Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

Oản đường Hàng Giầy - món quà của Tràng An

Thời khó khăn, nhận phong oản bà hay mẹ đưa cho mỗi khi đi chùa về là dứa nào cũng hít hà, nhấm nháp thứ bột trắng, mịn, tinh khôi, thơm thoảng thoảng mùi gạo nếp rang. Giờ đây, tuy không còn được lũ trẻ quý như trước nhưng món oản đường vẫn luôn hiện diện mỗi dịp lễ, Tết, đi chùa chiền như một sản phẩm ẩm thực quen thuộc của người Hà thành.

Cụ Đoàn Thị Tuyết (81 tuổi) đã có 40 năm trong nghề sản xuất và kinh doanh sản phẩm oản đường
Nói đến oản đường có tiếng, người ta hay nghĩ đến những chiếc oản thơm ngon, bắt mắt của Hàng Giầy. Trải qua nhiều sự đổi thay, những sản phẩm được trân trọng bày lên ban thờ này vẫn luôn tồn tại giữa nhịp sống hiện đại.
 
Tồn tại cũng khoảng gần 100 năm, vượt qua bao khó khăn, những người thợ làm oản nơi đây đã tạo nên thức bánh khiến nhiều người say mê, người già, trẻ nhỏ đều yêu thích. Tiếp nối cái đơn giản nhưng đầy tinh tế của ẩm thực Việt, cách thức, nguyên liệu làm oản cũng vậy, gạo nếp rang chín rồi xay thành bột mịn kết hợp với đường kính tinh luyện được đánh nhuyễn rồi dùng khuôn ép thành sản phẩm.
 
Tuổi thơ của đứa trẻ nào hầu như cũng còn ấn tượng với những chiếc oản đường bà hay mẹ mang về từ những dịp đi chùa, đi lễ hội và được mặc định gọi đó là lộc. Hồi ấy thiếu thốn đủ thứ, các loại bánh trái luôn quý hiếm với bọn trẻ con thiếu chất nên đứa nào cũng xuýt xoa khi được cho một phong oản.
 
Mở lớp giấy bóng xanh xanh, đỏ đỏ là ngửi thấy ngay mùi gạo nếp thơm lừng. Bẻ nhỏ từng miếng oản cho nhau, sẻ chia cái ngọt bùi, thơm phưng phức, đứa nào cũng cười tít mắt. Ăn cũng chỉ ăn từng miếng nhỏ, vì bột nếp dính, ăn miếng lớn sẽ nghẹn nhưng miếng nhỏ nhai từ từ sẽ cảm nhận cái thanh thanh của hương vị oản. Ăn xong, uống cốc nước là đã đủ no rồi.
 
 
Những chiếc oản đường này có thể nấu chè hoặc nấu bột trẻ em.
 
Dù ngày nay, bánh kẹo, hoa quả nhập tràn lan nhưng cái vị thơm của thức quà bình dị này vẫn khiến bất kỳ ai xao xuyến. Con gái cụ Đoàn Thị Tuyết, người vẫn kiên trì với nghề làm oản trên phố Hàng Giầy, cho hay, phẩm oản tưởng chừng bị mai một giữa rừng bánh kẹo đa dạng nhưng lại hoàn toàn không bị lao đao, gặp giai đoạn khó khăn, ế ẩm nào cả, lượng khách hàng mua từ trước đến nay như nhau. Bởi cái sự lên chùa là phải có phong oản, trên ban thờ tổ tiên nó cũng được hiện diện… nên người Tràng An vẫn mua oản như một sản vật truyền thống khó bỏ.
 
Do cửa hàng có diện tích nhỏ hẹp nên chỉ làm nơi buôn bán, còn cơ sở sản xuất tại nhà người con của cụ Tuyết ở Trần Khát Chân. Con cháu cụ vẫn truyền nhau giữ nghề làm oản của tổ tiên. Cụ Tuyết do tuổi cao nên đã nghỉ làm từ lâu nhưng chỉ cần đến cửa hàng sẽ thấy cụ ngồi tại quầy, mỉm cười mỗi khi có người hỏi về nghề oản của cụ.
 
Nghề làm oản khó làm giàu nhưng thanh tịnh và mang nhiều giá trị ý nghĩa nhân văn. Với lứa tuổi 50 trở về trước, không ai là không biết đến oản bột, một sản phẩm cúng thực lên chư Phật đã có mặt trong đời sống xã hội Việt Nam từ rất lâu đời của văn minh sông Hồng và đã phát triển sâu rộng đến chùa chiền, đền, đình, miếu, tự, từng làng, xã, từng gia đình, từng người, phổ biến nhất là ở cố đô Thăng Long xưa. Phẩm oản có dáng hình trụ như một cái tháp có chóp bằng, đơn sơ, nhỏ nhắn, hình tròn nhưng không góc cạnh như không có giới hạn, không có điểm bắt đầu và không có kết thúc như đức Phật đã nói. Có người lại cho rằng phẩm oản mang hình cái chuông, với màu trắng tinh khiết, ẩn chứa sâu xa những triết lý về tín ngưỡng. Mặc dù người xưa không được giảng giải về ý nghĩa hình dáng của phẩm oản nhưng bất cứ ai lễ chùa, lễ đền, đình, miếu, thánh, thần làng, hoặc cúng ông bà tổ tiên, trong mâm lễ cúng dường không thể thiếu phẩm oản.
 
Hơn nữa mỗi chiếc oản đều chứa đựng văn hóa của người Việt. Ngày xưa, trong các làng, xã, các lễ hội còn phân công một chức sắc có trách nhiệm đăng cai đóng oản dâng lễ cúng và phát cho cả làng. Nếu để ý kỹ thì sẽ thấy những họa tiết được người xưa tạo ra quanh phẩm oản, cái thì có khía thẳng bao quanh như trụ cột, cái được khắc hình rồng ôm ngang oản, ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa về lòng tôn kính các đấng linh thiêng, thể hiện rõ nét tinh hoa của xứ kinh kỳ xưa.
 
 
Oản được chia theo khối lượng, loại nhỏ (5 lạng), loại 1kg, loại 2kg, loại 5kg.
 
Hiện nay, mẫu mã được thiết kế bắt mắt hơn cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhưng cái chất oản vẫn được giữ gìn nguyện vẹn. Đến những ngày giáp Tết, người ta vẫn thường mua những mâm oản đặt lên bàn thờ tổ tiên, oản Hàng Giầy cũng nhộn nhịp hẳn, mỗi ngày có hơn 100 người đến mua. Ngày thường, số lượng người mua vẫn không giảm. Lễ hội khắp mọi miền Việt Nam kéo dài suốt năm, trong mâm lễ thành kính của mọi người vẫn đặt lên những bánh oản chứa đựng sự thơm thảo của một nền văn minh lúa nước, cái tinh hoa, văn hóa truyền thống của người Việt.
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét