Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Món ngon củ sắn quê nghèo

TTO - Giữa tháng 9 âm lịch đến trước tết, cư dân ven biển Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại mang quang gánh lên đồi cát thu hoạch củ sắn - món quà vùng cát trắng ban tặng cho người dân quê nghèo.
Củ sắn vừa thu hoạch - Ảnh: Minh Kỳ
Củ sắn vừa thu hoạch - Ảnh: Minh Kỳ
Thuở nhỏ, quà của mẹ dành cho anh em chúng tôi sau buổi chợ về thường là những củ sắn to bằng nắm tay. Rửa sạch rồi dùng dao lột bỏ lớp vỏ ngoài là lộ ra lớp thịt trắng tinh, vừa trông đã ứa nước miếng.
Cắn miếng củ sắn ngập chân răng, nhai nghe giòn tan trong miệng, vị ngọt mát cứ trôi dần xuống thực quản tạo cảm giác sảng khoái vô cùng. Trẻ quê ngày ấy bây giờ vẫn thích và thường được ăn củ sắn vì giá khá rẻ, mỗi ký chỉ vài nghìn đồng.
Chỉ là món quà dân dã mang vị ngọt ngào cho những người dân quê nghèo, nhưng cứ đến mùa này, nơi thị thành những người con tha hương lại bồi hồi thèm được thưởng thức những món ăn chế biến từ củ sắn vừa thu hoạch của vùng cát trắng. 
Nhưng ở quê nghèo củ sắn được dùng để chế biến nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình: kho, xào, trộn dưa chua, nấu canh, trộn rau sống…
Trong đó củ sắn trộn rau sống là món ăn thường hiện diện trong bữa cơm người dân quê trong những ngày cuối thu.
Củ sắn có rồi thì chỉ cần dạo quanh vườn nhà nhổ ít rau cải non mơn mởn, ngắt thêm ít lá gừng cùng vài nhánh rau thơm. Nhặt cải cùng với rau thơm trộn lẫn cùng lá gừng xé sợi rồi rửa sạch để cho ráo nước.
Củ sắn rửa sạch rồi lột vỏ, thái sợi trộn lẫn với rau cho mâm cơm thêm chất tươi. Lúc này chỉ cần pha thêm chén nước mắm chanh, đường, ớt, tỏi để rau “thêm giòn” trong bữa cơm.
Củ sắn trộn rau sống - Ảnh: Minh Kỳ
Củ sắn trộn rau sống - Ảnh: Minh Kỳ
Món củ sắn xào cũng chế biến khá đơn giản. Sau khi lột bỏ lớp vỏ ngoài, rửa sạch rồi dùng dao thái sợi. Cho ít dầu phộng vào chảo đun sôi trên bếp, thêm vài lát hành tím vào chảo dầu đến khi chuyển sang màu vàng, bốc mùi thơm phức rồi cho củ sắn vào chảo dùng đũa đảo đều.
Tiếp đến nêm gia vị: muối, đường, bột ngọt… thêm muỗng nước mắm cho vừa ăn. Sau vài phút, củ sắn sợi chuyển sang màu trắng trong thì nhấc xuống khỏi bếp, thêm chút tiêu xay nhuyễn, rau thơm và lá gừng xé sợi thế là đã có món rau xào dân dã nhưng khá “hút” cơm.
Đĩa củ sắn xào đơn sơ nhưng trông thật bắt mắt. Màu trắng tinh khiết của củ sắn thái sợi hòa cùng màu xanh của rau và điểm thêm vài chấm tiêu đen như mời gọi.
Vị ngọt mát từ củ sắn và đường hòa cùng vị mặn của mắm, muối, vị cay dịu của tiêu quyện với hương thơm của rau và lá gừng ngon đến bất ngờ.
Củ sắn xào thanh mát - Ảnh: Minh Kỳ
Củ sắn xào thanh mát - Ảnh: Minh Kỳ
Với những bữa ăn "khá giả", củ sắn kho thịt heo là món “hút” cơm đủ để bọn trẻ nhà quê vét nồi đến cạn trơ đáy. Thịt heo rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn để ráo nước. Củ sắn thái miếng để riêng trong rổ.
Thịt cho vào nồi dùng đũa đảo đều thêm ít muối, mắm cùng với đường. Lát sau cho củ sắn vào nồi, dùng đũa đảo đều rồi cho nước vừa ngập thịt và củ. Nêm thêm gia vị cho vừa ăn, đun nhỏ lửa đến khi chín thì nhấc xuống khỏi bếp.
Múc ra khỏi đĩa, rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn là đã có món củ sắn kho với thịt heo dân dã, đậm đà hương vị. Vị ngọt từ củ sắn cùng với hương vị của gia vị “nâng tầm” từng miếng thịt heo, béo mà không ngán làm bữa cơm thêm đậm đà hương vị.
Củ sắn kho thịt - Ảnh: Minh Kỳ
Củ sắn kho thịt - Ảnh: Minh Kỳ

Theo đông y, củ sắn có vị ngọt nhẹ, thanh mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị chứng trường phong hạ huyết và tốt cho tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón cho phụ nữ mang thai.
Loại củ này còn được nhiều phụ nữ thái lát mỏng hoặc ép lấy nước bôi lên da cho làn da thêm mịn màng…

MINH KỲ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét