Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Bài học từ thất bại của Lý Nam Đế trong trận Hồ Điển Triệt

Điển Triệt là một hồ thuộc xã Tứ Yên, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Hồ nằm bên bờ sông Lô, cách Bạch Hạc khoảng 15 km về phía bắc. Hiện nay, hồ còn rộng khoảng 50 mẫu, dài khoảng một km, khúc rộng nhất khoảng 400m, có 7 ngách lớn và nhiều ngách nhỏ, mùa khô, nước vẫn sâu khoảng 3-4m.
Hồ cách sông Lô 300m, xưa có con ngòi thông ra sông. Ba phía: đông, nam, bắc là một dải đất cao gồm mấy chục quả gò, rộng hơn 300 mẫu; phía tây có một gân đồi thấp, chỉ cao hơn mặt nước chừng 2-3 m, bị đứt đoạn một khoảng rộng 180 m, làm thành cửa hồ, thông với vùng đồng chiêm trũng, ao, chằm lầy, rộng đến hàng nghìn mẫu. Hiện nay, cả 4 thôn thuộc xã Tứ Yên đều ở trên dải đồi nói trên. Nơi đây từng diễn ra trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế vào thế kỷ VI.
Sử sách kể rằng, sau khi tiến hành khởi nghĩa giành thắng lợi, đánh đổ ách thống trị của nhà Lương, vào tháng 2 năm 544, Lý Bí tự xưng là Lý Nam Đế, lập nước lấy tên là Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội ngày nay). Ông đặt các quan chức với dụng ý xây dựng chính quyền tự chủ. Đầu năm 545, nhà Lương tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Vạn Xuân, nhằm chinh phục lại “thuộc quốc cũ”. Lực lượng quân Lương xâm lược lên tới 30 vạn, trong khi đó lực lượng quân sự của nước Vạn Xuân chỉ có vài vạn người. Tháng 7-545, quân xâm lược tiến sâu vào miền nội địa lưu vực sông Hồng. Chiến đấu chống quân Lương xâm lược, Lý Nam Đế chỉ dựa vào vài vạn quân mới họp, co cụm ở một vài thành lũy mà cố thủ. Lực lượng kháng chiến vì thế mà sứt mẻ, suy yếu dần. Quân của Lý Nam Đế phải bỏ thành Tô Lịch (Hà Nội), rồi thành Gia Ninh (Bạch Hạc) chạy lên miền Động Lão (miền đồi núi Vĩnh Phúc trên lưu vực sông Lô) để bảo toàn lực lượng. Sau một thời gian củng cố lực lượng, tháng 10 năm 546, Lý Nam Đế lại kéo quân từ miền rừng núi “Di Lão” ra hạ thủy trại ở hồ Điển Triệt. Quân Lương, từ Gia Ninh (Bạch Hạc), ngược dòng sông Lô lên hồ Điển Triệt, định phá doanh trại của Lý Nam Đế. Thế nhưng, căn cứ Điển Triệt lại rất hiểm yếu, khó đánh; trong khi đó khí thế của nghĩa quân lại đang hồi phục. Họ dũng cảm chặn đánh quân địch cả dưới nước lẫn trên bộ. Quân Lương đành co cụm lại ở vòng ngoài của hồ, không dám tiến vào sâu nữa.
Tướng giặc Trần Bá Tiên vốn là một viên tướng gian hùng, nhiều kinh nghiệm trận mạc và quyết đoán. Hắn triệu tập các tướng lại bàn đánh, với lý lẽ: “Quân ta đi đánh đã lâu, tướng sĩ mỏi mệt, trải tháng năm cứ cầm cự lẫn nhau, đấy không phải là kế hay. Vả lại, quân ta là cô quân, không có tiếp viện, đã vào sâu trong “tim, bụng người ta”, nếu đánh một trận mà không thắng thì mong gì sống toàn vẹn? Nay nhờ vào chỗ chúng thua chạy luôn, nhân tình còn chưa vững chãi, quân “Di Lão” ô hợp dễ bị đánh diệt, chính là lúc ta nên xuất quân, liều chết mà đánh, chứ vô cớ dừng lại thì cơ hội qua mất” (Trần Thư, quyển 1). Các tướng của Bá Tiên đều im lặng, không tên nào dám hưởng ứng.
Buổi sáng, chủ trương đánh của Trần Bá Tiên không nhận được sự hưởng ứng của tướng sĩ dưới quyền. Nhưng đêm hôm ấy, những trận mưa lũ cuối mùa đã khiến cho nước sông Lô lên to, tràn vào chằm, ao và ruộng trũng. Nước ngập tràn, chảy như rót vào hồ Điển Triệt, khiến cho vùng căn cứ của nghĩa quân Lý Nam Đế trở thành vùng cô đảo giữa biển nước mênh mông. Lợi dụng nước lớn, Trần Bá Tiên xua chiến thuyền xung trận, quân lính đánh trống, reo hò tiến vào Điển Triệt. Lý Nam Đế và nghĩa quân bị địch tập kích bất ngờ, không kịp phòng bị nên chống đỡ không nổi.
Là một viên tướng gian hùng, Trần Bá Tiên cố tình đánh chặn 3 mặt rút vào đất liền nhằm dồn nghĩa quân xuống sông Lô mênh mông nước lũ. Nghĩa quân tập trung lực lượng mở đường máu rút vào đất liền ở chỗ đê Thác, nhưng không được, đành phải đưa Lý Nam Đế xuống thuyền sang hữu ngạn sông Lô; rồi để tránh sự truy tìm của giặc, Lý Nam Đế lại phải tính kế vượt sông Thao một lần nữa. Đây là trận đánh lớn cuối cùng của Lý Nam Đế. Sau lần thất bại lớn này, ông phải vào nương náu trong động Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ).
Sự thất bại của Lý Nam Đế trong trận đánh kể trên để lại cho đời sau một bài học xương máu. Đấy là, khi địch có lực lượng mạnh, tạm thời gặp thất bại, còn đang lúng túng, hoang mang… thì ta phải tranh thủ thời cơ, phát triển tiến công, giành lại thế chủ động trên chiến trường. Còn nếu như trù trừ, thiếu quyết đoán, để địch “tỉnh ra”, tập trung lực lượng, chủ động mở cuộc tiến công trước thì việc gặp phải khó khăn, thậm chí thất bại như Lý Nam Đế ở trận đánh ở hồ Điển Triệt là khó tránh khỏi.
Theo QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét