Trên nền tảng sinh thái vốn có, Tam Kỳ (Quảng Nam) thúc đẩy thành phố tăng trưởng xanh, hài hòa với môi trường sống, tạo tiện ích cho cộng đồng dân cư phát triển bền vững .
Tổ chức Định cư con người Liên Hiệp Quốc tại châu Á (UN Habitat châu Á) trao tặng cho TP Tam Kỳ (Quảng Nam) giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á năm 2015” hồi tháng 10 tại Nhật Bản.
Theo lãnh đạo TP, ý tưởng dự thi xuất phát từ lịch sử, phong thủy đặc thù địa phương 5 núi, 5 sông gắn liền với thiên nhiên và con người. Tam Kỳ là nơi hợp lưu của ba dòng sông gồm Bàn Thạch và hai nhánh sông Tam Kỳ xưa (nay gọi là sông Tam Kỳ và sông Trường Giang).
Đây là giải thưởng quốc tế do 4 tổ chức trao tặng: Văn phòng Tổ chức định cư con người Liên Hợp Quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương, Ủy ban định cư châu Á, Tổ chức thiết kế phong cảnh châu Á và Trung tâm nghiên cứu đô thị TP Fukuoka (Nhật Bản) công nhận. Giải thưởng này nhằm tôn vinh những nỗ lực to lớn của các thành phố châu Á theo tiêu chí phát triển, sáng tạo an toàn, sinh thái bền vững đề cao giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương.
Trao đổi với Zing.vn, ông Văn Công Tuấn, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, tiêu chí để vinh dự đạt giải thưởng quốc tế này là cảnh quan thành phố đẹp, hài hòa môi trường sống tạo tiện ích cho cộng đồng dân cư phát triển bền vững.
Cuối năm 2014, TP Tam Kỳ thuê Công ty tư vấn Nikken Sekkei Civil Engineering(Nhật Bản) hoàn thành đồ án quy hoạch thành phố theo định hướng đô thị xanh đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050.
Dòng sông Bàn Thạch uốn cong hình chữ S tạo nên khung cảnh thanh bình giữa lòng TP Tam Kỳ. Tương truyền, những năm 1.600, trên hành trình mở cõi về phương Nam, dưới thời vua Lê Trung Hưng, từ Biển Đông, cư dân Thanh - Nghệ - Tĩnh nhìn vào thấy ba mô đất nhô cao thành hình tam giác - nơi hợp lưu của sông Bàn Thạch và hai nhánh sông Tam Kỳ và Trường Giang. Họ quyết định đưa thuyền vào khảo sát, nhận thấy nơi đây đất đai màu mỡ nên quyết định an cư tại đây. Sau đó họ đặt tên vùng đất này là Ba Gò, sau đổi thành Ba Kỳ và năm 1906 đặt tên Tam Kỳ.
Thành phố Tam Kỳ sở hữu phong thủy đắc địa, độc đáo với 5 núi An Hà, núi Dài, Ba Ty, Trà Cai và núi Cấm cùng với 5 sông Tam Kỳ, Bàn Thạch, Trường Giang, sông Đầm và Kỳ Phú.
Khác với nhiều địa phương khác, TP Tam Kỳ phát triển không gian đô thị nhưng vẫn quyết giữ lại đất đai làng quê đảm bảo cảnh quan sinh thái.
Trụ sở Ủy ban nhân tỉnh Quảng Nam giữa trung tâm TP Tam Kỳ vẫn còn giữ nguyên vẹn dấu tích xưa "cửa lá trúc" (thể hiện cốt cách người quân tử) cổng ra vào. Nhiều cây xanh cổ thụ tỏa bóng mát xung quanh.
TP Tam Kỳ đang nỗ lực phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng sinh thái, văn hóa, thân thiện và nhân văn.
Để đạt giải thưởng "Thành phố cảnh quan châu Á", nhiều năm qua, địa phương này chú trọng đầu tư trồng cây xanh gắn liền với các dự án hạ tầng đô thị."Trung bình mỗi năm, chúng tôi trích từ ngân sách và huy động nguồn xã hội hóa từ 3 đến 5 tỷ đồng để trồng cây xanh trong đô thị. Ngoài ra, thành phố cũng phát động cán bộ công chức, viên chức cùng người dân trồng cây xanh trong cơ quan, trường học và ở các khu vực dân cư", Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, Văn Công Tuấn cho biết thêm.
Nhiều năm qua, TP Tam Kỳ cũng tập trung khảo sát, lập quy hoạch trồng, chăm sóc và bảo tồn các loại cây xanh phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu đặc thù ở miền Trung. Qua nghiên cứu, địa phương này quyết định chọn các loại cây me (ăn trái), cây nhội, long não... để trồng tạo bóng mát lâu dài trên các tuyến phố.
Dù mới chỉ đạt tiêu chuẩn đô thị loại 3 thế nhưng tiêu chí cây xanh toàn TP Tam Kỳ đã đạt tiêu chí cây xanh vượt gần gấp đôi của đô thị loại 2. Cây xanh toàn đô thị TP Tam Kỳ đã đạt gần 15 m2/người.
Để xứng tầm với giải thưởng "Thành phố cảnh quan châu Á", thời gian tới, TP Tam Kỳ huy động, tận dụng từ nhiều nguồn vốn tập trung nạo vét những đoạn sông bồi lấp, tăng cường trồng cây xanh tạo hành lang mềm bảo vệ hai bên bờ các dòng sông. Chú trọng phát triển các làng quê sinh thái, phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn với gìn giữ môi trường đô thị thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Zing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét