Tiin
Ai từng đến Hà Nội hẳn không thể bỏ qua món bún thang - một hương vị ẩm thực thanh tao, tinh tế như chính bản tính nhẹ nhàng, lịch lãm của người Hà thành.
Tôi tìm đến một quán bún thang trên phố hàng Hòm vào một buổi sáng mùa thu mát dịu. Thưởng thức hương vị bát bún thang bốc khói nghi ngút giữa tiết trời ấy khiến tâm hồn những người yêu Hà Nội lại thêm một lần rung động và muốn tìm về cảm giác hoài cổ.
Tôi trò chuyện với cô Nguyễn Thị Lý, chủ quán bún thang hơn 20 năm tuổi để hiểu thêm về món ăn thanh tao của ẩm thực Hà Nội này. Nhiều thực khách đến quán xúc động: “Tôi phải thầm cảm ơn những quán ăn đã giữ lại món bún thang truyền thống, cho chúng tôi nhớ về cha ông, về quê hương, xứ sở”.
Còn tôi, tôi thầm cảm ơn những con người đang lưu giữ một phần Hà Nội trong quán ăn nhỏ của họ để Hà Nội văn minh vẫn phảng phất đâu đó chút hương của Hà Nội cổ, để người Hà Nội bận rộn hôm nay được thư thái bên bữa ăn thanh tao xưa.
Nguyên liệu của bún thang gồm trứng gà thái chỉ, nộm củ cải, giò lụa. Bún thang ăn không thể thiếu hành, ớt, chanh và rau răm.
Đủ mùi vị nhưng vẫn mang lại cảm giác thanh thanh, đầy tinh tế của ẩm thực Hà Thành, bún thang là thức đặc sản gọi tên riêng của người Hà Nội.
Phải có đến 20 loại nguyên liệu mới làm đủ món bún thang: bún sợi nhỏ gỡ rối trắng như bông mỡ, thịt gà ta mềm xé nhỏ còn dính da vàng, trứng đánh bông thái lát chỉ, nộm củ cải thái nhỏ, giò lụa, tôm he, các loại húng thơm,...
Nhiều vị khách tìm đến 33 Hàng Hòm để thưởng thức món bún thang đặc trưng
Không chỉ cầu kì ở khâu chọn nguyên liệu, quá trình chế biến và trình bày món ăn này cũng phải nghệ thuật lắm. Nó đòi hỏi người chế biến phải tỉ mỉ, cẩn thận và khéo léo, người ăn phải biết cách thưởng thức, biết cách ăn như thế nào cho ngon, cho đẹp.
"Linh hồn" của món bún cổ truyền chính là nước dùng. Nước dùng được chế biến từ xương gà hoặc xương lợn và tôm he được ninh nhừ, thêm chút hành và gừng nướng thơm chuẩn vị. Trong quá trình hầm xương nên để nhỏ lửa và thường xuyên hớt bọt để nước dùng không bị đục.
Những nguyên liệu được sắp xếp đẹp mắt
Bát bún thang là một tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc: nền trắng của bún, chút vàng của trứng, nhân gà và giò được tôn lên bởi màu rau của hành, rau thơm. Thêm thìa mắm tôm và muôi nước dùng bốc khói là có bát bún vô cùng đặc sắc.
Bát bún thang giống như một bông hoa nhiều màu sắc
Như những cành hoa ấy bung tỏa nhẹ nhàng
Người ăn phải biết cách thưởng thức, biết cách ăn như thế nào cho ngon, cho đẹp.
Bún thang từng là một trong những đặc sản tiến vua nức tiếng của đất Hà thành. Bún thang xưa chỉ được thưởng thức vào các dịp đặc biệt như ngày lễ hóa vàng mùng 4 Tết. Nay bún thang xuất hiện nhiều ở những quán ăn phố cổ, trong mỗi bữa ăn của các gia đình Hà Nội.
Bún thang là sự hòa trộn của vị, sắc và hương. Màu sắc đẹp, hài hoà; nước dùng trong, mùi thơm của nấm, vị ngọt đậm đà; vị cay của ớt, các loại thịt chín mềm ăn một lần mà nhớ mãi. Khi bát bún thang đã chan nước dùng nghi ngút khói thì khách hàng “xì xụp” giữa cái lạnh mùa đông trong không gian quán nhỏ, phố xưa thì còn gì tuyệt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét