Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Nguyễn Cư Trinh - vị quan thanh liêm dẹp nạn sách nhiễu

Dân là gốc của nước, dân không bền thì nước tất không yên. Ngày thường không có sự cố kết dân tâm, khi có việc thì dựa vào đâu? Tôi trộm lo dân gian thói tệ đã quá, nếu cứ yên thường thủ cựu, không nhân thời thêm bớt, lập kỷ cương để sửa trị thì một xã còn không trị nổi nữa là một phủ...
Mười con dê chín người chăn
Nguyễn Cư Trinh hiệu Dạm An, người xã An Hòa, huyện Hương Trà. Cụ tổ sáu đời là Trịnh Cam, người xã Phù Lưu Tràng, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là xã Phù Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) làm Thượng thư bộ Binh thời Hậu Lê. Gặp lúc nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông bỏ triều, không hợp tác với nhà Mạc lánh về quê, sau đó vào đất Thuận Hóa. Đến đời cha là Trịnh Đăng Đệ được chúa Nguyễn Phúc Chu cho đổi họ Trịnh ra họ Nguyễn Đăng là họ nhà Chúa (năm 1708). Nguyễn Cư Trinh (đời thứ 8) là con thứ bảy của Nguyễn Đăng Đệ, tuổi nhỏ đã giỏi văn. Lúc lớn học rộng hay thơ lại có mưu lược.
Năm 1733, Nguyễn Cư Trinh thi đỗ sinh đồ (tú tài), năm 1740 thi đỗ Hương tiến (cử nhân) được cử giữ chức tri phủ Triệu Phong. Năm 1750, ông được cử giữ chức Tuần phủ Quảng Ngãi. Trong lúc làm quan, nhìn thấy cảnh người dân bị chèn ép khổ sở, quan lại các cấp ức hiếp dân dã man, ông dâng sớ lên chúa Nguyễn Phúc Khoát.
Lời sớ tâu rằng: "Dân là gốc của nước, dân không bền thì nước tất không yên. Ngày thường không có sự cố kết dân tâm, khi có việc thì dựa vào đâu? Tôi trộm lo dân gian thói tệ đã quá, nếu cứ yên thường thủ cựu, không nhân thời thêm bớt, lập kỷ cương để sửa trị thì một xã còn không trị nổi nữa là một phủ. Nay tệ hại cho dân có ba việc là: Nuôi lính, nuôi voi, nộp tiền án. Còn ngoài ra những cái nhũng phí quá lệ cũng nhiều.
Những việc tệ hại đó ở kinh kỳ tôi không dám vượt chức, chỉ đem việc trong chức phận mà nói như sau: Dân phủ Quảng Ngãi đã nhận lệnh ở các vệ việc trưng thu thuế sai dư tô ruộng các thứ biệt tải, biệt nạp, vi tử, thuế đầu nguồn, lại chịu lệnh ở quan lại nha bản phủ và những người được sai đi săn. Đó là cái cảnh mười con dê mà chín người chăn, làm cho dân phải cùng khốn, thất nghiệp thực là đáng thương. Đã không có hằng sản thì làm sao giữ được hằng tâm. Đương lúc bình thì dân tâm còn rất dao động, đến khi có việc thì chế ngự làm sao cho kịp".
Dân nên để cho tĩnh
Trong tờ sớ, ông cũng trình bày bốn điều thay đổi tệ nạn:
- "Phủ huyện là chức trị dân, gần đây không giao trách nhiệm làm việc, chỉ cho khám hỏi án kiện. Xin từ nay về sau các tiền thóc thuế sai dư, tô ruộng các thứ biệt tải, biệt nạp, cùng ngụ, thuế đầu nguồn, nhất thiết ủy phó cho huyện thu biên, chuyển giao cho quan Quảng Nam để nộp cho khỏi cái lệ phiền nhiều của nhiều lại viên.
- Quan phủ huyện từ trước đến nay chỉ lấy việc bắt bớ tra hỏi làm lộc thường xuyên, do đó của dân càng hao, tục dân càng bạc. Nay xin định cấp cho thường lộc, cứ lấy liêm, tham, siêng, lười làm căn cứ thăng truất.
- Lậu đinh có hai thứ, có người tránh phu dịch, tiền thuế mà đi lang thang. Có người vì cơ hàn thiết thân mà xiêu bạt. Nay không chia đẳng hạng, nhất thiết phải vào sổ để thu thuế. Chúng hẳn sợ mà xiêu tán, hoặc làm trộm cướp, dân xã ấy lại phải đền bồi cho đủ thuế nhà nước thì chịu sao nổi? Nay xin xét lậu đinh nào còn có làm ăn sinh sống được thì thu thuế như lệ. Còn những người đói rét cùng khốn thì miễn thuế, tùy cách vỗ nuôi để cứu sống kẻ khốn cùng.
- Dân nên để cho tĩnh, không để cho động, động thì dễ loạn, tĩnh thì dễ trị. Nay sai người vào rừng săn bắn, đòi ngựa tìm chim, người sai đi không thể tất đức ý bề trên nhiễu hại dân một phương. Lại còn có người giả mạo danh nghĩa, đến đâu ức hiếp đó, dân đều oán thán. Xin từ nay sai người đi làm việc gì, đều có giấy tờ làm bằng, lúc đi lúc về trình tại quan địa phương, khiến có thể xét nghiệm phải trái thật giả. Ai nhiễu hại dân thì cho quan địa phương được tiện nghi xử trị, hoặc bắt giải đưa người ấy về tâu lên, may ra lòng dân yên tĩnh, khỏi dao động".
Tờ sớ này Nguyễn Cư Trinh muốn đổi cái tệ nhiều lại viên làm nhiễu dân, lời sớ rất kính thiết. Sau đó ông được thăng lên làm Ký lục dinh Bố chính.
Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét