Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Cách tổ chức quân đội nhà Trần giống quân đội La Mã

Với cách tổ chức, quản lý quân đội một cách chặt chẽ về các mặt, quân đội nhà Trần được đánh giá là dũng mãnh một cách lạ thường.
Tướng sĩ dũng mãnh lạ thường
Năm Thiệu Bảo 6 (1284) và Trùng Hưng nguyên niên (1285), vùng biên giới hết sức lộn xộn, quân Nguyên lăm le kéo vào xâm lược nước ta, nhà vua truyền cho các vương hầu mộ thêm dũng sĩ, binh tráng làm quân gia thuộc.
Để nắm rõ thế và lực của quân lính, tháng 8/1284 nhà vua thân chinh ra duyệt quân. Sai Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn điều khiển các vương hầu, cùng bản bộ tập hợp binh lính ở Đông Bộ Đầu và phân đồn đóng ở bến Bình Than và các nơi sung yếu. Tháng 12 cùng năm, nhà vua lại ngự xa giá ra Hải Đông (tức Hải Dương hiện nay) sai Hưng Đạo Vương làm Tiết chế, đại hội tất cả quân trong nước ở Vạn Kiếp.
Trong ngày duyệt quân ấy đều bắt các quân ở Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm đến hội làm đội quân tiên phong. Lại khiến Hưng Võ Vương, Hưng Nhượng Vương, Hưng Trí Vương (đây là ba người con của Hưng Đạo Vương) đốc xuất các bộ quân ở Bằng Hà, Bang Ngạn, Vân Trà, An Sinh, Long Nhãn các xứ, hợp với các binh của các vương hầu, tất cả khoảng 20 vạn quân.
Dưới trướng Hưng Đạo Vương lúc ấy còn có các danh tướng: Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật lại còn có các gia tướng như Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng... Tướng sĩ dũng mãnh một cách lạ thường. Binh lính đóng liên tiếp một dải Vạn Kiếp, thuyền chiến san sát trên bến Lục Đầu, cờ xí trang nghiêm, qua mâu sáng ngời sẵn sàng xuất trận.
Buổi hội quân ở Vạn Kiếp tuy thế nhưng vẫn chưa đông đủ, vì ở đây mới chỉ điều quân ở mấy lộ miền Đông Nam mà thôi. Còn đội quân từ Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh trở vào chưa điều động đến cho nên vua Trần Nhân Tông nói rằng: Cối Kê cựu sư quân tu ký, Hoan Diễn do tồn thập vạn binh (Cối Kê truyện cũ xin ghi nhớ; Hoan Diễn còn dư chục vạn quân).
Quân lực lúc bấy giờ rất sung túc, lúc vô sự cho về điền dã, khi có chiến sự nhập ngũ làm lĩnh. Nhà nước không phải chu cấp lương ăn lúc thái bình.
Tổ chức giống quân đội La Mã
Đến đời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), niên hiệu Hưng Long thứ 5 (1247) định lại phép quân, bắt thích ba chữ lên trán như: Thượng châu đô, Thuỷ dạ xoa, Toà Kim cương và thích hình rồng ở lưng và ở đùi. Đời Trần Minh Tông (1314 - 1324), niên hiệu Đại Khánh (1314) đổi phủ Liễu Đô ra làm Long Nha tướng và Phù Liễn quân ra làm Khấu Mã quân. Để phòng ngự mặt biển, năm Kỷ Sửu (1349) nhà vua đặt ra Vân Đồn trấn và Quân Bình Hải để canh phòng hải tặc và đi kiểm tra cuộc đồn binh ở bờ biển.
Với cách tổ chức, quản lý quân đội một cách chặt chẽ hoạt bị về các mặt, nhà Trần đã tổ chức theo cách ngụ binh ư nông (khi đất nước có giặc ngoại xâm thì toàn dân ai ai cũng là người lính xông ra nơi chiến trường. Khi đất nước thanh bình không có giặc dã, những người lính ấy lại trở về làng xã tham gia sản xuất). Lối ngụ binh ư nông thời Trần giống như cách tổ chức quân đội La Mã cách đây hơn 2.000 năm trước.
Ngoài biên chế quân đội do nhà vua quản lý thì ở các lộ, nhà vua cho các vương hầu được quyền mộ các tráng đinh làm lính. Đội quân của các vương hầu cũng là một lực lượng quan trọng. Hồi kháng chiến với giặc Mông Cổ, những vương hầu đã đem bản bộ gia binh tham gia cứu nước, hội quân tại Vạn Kiếp, dưới quyền tiết chế của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét