Tại thành phố Huế hiện có con đường Lịch Đợi dài 1.280m, chạy từ đường Báo Quốc đến đường Tôn Thất Tùng, thuộc địa bàn Phường Đúc. Tên đường Lịch Đợi xuất phát bởi có một công trình kiến trúc rất quan trọng vào thời Nguyễn được xây dựng tại đây, đó là miếu Lịch Đợi, gọi đầy đủ tên là miếu Lịch Đại Đế Vương (chữ Hán ghi:歷代帝王廟 ); do phát âm “trại từ ” Lịch Đại sang Lịch Đợi, nên có tên là miếu Lịch Đợi. Theo bài viết của Phanxipang và Quốc sử triều Nguyễn, như sau.
Miếu Lịch Đại Đế Vương hướng về Nam, thuộc xã Phú Xuân, là Miếu đường tôn thờ các vị Đế Vương và các Danh tướng anh hùng tiêu biểu, như sử sách nhà Nguyễn đã ghi là nơi “Thống kỷ các vị Đế Vương, ngưỡng mộ đức tốt của các đời trước”, với ý nghĩa “Uông nước nhớ nguồn” tôn thờ các vị Vua, danh tướng anh hùng tiêu biểu từ thời Hồng Bàng trở về sau.
Trước đây, công trình này gồm có tòa Chính đường 5 gian, tòa Đông Vu và tòa Tây Vu (còn gọi là Tả Vu và Hữu Vu), mỗi tòa cũng 5 gian. Xung quang miếu đường được xây bao tường thành bằng gạch, mặt trước tường ngoài xây 4 trụ biểu, tạo thành 3 cửa; mặt trước tường trong có trổ 4 cửa chính bên trong có lầu, ngoài ra còn có phương môn; phía bắc tường miếu làm “tế sinh”, nơi mổ vật hiến sinh để tế lễ.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết miếu Lịch Đợi “hướng về phía Nam, dựng từ năm Minh Mệnh thứ tư ” tức năm Quý Mùi (1823). Bộ sách đó, bản khắc in đời Tự Đức lẫn đời Duy Tân, đều ghi nhận quy cách bài trí án thờ nơi miếu Lịch Đợi như sau.
Toà Chính Đường gồm 5 gian:
1. Gian giữa thờ thờ các vị Hoàng đế Trung Hoa thời cổ đại (theo quan niệm lịch sử văn hóa Nho giáo thời Nguyễn).
2. Gian tả nhất (gian bên trái kề gian giữa) thờ các vị Vua khai sáng cõi Việt: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương, Sĩ Vương và Đinh Tiên Hoàng.
3. Gian hữu nhất (gian bên phải kề gian giữa) thờ Vua Lê Đại Hành và 3 vị Vua triều Lý là Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông.
4. Gian tả nhị thờ 3 vị Vua triều Trần là Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông.
5. Gian hữu nhị thờ 4 vị Vua triều Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Lê Trang Tông, Lê Anh Tông.
Riêng Vua Lê Thánh Tông có Miếu thờ được xây dựng từ năm Kỷ Tỵ (1809) ở bên trái miếu Lịch Đợi, đến năm Giáp Tý (1924), miếu thờ Lê Thánh Tông bị hư hỏng nặng, nên triều đình Huế dời bài vị của ông sang thờ trong miếu Lịch Đợi.
Hai nhà Tả Vu và Hữu Vu thờ các danh tướng Trung Hoa và các danh tướng Việt Nam:
Tòa Tả Vu gồm 5 gian: Thờ 6 danh tướng Trung Hoa và 8 danh tướng Việt Nam là Nguyễn Bặc, Lê Phụng Hiểu, Tô Hiến Thành, Trần Nhật Duật, Trương Hán Siêu, Nguyễn Xí, Lê Niệm, Hoàng Đình Ái.
Tòa Hữu Vu gồm 5 gian: Thờ 8 danh tướng Trung Hoa và 7 danh tướng Việt Nam là Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Phạm Ngũ Lão, Đinh Liệt, Lê Khôi, Trịnh Duy Thoan, Phùng Khắc Khoan.
Tất nhiên, hệ thống vua quan được tôn thờ trong miếu Lịch Đại Đế Vương là do triều đình Nguyễn chọn lựa và sắp xếp theo quan niệm lịch sử văn hóa Nho giáo thời Nguyễn (trong bài này, không chép tên các vị vua và danh tướng Trung Hoa cổ đại được thờ tại miếu Lịch Đợi).
Trong những Danh nhân họ Đinh Việt Nam được Triều đình nhà Nguyễn tôn thờ tại miếu Lịch Đại Đế Vương có Vua Đinh Tiên Hoàng (Đại Thắng Minh Hoàng Đế), là một trong những vị Vua khai sáng cõi Việt (khai mở nước Đại Cồ Việt), chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc, mở ra kỷ nguyên độc lập tự chủ của nhà nước Đại Việt. Về danh tướng có Thái sư, Lân Quốc Công, Trung Mục Đại Vương Đinh Liệt, vị Khai quốc Công thần thời Lê Sơ, Đệ nhất Trung hưng Công thần triều Vua Lê Thánh Tông, người có công giúp Vua Lê Thánh Tông lên ngôi Hoàng đế, mở mang bờ cõi Đại Việt xuống phương Nam.
Toà nhà chính gồm 5 gian, 2 chái của miếu Lịch Đợi. Tranh bút sắt: Nguyễn Thứ
Về lễ tiết, Triều Nguyễn quy định mỗi năm đều tổ chức 2 đợt tế miếu Lịch Đại Đế Vương vào ngày tân tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) sau ngày tế đàn Xã Tắc, và ngày tân đầu tháng trọng thu (tháng 8 âm lịch). Năm Bính Tuất (1826), niên hiệu Minh Mạng thứ bẩy, bổ sung quy định: năm có khánh điển (lễ lớn) thì Hoàng đế thân chinh đến miếu Lịch Đại Đế Vương tế lễ; những năm khác, phái các Hoàng tử đi khâm mạng (thay mặt Vua).
Miếu Lịch Đại Đế Vương được triều Nguyễn thường xuyên quan tâm chăm sóc và tu bổ. Năm 1945, triều Nguyễn sụp đổ, từ đó trở đi, miếu Lịch Đaị Đế Vương xuống cấp nhanh chóng. Năm 1959, Viện Khảo cổ Sài Gòn có bản vẽ nhằm tái thiết công trình này, song không được thực hiện. Ngày 26-11-1966, Uỷ ban điều tra hiện trạng miếu Lịch Đại Đế Vương lập bản tường trình báo cáo, nguyên tổng diện tích khu miếu toạ lạc là 5.485m2, nhưng đến thời điểm đó chỉ còn 2.566m2 (bao gồm 630m2 nền miếu chính bị bỏ hoang cùng 1.966m2 đất vườn), số đất còn lại là 2.888m2 đã bị 13 gia đình lấn chiếm thành đất ở.
Khu vực trung tâm miếu Lịch Đại Đế Vương hiện nay là kiệt 29 đường Lịch Đợi, TP Huế. Ảnh: Phanxipăng
Tiến sỹ sử học Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế hiện nay - Từ năm 2001 đã từng kêu gọi trên tạp chí Thông tin khoa học và công nghệ số 32: “Miếu Lịch Đại Đế Vương ở Huế – Một di tích lịch sử của Quốc gia cần được phục hồi”.
Muốn phục hồi miếu Lịch Đợi đúng nguyên trạng, ngày nay không chỉ dựa vào các thư tịch triều Nguyễn, mà còn tham khảo các tài liệu đã nghiên cứu về di tích trên, các tranh do hoạ sĩ Nguyễn Thứ dùng bút sắt vẽ tả thực miếu Lịch Đợi: Một bức cho thấy mặt tiền miếu gồm bốn cột trụ với tường rào bên ngoài và cổng tam quan với tường rào bên trong, một bức thể hiện nhà thờ chính gồm 5 gian và 2 chái được xây dựng bề thế theo kiểu trùng thiềm điệp ốc.
Thế nhưng, buồn tiếc xiết bao, đến nay, ngay sau lưng nhà ga Huế và cách chùa Báo Quốc chỉ quãng ngắn, miếu Lịch Đại Đế Vương vẫn còn là phế tích!
Cũng trên địa bàn Phường Đúc, trước đây đã có miếu Huyền Trâm Công Chúa bên miếu Lịch Đợi, tôn thờ người phụ nữ đã hy sinh tình riêng, gạt lệ xuống thuyền vào Nam theo chồng là Chế Mâm, Vua Chiêm Thành, để lập mối bang giao hòa bình hữu nghị giữa hai nước và đổi lấy hai châu Ô, Rý, mở cõi Đại Việt xuống phương Nam. Ghi nhớ công lao của Huyền Trâm, ngày nay thành phố Huế đã phục dựng đền Huyền Trâm Công Chúa, nguy nga tráng lệ, không gian rộng tới 28 Ha, tọa lạc dưới chân núi Ngũ Phong, phường Tây An, đây là nơi quy hướng tâm linh và là một thắng cảnh của thành phố Huế; mong rằng miếu Lịch Đại Đế Vương cũng sớm được phục dựng như thế.
Lễ hội đền Huyền Trâm Công chúa (ảnh mạng)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét