùng người sống, cầu mong sự no đủ, tránh điều xấu, tránh kẻ ác.
Con trâu – tin ngưỡng thờ cúng của người Hrê
Trong ngày tết của người Hrê có tục cúng con trâu vào sáng ngày tết thứ hai (tục cúng con trâu người Hrê gọi là Ta-reo-kpơ). Con trâu ngoài giá trị hình thức biểu hiện sự giàu có của gia đình còn là con vật được thờ cúng theo tin ngưỡng vì nó gắn liền với người Hrê giúp đỡ họ trong công việc như kéo gỗ, kéo cày, dùng làm vật nuôi,… nên lễ cúng trâu rất quan trọng cầu mong cho con trâu khỏe mạnh, béo tốt không bị dịch bệnh,... Lễ cúng trâu xong, chủ nhà dọn nấu cơm trong ống lồ ô, cùng rượu cần, thịt, bánh lá dong mời khách cùng ăn uống no say với chủ nhà.
Vào dịp này người lớn tuổi trong nhà thường kể Hmon như hình thức kể khan của các dân tộc Tây Nguyên) cho con cháu nghe để tự hào về truyền thống dân tộc, buôn làng mình. Dân làng tập trung nhau hát Kiêu, Kchoi (các làn điệu dân ca của người Hrê). Trai tráng trong lang tổ chức đánh ching, thi mua gươm, phóng lao, đánh vật, leo núi còn các các cô thì trổ tài nhảy múa, đánh đàn vinh-vút, khoe vòng kiềng cùng những bộ vấy thổ cẩm truyền thống đầy màu sắc rực rỡ. Không khi đón tết vui tươi, nhộn nhịp luôn kéo dài trong suốt những ngày tết để cầu mong một năm làm ăn phát đạt, no ấm, sung túc.
Bích Ngân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét