Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Trả lại vị trí lịch sử xứng đáng cho Ngô Thì Nhậm

Tuy tên Ngô Thì Nhậm trên bia Văn Miếu đã bị đục bỏ, nhưng ngày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời ông và trả lại cho ông chân giá trị của một người trí thức lỗi lạc, đã có những cống hiến lớn cho dân tộc trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học.
TS Nguyễn Thành Hữu
Là người hết lòng vì sự nghiệp của nhà Tây Sơn, sau khi Nguyễn Huệ mất đột ngột, Ngô Thì Nhậm đã từ quan về quê, nhưng nhà Nguyễn đã lên án ông tội bất trung, bất hiếu; chê trách ông đã bỏ vua Lê, chúa Trịnh theo Tây Sơn. Không chỉ bị đánh bằng roi ở Văn Miếu mà phần thông tin về ông từng khắc trên bia đá trong Văn Miếu năm Cảnh Hưng 36 (1775) cũng bị đục bỏ.
Làm câu đối lúc bị đánh
Nhà Tây Sơn sụp đổ, các võ tướng và một số quan văn bị xử phạt bằng đánh roi ở Văn Miếu trong số đó có Ngô Thì Nhậm. Chủ trì cuộc phạt đánh đòn đó lại là Đặng Trần Thường.
Vốn thù riêng, Đặng Trần Thường kiêu hãnh ra vế câu đối cho Ngô Thì Nhậm: "Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai". Vế đối hiểm hóc vì có 5 chữ ai và có chữ trần, tên đệm của Đặng Trần Thường.
Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế". Vế đối cũng có 5 chữ thế, nói lên hoàn cảnh và khí phách của người anh hùng và cũng có chữ thời, tên đệm của Ngô Thời Nhiệm.
Hai câu đối nhau cực kỳ chỉnh, không sai một li. Quả là lời lẽ và từ ngữ của bậc quốc sĩ, nói theo kiếm hiệp, hào khí ngất trời.
Có thuyết nói rằng: Nguyên câu đối lại của Ngô Thì Nhậm là: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, dù thời thế, thế nào cũng thế". Hoặc: "Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế nào vẫn thế". Đặng Trần Thường bắt ông phải sửa lại như câu nói: (thế đành theo thế, hay thế thời theo thế hoặc là thế thì phải thế). Ngô Thì Nhậm không nói lại. Thường tức giận sai người dùng roi tẩm thuốc độc đánh ông.
Cái chết được báo trước
Sau trận đòn, Ngô Thì Nhậm bị thuốc độc ngấm vào tạng phủ, biết mình không qua khỏi, trước khi qua đời ông có bài thơ tặng Đặng Trần Thường như sau:
"Ai tai Đặng Trần Thường - Chân như yến xử đường - Vi Ương cung cố sự - Diệc nhĩ thị thu trường". Nghĩa là: "Thương thay Đặng Trần Thường, nay quyền thế lắm đấy, nhưng khác nào như chim Yến làm tổ trong cái nhà sắp cháy, rồi sẽ khốn đến nơi. Giống như Hàn Tín giúp Hán Cao Tổ rồi bị Cao Tổ giết ở cung Vị Ương. Kết cục của ngươi rồi cũng thế đó. Tạm dịch thơ: "Thương thay Đặng Trần Thường - Tổ yến nhà xử đường - Vị Ương cung chuyện cũ - Tránh sao kiếp tai ương".
Quả nhiên sau này bài thơ ứng nghiệm, Thường bị Gia Long xử tử.
Xin nói thêm, Ngô Thì Nhậm còn có biệt tài tướng số và bói toán, vì vậy ông mới biết được Đặng Trần Thường sau này bị hung tử.
Đặng Trần Thường (1759 - 1813), đậu sinh đồ cuối đời Lê; là con cháu nhà Trần, phải cải sang họ Đặng do những biến đổi lịch sử khôn lường trước khi tới định cư tại thôn Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Khi theo Nguyễn Ánh, Đặng Trần Thường giữ Tổng lý đê chính Bắc Thành. Tháng 8/1809, về Phú Xuân nhận chức Thượng Thư rồi ra Bắc Thành thực thi công vụ. Năm 1810, có chiếu triệu về Phú Xuân làm việc tại Bộ Binh. Đặng Trần Thường được giao làm sổ sắc phong cho bách thần. Đang ở đỉnh cao danh vọng, ông bị sa cơ bởi những lời xúc xiểm của Lê Chất, kẻ vốn có nhiều hiềm khích với ông, nên ông đã bị nhà Nguyễn xử treo cổ...
Lại nói về Ngô Thì Nhậm, sau hành động tàn nhẫn của trận đòn thù tại Văn Miếu (1803), nhà Nguyễn tiếp tục lên án ông tội bất trung, bất hiếu; chê trách ông đã bỏ vua Lê, chúa Trịnh theo Tây Sơn. Không chỉ vậy, phần thông tin về ông từng khắc trên bia đá trong Văn Miếu năm Cảnh Hưng 36 (1775) cũng bị đục bỏ.
Theo giới nghiên cứu, việc đục bỏ tên Ngô Thì Nhậm tại bia Văn Miếu diễn ra vào thời Nguyễn vì lý do ông từng rời bỏ nhà Lê, làm quan cho ngụy triều Tây Sơn. Theo giáo sư sử học Lê Văn Lan, cũng có khả năng Ngô Thì Nhậm bị xoá tên khỏi bia đá Văn Miếu vào cuối năm 1788, khi Lê Chiêu Thống cùng quân Thanh tái chiếm Thăng Long và trả thù những người từng theo nhà Tây Sơn.
Được các tướng tài kính trọng
Bia đá Văn Miếu là di vật mà lịch sử để lại và chúng ta cần tôn trọng. Dù triều Lê hay triều Nguyễn, việc đục tên như vậy, đúng sai thế nào hậu thế đã có câu trả lời rõ ràng rồi, GS Lê Văn Lan cho biết: "Câu chuyện ấy càng khiến chúng ta nhớ tới Ngô Thì Nhậm nhiều hơn khi so sánh sự nghiệp của ông với toàn bộ các tiến sĩ được vinh danh cùng thời".
Ngày nay, từ những tài liệu chính xác của lịch sử, các nhà khoa học Việt Nam dần dần có đầy đủ cơ sở để nhìn lại cuộc đời ông và trả lại cho ông chân giá trị của một người trí thức lỗi lạc, đã có những cống hiến lớn cho dân tộc trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triết học và văn học. Tuy không phải là tướng cầm quân, nhưng là người am tường binh pháp, một nhà chiến lược tài ba, từng viết: Phàm quân đội cốt ở chỗ đoàn kết một lòng, không cốt ở chỗ đông. Binh quý ở chỗ tinh nhuệ, không quý ở chỗ nhiều. Kẻ khéo thắng là thắng ở chỗ mềm dẻo, chứ không ở chỗ ỷ mạnh lấn yếu, lấy đông hiếp ít, đây chính là tư tưởng quân sự quan trọng và đặc sắc của nghệ thuật chỉ đạo quân sự Việt Nam.
Từng giữ chức thượng thư Bộ binh, được các tướng tài Ngô Văn Sở, Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng kính trọng, càng chứng tỏ tài năng, binh pháp, thao lược của Ngô Thì Nhậm. Đặc biệt, trong cuộc đại phá quân Thanh, Ngô Thì Nhậm có nhiều ý kiến quan trọng, phân tích sâu sắc thế giặc, lòng dân, đưa ra chủ trương lui quân về phòng tuyến Tam Điệp, chuẩn bị chiến trường để Quang Trung từ Phú Xuân tiến quân ra tiêu diệt giặc.
Chủ trương lui quân, phải là người thông thạo phép dùng binh, có tầm nhìn của một vị tướng thao lược mới có thể làm được. Kế hoạch lui quân chiến lược tài tình đã được Nguyễn Huệ đánh giá cao: "Các ngươi đem toàn quân tránh mũi nhọn của địch để khích lệ lòng căm tức của quân sĩ, ngoài thì tăng thêm lòng kiêu căng của giặc. Đó cũng là kế nhử giặc. Mới nghe ta đã đoán là kế của Ngô Thì Nhậm".
Sử dụng ngòi bút như vũ khí lợi hại
Ngô Thì Nhậm mang hết tài năng tận tâm giúp dân, cứu nước. Sau khi chiến thắng quân Thanh, nhà Tây Sơn phải giải quyết hàng loạt những công việc, Ngô Thì Nhậm có những đóng góp to lớn về nội chính, thông qua những chủ trương, những hoạt động, bằng nhãn quan chính trị sáng suốt, sâu sắc, một tư tưởng tiến bộ, đã được thể hiện trong các chiếu dụ (chiếu lên ngôi, chiếu khuyến nông, chiếu hiểu du, chiếu cầu hiền) mà Ngô Thì Nhậm thay vua thảo ra để công bố.
Ngoại giao là nhiệm vụ trọng yếu, khó khăn, Vua Quang Trung đã nhìn xa, trông rộng: Mười ngày đuổi được giặc Thanh, nhưng nghĩ chúng là nước lớn gấp mười nước mình, sau khi bị thua một trận, ắt lấy làm hổ thẹn mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ người khéo lời lẽ mới dẹp nổi binh đao. Không phải Ngô Thì Nhậm thì không ai làm được. Trọng trách này Quang Trung giao cho Ngô Thì Nhậm. Bằng tài năng và trí tuệ uyên bác của mình, Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mặt trận ngoại giao, giúp triều Tây Sơn một trang sử ngoại giao vẻ vang, ngang với chiến thắng bằng quân sự.
Ngô Thì Nhậm viết nhiều sách khảo cứu, làm nhiều thơ văn, sử dụng ngòi bút như một vũ khí lợi hại, phục vụ cho sự nghiệp nội trị, ngoại giao với quan điểm ngọn bút phải thay giáo mác, làm thơ phải lui được giặc. ông là một trong các tác giả bộ tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Ngoài ra, ông còn để lại những sách giá trị trong kho tàng văn học cổ của Việt Nam.
Theo KIẾN THỨC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét