Một ngày lễ trong cung ngày xưa
Người ta mơ màng tin tưởng rằng mỗi năm tới ngày sinh, chúa Đàng Ngoàinhận được một vía mới, thay thế cho vía đã yếu nhược hay suy tàn vì việc trị nước suốt trong năm qua.
Trước ngày sinh nhật của chúa, từ hết các tỉnh thuộc lãnh thổ chúa, người ta đem tới phẩm vật để bày trên rất nhiều bàn đặt trong phủ và sửa soạn bữa tiệc linh đình để chúa thiết đãi hết các tướng lãnh và quân binh bảo vệ ngài.
Nghi lễ chính làm vào chính ngày sinh, lễ này dựa vào một sai lầm thông thường trong triết học của người Đàng Ngoài. Họ cho rằng mỗi người, ngoài ba thần trí họ gọi là ba hồn, những hồn này hoạt động lộn xộn trong thân xác chúng ở, lại còn bảy tinh thần cũng ở trong thể xác, nhưng họ không chỉ định sự phụ thuộc của mỗi tinh thần ấy thế nào, như chúng ta phân biệt giác hồn và súc sinh hồn, cũng không đặt tên cho mỗi tinh thần đó, chỉ gọi chung là bảy vía. Thế nên khi một người nào bất ngờ bị một cơn sợ hãi do một tai nạn đột khởi thì họ nói là mất vía. Mà phái nữ thường hay sợ hơn phái nam, và hay mất nhiều hơn, nên họ gán cho những chín vía. Thực ra còn một lý do khác để họ đặt cho phái nữ một số vía nhiều hơn, được bảo tồn lâu dài, vì thường thường đàn bà sống lâu hơn đàn ông.
Còn về chúa, người ta mơ màng tin tưởng rằng mỗi năm tới ngày sinh, ngài nhận được một vía mới, thay thế cho vía đã yếu nhược hay suy tàn vì việc trị nước suốt trong năm qua. Thế là vào tảng sáng, trước khi mặt trời mọc, có một cỗ xe của chúa đi ra khỏi kinh thành, xe không người, có rất nhiều quân binh võ trang tháp tùng và nhiều dân đi theo. Tới một cánh đồng rộng và đẹp có nhiều cây cối và cành lá tươi xanh, thì xe dừng lại ở giữa, trong khi đó quân binh và dân chúng rảo khắp vùng lân cận hái thật nhiều hoa nở trong mùa và chặt những cành đẹp, những chùm lá xanh tươi để kết hoa cho ngai chúa, trang trí cỗ xe bằng hoa lá. Sau đó, đánh xe trở về theo hàng lối và long trọng như khi chiến thắng trở về vì họ tưởng tượng rằng vía mới của chúa ngự trên ngai để cho họ cúng tế.
Khi xe vào kinh thành một cách uy nghi thì đồng thời chúa cũng ra khỏi phủ ngự trên một xe danh dự khác, có hết các hoàng gia trong phủ, các tướng lãnh và quân binh cận vệ tháp tùng để đón tiếp vía tưởng tượng đưa từ miền quê tới. Gặp cỗ xe chúng tôi đã nói, kết hoa lá, thì chúa nhảy lên hôn hít những cành lá bao phủ, rồi sau khi tỏ ra đón tiếp rất nồng hậu con ma tưởng tượng, như thể được vía mới, chúa rất vui sướng và đắc thắng lên cỗ xe đã đưa chúa ra để trở về phủ.
Toàn dân theo sau lớn tiếng reo hò mừng rỡ. Ở đây hết các hoàng tử và tướng lãnh, quỳ gối trước mặt chúa, nhân dịp chúa vừa nhận được vía mới, tỏ lòng cung kính và vâng phục, trong khi đó quân binh và dân chúng đã đi theo lại tiếp tục lớn tiếng hoan hô vạn tuế cùng những lời hoan hỉ vang khắp phủ.
Nghi lễ kết thúc bằng một bữa tiệc trọng thể như yến tiệc nhà vua, không những các hoàng tử, các quan chính yếu trong phủ và tướng lãnh được dự mà cả quân binh nữa.
Một ít dị đoan của người Đàng Ngoài
Kinh nghiệm đã dạy họ biết rằng cho dù có tinh tú và số tử vi, họ có thể tránh được bất hạnh mà thời gian và giờ không may làm cho họ sợ. Hẳn họ cũng thấy thí dụ đáng ghi nhớ xảy ra cho chúa Đàng Trong, bị đạo binh chúa Đàng Ngoài tấn công. Chúa Đàng Ngoài đã chọc thủng biên giới, lúc đó có các nhà toán học cùng đi với ngài và theo ngài. Họ cho ngài xem trong đồng hồ chiêm tinh thấy giờ phải sửa soạn xông đánh quân địch là một giờ nguy hiểm vì có dấu hiệu rủi ro. Nhưng chúa hoặc vì bực mình hoặc vì khinh thường những nhận định mơ hồ, liền lấy chân đạp đồng hồ và phán: thật vậy à, như thế ta sẽ thấy quân địch xông vào lãnh thổ ta mà ta khoanh tay không dám đẩy lùi sao, như thể ta bó tay chịu tai họa lớn lao mất nước và kẻ ngoại lai xâm chiếm ư? Rồi quay về phía quân sĩ đang chờ quyết định và mệnh lệnh, ngài cao giọng quả quyết phán: Gắng lên, gắng lên, bớ quân sĩ, hãy cầm võ khí, vì là giờ tốt bênh vực chính nghĩa và sẽ là một giờ may mắn cho chúng ta và rủi ro cho quân địch, nếu chúng ta đuổi họ ra khỏi lãnh thổ ta và bắt chúng bỏ chạy. Thế là chúa cũng đứng lên với quân sĩ chống lại địch đã khá vào sâu trong lãnh địa và sau khi nâng đỡ cố gắng của quân sĩ, chúa quyết định xông đánh và cuối cùng bắt địch phải lui. Thế là giờ mà người Đàng Trong (cũng tin dị đoan như người Đàng Ngoài) coi như giờ rủi ro lại thành giờ may mắn.
Nếu buổi sáng lúc ra khỏi nhà để làm việc gì tốt và hệ trọng tới kết quả của công ăn việc làm mà gặp đàn bà chứ không phải đàn ông, thì họ trở về và rầu rĩ ngồi ở nhà, vì cho rằng việc này (nếu cứ tiếp tục) sẽ hỏng, cho dù họ biết rằng nếu bỏ thì sẽ mất.
Cũng vậy, khi ra khỏi nhà, bất cứ vào giờ nào, nếu họ hắt hơi hoặc người nào họ gặp khi vừa ra khỏi nhà, thì họ không dám tiếp tục đi, đành trở về nhà, vì sợ có tai họa xảy ra cho họ nếu họ cứ tiến hành và đi tới nơi họ đã định.
Alexandre De Rhodes
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)
(Trích từ Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài, Nguyễn Khắc Xuyên dịch, NXB Khoa học xã hội và nhà sách Dân Trí tái bản năm 2016)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét