Làng Yên Lạc xã Thanh Ngọc (Thanh Chương) là vùng quê còn lưu giữ được nhiều nét đẹp truyền thống, trong đó có cây muỗm cổ thụ, hàng trăm năm tuổi, bên bờ sông Rào Gang.
Người địa phương gọi cây muỗm là cây trôi. Theo các cụ cao niên, cây trôi Yên Hạ (xóm Yên Hạ) đã có tuổi đời hơn 300 năm, là chứng tích cho bao biến đổi, thăng trầm của làng Yên Lạc xưa.
Cây trôi cao khoảng 25m, tỏa bóng sum suê cạnh bến sông, trước nhà văn hóa xóm Yên Hạ. Chu vi gốc cây, nơi lớn nhất đo được là 12 m.
Từ xa xưa cho đến bây giờ, cây trôi là nơi dân làng tụ họp, vui chơi.
Trên thân cây, những chỗ u, bạnh, trẻ em có thể leo trèo, nằm, ngồi thoả thích.
Các cụ cao tuổi thường kể cho mọi người trong làng nghe nhiều câu chuyện lịch sử xúc động gắn liền với cây trôi. Những năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, trên cây trôi này, cờ đỏ búa liềm đã tung bay, kêu gọi, cổ vũ dân làng tham gia cách mạng. Bên cạnh cây trôi ngày đó, còn có điếm canh của tự vệ đỏ, khi cơ quan Huyện ủy, Tỉnh ủy về đây hoạt động.
Trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực cây trôi bị máy bay Mỹ ném bom cày xới, 2 quả bom đã rơi cạnh gốc cây, 1 quả xuyên xuống lòng đất, quả còn lại nổ tung, đào thành một hố lớn và làm gãy nhiều nhành trôi. Mấy chục năm qua, hố bom ngày ấy đã được người dân san lấp, còn các vết thương trên thân cây trôi thì vẫn còn đó.
Những nhành cây còn lại vẫn vươn lên xanh tốt, được bám quanh bởi những cây tầm gửi.
Dưới gốc cây trôi, những u, bạnh nhô ra với nhiều hình thù kỳ lạ.
Gần chục nam nữ thanh niên vẫn chưa khép kín vòng tay quanh thân cây.
Trải qua hàng trăm năm lịch sử, cây trôi Yên Hạ vẫn xanh tươi, là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, sức sống mãnh liệt và niềm tự hào của người dân Yên Lạc
Theo Huy Thư (Báo Nghệ An)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét