Dân miền Tây quê tôi thường “tếu” bằng câu ca: “Cù nèo mà lại muối chua/Ăn với cá rán chẳng thua món nào”
Chẳng biết có phải là “ngoa ngữ” không, nhưng sau khi khám phá, mọi người đều đồng ý đó là sự thật!
Cù nèo (còn gọi là Kèo nèo) là loại cây hoang dại mọc khắp đồng bằng sông Cửu Long, hơi giống với cây lục bình (bèo Nhật Bản), nhưng sống bám cố định vào bùn đất chứ không trôi giạt như lục bình. Theo y học dân gian, cây cù nèo là vị thuốc chữa trị các chứng đau lưng, nhức mỏi, mát gan, lợi tiểu…; còn theo các bà nội trợ miệt vườn cù nèo là thức ăn không thể thiếu trong các bữa cơm đạm bạc.
Tùy theo cách chế biến, cây cù nèo góp phần làm “thăng hoa” hương vị các món ăn.
Trước hết là đọt cù nèo xào mỡ, bóp giấm. Cù nèo hái về, chọn lấy phần non (nõn) cắt khúc vừa đũa gắp, rửa sạch, để ráo. Phi mỡ tỏi cho thơm (nhiều tỏi càng ngon!) rồi đổ cù nèo vào. Dùng xạng đảo đều cho đến khi cù nèo vừa chín tới. Kế đến, nêm gia vị (đường + muối + bột ngọt) cho vừa khẩu vị, nhắc xuống (nhớ đừng để cù nèo mềm quá mất ngon!). Cuối cùng, múc cù nèo ra dĩa và rắc lên một ít hành lá xắt nhuyễn là xong.
Với cù nèo bóp giấm, người ta cắt cù nèo thành khúc ngắn vừa đũa gắp cho vào dĩa, và làm một chén giấm đường (hoặc nước cốt chanh) vừa khẩu vị rưới vào, dùng tay bóp nhẹ cho ngấm. Tất cả 2 món trên chấm với nước mắm tỏi ớt (hoặc với nước cá, nước thịt kho)…, ăn cùng với cơm nóng rất ngon.
Canh chua cù nèo cá thác lác.
|
Cầu kỳ hơn là món canh chua cù nèo cá thát lát. Nguyên liệu gồm: thịt cá thát lát nạo sẵn (200gram), thơm - dứa (1/2 trái), gia vị (ngò gai, hành, ớt…). Trước hết, cho thịt cá thát lát + đầu hành lá + ớt (xắt nhuyễn) + gia vị (muối, bột ngọt) + dầu ăn (1 muỗng cà phê) vào chén. Dùng muỗng tán nhiều lần để hỗn hợp được trộn đều và dai, vò viên tròn, dẹp vừa miếng gắp.
Kế đến, cho nước lạnh vào nồi nấu sôi, và cho me chín vào vợt lược nhúng vào nồi cho thịt me hòa tan (bỏ hạt), và cho dứa xắt miếng vào. Nêm nếm gia vị (muối + đường + bột ngọt + nước mắm) cho vừa ăn, và cho cá thát lát vào nấu chín. Sau cùng, cho cù nèo vào, nhắc xuống, múc ra tô (đừng để cù nèo mềm mất ngon), rắc vài nhúm ngò gai xắt nhuyễn dọn lên bàn cùng chén nước mắm nguyên chất trong đó có giầm ớt hiểm chín. Món nầy ăn nóng với bún (hoặc cơm) rất tuyệt!...
Bạn cũng không thể không nếm thử món cù nèo xào tép. Món này làm như sau: Tép được cắt đầu, râu, làm sạch. Cù nèo lấy phần non, xắt khúc vừa đũa gắp, rửa sạch để ráo. Bắc chảo lên bếp phi mỡ (dầu) thơm rồi đổ tép vào. Nêm nếm gia vi (muối + đường + bột ngọt) cho vừa ăn, xào chín. Sau đó, đổ cù nèo xào vừa chín tới. Nêm gia vị lần cuối, múc ra dĩa.
Để cho món ăn đậm đà hương vị và có màu sắc bắt mắt, bạn có thể thêm vào ngò rí, một ít tiêu xay, và làm chén nước mằm chanh, tỏi ớt. Món nầy ăn với cơm nóng cũng ngon khó tả.
Cù nèo xào tép.
|
Dù đi xa nơi phương trời góc biển nào, mỗi khi mùa lũ tràn về lòng tôi lại nhớ về quê nhà da diết. Và nhớ nhất đám cù nèo xanh biếc dưới mương đong đưa theo gió, trong đó điểm xuyết những cánh hoa màu vàng nhạt. Chính nơi ấy - ngày xưa - má cùng tôi thường ra hái cù nèo về chế biến món ăn. Cái vị ngọt, mềm, nhân nhẩn và mùi thơm “đặc trưng” của cù nèo như vương vấn mãi trong tôi, khiến tôi không thể nào quên được món ăn dân dã nơi vùng quê thân thương nầy.
Theo Hữu Tưởng
VnExpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét