Kinh nghiệm trị đám "con cháu bác thằng bần" của các vị vua triều Nguyễn đến nay vẫn đẫm tính thời sự và hữu ích với hậu thế.
Cờ bạc là "bác thằng bần", cờ bạc gây ra bao thảm cảnh tan cửa nát nhà, gây bao bất ổn xã hội, ai cũng biết điều đó nhưng hiềm một nỗi, tệ nạn này ngày càng diễn biến phức tạp, đường dây này bị chặt, đường dây khác lại manh nha và hoạt động càng táo tợn, quy mô, tinh vi hơn đường dây trước…
Bài viết dưới đây xin nêu những quan điểm cùng kinh nghiệm trị đám "con cháu bác thằng bần" của các vị vua triều Nguyễn đến nay vẫn đẫm tính thời sự và hữu ích với hậu thế.
1. Nạn cờ bạc là một mối tệ nạn mà hơn 10 đời vua Nguyễn, tính từ thời Hoàng đế Gia Long đến thời vua Khải Định (vị vua Nguyễn thứ 12, phụ hoàng của Vua Bảo Đại), việc trừ dẹp luôn được thiên tử cùng các quan đại thần tâm huyết với sự vững bền của nước nhà, xem trọng, đề ra biện pháp trừng trị rất nghiêm kẻ đánh bạc lẫn chủ chứa.
Theo bộ Hình triều Nguyễn, từ hồi quốc sơ (năm vua Gia Long lên ngôi hoàng đế vào năm 1802), Gia Long đã ra lệnh cấm tệ đánh bạc. Lệnh vua ban bố rằng kẻ nào mở sòng tụ tập nhau đánh bạc bị tố giác, bị bắt được quả tang thì gia tài của chủ chứa đánh bạc bị kê biên sung vào công quỹ, riêng số tiền bắt được tại chiếu bạc và tiền riêng của những người cùng tham gia đánh bạc được trích ra mỗi người 10 quan để thưởng cho người cáo giác: "Nếu người trong bọn cùng đánh bạc mà cáo giác ra cũng được thưởng như thế. Kẻ can phạm đều xử tội mỗi người bị đánh 100 roi, đưa ra làm phu phục dịch 3 năm… Người đứng mở nhà chứa bạc tuy không dự vào hạng người đánh bạc cũng xử cùng một tội như người đánh bạc, chỗ nhà đánh bạc ấy cũng sung vào nhà nước".
Về lực lượng thực thi lệnh cấm của vua, Bộ Hình thời bấy giờ ghi rõ cho phép hương trưởng được quyền bắt dân chúng lẫn quan quân can phạm trị tội. Trường hợp dung túng, bao che nếu có người tố giác ra thì hương trưởng bị xử đánh 50 roi, bị bắt làm phu phục dịch 6 tháng, lại phải nộp 50 quan tiền để thưởng cho người cáo giác.
Như tệ ma túy, nhờ luật pháp nghiêm minh và vua tôi hết lòng nên tệ cờ bạc thời bấy giờ không phổ biến trong dân, chỉ là thú vui chơi của dân quý tộc. Nhưng đến thời Vua Đồng Khánh (1864-1889, lên ngôi vào năm 1885, tại vị được 3 năm, khi hoàng đệ là vua Hàm Nghi thoát ly triều đình đi khu chống Pháp), tệ đánh bạc mà nhiều đời vua Nguyễn dốc sức dốc lòng bài trừ suýt được triều đình công nhận khi được các đại thần ở Bộ Hộ thông qua, nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt của đại thần Nguyễn Hữu Độ: "Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), mùa xuân, tháng giêng, một người nước Thanh là Trần Quang Hanh đệ đơn lên bộ Hộ xin được mở sòng bạc chịu nộp thuế tại Nghĩa An, Nam Nghĩa, Bình Phú thuộc phủ Thừa Thiên, bộ Hộ đã bàn bạc đệ phiến xin cho phép thực hiện.
Huân thần Nguyễn Hữu Độ dâng sớ nói rằng cờ bạc rất có hại đối với dân, mọi tệ nạn tàn phá cơ nghiệp, tan cửa nát nhà, gian tà, trộm cắp đều bắt nguồn từ đó mà ra. Hiện nay các địa phương vừa mới trải qua khói lửa chiến tranh (sự kiện Pháp đánh chiếm kinh thành Huế năm 1885), dân còn chưa kịp hồi sinh, trò tệ hại này mà mở ra, bọn trục lợi sẽ dựa vào đó mà đầu cơ làm giàu, dân du đãng sẽ bị lôi kéo vào con đường gian tà, thuế thu về nhà nước chẳng đáng bao nhiêu mà tệ nạn trong dân gian lại lan tràn phát triển. Xin nghiêm cấm chặt chẽ, để dứt mối tệ nạn. Vua chuẩn y lời bàn xin đó".
Năm Khải Định thứ 9 (1924), trước vấn nạn cờ bạc phát triển khá rầm rộ do người Pháp "bật đèn xanh", Thượng thư Bộ Lại là Nguyễn Hữu Bài tâu vua cần phải kiên quyết triệt dẹp: "Luật cấm cờ bạc đã có điều khoản rõ ràng mà hiện nay phong khí cờ bạc thịnh hành, xin ắt có quyền phép để ngăn cấm mới tránh khỏi di hại". Ngặt nỗi lúc bấy giờ, quyền lực nằm trong tay người Pháp nên điều băn khoăn lo lắng đó của đại thần khiến Vua Khải Định… đau đầu.
Vua nói: "Mối tệ của cờ bạc là nghèo làm bậy, người ở tầng lớp trên cũng có khi không tránh khỏi, phải nên cấm chỉ. Nhưng tệ nạn thích cờ bạc thì người thành phố, thị xã quá hơn, muốn thi hành ở thôn quê trước tiên phải thi hành ở thành phố, thị xã. Nhưng thành phố có quyền của quý cảnh sát, mà cảnh sát viên lại thông đồng với chủ sòng bạc, muốn thi hành quyền phép thì rất khó".
Sau đến tháng 2/1925, qua đấu tranh với Pháp, định lệ cấm đánh bạc mới được Hoàng đế Khải Định công bố rộng khắp.
2. Trở lại chuyện phạt nặng và phạt nghiêm đám con cháu "bác thằng bần" bất kể là dân hay binh của các vị vua đầu triều Nguyễn. Minh Mạng năm thứ 9 (1828), đích thân hoàng đế vào cuộc xử án can phạm Đỗ Bá Thố dám xem thường lệ cấm đánh bạc của vua.
Bá Thố là "người đầu mục của quân dân" (đội trưởng một đội quân-PV) lẽ ra phải tuân phủ phép tắc hơn người nhưng lại cả gan dụ dỗ một quân binh tên Đỗ Vinh uống rượu đánh bạc, viết văn khế vay tiền, rồi dùng uy quyền bắt giam Đỗ Vinh để đòi nợ nên "con bạc" lẫn "con nợ" này không đến đội ngũ đúng hạn.
Việc bị phát giác, Bá Thố bị quan trên cách chức, phạt trượng (đánh đòn bằng gậy-PV) nhưng Vua Minh Mạng cho như thế chưa đáng tội và phê chuẩn hình phạt nặng hơn: "Vậy tên Đỗ Bá Thố chuẩn cho đem đóng gông bêu ở ngoài cửa trại lính ấy 2 tháng, hết hạn xử phạt 100 trượng đem thi hành ngay, rồi giao về làm binh ở đội ấy".
Nghiêm trị Đỗ Bá Thố đã đành, Vua Minh Mạng cũng ra lệnh xử tội cả cấp trên của Bá Thố vì quản quân không nghiêm: "Viên chánh, phó quản cơ ở cơ ấy không biết xem xét cáo giác ra, chuẩn choét rõ chức danh mỗi viên đều xử phạt lương 6 tháng để răn. Lại chuẩn cho Bộ Hình đem chỉ dụ này sao ra nhiều bản cấp cho các vệ, cơ ở các thành hạt đem treo ở trại lính để được biết và lo răn sửa. Nếu kẻ nào còn dám theo lối làm bậy như trước, một khi bị phát giác ra, tất phải trừng trị nghiêm ngặt không tha".
Không chỉ đánh đòn, đóng gông, phạt tiền, cách chức, từng có trường hợp quan binh mở sòng bạc mà bị thiên tử lôi ra chém đầu. Vụ trọng án này xảy ra vào thời trị vì của Vua Thiệu Trị, con trai của Vua Minh Mạng. Theo đó, vào năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), nhận được tập tâu của Hoàng tử Hồng Bảo và các đại thần rằng Phạm Công Đạt là binh ở kinh thành cả gan lập sòng tại trại lính lại có thái độ hỗn xược, Vua Thiệu Trị cả giận.
Đạt là binh ở đội 3 vệ hậu nhất quân Vũ Lâm, ban đêm ở trại lính mở sòng bị biền binh của vệ ấy đến vặn hỏi trách mắng, thay vì biết dừng thì hung hăng cãi cọ giằng co, lấn áp bạo ngược, đánh bừa trúng phải một tên binh đứng đầu trong đội ấy: "Khinh nhờn pháp luật như thế, nghĩ xin theo mức nặng trừng trị. Lại đem viên quản suất không nghiêm, viên tuần hộ không biết kiểm xét ra tâu lên tham hặc" - lời tâu bày của Hoàng tử Hồng Bảo cùng đại thần.
Khi truy xét sự việc được sáng tỏ, Vua Thiệu Trị ban dụ kể tội Phạm Công Đạt: "Xét ra khi xe vua đi tuần ra Bắc thành, bên trong bên ngoài kinh thành đáng lẽ phải mười phần yên lặng nghiêm cẩn, phàm những việc họp nhau đánh bạc, kêu la to tiếng đã từng chuẩn định cấm điều nghiêm ngặt. Tên Phạm Công Đạt là binh đinh được sai đi tuần phòng, lại dám tự tiện bỏ nơi canh giữ, lẻn về trại lính, mở sòng rủ nhau đánh bạc, bị người vặn hỏi trách mắng, lại dám cãi cọ lại, đêm khuya kêu la ầm ĩ, thực là không coi pháp luật vào đâu. Huống chi tên can phạm ấy nguyên là kẻ lại dịch gian xảo, trước đã can án phải cách dịch sung bổ vào ngạch giản binh, nay lại dám coi thường làm bậy như thế, thực là đáng ghét. Nếu chỉ chiểu luật "đánh bạc" mà xử trị thì chưa đúng tội".
Chiểu theo luật "đánh bạc" thì Phạm Công Đạt chỉ bị đánh 100 roi và đưa đi phục dịch 3 năm nhưng vì muốn xử nghiêm để răn quân nên Vua Thiệu Trị "chuẩn cho đánh 80 côn đỏ thật đau rồi lại xử tội giảo giam hậu, lập tức đóng xiềng giải đến nhà giam để làm răn cho kẻ khác". Cần nói rõ việc đánh roi và đánh côn khác biệt nhau rất xa. Đánh roi là đánh bằng roi mây, đánh côn là đánh bằng gậy khiến người bị đánh khó tránh khỏi thịt nát lại máu me đầm đìa. "Giảo giam hậu" có nghĩa sau khi bị đánh đau, Phạm Công Đạt sẽ bị gông cùm giải vào đại lao chờ ngày bị… treo cổ.
3. Xử Phạm Công Đạt, Vua Thiệu Trị xử tội luôn hàng loạt các viên quan quản suất là cấp trên của Đạt bằng hình thức giáng cấp, có người bị giáng đến 4 cấp.
Thậm chí cấp trên của các viên quản suất như thống chế, ngự sử cũng bị xử tội liên đới: "Thống chế là Lê Văn Thảo, ngự sử là Nguyễn Tất Phong đều có chức trách tuần tra mà không biết nghiêm cấm để cho bọn binh đinh ban đêm họp nhau đánh bạc kêu la ầm ĩ ở ngay bên tả gần hoàng thành mà coi như không thấy gì cả. Các viên Lê Văn Thảo và Nguyễn Tất Phong cũng chuẩn mỗi viên giáng một cấp. Còn viên suất đội đi tuần đêm là Nguyễn Văn Doanh khi nghe thấy tên Phạm Công Đạt hô hoán lên, lập tức bắt đem giải nộp cũng đáng khen, vậy Nguyễn Văn Doanh chuẩn thưởng cho 5 đồng tiền Phi Long bằng bạc hạng nhỏ để khuyến khích".
Về chế tài xử tội kẻ đánh bạc và tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc (chứa bạc), với kẻ đánh bạc hiện nay, pháp luật hiện hành xử quá nhẹ, phạt tiền, cho cải tạo không giam giữ đến 3 năm (án treo) hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm (Điều 248-249 Bộ luật Hình sự). Trường hợp vi phạm có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm phạt tù từ 2 năm đến 7 năm... Biện pháp chế tài này so với hình phạt tịch thu toàn bộ gia sản, đánh đòn, phạt tù dưới hình thức phục dịch dưới thời các vua Nguyễn rõ là quá nhẹ tay, hình phạt như thế rõ là không đủ sức răn đe tội phạm.
Mặt khác trong cuộc chiến chống tệ cờ bạc, lệnh vua thời bấy giờ đề cập rõ việc ban thưởng hậu hĩnh cho người cáo giác trích từ tiền thu của kẻ can phạm. Nếu ngày nay biện pháp này được áp dụng thì tin rằng không chỉ tệ cờ bạc mà các mối tệ nạn khác như buôn lậu, buôn người, buôn ma túy, tham nhũng... hẳn sẽ được phát giác, phanh phui nhiều hơn, công tác đấu tranh nhờ thế mà đạt hiệu quả hơn!
Theo KIẾN THỨC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét