Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Lễ cưới chấn động kinh thành Thăng Long của nàng công chúa câm

Trong lịch sử Việt Nam, hiếm có một lễ cưới của công chúa nào lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời như lễ cưới của Công chúa Ngọc Đường.
Lễ xuất cung hạ giá khác thường
Chuyện hạ giá của Vệ Quốc Trưởng Công chúa tháng 11 năm Mậu Thìn (1448) là trường hợp hiếm gặp, công chúa là con gái của vua Lê Thái Tông và là chị của vua Lê Nhân Tông. Công chúa sinh năm Kỷ Mùi (1439), sử sách không cho biết rõ tên nhưng theo dã sử thì nàng tên là Lê Thị Ngọc Đường.
Theo lệ, khi công chúa được 16 tuổi, tức là đến tuổi “hạ giá”, vua ra lệnh cho Bộ Lại và Bộ Binh lập danh sách con trai các công thần văn võ từ chánh nhị phẩm trở lên, với tờ trình chi tiết, để dâng lên vua với đầy đủ tên họ, quê quán, tuổi tác (tối thiểu phải 16 tuổi), tài năng.
Những người trong danh sách đó phải khỏe mạnh, chưa vợ, không tàn tật, mặt mày sáng sủa, đẹp trai hoặc ít ra cũng dễ coi, thông minh, có học, hữu tài hữu đức. Sau khi xem xét, vua cử một hoàng thân hoặc một đại thần làm Chủ hôn, tức người thay mặt vua chủ trì hôn lễ và một viên đại thần làm Chiếu liệu đứng ra lo liệu việc tổ chức lễ cưới.
Đây là những người đức cao vọng trọng, không đang trong thời kỳ tang chế, vợ chồng song toàn, con cái đông đúc, gia đình hòa thuận. Hai vị giữ vai trò Chủ hôn và Chiếu liệu sau đó sẽ lựa ra năm người trong danh sách được coi là có nhiều ưu điểm nhất, so đôi tuổi, tuổi nào hợp rồi tâu lên.
Vua duyệt lần cuối, chấp thuận người nào làm phò mã sẽ lấy bút khoanh một chấm son (châu điểm) lên tên người đó. Tiếp đến các quan ở Khâm Thiên Giám được lệnh chọn ngày lành tháng tốt để công chúa hạ giá và nhà trai đi sáu lễ.
Sứ giả sẽ đến nhà trai thông báo về biết quyết định của vua và giao cho tiền bạc mà vua ban để chuẩn bị quần áo, mũ hia, lễ vật, lập phủ đệ … và chàng trai may mắn được chọn trở thành Phò mã Đô úy, hàm tòng tam phẩm.
Mặc dầu lệ định rằng khi công chúa được 16 tuổi là phải tiến hành việc kén phò mã, nhưng không phải bao giờ cái mốc 16 cũng được tôn trọng, chính vì vậy khác với lệ thường, Vệ Quốc Trưởng Công chúa Lê Thị Ngọc Đường xuất cung, hạ giá lấy chồng khi tuổi còn nhỏ, bấy giờ mới lên 10.
Tuy là con nhà đế vương quyền quý, lá ngọc cành vàng nhưng công chúa lại bị khiếm khuyết, từ khi sinh ra đã mắc bệnh câm, không nói được.
Tuy bị bệnh câm, nhưng Vệ Quốc Trưởng Công chúa dù chưa đến tuổi lấy chồng nhưng em trai của nàng là vua Lê Nhân Tông xuống chiếu đem gả cho Lê Quát, con trai của đại thần Lê Thụ vào năm Mậu Thìn (1448); sách Đại Việt sử kí toàn thư cho biết như sau:
“Tháng 11, đem chị cả của vua là Vệ Quốc Trưởng Công chúa gả xuống cho Lê Quát là con trai của quan Thái úy Lê Thụ. Bấy giờ, Công chúa mới lên mười, mắc chứng câm không nói được. Vua xuống chiếu giao cho quan Tư khấu là Trịnh [Lê] Khắc Phục làm chủ hôn”.
Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng có đoạn chép tương tự: “Tháng 11, mùa đông. Gả Vệ quốc trưởng công chúa cho Lê Quát. Quát là con Thái úy Lê Thụ. Công chúa mới lên mười. Nhà vua hạ chiếu cho Tư khấu Lê Khắc Phục đứng chủ trương về việc hôn nhân”.
Một công thần khai quốc của triều Hậu Lê là Nguyễn Trãi cũng được lệnh thay mặt vua soạn một bài chế về sự kiện này.
Chế là một loại văn bản của vua ban hành có nội dung phong thưởng tước vị, vật phẩm cho những đại thần có công hoặc để khen ngợi, ban thưởng cho một người nhất định. Bài chế mà Nguyễn Trãi soạn có tiêu đề là “Hạ giá Vệ quốc trưởng công chúa”.
Nếu như chuyện công chúa câm Lê Thị Ngọc Đường 10 tuổi đã hạ giá lấy chồng là điều khác lạ so với điển lễ thì hôn lễ của nàng cũng là một sự kiện khiến không chỉ kinh đô Thăng Long chấn động mà cả các địa phương trong nước cũng xôn xao không kém.
Một lễ cưới khiến cả nước rối bời
Trong lịch sử, hiếm có một lễ cưới của công chúa nào, tuy không được mô tả chi tiết nhưng những gì xung quanh nó lại có ảnh hưởng lớn đến xã hội đương thời như lễ cưới của Vệ Quốc Trưởng Công chúa Ngọc Đường.
Tuy nhiên, trước tiên cũng cần biết đôi nét về gia thế của người vinh dự trở thành Phò mã Hoàng triều, đó là Lê Quát.
Sử sách không có dòng nào cho hay về tài năng, phẩm cách của Lê Quát, chỉ biết rằng vị Phò mã này quê ở đất Lam Sơn, huyện Cổ Lôi, xứ Thanh Hoa (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), xuất thân trong một gia đình có thế lực lớn, cha là Lê Thụ, một bậc khai quốc công thần triều Hậu Lê.
Lê Thụ từ người được xếp thứ 13 trong danh sách “Lam Sơn tam thập hổ tướng” (30 vị tướng giỏi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn) dần dần trở thành bậc thái tể, giữ chức Bình Chương quân quốc trọng sự, là chức Tể tướng nhà Lê.
Tuy nhiên ông cũng có những hạn chế, lỗi lầm; sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục có chép rằng: “Lê Thụ, ngay trong khi đang có quốc tang (tang vua Thái Tổ Lê Lợi - TG) đã lấy vợ lẽ và bắt binh lính về làm việc riêng cho mình như xây nhà và sai vặt.
Thụ cất nhà đồ sộ, lại còn giao lưu với người nước ngoài để buôn bán. Bấy giờ, quan giữ việc can ngăn là Phan Thiên Tước đàn hặc các lỗi nói trên của Lê Thụ”.
Vua Lê Thái Tông liền sai người đi điều tra để xác minh hư thực rồi giao Lê Thụ cho Pháp ti xét hỏi nhưng nhiều đại thần trong triều đã bào chữa, xin giúp nên vua đã tha tội cho Lê Thụ, chỉ bắt ông phải bỏ người vợ lẽ và phải truy nộp 15 lạng vàng, 100 lạng bạc và số tiền do buôn bán riêng mà có.
Khi Lê Thái Tông băng hà vào tháng 12 năm Nhâm Tuất (1442), hoàng tử Lê Bang Cơ mới hơn 1 tuổi được đưa lên kế vị (tức Lê Nhân Tông).
Có lẽ khi đó trước thế lực quá lớn của Lê Thụ, trong khi vua còn nhỏ tuổi, Thái hậu Nguyễn Thị Anh phải buông rèm nhiếp chính đã thấy cần có sự ràng buộc mang tính thâm tình, gần gũi để có thêm chỗ dựa nhằm bảo đảm sự vững chắc cho ngai vàng của con mình nên đã nhân danh vua ban chuyện hôn nhân giữa Vệ Quốc Trưởng Công chúa với con trai của Lê Thụ để kết tình thâm giao.
Theo qui định trong Hội điển về hôn lễ của công chúa, phải có 6 lễ đi cưới do Khâm Thiên giám chọn tổ chức trong 6 ngày khác nhau, mỗi lễ lại có vật phẩm riêng biệt, như: vàng bạc, trầu cau, rượu, trâu, bò, lợn, dê, chim nhạn (hoặc ngỗng), nữ trang, hộp kim chỉ, các loại vải (gấm, lụa, lĩnh, sa)…
Để làm đám cưới cho con trai mình với công chúa, coi đó là vinh dự lớn, một ân huệ đặc biệt nên Tể tướng Lê Thụ đã sai người đi mua sắm rất nhiều.
Các quan lại ở Thăng Long thì đua nhau mua lễ vật đến mừng, khiến nhiều mặt hàng, nhất là gấm lụa hết sạch hàng, còn khắp các địa phương trong nước của hối lộ cũng đổ về kinh đô về nườm nượp.
Sử sách cho hay: “Khi ấy, Lê Thụ lo sắm lễ cưới, những kẻ ưa cầu cạnh hay tin liền tranh nhau đem nạp của cải để mong được hưởng phú quý. Gấm thêu, lĩnh, là, vóc, lụa... đang bày bán ngoài phố đều bị chúng tranh mua hết cả.
Lê Thụ còn bắt quan lại ở khắp các trấn, lộ phải sắm đủ trâu, bò và các thứ lễ vật khác. Các quan địa phương cũng muốn lấy lòng Lê Thụ nên bắt quân lính và nhân dân đóng góp rất nhiều.
Đài quan lúc ấy là (Đồng) Hanh Phát (dâng sớ) tâu hặc. Lê Thụ cởi mũ để tạ tội, nhưng lệnh (của Lê Thụ) đã trót gửi đi khắp nơi rồi, nên các quan địa phương vẫn đưa lễ vật tới nhà Lê Thụ.
Lê Thụ không từ chối mà (Đồng) Hanh Phát cũng không nói đến nữa. Sau đó, Hanh Phát cũng mang lễ vật đến nhà Lê Thụ lạy tạ. Kẻ thức giả đều lấy đó mà chê bai” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Một bộ sách khác là Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng viết như sau: “Lê Thụ lo liệu việc sắm sính lễ. Những kẻ bon chen xu phụ đua nhau đem lễ đến dâng. Lê Thụ lại nhờ các trấn, các lộ lo kiếm trâu dê để dùng vào việc cưới.
Các trấn, các lộ nhân đó bắt dân đóng góp cung ứng để mua lòng Lê Thụ. Ngự sử Đồng Hanh Phát có đàn hặc về việc này. Lê Thụ bỏ mũ, tạ tội với nhà vua; nhưng những đồ người ta đưa biếu, Thụ vẫn đều nhận cả, không từ chối.
Hanh Phát không đề cập đến việc đó nữa, rồi lại đem đồ lễ đến nhà Lê Thụ và nói xin lỗi. Những người thức giả đều chê cười Hanh Phát”.
Về chuyện vì một lễ cưới mà khiến dân chúng cả nước rối động, sách Việt sử giai thoại có lời bàn rằng: “Con gái thứ dân mà mắc bệnh câm thì ôm phận cô đơn suốt đời là điều không sao tránh khỏi nhưng là công chúa, số phận của Vệ Quốc khác hẳn:
Chẳng những làm dâu quan Thái úy mà còn làm dâu ngay khi mới lên 10! Thái úy Lê Thụ chắc chẳng mong con mình lấy vợ câm, con trai của Lê Thụ là Lê Quát chắc càng không mong hơn nữa. Nhưng, cơ may vơ vét của cải khắp thiên hạ bỗng dưng mà đến, kẻ tham lam như Lê Thụ chẳng thể bỏ qua.
Kẻ xu nịnh cũng đang không mà có cơ may để hối lộ Lê Thụ, Đài quan là Đồng Hanh Phát hặc tội Lê Thụ, rồi sau đó cũng chính ông tự mình đem lẽ vật đến mà lạy tạ Lê Thụ, ông được yên thân nhất thời, song, việc làm ấy mới mỉa mai làm sao.
Khi sống, gió chiều nào người ta có thể che chiều ấy, nhưng khi chết, bão táp của miệng thế muôn đời, con cháu họ biết lấy gì để che?”.
Do bị mang tiếng trong việc tổ chức lễ cưới đó nên uy tín của Lê Thụ giảm sút, không lâu sau ông bị bắt giam vào ngục với tội “không biết dạy con”, để cho một người con gái làm việc phù chú bùa yểm, đến tháng 6 năm Bính Tý (1456) mới được tha tội, cho phục chức Thái úy.
Dù có những sai phạm, lỗi lầm nhưng Lê Thụ vẫn là một người trung thành với triều đình, tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), vua Lê Nhân Tông bị anh trai là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân giết chết để cướp ngôi.
Bất bình trước việc làm đó, Lê Thụ cùng một số đại thần mưu lật đổ nghịch thần nhưng không thành, đều bị giết. Sách Đại Việt thông sử viết: “Lúc Nghi Dân cướp ngôi vua, các tể phụ đại thần là bọn Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Ngang và Lê Thụ bàn mưu giết Nghi Dân, vì việc tiết lộ, nên tất cả đều bị hại”.
Trong biến cố của gia đình nhà chồng, không rõ cuộc sống cũng như số phận của Vệ Quốc Trưởng Công chúa Lê Thị Ngọc Đường và Phò mã Lê Quát ra sao, chỉ có lễ cưới của họ là còn được sử sách lưu truyền mãi như một trong những sự kiện hi hữu chốn hoàng cung.
Theo PHUNUTODAY

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét