Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Trần Nhân Tông - người cầm quyền lý tưởng hiếm hoi của lịch sử

Điều hòa được mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trên thực tế là khác biệt và vẫn trên đà nới rộng sự khác biệt, đó là một công việc không dễ dàng đối với người cầm quyền, nhất là ở vị trí quyền lực tối cao, ở vị trí quốc chủ.
Đối với đại đa số người Việt Nam qua các thời đại từ đầu thế kỷ XIV tới nay, Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là một cái "tên thiêng", bao gồm nhiều kết tinh trên nhiều phương diện.
Bảo vể chủ quyền và thống nhất lãnh thổ
Trước hết, Trần Nhân Tông là mẫu người cầm quyền lý tưởng hãy còn là hiếm hoi trong lịch sử hiện thực.
Là con trưởng của vị vua thứ hai vương triều Trần (Thánh Tông), theo vương chế thời bấy giờ, Hoàng Thái Tử Trần Khâm mặc nhiên sẽ là người kế thừa vương vị.
Những tranh chấp về ngôi vị này trên thực tế từng diễn ra quyết liệt vào mấy thập kỷ đầu tiên của vương triều Trần. Như điều từng được biết tới một cách rộng rãi, người lập nên vương triều Trần đích thực lại không phải là người đảm trách lấy sứ mệnh của một Hoàng đế sáng nghiệp. Với hàng loạt những thủ đoạn, âm mưu và hành vi chính trị phức tạp nhưng đều mang tính hướng đích quyết liệt, Trần Thủ Độ dù sao cũng đáng được ghi nhận là một trong những nhà đảo chính cung đình hiếm hoi trong lịch sử đã hoàn tất đại sự của mình với ít biến cố gây đảo lộn xã hội nhất và ít đổ máu nhất. Đặt người cháu họ mới 8 tuổi lên ngai vàng, đương nhiên Trần Thủ Độ (1194 -1264) phải nắm lấy vị trí Thái sư phụ chính, thực hiện vai trò người cầm quyền tối cao trên thực tế. Sau trên dưới bốn chục năm giữ đại quyền, trong đó có tới hơn hai chục năm nhiếp chính, Trần Thủ Độ đã góp công cực lớn vào việc ổn định "trật tự nội bộ Hoàng gia".
Những biến cố lộn xộn tai tiếng nhất liên quan tới việc tranh giành quyền lực tối cao cơ hồ đều liên quan tới An Sinh Vương Trần Liễu và về cơ bản cục diện đã ngã ngũ theo hướng ổn định sau khi ông này mất (1251). Tâm ý và lối hành xử của Trần Quốc Tuấn, người con trai lẫy lừng của người từng nhăm nhe ngôi báu ấy vào những năm tháng tiếp theo đã góp phần quyết định loại bỏ sự tranh chấp âm ỉ ngôi vua giữa các cá nhân và các chi trong nội bộ hoàng tộc.
Ngôi vua đến thời điểm Trần Khâm làm Hoàng thái tử không còn bị tranh giành, nhưng bản thân người được mặc định  nắm giữ ngôi vị đó thì lại từng có thời gian khá dài không muốn giữ nó.
Cả chính sử lẫn các thư tịch bổ sung khác (đặc biệt là Thánh đăng ngữ lục) đều thuật rằng ngài từng muốn nhường ngôi cho em trai là Đức Việp, chỉ đến lúc vua cha khóc mà yêu cầu thì ngài mới nguôi ý định ấy. Ngài cũng từng lặp lại hành vi của ông nội mình, tức Trần Thái Tông, nửa đêm bỏ Hoàng thành tìm lên Yên Tử, một địa chỉ tu hành Phật giáo nổi tiếng, nơi mà về sau, khi gắn với tên tuổi của Điều Ngự Giác Hoàng Trúc Lâm đệ nhất tổ thì trở thành thánh địa!
Miễn cưỡng nhận ngôi vị mà trong mắt hết thảy người đời là tột bậc cao sang, còn trong nhận thức của người am tường chính sự cũng như theo lý luận của các học thuyết - hệ tư tưởng lưu hành lúc bấy giờ (chủ yếu là theo lý luận Nho gia và Pháp gia) thì là vị trí đòi hỏi người đảm trách cực kỳ nhiều phẩm chất, Trần Nhân Tông đã hoàn thành sứ mệnh ấy theo cách không thể xuất sắc hơn.
Bổn phận đầu tiên của người làm vua là bảo vệ cho được sự toàn vẹn của quốc gia, cả về chủ quyền và lãnh thổ, bảo vệ che chở được cho mọi thành viên của cộng đồng. Đối kháng thành công với mọi thế lực ngoại xâm, người làm vua mới có thể bảo vệ lợi ích riêng của vương triều một cách hữu hiệu. Không thể có một lôgic nghịch đảo: khi chủ quyền quốc gia bị triệt bỏ, lãnh thổ quốc gia bị thôn tính, thần dân của một vương triều phải quàng thêm lên vai một ách nô lệ nữa, thì không bao giờ lợi ích của triều đại đang thống trị lại có thể còn "nguyên vẹn" hay về cơ bản vẫn được bảo toàn. Tuy nhiên, cái bài học vỡ lòng, sơ đẳng ấy về chính trị lại rất thường bị giới cầm quyền ở các chính thể yếu kém học mãi mà không thuộc!
Vào thế kỷ XIII - nửa đầu thế kỷ XIV, như mọi sử gia đều am tường, quân Mông Cổ là đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới, đế chế Nguyên - Mông là đế chế rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại từ trước cho tới tận lúc bấy giờ, trải ra trên cả hai châu lục (Á - Âu). Vó ngựa xâm lăng của đội quân này còn sang đến tận châu Phi. Và như đã biết, chỉ ở nước Đại Việt, đội quân được coi là bách chiến bách thắng này mới phải gánh chịu thất bại. Không phải một lần, hai lần, mà là ba lần, cuộc chiến sau dữ dội hơn cuộc chiến trước, thất bại sau nặng nề hơn thất bại trước.
Trần Nhân Tông làm vua được 7 năm thì xảy ra cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ hai, được 10 năm thì phải tiến hành cuộc chiến thứ ba. Dù rằng trong cả hai cuộc kháng chiến này, cạnh vua còn có Thượng hoàng (Trần Thánh Tông mất năm 1290), nhưng cả về danh chính ngôn thuận cả trên thực tế phản ánh qua chính sử, Trần Nhân Tông thực sự là vị quốc chủ toàn quyền đưa ra những quyết định tối hậu. Chỉ cần nhìn vào cách xử lý mức khen thưởng đối với Đỗ Hành, người "chỉ được phong Quan nội hầu" trong khi về công trạng, đáng "được ban quốc tính" và chức vụ cao hơn, vì "khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng lên Quan gia (tức vua) lại dâng lên Thượng hoàng" thì đủ rõ.
Ứng xử với nước lớn láng giềng
Như đã nói, thách thức mang tính sinh tử đối với bất cứ một nguyên thủ quốc gia nào ở mọi thời và mọi xứ sở là nạn ngoại xâm. Những quyết sách chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự và cả văn hóa nữa trong trường hợp đang diễn ra sự đối đầu thực sự giữa hai thế lực quyền lực bao giờ cũng đòi hỏi sự xác đáng và tinh tế cao độ.
Từ xa xưa trong lịch sử, người Việt đã phải chịu đựng trạng thái mất cân bằng truyền kiếp trong quan hệ với các thực thể quyền lực được tạo dựng nên trên lãnh thổ của quốc gia phương Bắc, không kể đó là thực thể quyền lực gốc Hán hay thực thể quyền lực có nguồn gốc ngoại lai. Vào thời chưa tồn tại cái gọi là công pháp quốc tế, quy luật cạnh tranh sinh tồn vẫn là quy luật chủ yếu chi phối mối quan hệ giữa các thực thể quyền lực, việc giữ gìn độc lập thực thụ cho quốc gia trở nên là tiêu chuẩn đầu tiên xác định tính "chân chính" của bất cứ một vương triều nào ở Việt Nam.
Tuy về mặt lý thuyết, Nho giáo có nêu lên làm chuẩn mực mối quan hệ giữa nước lớn và nước nhỏ là nước nhỏ phải biết kính sợ và tôn thờ, phục tùng nước lớn, còn nước lớn phải thương yêu, che chở nước nhỏ, nhưng phạm vi áp dụng thứ lý thuyết dường như ít nhiều "nhân bản" ấy chỉ giới hạn trong vùng văn hóa, khu vực địa chính trị Đông Á truyền thống, nơi chỉ có một nước tự nhận và trong ứng xử công khai cũng được các nước xung quanh coi là nước lớn, là triều đình duy nhất được mệnh danh là Thiên triều, cho nên lý thuyết ấy khi triển khai trong những mối quan hệ lịch sử hiện thực, thì hầu như bao giờ cũng mất gần hết ý nghĩa văn hóa chính trị, chỉ trơ lại cái lõi "tự nhiên" là "trì cường lăng nhược" (lấy mạnh hiếp yếu).
Đối phó có hiệu quả với thế lực ngoại xâm từ phương Bắc từ hàng ngàn năm trước đã luôn luôn là sứ mệnh khó khăn bậc nhất của giới lãnh đạo quốc gia. Do vậy mà với ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông, vương triều Trần trở nên là niềm tự hào của mọi người dân Đại Việt, đặc biệt hai vị vua cha - vua con (Trần Thánh Tông - Trần Nhân Tông) hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là anh hùng dân tộc.
Nguyên thủ của quốc gia nào dĩ nhiên cũng phải hành động trước hết vì lợi ích của quốc gia ấy. Nhà cầm quyền thực tế ở bất cứ thời đại nào, xứ sở nào cũng không thể là các nhà đạo đức thuần khiết, nhà nhân đạo chủ nghĩa "toàn tòng", tuân thủ nghiêm nhặt những chuẩn mực trừu tượng, lý tưởng nhưng cũng siêu hình, phi thực tế. Những chủ trương và hành động thực tế của Trần Nhân Tông với tư cách là bậc quốc chủ trong mối quan hệ với các láng giềng kể cả với nhà Tống, nhà Nguyên được khai triển với rất nhiều dạng thức phong phú, nhưng điều đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là tất cả đều toát lên khát vọng hòa bình, hay chí ít, trong những trường hợp bất khả kháng, là ít tốn xương máu nhất, ít tổn thất sinh mạng nhất, về cả mọi phía.
Cuộc hôn nhân chính trị mà ngài chủ động và kiên trì xúc tiến giữa công chúa Huyền Trân và vua Chiêm Thành Chế Mân dĩ nhiên có mục đích mở rộng cương vực của vương triều, nhưng nói theo ngôn ngữ ngày nay, là phát huy tối đa sức mạnh của "quyền lực mềm", đưa lại lợi ích quốc gia theo một cách thức hòa bình nhất có thể.
Điều hòa các nhóm lợi ích
Sau ba lần chống ngoại xâm đối đầu với cùng một kẻ thù, và đó vẫn là một kẻ thù mạnh sau cả ba lần thua, giới cầm quyền ở Đại Việt mà đứng đầu là Trần Nhân Tông càng ngày càng ý thức sâu sắc hơn nhiệm vụ làm gia tăng sức mạnh quốc gia trong thời bình, vừa để mang lại hạnh phúc và sự thịnh vượng cho cộng đồng, vừa coi đó là biện pháp quốc phòng ít tốn kém nhất.
Làm thế nào để vẫn bảo đảm được lợi ích mang tính đặc quyền tối thiểu của Hoàng tộc và giới quý tộc, nhưng vẫn phải làm cho đông đảo cư dân - thần dân cảm nhận rằng mình đang được sống trong cảnh "thái bình thịnh trị", nói cách khác, điều hòa được mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trên thực tế là khác biệt và vẫn trên đà nới rộng sự khác biệt, đó là một công việc không dễ dàng đối với người cầm quyền, nhất là ở vị trí quyền lực tối cao, ở vị trí quốc chủ.
Với gần ba thập kỷ làm vua rồi làm Thượng hoàng (kể cả lúc đã xuất gia thì vẫn không thôi là Thượng hoàng), nhìn lại tất cả những gì Trần Nhân Tông đã hiện thực hóa được trong cả hai ngả nội trị và ngoại giao, có thể khẳng định một lần nữa rằng Ngài là vị quốc chủ sáng giá, lỗi lạc nhất trong lịch sử quốc gia - dân tộc Việt.
TRẦN NGỌC VưỢNG (TUẦN VIỆT NAM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét