Dù thời xưa, phận đàn bà “ba chìm bảy nổi” nhưng nhiều người trong số họ vẫn vượt lên cái lẽ “nữ nhi thường tình” để gánh vác quốc gia đại sự.
Ngạn ngữ nước Nam ta từ ngàn xưa đã có câu: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” để nói lên chí khí của nữ lưu đất Việt. Không chỉ tụ đủ “Công, dung, ngôn, hạnh” cần có, mà cái nghĩa “Tam tòng, tứ đức” cũng đủ đầy, lại bồi tụ thêm sự trung hậu, đảm đang trong thời hiện đại.
Nước Nam một cõi đất Mê Linh, Hương hồn Nhị Trưng mãi trường vinh
Thật không ngoa nếu nói Trưng Trắc, Trưng Nhị là những người khởi phát cho truyền thống quật cường của phụ nữ nước ta.
Xuất thân là con cháu dòng họ vua Hùng đất Mê Linh, vốn con nhà lạc tướng, nhưng mẹ hai bà là bà Man Thiện cũng kiêm cả nông tang. Từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của gia đình mà hai chị em được mẹ lấy tên là Trứng Chắc, Trứng Nhị (lép), để chúng ta quen gọi ngày nay Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Lớn lên theo dòng đời giữa vận nước rối ren, bị nhà Đông Hán đô hộ, Hai Bà chẳng cam chịu ở trói mình trong chốn khuê môn, món võ siêng tập, tay kiếm siêng luyện, hai bà trở thành bậc quần thoa được người trong vùng ngưỡng mộ theo về. Cuộc hôn nhân liên minh chính trị giữa Thi Sách và Trưng Trắc sau đó được tiến hành. Nhưng rồi, đấng phu quân đất Chu Diên (thuộc Hưng Yên nay) của bà chị cả đã bị đoạt mệnh trong tay tên Thái thú Tô Định, “Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên”, hai chị em nổi dậy khởi nghĩa.
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng nhanh chóng được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, hào kiệt quanh vùng theo về, trở thành một cuộc khởi nghĩa đặc biệt khi trong hàng ngũ tướng lĩnh lãnh đạo đa phần là những nữ tướng vang danh, nào Lê Chân, nọ Thiều Hoa, lại Xuân Nương…:
Hai Trưng vì nghĩa thương dân,
Giận Tô quái gở cất quân trả hờn.
Dấy một cơn rồng vươn hùm thét,
Nổi gió oai thổi hét loài gian.
Lạ thay đôi sức hồng nhan,
Sáu mươi thành lẻ đặt yên bằng tờ.
(Trích Thiên Nam minh giám - Gương sáng trời Nam)
Cuộc khởi nghĩa thành công năm Canh Tý (40). Nhưng, nền nhất thống, thái bình “ngắn chẳng tày gang”. Qua ba năm đất nước được hưởng cảnh yên ổn, dân vui thú làm ăn, nhà Đông Hán sai Mã Viện sang Nam đàn áp. “Người ấy (chỉ Mã Viện – người dẫn) đánh nhau mấy hai bà ấy ở chỗ hồ Lãng Bạc (bây giờ là hồ Tây bên thành Hà Nội); hai chị em thua, cùng lui về; đến xã Hát môn, huyện Phúc Lộc (bây giờ là Phúc Thọ, ở tỉnh Sơn Tây), bực chí, nhảy xuống cửa sông Hát giang, tự vẫn” (tríchQuảng Tập viêm văn – Edmond Nordemann), việc ấy xảy ra năm Nhâm Dần (42).
Đất nước sau ba năm dứt nạn đô hộ phương Bắc, nền nhất thống lại bị mất. Nhưng, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mãi được xem là một trang sử hào hùng, bi tráng của dân tộc ta trong lịch sử chống ngoại xâm, được đời sau ca ngợi, như lời cụ Phan Sào Nam trong bài Vịnh Hai Bà Trưng trên báoTiếng dân ngày 24 tháng 2 năm 1940 tán tụng:
Nỡ để non sông tỏa khói mù!
Ra tay vùng vẫy với thằng Tô.
Chị em cùng quyết nung bầu huyết.
Nước với chồng chung rửa mối thù.
Sáu chục thành trì riêng Hán, Việt.
Ba năm đường bệ cũng Thương, Chu.
Năm canh thức dậy thời oanh liệt,
Sóng gợn hồ Tây bóng nguyệt thu.
Nghỉ yên non Tùng mây trắng. Nghiệp dựng Nưa sơn đất lành
Bà Triệu hay Triệu Trinh Nương, Triệu Thị Trinh, Triệu Ẩu đều là những tên gọi chỉ vị nữ anh hùng của dân tộc ta đầu thế kỷ III.
Theo dã sử, bà Triệu sinh ngày 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (226) tại vùng núi Quan Yên (núi Nưa), thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa nay. Dân gian còn kể lại rằng, từ nhỏ cô gái họ Triệu đã tỏ ra là người quyết đoán, chính trực, luôn thể hiện sự căm phẫn trước những cảnh đàn áp, bóc lột dã man của bọn thống trị phương Bắc đối với dân ta. Đó cũng là lý do vì sao bà nuôi chí lớn “thay trời hành đạo”, không bó mình nơi phòng khuê mà siêng năng luyện tập võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa giỏi không kém bất cứ trang nam nhi tuấn kiệt nào. Khi có người đề cập đến chuyện chồng con, cô gái trẻ đã khảng khái bày tỏ nguyện vọng của mình: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ. Há lại khom lưng chịu làm tì thiếp cho người ta”.
Năm Mậu Thìn (248), bà Triệu phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa từ vùng núi Nưa lan rộng ra khắp quận Cửu Chân rồi quận Giao Chỉ. Đánh đến đâu nghĩa quân thắng như chẻ tre đến đó. Nhà Ngô lo sợ phải điều 8.000 quân do An Nam hiệu uý, Thứ sử Giao Châu Lục Dận (cháu danh tướng Lục Tốn của nhà Đông Ngô) chỉ huy sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đối mặt với khí thế ngút trời của nghĩa quân cùng bà tướng trẻ “mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu” (theoGiao Chỉ chí) uy nghi lẫm liệt, quân Ngô trở nên khiếp sợ, bạc nhược. Chúng phải công nhận một sự thật rằng:
Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện bà Vương nan
(Múa giáo chống hổ dễ
Đối mặt vua Bà khó)
Giặc Ngô khâm phục bà Triệu và gọi bà là Nhuỵ kiều tướng quân (vị nữ tướng yêu kiều), rồi Lệ hải bà vương (vua bà vùng biển mỹ lệ).
Theo dân gian kể lại, không có cách nào dập tắt được khởi nghĩa bà Triệu, Lục Dận bày ra kế sách thâm độc, bằng nhiều thủ đoạn hắn mua chuộc, chia rẽ nghĩa quân làm cho lực lượng khởi nghĩa bị phân tán, khối đại đoàn kết bị suy giảm, đồng thời Lục Dận hèn mạt khi trong một lần giáp trận, hắn cho quân Ngô “mình trần như nhộng” bao vây quân bà Triệu. Vị tướng nữ nhi vốn yêu sự trong sạch ghét cái dơ bẩn, bà không chịu được chuyện này đã quay đầu chạy, rút lên núi Tùng thuộc huyện Hậu Lộc rồi quyên sinh, đó là ngày 21 tháng 2 (âm lịch) năm Mậu Thìn (248).
Việc lớn không thành như nguyện ước “cưỡi cơn gió mạnh” đánh đuổi quân Ngô “giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ”, nhưng gương liệt nữ của bà Triệu vương vọng mãi ngàn năm, tiêu biểu cho truyền thống bất khuất, kiên trinh của phụ nữ Việt trong nghìn năm Bắc thuộc, được sử gia đời sau ngợi ca: “Triệu Ẩu là người con gái ở quận Cửu Chân, họp quân trong núi, đánh phá thành ấp, các bộ đều theo như bóng theo hình, dễ hơn trở bàn tay. Tuy chưa chiếm giữ được đất Lĩnh Biểu như việc cũ của Trưng Vương, nhưng cũng là bậc hùng tài trong nữ giới”. (Theo Việt giám thông khảo tổng luận).
Riêng Bác Hồ trong diễn ca Lịch sử nước ta đã dành cho bà những dòng nhận xét trân trọng:
Tài năng dũng cảm hơn người,
Khởi binh cứu nước muôn đời lưu phương.
Phụ nữ ta chẳng tầm thường,
Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời.
Nữ Đô đốc đất Tây Sơn. Bậc anh hùng triều Quang đế
Trong bài thơ Phu nhân ca, Tả Am Nguyễn Trọng Trí đã có đôi dòng cảm tưởng về một bậc nữ danh cùng quê:
Cổ kim bất phạp chân anh hùng,
Năng ngự ngoại hồi vi thượng công.
Tráng tai Thị Xuân kì nữ tử,
Thống suất tì hưu biến tây đông.
Tổ tông cương thổ bất dung vong,
Nam nhi tử tất tại sa trường.
Nam nhi bất hướng sa trường tử,
Cao ca nhất khúc khán Thị Xuân.
Tạm dịch:
Xưa nay chẳng thiếu các bậc thật sự anh hùng,
Có thể ngăn giặc ngoài làm nên công lao.
Mạnh thay Thị Xuân, người con gái lạ lùng,
Cầm quân vùng vẫy khắp tây đông.
Đất đai tổ tông không thể để mất,
Nam nhi hẳn nhiên phải chết ở chốn sa trường.
Nếu nam nhi mà không dám hướng về sa trường để chết,
Hãy hát lớn một khúc ca mà xem gương Thị Xuân.
Người phụ nữ ưu tú được nói tới ở đây, không ai khác chính là nữ Đô đốc Bùi Thị Xuân thời anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ. Bùi Thị Xuân (? – 1802) chính quê ở thôn Xuân Hào, tổng Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn, nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Bà là nữ tướng danh tiếng thời Tây Sơn, vợ danh tướng Trần Quang Diệu, cháu Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
Là phận gái thân bồ liễu nhưng ở bà không chỉ hội tụ đủ yếu tố cần thiết của người phụ nữ thời phong kiến với luân lý “tam tòng, tứ đức” mà những phẩm chất trí, dũng, liệt… của trang nam nhi tuấn kiệt cũng hiện diện nơi bà, đưa bà trở thành một trong những nữ danh tướng huyền thoại thời Tây Sơn, thậm chí là cả sử Việt cổ kim.
Thuở nhỏ thay vì làm bạn với đường kim, mũi chỉ thêu thùa, với cây đàn tỳ bà thánh thót, cô Xuân đi… học võ với thầy Đô thống Ngô Mạnh ở Thuần Truyền. Trong các môn sinh nam nữ, khả năng võ nghệ của Bùi Thị Xuân nổi bật, học đâu hiểu đó, đặc biệt giỏi môn song kiếm, do đó bà được sư phụ cho làm chức trưởng môn. Theo tương truyền, ngoài giỏi võ, Bùi Thị Xuân còn là người có nhan sắc, khéo tay, biết cả chữ thánh hiền, viết chữ rất đẹp.
Nhờ giỏi võ mà tương truyền có lần bà cùng Trần Quang Diệu giết cả hổ dữ tấn công và cũng từ lần tương ngộ đó hai người nên vợ nên chồng, lại đồng chí hướng phò vua giúp nước, hai vợ chồng đầu quân theo khởi nghĩa Tây Sơn. Từ đây tài năng võ nghệ đã đưa Bùi Thị Xuân trở thành một nữ võ tướng tiêu biểu dưới triều vua Quang Trung.
Cùng với chồng là tướng quân Trần Quang Diệu và các tướng lĩnh khác, Bùi Thị Xuân tham gia phong trào nông dân Tây Sơn, góp công đánh bại 29 vạn quân xâm lược Thanh năm 1789 (Kỷ Dậu) cùng vua Quang Trung, rồi chiến tranh đối đầu với Nguyễn Ánh. Tài nghệ binh bị, giỏi sử dụng quân, can đảm dũng lược trong chiến đấu, bà góp công lớn cho sự tạo dựng vương triều Tây Sơn, được Quang Trung phong là Đô đốc. Lực lượng tượng binh nhà Tây Sơn sở dĩ hùng mạnh cũng chính bởi tài giỏi luyện voi chiến của vị nữ Đô đốc họ Bùi. Thời ấy Bùi Thị Xuân là một trong “Tây Sơn ngũ phụng thư”, là một thành viên trong hàng “Tứ kiệt” dưới triều Nguyễn Huệ cùng Ngô Văn Sở, Võ Văn Phụng, Trần Quang Diệu. Sống với chồng trọn nghĩa phu thê, phò vua trọn đường tôi trung nên bà được chồng yêu, vua Quang Trung tin cẩn.
Năm Nhâm Tý (1792), nhà Tây Sơn dưới sự điều khiển của Quang Trung đang đi lên thì vị vua áo vải cờ đào đột ngột băng hà. Quang Toản lên ngôi tức Cảnh Thịnh tài năng không bằng cha để nhà Tây Sơn dần suy vi. Tháng 1 năm Tân Dậu (1801) tại Quảng Bình, trận đánh nơi chiến lũy Trấn Ninh và Đâu Mâu diễn ra quyết liệt giữa quân đô đốc Bùi Thị Xuân với quân Nguyễn, Bùi Thị Xuân luôn tiên phong hô hào binh sĩ, tự tay đánh trống thúc quân. Thân mình máu đẫm áo bào vẫn hiên ngang diệt giặc. Nhưng vua Cảnh Thịnh nhát gan thấy tương quan lực lượng bất lợi, lại nghe tin Nguyễn Ánh phá được thủy binh Tây Sơn tại cửa biển Nhật Lệ liền cho lui quân. Bùi Thị Xuân phải chạy về Nghệ An. Sau bà cùng chồng và con gái bị địch bắt.
Cùng với 200 tướng lĩnh Tây Sơn khác, Đô đốc Bùi Thị Xuân bị xử tội chết tại bãi chém An Hòa, Phú Xuân. Nhưng cái chết của bà thật oanh liệt làm kẻ thù phải khiếp sợ, thán phục, tô điểm cho lòng kiên trinh, tiết tháo son sắt của người phụ nữ trước biến cố sơn hà. Để gây run sợ cho bà, vua Gia Long cho giết chồng bà và con gái: “Mùa đông, tháng 10 (năm Nhâm Tuất – 1802, người dẫn chú), dâng tù binh ở Thái miếu. Tháng ấy, ngày 6, tế Trời, Đất; ngày 7, yết Thái miếu, đem anh em Toản và bọn Diệu, Dũng giết đi, bêu đầu…” (trích Quốc sử di biên). Đến lượt Bùi Thị Xuân cũng bị voi giày, nhưng bà: “không biến đổi sắc mặt, tiến đến trước con voi như chọc tức nó. Mấy võ quan ra lệnh bắt bà quỳ xuống, bà cứ thản nhiên tiến bước. Voi lùi lại. Lính cầm giáo thọc vào đùi voi, con vật đau xông lên giương vòi quắp lấy bà rồi tung lên trời” (theo ký sự Relation sur de Tonkin et la Cochinchine của Giáo sĩ De la Bissachère). Về sau, dù là một nhà sử học của Nguyễn triều, nhưng Đặng Xuân Bảng khi nhìn nhận về vị nữ Đô đốc bên kia chiến tuyến mà triều đại ông phụng sự gọi là ngụy triều, vẫn khách quan nhận xét: “Xuân cũng là bậc hào kiệt trong nữ giới” (trích Việt sử cương mục tiết yếu).
Ba bà, chỉ là những đơn cử tiêu biểu cho tài cao, chí cả của phụ nữ đất Việt ta trong lĩnh vực quân sự. Nhưng thiết nghĩ, cũng đã phần nào làm toát lên được cái lẽ “nam nữ bình quyền” cho thời đại hiện nay.
TRẦN ĐÌNH BA (KIẾN THỨC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét