Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Lời ‘dụ’ truyền đời của vua Lê Thánh Tông

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.
Bài viết của GS sử học Lê Văn Lan.
Theo quan chế đời Hồng Đức (1470-1497) thì Thái bảo là chức quan “Nhất phẩm triều đình”. Nhà bác học Phan Huy Chú ở thiên “Quan chức chí” của sách Lịch triều hiến chương loại chí, cho biết cụ thể: “Quan chế đời Hồng Đức, hai ban văn-võ (của triều đình) đều có chức Thái bảo và đều ở trật Chánh nhất phẩm”.
Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, Thái bảo Lê Cảnh Huy xuất hiện đầu tiên vào năm thứ 2 niên hiệu Hồng Đức, tức là năm Tân Mão 1471, với chức Hữu đô đốc, làm nhiệm vụ “Lưu thủ kinh đô”, trông coi việc gìn giữ thành Đông Kinh khi vua Lê Thánh Tông – từ tháng Giêng năm này – thân chinh đi trận ở phương Nam.
Hẳn là đã chu toàn việc “Lưu thủ kinh đô” nên đến tháng Bảy, khi vua Lê Thánh Tông rực rỡ khải hoàn, chủ trương ngay việc thừa kế: “Lập hoàn tử thứ 5 (tên) là Tân làm Kiến vương”-vẫn theo sử chép của sách Đại Việt sử ký toàn thư- thì đã thấy Lê Cảnh Huy được tín nhiệm, giao việc “mang kìm sách” (văn bản bằng vàng) chủ trì việc sách lập hoàng tử, với chức mới được thăng: “Thái bảo, Hộ bộ thượng thư kiêm Thái tử Thái bảo”.
Đến cuối năm, vinh hoa tăng tiếp thật nhanh chóng, Lê Cảnh Huy đã được chép vào chính sử với nhiệm vụ “trông coi sáu khoa”, tức là đứng đầu các “khoa”: Lại, Lễ, Hình, Binh, Hộ, Công mà giám sát, kiểm tra công việc của 6 bộ triều đình cùng tên. Cũng vào lúc này, cùng với chức “Chưởng lục khoa”, lần đầu tiên thấy Lê Cảnh Huy còn được “quý tộc hóa”, nhận tước “Bá” (đứng hàng thứ ba trong Ngũ tước: Công-Hầu-Bá-Tử-Nam) kèm mỹ tự “Kiến Dương”, thành: Thái bảo, Kiến Dương bá.
Sang đến năm Nhâm Thìn 1472 thì đã thấy Lê Cảnh Huy được vua Lê Thánh Tông giao cho làm “Đề điệu”, đứng đầu việc trông coi khoa thi tiến sĩ mở vào tháng Tư, với chức và tước được ghi đầy đủ vào chính sử là: “Thái bảo, Binh bộ Thượng thu kiêm Thái tử Thái bảo, Kiến Dương bá”.
Sau ngày hoàn tất nhiệm vụ tổ chức thành công đại khoa năm Nhâm Thìn ấy, lấy đỗ được đủ 3 Nhất giáp tiến sĩ cập đệ (tức Tam khôi), 7 Hoàng giáp (tức Nhị giáp tiến sĩ), 16 Tam giáp tiến sĩ (tức Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân), Kiến Dương bá Thái bảo Lê Cảnh Huy trở về chuyên chú trách nhiệm của quan Thượng thư Bộ binh (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng ngày nay). Được 8 tháng thì tiếp nhận một “Sắc dụ” quan trọng của vua Lê Thánh Tông. Chính là mệnh lệnh lần thứ nhất của nhà vua, trực tiếp nói về việc quốc phòng, gửi cho Binh bộ Thượng thư Lê Cảnh Huy, được chép vào biên niên sử tháng Chạp năm Hồng Đức thứ 3, như sau:
“Trẫm nhận được tờ tâu của trấn An Bang (nay là tỉnh Quảng Ninh), nói là người nhà Minh (bên Trung Quốc) sai quân lính đi theo quan “hội khám” (kiểm tra biên giới) của Quảng Tây sao đông thế. Ngươi phải hỏa tốc sai người đi thăm dò tình hình. Nếu thấy sự thể khác nhiều thì phải lập tức gửi công văn cho các xứ tập hợp binh mã phòng giữ”.
Lê Cảnh Huy nhận ngay ra ý chí và tinh thần cảnh giác, quyết gìn giữ chủ quyền và lãnh thổ, mạnh mẽ và sắc sảo, nhạy bén và tinh tường của bậc quân chủ nước Đại Việt, qua bản “Sắc dụ” ấy.
Bởi vì, kinh nghiệm 5 năm về trước thì vẫn còn đấy: Vào năm Đinh Hợi 1467, với linh cảm là nhà Minh đang có mưu đồ sinh sự, gặp lúc một chiếc thuyền buôn nước Nam Dương (nay là Sumatra) đến, nhưng khám thấy trên thuyền có người Minh, vua Lê Thánh Tông đã cho lệnh bắt giữ ngay đám ấy.
Tiếp đến việc: Từ Quảng Đông có hai chiếc thuyền lạ dạt sang An Bang (Quảng Ninh), trên thuyền có cả thảy 19 người và 205 “hộc” gạo. Nghĩ rằng đấy là kế dò la tình hình Đại Việt của giặc, nhà vua xuống lệnh: Đem sung tất cả vào làm phu ở Ty đồn điền, còn gạo nước thì đưa lên các xứ Tuyên Quang, Quy Hóa, Đà Giang làm lương cấp cho quân nhân đang canh giữ các miền biên cương thượng du ấy – đấy là những điều mà sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục về sau ghi lại được.
Quả đúng như linh cảm và dự liệu của vua Lê Thánh Tông, trong nửa cuối năm Đinh Hợi 1467 ấy, nhà Minh liên tiếp điều quân khiêu khích, gây áp lực, thậm chí mấy lần cướp phá các miền biên viễn phía Bắc nước Đại Việt!
Vào tháng Chạp, chính Tổng binh Quảng Đông đã điều động đến 13 vạn binh mã, đánh tiếng là đi sửa sang cầu đường, sắp xếp lương thảo, áp sát ải Nam Quan! Còn vào các tháng Sáu, Bảy, Tám và Mười, trọng điểm “bản Khả Lặc” thuộc trấn An Bang và “châu Hạ Lang” trên xứ Cao Bằng hết bị những đám “giặc cỏ” lại “tù trưởng Lý Lân đất An Bình” tràn sang đánh phá.
Một mặt, sử dụng “lực lượng tại chỗ”, một mặt, vua Lê Thánh Tông cử ngay các đạo “thân quân” đông mạnh-dưới quyền các cận thần: Đô đốc Đồng tri nam quân phủ Nguyễn Đức Trung, Đô đốc Đông quân phủ Trịnh Công Lộ, Thân vệ Tổng tri Nguyễn Động, cả văn thần Hàn lâm viện thị tộc học sĩ Đào Tuấn nữa – từ kinh đô thẳng ra biên giới, hợp sức đánh tan tất cả bọn gây sự.
Trong khi kiên quyết hành động là như thế, vua Lê Thánh Tông còn dõng dạc “lập ngôn”, để lại hai bản “Sắc dụ” bất hủ, có tác dụng (hiệu lực) chẳng kém gì việc ra quân, dẹp giặc xâm lấn:
- “Sắc dụ” thứ nhất gửi cho “các quan trấn thủ, phó tổng binh và thổ quan các xứ Lạng Sơn, An giang, Bắc Bình” được sách Đại Việt sử ký toàn thư chép lại vào đoạn biên niên sử về tháng Năm năm Đinh Hợi 1467, như sau:
“Làm quan coi giữ bờ cõi của triều đình, tất nhiên là phải giữ đất yên dân, đánh ngăn giặc ngoài là chức phận của mình. Mới rồi, người ngoài xâm nhập bờ cõi, bắt người cướp của, nhiều lần thấy chạy tâu, mà kết quả đánh giữ ra sao thì im lìm, không thấy báo gì. Nay nếu cứ khép vào luật pháp mà trị tội tất cả, thì e rằng sẽ không hết được. Bọn các ngươi phải dốc lòng hết sức, lo chuộc lại lỗi trước đây”.
- “Sắc dụ” thứ hai được chép vào chính sử về tháng Chín cùng năm cũng gửi “các quan trấn thủ và phó tổng binh các “vệ” (đơn vị quân đội) ở các xứ An Bang, Lạng Sơn, Tuyên Quang”, nói:
“Các người giữ chức vụ đứng đầu một phương, khống chế cả cõi biên thùy, phải phòng bị việc bất trắc để ngăn ngừa giặc ngoại xâm. Cần phải khuyên bảo các tướng hiệu, răn đe quân lính, không được quen thói cũ, bỏ trốn về nhà, để trống vị trí phòng thủ. Kẻ nào trái lệnh thì trị tội nặng hơn luật thường!”.
Mệnh lệnh nghiêm khắc là thế nên dễ hiểu, khi đến tháng Tư năm Quý Tỵ 1473-hẳn là trong việc cắt cử Thái bảo Lê Cảnh Huy đi đàm phán việc bang giao và biên giới với nhà Minh – vua Lê Thánh Tông đã có tiếp lời “dụ”, nổi tiếng cả về nội dung ý tứ lẫn văn chương chữ nghĩa sau đây:
- “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”.
Không thấy sử cũ chép việc Thái bảo Lê Cảnh Huy đã vâng lời “dụ” này mà hành động ra sao, kết quả như thế nào. Cũng không thấy sử cũ chép việc ngoại bang năm ấy và cả những năm sau, có thêm cuộc gây hấn nào. Như vậy, có thể suy ra sự thể: Thái bảo Lê Cảnh Huy đã đấu tranh lý lẽ thành công với đối phương.
Vì thế, đọc tiếp các đoạn biên niên sử cũ, mới thấy chép việc cuối năm Ất Mùi 1475: Thái bảo Lê Cảnh Huy được làm thêm chức “Đề hình giám sát ngự sử”, với tước phong không phải là “Kiến Dương bá” nữa mà là “Kiến Dương hầu”. Tiếp đến năm Bính Thân 1476 khi lại được vua Lê Thánh Tông giao cho việc làm “Lưu thủ kinh đô” lần nữa để nhà vua ngự về thăm lại Lam Kinh (Thanh Hóa), thì “hầu tước” (đứng thứ hai trong hàng Ngũ tước) đã thành tước vị chắc chắn của Thái bảo Lê Cảnh Huy, trong câu sử bút nói về chức và tước của quan “Lưu thủ kinh đô” lúc này là: Thái bảo, Kiến Dương hầu!
Theo GIADINHONLINE.VN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét