Nguồn: quangninh.gov.vn
|
Truyền thống của dân tộc Việt từ ngàn xưa là mỗi khi Tết đến, xuân về, người ta thường làm bánh chưng, bánh dày để cúng tổ tiên. Bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất. Ngày nay, bánh dày chỉ đôi nơi còn làm cỗ cúng Tết, nhưng hình ảnh chiếc bánh chưng vuông thì vẫn không thay đổi, không có bánh chưng vuông thì sao gọi là Tết được! Thế nhưng với người dân tộc Sán Dìu ở Quảng Ninh, trong ngày lễ đặc biệt nhất của năm không chỉ có bánh chưng vuông, mà còn có một loại bánh chưng từ hình thức tới hương vị đều rất độc đáo, đó là bánh chưng có hình tròn, vát 2 đầu, thường được gọi là bánh chưng “gù”…
Bánh chưng “gù” cũng được gói bằng lá dong không khác gì bánh chưng thông thường, nó có hình dáng tương đối giống với bánh chưng của người dân tộc Giáy hoặc bánh chưng cơm lông ở Hải Hà... Tuy nhiên, như nói ở trên, điểm khác biệt chính là hai đầu bánh chưng gù được gói thon và vát dần về phía cuối, làm nổi phần tròn ở giữa bánh.
Ngoài hình dáng, nguyên liệu và cách gói loại bánh chưng này cũng khá đặc biệt. Theo những người Sán Dìu có kinh nghiệm gói bánh lâu năm thì gói bánh chưng gù khá cầu kỳ, công phu. Nguyên liệu gói bánh được chọn lựa kỹ lưỡng, phải là loại gạo nếp thơm dẻo. Xưa, mỗi khi cuối mùa gặt, người Sán Dìu chọn những phần gạo nếp ngon nhất dành lại để gói bánh chưng Tết. Các nguyên liệu làm bánh cũng bao gồm đỗ xanh đãi sạch vỏ, gừng được nướng qua cho dậy mùi trộn với thịt, nêm thêm muối, hạt tiêu… Ngoài một lớp lá dong bên ngoài, người ta còn lót bên trong lớp lá bông ỏng để khi luộc, lá bông ỏng sẽ có vị thơm và cho màu xanh đẹp mắt cho chiếc bánh chưng. Đây là điểm hơi khác với bánh chưng truyền thống của người Kinh.
Phần khó nhất là công đoạn gói, bởi bánh chưng “gù” được gói hoàn toàn bằng tay, không hề có khuôn như bánh chưng vuông. Lá bông ỏng được cắt hai đầu, xếp dọc, gối lên khéo léo để gạo nếp rải đều không lọt ra ngoài. Sau khi rải đều đỗ xanh, thịt lợn, người ta xếp lá, vừa cuộn tròn, vừa nắn bánh cho chắc tay, gói tới đâu buộc lạt tới đó theo chiều từ giữa thân bánh ra 2 đầu. Lạt được buộc cách đều nhau, tạo ra hoa văn trang trí đẹp mắt cho chiếc bánh. Chiếc bánh gói đẹp phải đảm bảo giữ tròn đều, chắc, thuôn đều, cân đối ra hai đầu. Bánh chưng được đặt đứng trong nồi đem luộc trong hơn 1 ngày thì chín.
Bánh chưng “gù” được người Sán Dìu bày lên thắp hương tổ tiên trước tiên. Cũng có đôi nơi, mâm cỗ cúng có bánh chưng “gù” cùng một vài chiếc bánh vuông tượng trưng cho sự vuông tròn đầy đặn.
Khi ăn, chỉ cần bóc bánh từ 2 đầu, bóc đến đâu lấy chính lạt gói bánh cuộn tròn theo thân bánh mà cắt thành những khoanh tròn đều nhau. Ăn đến đâu, gói vào đến đó buộc lạt lại rất tiện cho việc bảo quản. Ngoài hình thức luộc, rán, ăn bánh chưng gù ngon nhất vẫn là nướng. Bánh cứ để cả lá, đặt lên lớp than hồng, phủ than nóng lên, đến khi lớp lá ngoài cháy hết thì mùi thơm của gạo nếp, thịt cùng mùi thơm của lá bông lan ra, ngấm vào bánh lan tỏa, đánh thức cảm giác muốn thưởng thức của mọi người.
Trong cái rét ngày giáp Tết, có dịp đến ăn Tết cùng bà con đồng bào dân tộc Sán Dìu, các bạn đừng quên thưởng thức món bánh chưng “gù” độc đáo nhé./.
|
Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016
Bánh chưng "gù" trên mâm cỗ Tết của người Sán Dìu ở Quảng Ninh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét