Đồng tiền Tây Ban Nha trong kho báu tùy táng (trái) và thố pha lê mài cạnh - Ảnh: L.C.T
Kho báu tìm thấy trong lăng Thoại Ngọc Hầu (An Giang) có rất nhiều hiện vật mang nguồn gốc châu Âu thế kỷ 18, 19.

Đồ pha lê lần đầu tìm thấy ở VN
Đây là những hiện vật pha lê lần đầu tiên tìm thấy ở VN được làm rõ nguồn gốc xuất xứ, niên đại chuẩn, thuộc loại hình đồ gia dụng: tô bát, thố, đĩa, bình rượu, lọ nước hoa, dầu thơm, dầu gió, lọ hít thuốc... với nhiều màu sắc: trắng, xanh, tím biếc... Nhiều hiện vật khắc mài đề tài hoa lá, dát vàng hoa văn rất tinh xảo, màu sắc, độ trong và bóng không khác xa so với các sản phẩm thủy tinh pha lê hiện nay. Nhiều nhà khoa học đánh giá đây là những sản phẩm cao cấp nhất của đồ thủy tinh pha lê châu Âu đương thời. Nhóm hiện vật thủy tinh pha lê tìm thấy trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu hiện nay được coi là quý hiếm và chứa đựng rất nhiều giá trị về lịch sử văn hóa.
Niên đại của nhóm di vật này được xác định muộn nhất là năm 1829 - năm mất của Thoại Ngọc Hầu. Do tính chất vật lý, vật liệu thủy tinh pha lê rất mong manh, dễ nứt vỡ do ngoại lực tác động trong quá trình sử dụng, nên cho đến nay, việc tồn tại các loại hình cổ vật thủy tinh pha lê giai đoạn thế kỷ 17 - 19 là rất ít. Vì thế trước đây, đại đa số nghiên cứu khi tiếp cận các di vật thủy tinh pha lê đều né tránh, hoặc giám định, định niên đại một cách tương đối mơ hồ: xếp chung niên đại của các đồ thủy tinh vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 và xác định nguồn gốc của chúng là từ sau khi Pháp xâm lược VN (1858).
Sự xuất hiện đồ thủy tinh ở VN vào giai đoạn thế kỷ 18 lần đầu tiên được sử liệu ghi chép qua tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn. Sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ các quốc gia châu Âu, theo chân các nhà truyền giáo và các nhà ngoại thương, đặc biệt là các công ty Đông Ấn châu Âu đem đến
Đàng Trong thời chúa Nguyễn và phổ biến ở thời Nguyễn. Thậm chí, những sản phẩm thủy tinh pha lê dưới thời Nguyễn ở VN một số còn được coi là đồ thượng phương. Tháng 6.1824, Tổng trấn Lê Văn Duyệt khi trên đường trở về Gia Định, vua Minh Mạng sai Trung sứ mang cho một cái ống điếu bằng pha lê màu biếc bịt vàng là đồ thượng phương.
TS Phạm Hữu Công - Thư ký Hội đồng Khoa học giám định - cho biết nhiều hiện vật có màu sắc và kỹ thuật tạo dáng giống với những vật phẩm thủy tinh pha lê đã được chính sử triều Nguyễn ghi chép liên quan đến việc vua Minh Mạng dâng tặng thái hậu, ban tặng cho công chúa, các quan lại đại thần và những vật phẩm bang giao. Các hiện vật pha lê thủy tinh trong khu lăng Thoại Ngọc Hầu cho thấy đời sống sinh hoạt của gia đình danh tướng nơi biên viễn và đặc biệt là nguồn gốc xuất xứ của chúng đã góp phần xác nhận sản phẩm giao thương của cảng thị Hà Tiên trong thời gian dài ông Kiêm quản trấn thủ. Điều này đã góp thêm một nguồn sử liệu vật chất quan trọng trong việc nghiên cứu và làm rõ những hoạt động của cảng thị Hà Tiên trong lịch sử - một cảng thị nổi tiếng ở khu vực châu Á thế kỷ 17 - 19.
Những đồng tiền quý của châu Âu
Bên cạnh những di vật pha lê thủy tinh có nguồn gốc từ châu Âu tìm thấy trong lăng Thoại Ngọc Hầu, còn có những đồng tiền quý của các công ty Đông Ấn châu Âu rất quý hiếm trên thế giới.
20 đồng bạc Tây Ban Nha hình tròn dẹp bằng bạc có chữ Latin và các hình chạm trên cả 2 mặt. Đường kính: từ 3,5 - 3,8 cm. Dày: 0,1 - 0,2 cm. Loại này cũng được phân chia bằng nhau: bà và ông mỗi người sở hữu 10 đồng. Niên đại của các đồng này ghi trên mặt các đồng tiền gồm những năm trong thời kỳ trị vì của 4 vị vua Tây Ban Nha là: Ferdinand đệ Lục (trị vì 1747 - 1759), Charles đệ Tam (1760 - 1778), Charles đệ Tứ (1797 - 1799), Joseph (1812). Các đồng tiền này được cho là lưu thông trên toàn thế giới vào thời bấy giờ.
Trong di vật của Chính thất phu nhân Châu Thị Tế có 2 đồng tiền vàng Bồ Đào Nha đường kính 2,9 cm, dày 0,25 cm. Vòng ngoài rìa có hàng chữ nữ hoàng Bồ Đào Nha Joannes. Trong là hình nữ hoàng nhìn nghiêng. Mặt lưng hình quốc huy Bồ Đào Nha với vương miện trên khiên tròn xung quanh là hoa lá dây. Đồng vàng này được phát hành tại Lisbon. Chưa biết được tại sao 2 đồng tiền vàng này lại là sở hữu của gia đình Thoại Ngọc Hầu mà chỉ có trong di vật của bà bên phía ông hoàn toàn không có. Có thể là một phái đoàn Bồ Đào Nha nào đó đã ghé thăm gia đình quan Án thủ Châu Đốc - Kiêm quản trấn cảng Hà Tiên và tặng 2 đồng vàng này.
TS Phạm Hữu Công xác định: Bộ sưu tập tiền của ông bà Thoại Ngọc Hầu để lại hầu như hoàn toàn trùng lắp với một số phát hiện khảo cổ gần đây tại Nam bộ, điển hình là Tiền Giang và Kiên Giang. Điều đó chứng tỏ có sự giao lưu hoặc buôn bán thương mại giữa cư dân Nam bộ với châu Âu hoặc Công ty Đông Ấn châu Âu thông qua các cơ sở ở Ấn Độ và vai trò của quan Án thủ Châu Đốc Thoại Ngọc Hầu có thể là khá tích cực. Tuy nhiên sau khi Thoại Ngọc Hầu mất vào năm 1829 không có hoạt động ngoại thương nào được ghi nhận, có lẽ chính sách “bế quan tỏa cảng” của thời Minh Mạng đã tác động mạnh mẽ, dập tắt đi những mầm chồi mới nở đó.
Cho đến nay về khảo cổ học tuy chưa có ghi nhận cụ thể về việc tàu thuyền hoặc thương nhân thuộc Công ty Đông Ấn châu Âu đã từng đến Nam bộ và cũng chưa tìm ra địa điểm giao dịch trao đổi hàng hóa ở Nam bộ thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19 nhưng loại tiền nói trên là dữ liệu quý báu để có thể tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.
Lương Chánh Tòng