Nếu lịch sử Trung Quốc có từ nghiêng nước nghiêng thành để chỉ những phụ nữ xinh đẹp khiến đất nước chao đảo như Hỷ Muội thời vua Kiệt nhà Hạ, Đát Kỷ thời vua Trụ nhà Thương hay Bao Tự thời vua U Vương nhà Chu thì có thể liệt Đặng Thị Huệ vào trong số đó.
Đặng Thị Huệ quê ở làng Trà Hương, huyện Phù Đổng, trấn Kinh Bắc, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bà xuất thân nghèo khó làm nghề hái chè mưu sinh kiếm sống. Nhưng nhờ có sắc đẹp nhất vùng nên được tiến vào phủ Chúa.
Vì xuất thân hèn kém nên ban đầu chỉ là nữ tỳ. Một hôm, Tiệp dư Trần Thị Vịnh sai bà bưng một khay hoa đến trước nơi chúa Trịnh Sâm ngồi. Trịnh Sâm nhìn thấy bà rất bằng lòng, bèn ân ái với bà. Từ đó bà ngày càng được Trịnh Sâm yêu quý, phong làm chính cung của mình, gọi là Tuyên Phi.
Tĩnh đô vương Trịnh Sâm là con của Minh Vương Trịnh Doanh. Trong số các chúa Trịnh thì có thể coi Trịnh Sâm là Chúa giỏi khi võ công văn trị đủ cả. Về tài văn chương thì Trịnh Sâm nổi tiếng là người hay chữ. Gia phả Trịnh tộc có chép Tĩnh Vương từ nhỏ đã có tiếng giỏi thơ hay chữ, làm thơ từ năm 14 tuổi – đã cùng Ngô Thì Sĩ đối đáp. Đựơc biên soạn thành bộ Tâm thanh tồn duỵ tập – Tiếng cõi lòng gìn giữ và luyện tập. (gồm 4 quyển, thơ chữ Hán và chữ Nôm).
Về võ công thì Trịnh Sâm làm được điều mà các chúa Trịnh nổi tiếng là giỏi trước đây như Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Doanh trước đây không làm nổi là vượt sông Gianh đánh chiếm tận đô thành của chúa Nguyễn.
Nhiều sử gia than rằng nếu Thịnh Vương Trịnh Sâm mà sống thọ được như Khang Vương Trịnh Căn thì sử phong kiến của Việt Nam có thể viết sang trang khác (ám chỉ việc nhà Trịnh có thể nhất thống sơn hà).
Nhưng cũng phải thấy rằng từ sau khi lấy được Thuận Hóa thì Trịnh Sâm bỏ bê chính sự, si mê Đặng Thị Huệ. Thời gian đầu lên ngôi Chúa, Trịnh Sâm sáng suốt, sửa sang chính trị bao nhiêu thì sau khi sủng ái Đặng Thị Huệ, Thịnh Vương lại càng u mê bấy nhiêu. Bởi vậy, chính trị suy đồi, nơi kinh đô lắm lời than vãn. Nếu không phải vì bị Đặng Thị Huệ dùng sắc đẹp quyến rũ thì Trịnh Sâm vẫn là minh chúa và việc đánh chúa Nguyễn, thống nhất sơn hà cũng dễ thành. Còn việc Trịnh Sâm khi 30 tuổi vẫn tráng kiện lên ngôi Chúa rồi mất vì tửu sắc khi mới 44 mà không trách Đặng Thị Huệ thì biết trách ai.
Đặng Thị Huệ có người em là Đặng Lân nhờ cậy thế chị làm nhiều điều bại hoại trong kinh thành. Trong cuốn Tang thương ngẫu lục thì Nguyễn Án có chép: “Quận mã Đặng Lân là em bà Đặng Tuyên phi của chúa Tĩnh Vương (Trịnh Sâm), thường hay ngông càn phạm phép. Y cưỡng gian một người đàn bà không được bèn cắt vú người ta. Người chồng kiện đến quan, y bị bắt giam ở ngục Ngự sử đài rồi vì có Phi xin cho mà được tha. Tĩnh vương đem nàng Quận chúa thứ hai gả cho Lân, các đồ trang liêm và của hồi môn, so với các triều trước nhiều gấp mười lần.
Phủ đệ dựng ở phía Tây nam kinh thành Thăng Long, đồ ăn thức dùng đàng hoàng như một vị vương giả. Lân càng làm nhiều sự càn rỡ, nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau, lấp cả đường lối. Một lần nhân cơn tức giận, Lân giết chết nội giám là Sử thọ hầu, rồi cắm thanh gươm ở trước cửa để không ai dám vào bắt”.
Lân giết chết nội giám là Sử thọ hầu là do bị Sử thọ hầu không cho vào động phòng với con gái của Tĩnh vương do chưa đủ tuổi. Lân phạm tội tày đình với con gái yêu của Trịnh Sâm, ấy vậy mà Chúa vẫn tha không bắt tội là bởi vì Trịnh Sâm quá si mê Tuyên Phi. Cũng vì bị Tuyên Phi ngày đêm than khóc mà Trịnh Sâm vốn là một người con chí hiếu đã cãi mẹ để làm chuyện phế trưởng lập thứ.
Sâm phế bỏ ngôi thế tử của Trịnh Tông đã trưởng thành để lập con của Tuyên Phi là Trịnh Cán mới 4 tuổi lên làm thế tử. Chính vì thế mới tạo ra mầm mống bất ổn giữa phe Trịnh Tông và Trịnh Cán. Sau này, phe kiêu binh đất thang mộc diệt Cán, phù Tông lên ngôi Chúa nhưng lại cậy công làm náo loạn kinh thành. Cơ đồ vững chắc nhà Trịnh vì thế mà tiêu tan.
Số phận của Đặng Thị Huệ sau đó cũng đúng với chữ hồng nhan bạc phận. Sau chính biến năm Nhâm Dân (1782), tức chỉ 1 tháng sau khi Trịnh Sâm mất, kiêu binh nổi loạn đưa Trịnh Tông lên ngôi. Trịnh Cán bị giáng xuống làm Cung quốc công, rồi hơn tháng sau thì bị bệnh qua đời.
Sách Hoàng Lê nhất thống chí có viết đoạn cuối cuộc đời Đặng Thị Huệ như sau:
“Khi chúa nhỏ bị bỏ, Thái phi (mẹ của Trịnh Tông) liền sai người bắt Tuyên phi hặc tội, rồi buộc bà phải lạy tạ. Tuyên phi không chịu lạy, Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Tuyên phi rập đầu xuống đất, nhưng bà vẫn nhất định không chịu lạy, mà cũng không nói nửa lời. Thái phi giận quá, đánh đập một hồi, nhổ nước bọt vào đầu vào mặt, rồi đem giam vào nhà Hộ Tăng ở vườn sau. Tại đây, Đặng Thị Huệ bị làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một bữa, bà trốn ra khỏi cửa Tuyên Vũ, chạy đến bến đò phố Khách thì bị quân lính đuổi kịp...
Lưu ý cách gọi tên các nhân vật lịch sử trong bài viết:
Trịnh Sâm có tước hiệu là Tĩnh Đô Vương (hay Tĩnh Vương), miếu hiệu là Thịnh Vương.
Đặng Thị Huệ được phong là Tuyên Phi.
|
Sau một thời gian giam giữ ngặt, Thị Huệ được cho làm cung tần nội thị, vào Thanh Hóa hầu hạ lăng tẩm chúa Trịnh Sâm. Ở đây, bà ngày đêm gào khóc xin được chết theo chồng. Đến ngày giỗ của chúa Trịnh Sâm, Tuyên phi uống thuốc độc mà chết, được táng cách Vọng lăng (lăng Trịnh Sâm) một dặm”.
Theo MỘT THẾ GIỚI
Đặng Thị Huệ - Từ Hi Thái hậu phiên bản Việt Nam
Giữa hai nhân vật lịch sử, một của Trung Quốc và một của Việt Nam là Từ Hi Thái hậu và Tuyên phi Đặng Thị Huệ có rất nhiều điểm tương đồng…
Từ Hi Thái hậu (1835–1908) có tên tục là Ngọc Lan, xuất thân từ một gia đình nông dân. Bà được đưa vào cung khi mới 16 tuổi, trong bối cảnh triều Mãn Thanh đang đi xuống, vua Hàm Phong ăn chơi sa đọa, bỏ bê việc triều chính.
Vua Hàm Phong khi ấy đã lập hoàng hậu và có tới 3000 cung nữ. Nhưng ngay từ lần đầu gặp mặt, vua đã say đắm Ngọc Lan vì sắc đẹp đặc biệt của cô thôn nữ này. Và Ngọc Lan đã tận dụng ưu thế của mình để chi phối hoàng đế cho đến tận ngày ông băng hà. Bà đã nhanh chóng được phong đến chức Ý Quý nhân, từ đó bắt đầu cuộc sống xa hoa gây huynh đảo cả triều đình Mãn Thanh.
Để duy trì nhan sắc, Từ Hi Thái hậu đã sử dụng rất nhiều món ăn quái đản. Tương truyền, bà nuôi 2 con chuột bạch bằng nhân sâm và cao lương mỹ vị, khiến chúng chuyển thành màu đỏ, rồi sai người đem đi hầm để ăn.
Bà cũng cho trồng trà trên núi, để đến mùa đông, khi hoa trà bị tuyết phủ, bà cho thả một đàn ngựa ra ăn hoa trà. Sau những con ngựa bị mổ ruột ra để lấy hoa trà trong bao tử chế thành trà uống, gọi là Trãm Mã Trà.
Cũng giống như Từ Hi Thái hậu, Tuyên Phi Đặng Thị Huệ vào cung năm 16 tuổi. Bà cũng là con nhà thường dân, có cuộc sống nghèo khổ, phải sống bằng nghề hái chè. Từ khi còn niên thiếu, Huệ đã nổi tiếng có sắc đẹp nhất vùng.
Khi Thị Huệ vào cung, chúa Trịnh Sâm đang có một cuộc sống hoang đàng xa xỉ với hàng trăm mỹ nữ. Tuy vậy, ông đã thích Huệ ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Với nhan sắc trời phú và tài đối đáp thông minh, Thị Huệ nhanh chóng chiếm được vị trí số một trong trái tim Trịnh Sâm. Ông phong cho Huệ làm Tuyên phi và cưng chiều hết mực.
Được chúa sủng ái, Huệ trở nên lộng hành, thường đóng kịch trước mặt chúa. Có khi Huệ không mặc gì, chỉ khoác lên người một chiếc khăn rất mỏng, lượn lờ qua lại để khiêu khích chúa. Chúa lao vào ôm thì Huệ lẩn rất nhanh, khiến chúa sôi cả máu lên mới thôi.
Khi có chuyện không vừa ý, Huệ thường giả vờ xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết. Có lần chúa thấy Huệ đang đùa nghịch viên ngọc ngọc dạ quang - báu vật truyền đời của gia tộc trên tay, liền bảo: Nhè nhẹ thôi, đừng làm ngọc xây xát!
Huệ liền thẳng tay ném viên ngọc xuống đất, trách chúa trọng của khinh người, rồi khóc lóc và bỏ sang cung khác. Chúa phải dỗ dành mãi Huệ mới chịu làm lành...
Sinh thế tử và giành quyền lực triều đình
Khi đã đạt những nấc thang danh vọng đầu tiên, Ngọc Lan chịu sức ép phải sinh được quý tử nối ngôi nếu muốn giành được nhiều quyền lực hơn nữa. Và bà đã sinh ra một đứa con trai vào năm 1856, người sau này sẽ trở thành Hoàng đế Đồng Trị. Từ lúc này, bà càng được sủng ái.
Sau khi Hoàng đế Hàm Phong qua đời, Hoàng hậu Từ An và Ý Quý nhân được triều đình tôn xưng là Từ An Thái hậu và Từ Hi Thái hậu và đảm nhận vai trò phụ chính cho Hoàng đế Đồng Trị còn nhỏ tuổi.
Với tham vọng quyền lực cùng tính cách quyết đoán và trí thông minh hơn người, Từ Hi Thái hậu từng bước gạt bỏ vai trò của Từ An Thái hậu và Hoàng đế Đồng Trị để trở thành người kiểm soát hoàn toàn việc triều chính. Sự hách dịch và độc đoán của bà lúc này đã lên đến đỉnh điểm…
Quay lại với phủ chúa Trịnh, vào năm 1777 Đặng Thị Huệ đã sinh con trai, được chúa yêu quý lấy tên mình thuở nhỏ đặt cho con là Cán. Trịnh Cán sớm tỏ ra là đứa trẻ khôi ngô và có thiên tư.
Trước đó, một quý phi tên là Ngọc Hoan đã sinh con trai cho chúa, đặt tên là Tông. Chúa Trịnh Sâm không yêu Ngọc Hoan nên không muốn lập Trịnh Tông làm Thế tử, mặc dù Trịnh Tông đã 15 tuổi và nhiều tài năng. Hiểu được suy nghĩ của chúa, Thị Huệ âm mưu cướp ngôi Thế tử cho Trịnh Cán.
Lúc này, triều đình chia làm 2 phe: phe Trịnh Tông, phe Trịnh Cán. Tuy vậy, phe Trịnh Tông đã thất thế sau một âm mưu giành ngôi bất thành. Từ đó, phe cánh của Thị Huệ ngày càng mạnh, người phụ nữ này ngày càng lộng hành.
Năm 1781, chúa Trịnh Sâm qua đời. Thị Huệ thông đồng với Huy quận công Hoàng Đình Bảo - một người đấy quyền lực trong phủ chúa - lập Trịnh Cán lên ngôi chúa. Tuyên phi Đặng Thị Huệ nghiễm nhiên trở thành người điều khiển triều chính giúp con, trên thực tế là nắm quyền kiểm soát toàn bộ triều đình.
Kết cục đau đớn cho hai mỹ nhân đam mê quyền lực
Cả Từ Hi Thái hậu và Tuyên phi Đặng Thị Huệ đều phải hứng chịu kết cục đáng buồn trong sự nghiệp của mình.
Dưới sự cầm quyền bảo thủ Từ Hi Thái hậu, triều đại Mãn Thanh đã suy yếu đến cùng cực. Trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân phương Tây đe dọa, bà hoàng này đã lấy số tiền dự tính đóng chiến hạm theo kiểu châu Âu để sửa sang Di Hòa viên làm nơi tĩnh dưỡng lúc về già.
Bà phải gánh chịu trách nhiệm về việc quân đội triều đình thảm bại khi liên quân tám nước tấn công Bắc Kinh, dẫn đến việc nhà Thanh phải ký hòa ước Tân Sửu nhục nhã năm 1901, mở đường cho Trung Quốc biến thành một chiếc bánh bị các cường quốc nhảy vào xâu xé…
Trái với Từ Hi Thái hậu giữ được ngôi vị cho đến lúc chết, quyền lực của Tuyên phi Đặng Thị Huệ sụp đổ rất nhanh chóng. Sau khi Trịnh Cán lên ngôi chúa, tình hình xã hội trở nên rất rối ren, dân chúng vô cùng hoang mang trước nguy cơ họa loạn.
Năm 1781, binh lính thân Trịnh Tông nổi loạn, truất ngôi Trịnh Cán và đưa Trịnh Tông lên ngôi vương. Phe cánh Đặng Thị Huệ bị truy lùng và trả thù ráo riết. Bản thân Thị Huệ bị giáng xuống hàng thứ dân, sau này đã uống thuốc độc tự vẫn trong sự uất ức và tiếc nuối thời kỳ hoàng kim.
Những biến cố này khiến quyền lực họ Trịnh suy yếu và sụp đổ hoàn toàn trước sức mạnh của nhà Tây Sơn vài năm sau đó.
HOÀNG PHƯƠNG (KIẾN THỨC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét