Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Tìm hiểu sức mạnh chiến thuyền của thủy quân Việt xưa

Theo sử sách, chiến thuyền dưới các vương triều phong kiến Việt Nam không chỉ được sử dụng nhằm mục đích tăng sức đánh bộ trong những trận tập kích vượt biển, mà còn chuyên chở lương thực hoặc lễ vật làm quà trong những lễ nghi ngoại giao.
Điểm mặt một số chiến thuyền của Thủy quân Việt xưa:
Thuyền mẫu tử
Theo Võ bị chế thắng chi, đây là loại thuyền chuyên dùng để đánh hoả công, gồm 2 thân lồng vào nhau, 4 mái chèo, 1 buồm. Khung thuyền giả to (thuyền mẹ) bọc ngoài, ở phía trước một chiếc thuyền thật nhỏ hơn (thuyền con).
Trên khung thuyền to, người ta chất củi lửa và thuốc cháy, mũi thuyền có những đinh nhọn, hông thuyền cũng đầy đinh sắt. Khi đánh địch, người ngồi núp trong thuyền nhỏ chèo thật nhanh, lao thật mạnh vào thuyền đối phương, khiến cho những đinh sắt nhọn ở mũi khung thuyền giả cắm vào mạn thuyền đối phương.
Sau đó, người ta đốt chất cháy củi và thuốc súng trên thuyền giả, rồi rút thuyền con khỏi khung thuyền to chạy về. Thuyền giả cháy sẽ đốt luôn thuyền đối phương.
Lâu thuyền (thuyền cổ lâu)
Trước họa xâm lăng của nhà Minh, nhà Hồ đã phải lo củng cố quốc phòng. Năm 1404, Hồ Hán Thương cho chế tạo thuyền cổ lâu – một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo, có tên gọi là Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương, để chở lương nhưng cũng sẵn sàng chiến đấu.
Theo mô tả, nếu thuyền bình thường có một đáy, thì thuyền loại này làm thêm một “đáy” nữa, tức một tầng sàn ở trên, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Thuyền được trang bị súng Thần Cơ, nhưng hiện tài liệu về những con thuyền Cổ Lâu còn lại rất hiếm hoi.
Sử sách chép rằng, Việt Nam là một trong những nước có thuyền lầu sớm trong quân thuỷ, đó là những lâu thuyền đơn giản khắc trên trống đồng Đông Sơn, kèm theo hình ảnh người lính luôn sẵn sàng chiến đấu với cung nỏ trên tay.Tới thế kỷ 19, theo ý nghĩa hình khắc trên chín đỉnh linh thiêng của triều Nguyễn, thì lâu thuyền được chọn như một loại thuyền chiến tiêu biểu cho quân thủy.
Tẩu kha thuyền
Thuyền do nữ tướng chỉ huy, không dùng buồm, thân thon dài, trên có 3 cột cờ đại và 2 hàng cờ nheo dọc thân thuyền, phu chèo và thủy binh đều tinh nhuệ, lợi hại và đi lại như bay, đột kích bất ngờ, rút lui nhanh chóng.
Du Đĩnh thuyền
Thuyền có nhiều tầng to cao, trên có mái che với hàng dọc cờ xí, chứa được nhiều quân cung thủ, quan sát giặc từ xa, lợi hại khi đổ bộ binh đánh úp.
Hải cốt thuyền
Là thuyền chiến to lớn và rắn chắc với hàng chục tay chèo, hàng trăm binh sĩ, dàn trận trực chiến với thuyền giặc.
Dưới triều Lê Thánh Tông, bên cạnh bộ binh, kị binh, tượng binh… thì thủy binh cũng đã trở thành một binh chủng độc lập với việc chia thành nhiều phiên hiệu rõ ràng như: Thiện Hải thuyền, Đấu thuyền, Lâu thuyền, Tẩu Kha thuyền, Khai Lãng thuyền, Hải Cốt thuyền…với hình dáng, cấu trúc, chạm khắc, màu sắc, cờ hiệu khác nhau.
Đấu thuyền
Là hạm thuyền lớn chỉ huy, với cột cờ soái và nhiều cờ xí, xung phong chiến đấu, dẫn đầu đoàn chiến thuyền.Ở đây lại nói về chiến thuyền Tây Sơn, lúc bấy giờ, công nghệ đóng thuyền ở nước ta đã có những tiến bộ nhất định. Cuối thế kỷ XVIII, John Barraw – hội viên Hội Hoàng gia Anh – đã đến xứ Đàng Trong (miền Trung và miền Nam Việt Nam) và chứng kiến: “Thuyền của họ đóng rất đẹp, thường dài từ 50 đến 80 pied (1pied = 0,30m). Đôi khi một chiếc thuyền như vậy chỉ gồm 5 tấm ván, kéo dài từ đầu nọ đến đầu kia và được ghép vào nhau bằng mộng. Thuyền biển của họ đi không nhanh lắm, nhưng rất an toàn. Bên trong được chia thành từng khoang, loại này rất chắc có thể đâm vào đá ngầm mà không chìm vì nước chỉ vào một khoang mà thôi. Hiện tại, ở Anh đã bắt chước cách làm này để áp dụng vào việc đóng tàu”.Theo sử sách, một số lớn thuyền chiến của Tây Sơn được trang bị pháo, nhằm tăng cường hỏa lực, tạo nên mũi đột kích có sức công phá và tiêu diệt lớn. Thủy đội Tây Sơn có 54 tàu, 93 chiến thuyền, 300 pháo hạm, 100 tàu buồm trang bị khá hùng hậu. Tuy nhiên, đời vua Việt sở hữu những chiến thuyền hiện đại lại là hoàng đế Minh Mạng – rất quan tâm đến việc học hỏi, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật của phương Tây, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền. Không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền, đặc biệt cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp.
Vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương, để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền tại kinh đô nghiên cứu, triển khai đóng theo mẫu. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long; sau đó hàng hoạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến…
Vào thời Gia Long, chiến thuyền cũng lên tới cả ngàn chiếc và người ngoại quốc rất khâm phục.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Giải mã hình tượng chiến thuyền trên Cửu Đỉnh nhà Nguyễn

Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là nơi lưu giữ những tư liệu lịch sử quý giá về sức mạnh thủy quân của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc.
 Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và khánh thành năm 1837. Trên mỗi đỉnh có chạm khắc 17 bức họa gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. Trong đó, có 7 bức họa tái hiện hình ảnh các loại chiến thuyền chủ yếu của nhà Nguyễn.
  Đa Sách Thuyền (nghĩa là thuyền có nhiều dây) là loại thuyền ba cột buồm kiểu phương Tây, thường trang bị súng lớn. Loại thuyền này dùng đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương. Đa Sách Thuyền thể hiện trình độ cao về kỹ thuật đóng thuyền buồm của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.
  Lâu Thuyền là một loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu rất đẹp, thường chỉ được dùng cho nhà vua và hoàng gia, các quan đại thần và binh sĩ hộ giá đi lại trên sông Hương hoặc xa lắm cũng chỉ ra đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình hoặc vào Quảng Nam. Đây là một trong các thành tựu nổi bật nhất của ngành đóng tàu thuyền dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19.
  Ô Thuyền là loại thuyền đi biển sơn màu đen, cánh buồm cũng đen, có 12 tay chèo. Loại thuyền này vừa có buồm vừa có tay chèo nên tốc độ nhanh, thường trang bị cho quân tuần tiễu dọc bờ biển.
  Mông Đồng Thuyền là mẫu thuyền có đáy nông, nhiều tay chèo, trang bị nỏ mạnh, có mái gỗ để che tên đạn. Đây là loại thuyền chiến cơ động, thường được sử dụng ở sông lớn và ven biển.
  Hải Đạo là loại thuyền chèo rất linh hoạt phục vụ hoạt động chiến đấu trên biển. Trong một đơn vị thủy binh ngày trước, hải đạo được tổ chức từng nhóm hàng chục chiếc một, khi chiến đấu thì cơ động nhanh, lúc tuần tiễu thì đi theo hàng để tiện bề hỗ trợ cho nhau.
  Đỉnh là loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn. Thuyền này có tốc độ rất nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy.
 Lê Thuyền là một loại thuyền có 12 tay chèo, được sản xuất khá nhiều dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Năm 1835, nhà Nguyễn đóng một chiếc thuyền dạng này cho Viện Cơ mật để làm thuyền hộ giá khi vua đi tuần đường thủy.
Theo KIẾN THỨC

Sự phát triển của các loại chiến thuyền trong lịch sử Việt Nam

Địa bàn sinh sống chủ yếu của tổ tiên ta là ở những đồng bằng có sông ngòi, đầm hồ bao bọc, chia cắt. Vì vậy con người chỉ có thể hoạt động, đi lại trên một phạm vi rộng nhờ bè mảng, tàu thuyền.
Thuyền bè đã trở thành phương tiện cơ động chủ yếu cho các hoạt động dân sự cũng như hoạt động quân sự của ông cha ta. Dù là quân bộ hay quân thủy, đều phải dùng thuyền như phương tiện cơ động chính.
Thuyền chiến đã ra đời rất sớm trong lịch sử dân tộc ta có thể từ trước khi Nhà nước Văn Lang ra đời. Cho đến nay tư liệu về những chiếc thuyền chiến cổ nhất mà chúng ta biết đến được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn. Thuyền chiến là những chiếc thuyền độc mộc, loại cực lớn có thể dài trên 20m, chở hàng chục chiến binh.. Những cánh buồm có thể được đan bằng lá dứa dại phát huy tác dụng khi thuyền xuôi gió… Thuyền loại này được trang trí tương đối đẹp và ở mũi thuyền không bao giờ thiếu hình đầu một loài thú kỳ dị. Thông thường, chúng đều có một chèo ở đuôi, cũng có một số thuyền có chèo ở mũi. Dưới đáy thuyền thường thấy một hoặc hai tấm ván rẽ nước có tác dụng chống sóng và giữ thăng bằng cho thuyền. Trên thuyền thường có thêm một số cọc phụ. Trang trí đẹp nhất thường là những cọc phụ ở phía đuôi, gần người điều khiển lái đuôi. Thuyền nào cũng có một vật như chiếc trống da ở giữa thuyền và một sạp lầu cao chừng 1,5 mét, đặt hơi chếch về phía đuôi thuyền, trên sạp lầu là một vị trí ổn định của một xạ thủ cung hoặc nỏ, dưới đó là nơi cất những đồ đồng quý. Phần lớn những chiến binh trên những thuyền chiến đó đang trong tư thế chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu. Những thủy quân Đông Sơn đều có vũ khí trong tay như giáo, rìu, lao, dao găm, mộc, cung nỏ (trừ những người chèo thuyền mà ta có thể đoán rằng đó là những lính chèo thuyền chuyên nghiệp và người đánh trống có lẽ là người chỉ huy nhịp chèo). Những người cầm rìu thường đứng ở đầu mũi thuyền như thể sẵn sàng nhảy sang thuyền đối phương để đánh giáp lá cà. Một vài chiến binh được trang bị thêm ngọn lao có thể phi sang thuyền đối phương hoặc chiếc mộc che thân trong những trận giáp chiến. Một vài thủ lĩnh nào đó có thể có thêm lưỡi dao găm trên tay. Quân thủy được thể hiện trên trống đồng Đông Sơn có thể đang chiến đấu chống quân xâm lược, hay có nhiệm vụ áp tải những chiếc trống quý được đem đi trao đổi hoặc cũng có khi là báu vật mà Hùng Vương gửi tặng cho vua chúa một nước láng giềng nào đó, và họ luôn phải sẵn sàng chiến đấu chống giặc cướp.
Trong trận Bạch Đằng năm 938, loại thuyền chiến Mông đồng thường có 32 tay chèo và 25 lính chiến đấu đã phát huy tác dụng rất lớn. Loại thuyền này xuất hiện ở Việt Nam từ năm 807 – 809. Năm 931, tướng Dương Đình Nghệ đã sử dụng thuyền Mông đồng trong các trận thủy chiến chống quân Nam Hán xâm lược. Đến tận thế kỷ XIII, thuyền Mông đồng vẫn là loại thuyền chiến chủ yếu trong quân thủy nước ta. Đó là một loại thuyền chiến có chiều dài khoảng trên 20 mét, rộng gần 4 mét, vỏ bọc đồng để tăng độ bền và chống tên, đạn của đối phương. Thuyền Mông đồng vừa có khả năng hoạt động trong sông, vừa có khả năng hoạt động ngoài biển, chủ yếu ở vùng cửa biển Bạch Đằng và vùng biển Đông Bắc nước ta.
Thuyền chiến thời Lý có khả năng trọng tải và hành trình rất tốt. Những cuộc hành quân đánh Chiêm Thành, vượt biển sang chiến đấu ở các châu Khâm, Liêm… đã chứng tỏ điều đó. Thuyền chiến còn có khả năng chở voi vượt biển làm quà trong những lễ nghi ngoại giao hoặc cơ động quân bộ theo đường biển để tập kích đối phương. Thuyền chiến thời này ngoài Mông đồng còn có thuyền lầu (lâu thuyền) và thuyền mẫu tử.
Thuyền lầu gồm những tầng lầu cao (lâu) nên có lợi thế về chiều cao (có chiếc đến 27m), phát huy được hiệu quả quan sát, chỉ huy và vũ khí tầm xa; chứa được nhiều lính và ưu thế về vũ khí tầm xa như cung, nỏ. Thuyền lầu là một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai sàn (boong) chia tàu thành hai tầng: tầng trên giấu lính chiến đấu, tầng dưới chứa lính chèo thuyền với hàng chục tay chèo và hai người điều khiển một mái chèo. Ở đây, thuyền lầu gắn chặt với chiến thuật dùng cung nỏ trong đánh thủy, có thể chở được trên hai trăm người và lương thảo, khí giới, thực hiện tốt những chuyến vượt biển xa hàng ngàn kilômét. Thuyền lầu xuất hiện khá sớm ở Trung Quốc (năm 219TCN). Ở Việt Nam, năm 1205 (thời Lí) Đàm Dĩ Mông đã chế tạo thuyền lầu, sau đó các vua Trần cũng đã dùng thuyền lầu làm tướng phủ (Sở chỉ huy) trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên.
Thuyền mẫu tử có cấu tạo hai thuyền lồng vào nhau và có thể tách rời nhau, 4 mái chèo, 1 buồm, chuyên dùng đánh hỏa công. Thuyền ngoài (thuyền mẹ) dài khoảng 12m, trong khung chứa cỏ, củi, thuốc súng; đầu mũi cắm các đinh lớn, nhọn bằng sắt, hông thuyền cũng đầy đinh sắt. Thuyền trong (thuyền con) là chiến thuyền nhỏ. Khi chiến đấu, thủy thủ trong thuyền nhỏ chèo thật nhanh, lao thật mạnh vào thuyền đối phương, khiến cho những đinh sắt nhọn ở mũi, khung thuyền mẹ cắm vào mạn thuyền đối phương, sau đó người ta châm lửa đốt thuyền mẹ, rồi tách thuyền con ra khỏi thuyền mẹ, rút lui hoặc tiếp tục chiến đấu như một chiến thuyền thông thường. Lửa bắt vào cỏ, củi, thuốc nổ rồi lan sang và làm nổ tung thuyền đối phương.
Thời Trần, sử sách còn nhắc đến hai loại thuyền chiến mới. Đó là thuyền Châu Kiều và thuyền đinh sắt. Thuyền đinh sắt là loại thuyền được đóng ghép bằng những đinh sắt hoặc ốp những đinh sắt có đầu đinh lớn - một kỹ thuật đóng thuyền mới xuất hiện vào thời kỳ này để tăng độ lớn của thuyền và tăng độ bền vững trong những trận đấu thuyền Loại thuyền này khá lợi hại, mỗi mái chèo có hai người đẩy, lòng thuyền chia làm hai tầng, tầng dưới dành cho lính chèo thuyền, tầng trên lát sàn để lính chiến đấu dễ bề hoạt động. Có lẽ thuyền đinh sắt là tên gọi chung của các thuyền: thuyền lầu, thuyền cổ lâu, thuyền lưỡng phúc…
Thuyền chiến thời Trần thường được nhắc đến với 3 loại lớn, cũng là 3 cỡ lớn nhỏ khác nhau, ứng với các nhiệm vụ khác nhau. Thuyền lớn (đại chiến thuyền) - đôi chỗ sử sách nhà Nguyên gọi là chiến hạm - thường là thuyền của tướng chỉ huy, thuyền đối thủy – dùng sức thuyền chọi thuyền, có khả năng đi biển tương đối tốt. Loại thuyền cỡ trung bình là loại có khoảng 30 tay chèo và khoảng 20 – 30 lính chiến đấu. Loại thuyền thứ ba là thuyền nhỏ (tiểu thuyền) hay thuyền nhẹ (khinh thuyền) - loại thuyền cơ động nhanh. Thuyền chiến thời này được trang bị thêm sào dài (can phách) và câu liêm.
Cũng có cơ sở để chia thuyền chiến thời Trần thành các loại thuyền tải lương, thuyền chở lính đổ bộ, thuyền đối thủy, thuyền liên lạc và thuyền chỉ huy. Đáng chú ý là loại thuyền đối thủy đảm nhiệm những trận thủy chiến, trong đó đối phương cũng có quân thủy. Bộ phận lính chiến đấu trên thuyền cũng như lính chèo, lái đều mang tính chất chuyên thủy hơn các lực lượng khác. Họ chịu sóng tốt, giỏi bơi lặn và ít nhiều có kinh nghiệm chiến đấu trên mặt nước. Trong trận thủy chiến ở Vạn Kiếp, cửa Hải Thị (năm 1285), đặc biệt trong những trận thủy chiến ở vùng biển Đông Bắc do Trần Khánh Dư chỉ huy và trận Bạch Đằng do Nguyễn Khoái chỉ huy, chúng ta thấy rất rõ nhu cầu cũng như sự có mặt của những thuyền đối thủy. Các thuyền đinh sắt của Hồ Hán Thương sau này chính là sự hình thành ổn định và chuyên hóa loại thuyền đối thủy đó.
Vấn đề có tính chất cách mạng nhất trong quân thủy cuối thời Trần là sự xuất hiện những pháo thuyền đầu tiên. Năm 1390, trong một trận chặn đánh quân Chiêm ở cửa Hải Triều (ngã ba sông Hồng – sông Luộc hiện nay), tướng Trần Khát Chân đã dùng pháo thuyền bắn chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga.
Năm 1403 – 1404, nhà Hồ bắt đầu cho đóng thuyền hai bụng/đáy (thuyền lưỡng phúc). Đó là một loại thuyền chiến hạng trung, đóng bằng gỗ, liên kết bằng đinh sắt, có buồm và nhiều mái chèo, có hai đáy (bụng): đáy trên chở lương thực, vũ khí hoặc lính chiến đấu; đáy dưới dành riêng cho phu chèo thuyền, chủ yếu dùng để vận tải.
Năm 1404, Hồ Nguyên Trừng chế tạo thuyền cổ lâu (cổ lâu thuyền) trên cơ sở kế thừa và phát triển kỹ thuật đóng thuyền lầu (lâu thuyền) bằng việc đặt súng Thần Cơ trên thuyền. Để đảm bảo bí mật, những thuyền này được ngụy trang như loại thuyền tải lương, với những tên như Trung tàu tải lương, Cổ lâu thuyền tải lương.
Sang thời Lê, thuyền chiến gồm ba loại: thuyền vận tải, thuyền chiến đấu và thuyền đi tuần hoặc do thám, liên lạc. Thuyền chiến đấu có các phiên hiệu như: Thiện Hải thuyền, Đấu thuyền, Lâu thuyền, Tẩu Kha thuyền, Khai Lãng thuyền, Hải Cốt thuyền... với hình dáng, cấu trúc, chạm khắc, màu sắc, cờ hiệu khác nhau. Đó là những thuyền dài - Thuyền Thiện Hải dài 65 thước (khoảng 26m), rộng 10 thước (khoảng 4m), 46 cột chèo - thấp mạn nhưng cơ động, phù hợp với tính chất hoạt động trong sông và ven biển, trọng tải ước chừng khoảng 100 – 150 tấn. Vỏ thuyền gồm các ván được ghép bằng đinh sắt. Mũi thuyền vát hơn đuôi thuyền và đều uốn cao hẳn lên, thường được gia cố thêm bằng những phiến đồng hoặc đinh đồng. Phần lòng thuyền dường như để trống, phía trên lát ván kín, tạo ra một mặt bằng hoạt động rất cần thiết khi chiến đấu. Hai bên mạn thuyền có những mái chèo dày đặc (trung bình khoảng 50 – 60 mái chèo). Bánh lái trông rất độc đáo, như một dấu hỏi đặt nằm ngửa, nối với hệ thống cần lái ở đằng đuôi thuyền. Dọc hai bên thuyền là những cột nâng mái, tương ứng với hệ thống mái chèo. Lầu chỉ huy đặt ở mũi thuyền, trang trí đẹp. Điểm độc đáo nhất của cấu tạo thuyền này là một mái che lớn, che kín hầu như toàn bộ thuyền, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người và vũ khí trên thuyền. Mỗi thuyền có từ 1 – 5 khẩu pháo. Điều này phù hợp với trình độ và xu hướng phát triển của quân thủy thế giới đương thời: thời kỳ phát triển cực thịnh của pháo thuyền. Trang bị cho lính chiến đấu trên thuyền gồm: súng hỏa mai, đao, dao găm, cung (hoặc nỏ), câu liêm… Đặc biệt trên thuyền chiến thời này có xuất hiện những chiếc phao hình quả bầu phòng khi thuyền đắm, tục gọi là quả nổi. Trên một số thuyền chỉ huy có thể được trang bị địa bàn và kính viễn vọng.
Đến thời Trịnh – Nguyễn, quân thủy của ta rất mạnh với những chiến thuyền chiến đấu ngang ngửa với chiến hạm của phương Tây. Năm 1643, thủy quân Chúa Nguyễn do Thế tử Nguyễn Phúc Tần chỉ huy đã dẫn đầu 50 thuyền chiến vây đánh 3 tàu chiến của Hà Lan (đồng minh của chúa Trịnh). Kết quả là đánh chìm 1 tàu chiến , hai chiếc kia bỏ chạy và một chiếc bị va vào đá ngầm rồi bị chìm. Tháng 8-1644, tàu Hà Lan do Thuyền trưởng Flavoer chỉ huy, được lệnh của Batavia đánh phá bờ biển Đàng Trong cũng lại bị quân Chúa Nguyễn đánh phải bỏ chạy. Một tu sĩ tên Choisy kể năm 1697, Chúa Nguyễn có 131 chiếc thuyền (chưa tính chiến thuyền địa phương), mỗi thuyền có chừng 60 tay chèo, 2 pháo thủ, 3 sĩ quan chỉ huy, hai trống trận. Tới thế kỷ 19, thuyền lầu được chọn như một loại thuyền chiến tiêu biểu cho quân thủy khi được khắc trên cửu đỉnh của triều Nguyễn.
Trong một bức thư của Jeaptiste Chaigneau cho biết, ở Quy Nhơn, thủy đội Tây Sơn có 54 tàu, 93 chiếc thuyền, 300 pháo hạm, 100 tàu buồm trang bị khá hùng hậu. Trong trang bị của thủy quân Tây Sơn xuất hiện thuyền đại hiệu – một loại thuyền được đánh giá là ngoại cỡ và là bước nhảy vọt trong lịch sử thuyền chiến nước ta. Thuyền đại hiệu được coi là các chiến hạm hay những pháo đài lớn di động trên biển, gồm ba loại: loại lớn nhất có 66 pháo và 700 lính; loại thứ hai có 50 pháo và 500 lính, loại thứ ba có 16 pháo và 200 lính. Số pháo, cỡ pháo và số lính trên các chiến hạm đó hoàn toàn tương xứng với các hạng chiến hạm đang phổ biến ở châu Âu đương thời. Những chiến hạm trên vượt xa các chiến hạm mà Pháp, Bồ Đào Nha đã cung cấp cho Nguyễn Ánh, cũng như do Nguyễn Ánh bắt chước đóng theo. Với những chiến hạm này, dù đóng theo kiểu Âu hay theo kỹ thuật truyền thống, Tây Sơn đã tạo ra một bước nhảy vọt trong lịch sử thuyền chiến nước ta. Và những pháo thuyền này đã làm khiếp đảm quân Xiêm, quân Trịnh, quân Nguyễn trong các trận Rạch Gầm – Xoài Mút, Phú Xuân…
Dưới thời Nguyễn Ánh và sau là Gia Long, Minh Mạng, triều đình đã cho đóng nhiều tàu chiến vỏ gỗ bọc đồng theo mẫu của phương Tây mang tên Phượng Phi, Bằng Phi, Long Phi, Con Sáo… Tàu được chạy bằng buồm, chiếc tàu to nhất được lắp 36 đại bác, chiếc vừa lắp 26 đại bác và mỗi tàu có 300 thủy thủ. Những tàu này có khả năng đi đến các vùng biển xa cũng như đến các nước láng giềng như các tàu chiến cùng loại của phương Tây. Nhờ những tàu chiến theo kiểu phương Tây này, kết hợp với việc luyện tập theo phương pháp mới, thủy quân của nhà Nguyễn lớn mạnh và làm nòng cốt trong cuộc chiến tranh chống quân Tây Sơn.
VĂN ÚC (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Sức mạnh đáng nể của thủy quân thời chúa Nguyễn

Thủy quân dưới thời các chúa Nguyễn (1558 - 1777) đã hoàn toàn làm chủ vùng biển đảo Đàng Trong, đặt nền móng xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo sử sách, thủy quân được tổ chức theo thuyền, đội, cơ và dinh. Ngoài lực lượng chính quy, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một số các đội thuyền được tổ chức khá đặc biệt.
Nhiều nguồn tài liệu cho thấy, quần đảo Hoàng Sa ngày nay chính là bãi cát vàng thuộc phủ Quảng Ngãi trước đây, nơi đội Hoàng Sa hằng năm ra khai thác sản vật. Mỗi năm một lần, với khoảng thời gian 6 tháng ở lại trên đảo, đội Hoàng Sa hoạt động công khai và thường xuyên chứng tỏ quần đảo hoàn toàn thuộc quyền quản lý của các chúa Nguyễn. Từ thực tế đó khẳng định, từ thời các chúa Nguyễn quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền biển đảo nước ta.
Tại các phủ ven biển, chúa Nguyễn đều đặt riêng các đội thuyền chuyên đi thu nguồn lợi từ các đảo về. Trong đó, đội Hoàng Sa ở phủ Quảng Ngãi được xem là lớn nhất, làm nhiệm vụ khai thác và kiểm soát quần đảo Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa được biên chế và tổ chức như một thủy đội biệt lập, kiêm quản luôn đội Bắc Hải hoạt động ở vùng đảo Trường Sa.

Chính sử triều Nguyễn ghi rằng, đội Hoàng Sa là một tổ chức khá đặc biệt trong thời kỳ các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Đó là một tổ chức vừa mang tính dân sự vừa mang tính quân sự, vừa tư nhân vừa Nhà nước; vừa có chức năng kinh tế vừa có chức năng quản lý nhà nước trên một vùng rộng lớn của Biển Đông thời ấy.

Theo TS Nguyễn Nhã, đội Hoàng Sa ra đời sớm nhất từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), hay chắc chắn là từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), bởi chính vào thời này, các thuyền của đội Hoàng Sa mới đi vào cửa Eo (Thuận An) và nộp sản vật tại chính dinh Phú Xuân. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đội Hoàng Sa vẫn tồn tại và hoạt động dưới nhiều triều đại khác nhau.
"Hoạt động của đội Hoàng Sa tới các đảo phía bắc gần phủ Liêm Châu, Hải Nam (Trung Quốc), phía nam tiếp tới Côn Lôn, Hà Tiên. Dù chính đội Hoàng Sa không đủ lực lượng tự mình đi khắp nơi, song lại kiêm quản các đội khác nên phạm vi hoạt động của các đội rất rộng, khắp các đảo trên biển Đông chạy dài ngoài khơi dọc các tỉnh miền Trung, từ phía tây nam đảo Hải Nam xuống tới vùng Trường Sa hiện nay. Đội Hoàng Sa sử dụng một loại thuyền buồm nhẹ và nhanh nên dễ dàng né tránh các đá san hô cũng như dễ dàng cập được vào bờ các đảo san hô như ở Hoàng Sa và cũng thích hợp với hoàn cảnh của dân chài vùng biển Sa Kỳ, Cù lao Ré", TS Nguyễn Nhã cho biết.

Bên cạnh đội Hoàng Sa và Bắc Hải, dưới thời các chúa Nguyễn còn tồn tại một lực lượng các đội thuyền thường xuyên tuần tra trên biển - có nhiệm vụ “đánh bắt cướp biển…phát hiện, đánh đuổi các tàu nước ngoài do thám, can thiệp, đồng thời còn làm nhiệm vụ truyền tin. Chính nhờ lực lượng truyền tin mà năm 1643 chúa Nguyễn Phúc Tần mới có thể kịp thời đem thủy quân đánh đuổi tàu chiến của Hà Lan. Các chúa Nguyễn còn thiết lập Ty tàu, là cơ quan phụ trách việc quan hệ với tàu thuyền nước ngoài…
Về thuyền chiến, có rất nhiều loại. Thuyền chiến Đàng Trong thời kì này chủ yếu là thuyền pháo, được trang bị trực tiếp súng pháo trên các thuyền. Mỗi chiến thuyền đều có ít nhất một khẩu pháo ở đằng mũi. Tùy dạng thuyền mà số lượng pháo nhiều ít có khác nhau… Theo nhiều nguồn tài liệu, dưới thời các chúa Nguyễn đã có các xưởng chuyên đúc súng và xưởng đóng thuyền chiến.
Sức mạnh của thủy quân chúa Nguyễn được khẳng định và đánh giá cao qua những trận thủy chiến với tàu Tây phương. Theo sử sách kể lại cũng như theo Nguyễn Phúc tộc thế phả, năm 1644 người Hòa lan theo yêu cầu của Chúa Trịnh mang 3 chiếc tàu chiến bằng đồng rất lớn, trang bị vũ khí tối tân vào của biển Eo (cửa Thuận An - Huế) nhưng có lẽ do của biển cạn nên không vào được, mà đổi hướng tiến vào cửa Hàn (Đà Nẵng) nổ súng uy hiếp quân Nguyễn. 

Đây là lần đầu tiên đối đầu với tàu chiến ngoại quốc nên Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan triệu tập triều thần để bàn định. Chúa Thượng gọi một người Hòa Lan đang buôn bán ở đây để hỏi, tên này khoe khoang lực lượng hải quân Hòa Lan “bách chiến bách thắng”, hàm ý đe dọa. Chúa Thượng tự ái, bị tổn thương nên dứt khoát tấn công, ra lệnh thế tử Dũng Lê Hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này kế nghiệp cha trở thành Chúa Hiền) chỉnh đốn thủy quân ra cửa Hàn đón đánh, còn mình đích thân trợ chiến tại của Thuận An. 

Dũng Lê Hầu điều động 200 chiến thuyền, bốn phía vây hãm 3 chiếc chiến hạm của giặc. Mặc dù đại bác của giặc bắn xối xả nhưng thuyền của nhà Nguyễn nhẹ, cơ động nên vẫn bám sát chiếm hạm của giặc tấn công. Trước sự chiến dấu gan dạ anh dũng, một chiến hạm của giặc không chịu được phải luồn lách chạy thoát ra biển, chiếc thứ hai va vào đá ngầm chìm nghỉm. Chiếc thứ ba ngoan cố chống trả. Dũng Lê Hầu cho quân sĩ len lỏi lên thuyền giặc đánh gãy bánh lái, cột buồm, và tiến đánh xáp lá cà dồn giặc vào thế tuyệt vọng. Biết khó thoát nên tên thuyền trưởng bèn ra lệnh đốt kho thuốc súng trên tàu làm chiến hạm vỡ tan và bốc cháy thiêu rụi toàn bộ binh đội của chúng ở tên tàu. Đây là trận thủy chiến đầu tiên với chiến hạm nước ngoài và là chiến công oanh liệt nhất của thủy quân chúa Nguyễn.

Cuối thế kỷ 16, khi hoành hành cướp phá bờ biển Trung Quốc, Hải tặc Nhật Bản cũng tràn qua cả nước ta. Chúng kéo nhau đến Cửa Việt vào năm 1585. Hoàng Tử Nguyễn Phước Nguyên, con thứ sáu của Chúa Nguyễn Hoàng, đã điều binh đánh chìm hai chiếc tầu Ngọa khấu (giặc lùn Kenki). Đây là sử liệu đầu tiên đề cập đến mối liên hệ giữa Nhật Bản và Đàng Trong. Năm 1599, một chiếc tàu Kenki khác khi hải hành bị mắc cạn tại Cửa biển Thuận An cũng bị một tướng của Chúa Nguyễn Hoàng chận bắt được. Đầy đủ trang cụ bị tịch thu, cả thủy thủ đoàn tàu cướp biển bị bắt.  Hai năm sau, 1601, Chúa Nguyễn Hoàng gửi bức thư ngoại giao chính thức đầu tiên của nước ta đến Tướng Quân Shogun Tokugawa. Hai xứ Việt Nhật bắt đầu lập giao thương đường biển. Thương điếm vùng Hội An được thành lập với nhiều thương nhân ngoại quốc và đặc biệt đông nhất là người Nhật Bản, bắt đầu phát triển mạnh mẽ.

Dù không còn phải dụng binh nhiều sau năm 1802, Thủy quân Nhà Nguyễn vẫn còn rất mạnh. Nước Anh đưa thư xin ngoại giao thông thương ba bốn lần đều bị khước từ. Năm 1803 khi một Hạm đội của họ gồm 7 chiếc tàu tiến từ Biển Đông theo đường sông vào Hà Nội, bị quân ta đốt cháy. Không thấy chính phủ Anh Cát Lợi phản đối. Có lẽ vì Anh Quốc biết rằng mình có lỗi khi xâm nhập hải phận và lãnh thổ Việt Nam một cách bất hợp pháp, nên mọi việc cũng êm. Tài liệu hiếm này được Nhà Quân Sử Phạm Văn Sơn ghi lại trong Việt Sử Toàn Thư, xuất bản năm 1960, trang 591.

Như vậy, dưới thời các chúa Nguyễn, lực lượng thủy binh thực sự là một lực lượng quan trọng trong việc giữ gìn và bảo vệ vùng đất các các chúa cai quản, kiểm soát và làm chủ vùng biển Đàng Trong. Trên nền tảng đó, sau khi thống nhất đất nước, nhà Nguyễn có cơ sở để tiến hành đo đạc, kiểm soát và chính thức xác lập chủ quyền biển đảo Việt Nam, đó là những bằng chứng xác thực về sự tồn tại và khẳng định chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta trên biển Đông.
Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét