Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Đám cưới của người Đàng Ngoài


Một đám cưới xưa ở miền BắcẢNH: T.L
Chế độ đa thê vẫn còn là thông lệ ở nước này, nơi những kẻ quyền quý không ai bị truy tố hay bị trừng phạt nếu lấy vợ bé; hoặc giữ vợ cả như những người có thế giá thường làm, hoặc bỏ vợ cả như thỉnh thoảng xảy ra nơi dân chúng.

Phép thử rể tương lai
Về hôn nhân, tất cả thường theo cách thức như sau: cha mẹ đôi bên bắt đầu đề cập tới khế ước hôn nhân, ngay khi con cái còn nhỏ dại và còn ít tuổi, mặc dù thủ tục đầu tiên luôn luôn bắt đầu từ bên nhà trai. Họ muốn làm thông gia với một gia đình khác cùng ngang hàng với mình, thì họ nhờ một đệ tam nhân đến hỏi bên nhà gái xem có bằng lòng gả con gái cho con trai mình không. Nếu bằng lòng thì bên nhà trai sẵn sàng chính thức đề cập tới. Họ đến nhà gái mang theo phẩm vật và tiền cưới tùy theo gia cảnh. Khi đã nhận sính lễ thì sự hứa hôn được công nhận và kể từ lúc này hai bên không được tự ý từ chối trừ khi có lý do quan trọng.
Bố vợ tương lai có thể tìm hiểu phong cách, giá trị tinh thần và thân thế người rể tương lai. Ông đòi người rể tương lai đó vừa tới tuổi trưởng thành phải đến ở nhà mình. Ông giao cho công việc làm để thử, việc nhà cũng như việc ở ngoài. Nếu trong cuộc thử này, ông thấy có tính nết xấu, không có giáo dục, lười biếng và không biết cách quán xuyến thu xếp công việc nhà thì bấy giờ theo lương tri và thông tục cho phép, ông trả lại nhà trai cùng với tiền bạc đã nhận trước đây. Còn trái lại nếu ông hài lòng thì sau cuộc thử này ông giữ lại một hay hai năm hoặc lâu hơn, nếu con gái chưa tới tuổi lấy chồng.
Đàng Ngoài qua ghi chép của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: Đám cưới của người Đàng Ngoài 2
Tiến hành hôn lễ
Trước hết phải thông báo cho cả họ hàng bên nhà trai cũng như bên nhà gái để xem có cản trở về huyết thống do luật nước cấm. Vì con của hai anh em, các cháu ở cấp nào tuy xa cũng không bao giờ được lấy nhau. Các cháu của anh em trai và chị em gái thuộc ba đời thì có thể lấy nhau, nhưng trong hai đời thì không được. Còn con của hai chị em gái có thể lấy nhau tuy mới có hai đời.
Khi đã báo tin cưới cho tất cả họ hàng gần (những người này không quên gửi quà tới cho buổi lễ thêm phần long trọng) thì cũng phải đưa tin cho quan cai trị và những vị kỳ hào nơi mình ở, cũng mời họ đến dự tiệc cưới vào một ngày đã chỉ định. Việc thông tin công cộng này thay cho việc thông báo chính thức và là việc rất cần thiết, vì nếu bỏ thì coi như không có phép cưới và không chính thức thành phép, có khi còn bị pháp luật và tục lệ trong nước trừng phạt như thể làm trộm vụng. Thế nên có thể biết rằng những hôn nhân trộm vụng đều bị truy tố, ngay cả nơi lương dân.
Xong các việc này rồi thì chú rể vì phải chịu tiền cưới xin cho cô dâu nên đem số tiền hai bên đã thỏa thuận đến nhà gái. Nhà gái không được giữ tiền, phải dùng tất cả vào việc sắm sửa áo quần và đồ dùng cho cô dâu. Dẫu sao để cho phải phép lịch sự thì ông bố thường cho con gái thêm tiền, tùy gia cảnh, để con đem theo về nhà chồng. Vì thực ra để sắm sửa thì đã dùng một phần ở tiền cưới đem tới từ hôm trước với nghi thức long trọng và cảnh trí tưng bừng, có những người thế giá nhất đến dự, nếu đôi tân hôn thuộc dòng họ sang giàu. Còn nếu là thường dân thì tất cả làm trong ngày cô dâu được đón về nhà chú rể.
Đoàn rước dâu về nhà trai, đứng vây quanh bàn thờ tổ tiên dựng ở phòng tiệc có hương hoa thơm phức. Ở đây bố chồng (hay người chú bác nếu bố chết) quỳ trước bàn thờ và cô dâu chú rể quỳ hai bên, ông thưa với tổ tiên: “Thưa thân phụ rất đáng kính, hôm nay cháu trai cưới cháu gái Mỗ... này và chính thức nhận làm bạn trăm năm, xin chứng kiến cho các cháu và phù hộ cho các cháu được hạnh phúc, sống lâu hòa hợp, được khang cường, hoan lạc và thịnh vượng, xin cho các cháu sinh con xinh đẹp, khỏe mạnh, ngoan ngoãn và đức hạnh làm cho cha mẹ vui mừng và sung sướng. Để tỏ niềm vui trong dịp cưới xin này, chúng con sửa mâm cỗ xin mời song thân trước hết làm gia chủ chứng kiến cho và xin phù hộ trước hết cho hai cháu tân hôn”. Khấn xong là vào tiệc. Hôn nhân chính thức thành và bền chặt, nhất là về phía người vợ, không bao giờ được bỏ nhà hay bỏ chồng, mặc dù người chồng được giữ quyền bỏ vợ vì một nết xấu vô danh nào đó hoặc vì thay lòng đổi dạ hay chán ghét.
Điều này ít thấy nơi dân nghèo khó, vì nơi kẻ quyền thế, họ thường lấy nhiều vợ, thế nên khá ít người bỏ vợ khi có bất hòa hay vì thay lòng đổi dạ. Thực ra theo luật nước này thì cấm người đàn bà có chồng không được lấy chồng khác.
Khi một trẻ vừa lọt lòng mẹ thì người ta dùng mực hay phẩm hồng vạch hình thập tự trên trán. Lần đầu tiên tôi thấy vẽ trên trán đứa bé, tôi đã hỏi cha mẹ vì cớ nào họ làm như vậy. Họ trả lời là để cho ma quỷ (thù địch của đứa bé) không làm hại trẻ hay gây tai họa cho đứa bé. Tôi gạn hỏi thêm xem họ biết tại sao hình đó có phép trừ tà ma thì họ không thể đáp gì hơn là họ giữ một tục lệ có từ lâu đời mọi người trong nước này đều làm.
Alexandre De Rhodes 
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét