Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Núi Ma Thiên Lãnh, liêu trai và kỳ bí...


   Du hành về vùng biển cuối phương Nam, có nhiều người không quản ngại đã vượt biển đến Hòn Sơn để khám phá ngọn núi Ma Thiên Lãnh kỳ bí! Là một trong bảy hòn núi hợp thành đảo Hòn Sơn, Ma Thiên Lãnh nổi bật với cảnh quan tuyệt đẹp, thơ mộng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhuốm sắc màu liêu trai, kì bí, hấp dẫn…
“Ma Thiên Lãnh” dịch nghĩa nôm na là vùng đất nhiều “ma”,  nơi “linh địa” hay “lãnh địa” của ma quỷ, người thuộc thế giới bên kia. Ở nam bộ nước ta, có khá nhiều địa danh mang tên Ma Thiên Lãnh. Thường những nơi nầy được dân gian xem như là những vùng đất dữ, khắc nghiệt với những câu chuyện lạ lùng, bí ẩn, đan xen lẫn những truyền thuyết, huyền thoại mang lớp sương mù tâm linh mờ ảo! Thật ra, ma thiên lãnh có xuất xứ từ một ngọn núi ở Triều Tiên. Đời Tiền Đường, năm 666, vua Đường Cao Tông (649 - 683) phong cho tướng Tiết Nhơn Quí làm hữu uy vệ đại tướng quân xuất binh chinh đông (thực chất đây là cuộc hành quân xâm lược nước Cao Câu Ly (Triều Tiên - Hàn Quốc ngày nay). Quân Đường đã bỏ mạng rất nhiều tại ngọn núi hiểm trở này. Ở nước ta cũng có nhiều nơi gọi là "Ma Thiên Lãnh" - điểm đến của những cuộc du hành về vùng đất kỳ bí phương Nam.
Ma Thiên Lãnh ở Hòn Sơn, Kiên Hải (Kiên Giang) 
Du hành về vùng biển cuối phương Nam, có nhiều người không quản ngại đã vượt biển đến Hòn Sơn để khám phá ngọn núi Ma Thiên Lãnh kỳ bí! Là một trong bảy hòn núi hợp thành đảo Hòn Sơn, Ma Thiên Lãnh nổi bật với cảnh quan tuyệt đẹp, thơ mộng với nhiều huyền thoại, truyền thuyết nhuốm sắc màu liêu trai, kì bí, hấp dẫn… Theo chuyện kể dân gian, thuở mới khai thiên lập địa, trên đỉnh Ma Thiên Lãnh có một gành đá bằng phẳng, chung quanh nước non kì vĩ, nên thơ với đầy hoa thơm, cỏ lạ. Những đêm sáng trăng, trời thanh gió mát, các tiên nữ trên trời thường xuống đây vui chơi, múa hát. Do vậy, nơi nầy có tên gọi là Sân Tiên.
Và thi thoảng có một vài nàng tiên ham vui, tìm hoa bắt bướm đi lạc vào xóm chài dưới chân núi. Các nàng được người dân cưu mang, che chở. Đôi khi cám nghĩa, vài cô “tiên nữ” đã ở lại trần gian “lấy chồng” là những chàng trai ngư phủ hiền lành, chất phác. Về sau, các cô không chịu về trời vì đã sinh con đẻ cái, sống hạnh phúc với người thế gian! Đường lên Ma Thiên Lãnh ngày nay khá dễ đi, bởi những lối mòn trước kia được thay bằng những bậc đá, phục vụ cho bà con lên núi canh tác nương rẫy. Đi chừng non 2 cây số, xuyên qua những rẫy rau, đậu xanh mướt xen lẫn với những khu vườn nhỏ với nhiều loại cây ăn quả sum sê, chúng ta dừng chân ghé miếu Bà.
Đó là một am miếu với một hang động nhỏ gần như bỏ hoang. Trước đây, hình như đã có người ẩn tu nơi chốn lam sơn cùng cốc này! Bởi vẫn còn một số vật dụng sinh hoạt rải rác đó đây. Để tới đỉnh, ta phải đi xuyên qua hang, lách theo những lối mòn cheo leo, chớn chở! Và đỉnh Ma Thiên Lãnh đây rồi! Bao mệt nhọc như tan biến. Trời xanh, mây trắng, biển bao la xa tít tắp tận chân trời. Non xanh, nước biếc hữu tình với những con tàu giăng lưới, xuôi ngược giữa trùng khơi. Có thể bạn sẽ gặp nhiều loài chim biển sải cánh chao liệng, đôi khi có vài chú khỉ xuất hiện bất ngờ, mắt chớp chớp ra vẻ ngạc nhiên khi thấy người lạ. Rồi sau đó chúng nhanh chóng chuyền biến trên những nhành cây sum sê, rậm rạp với tiếng kêu choe chóe, hoang dã…
Cầu Ma Thiên Lãnh ở Côn Đảo 

Côn Đảo là nhà tù, trại giam lớn nhất Đông Dương thời ấy. Đa phần các chiến sĩ Cách mạng bị án từ 15 năm đến tử hình được giam giữ tại đây. Từ năm 1930-1945, thực dân Pháp mở con đường từ thị trấn Côn Đảo, băng qua Núi Đụng đến sở Ông Câu để tiện kiểm soát, ngăn chặn tù vượt ngục. Khi mở đường, bọn cai chúa ngục bắt tù nhân khiêng đá xây trên đèo Ông Đụng một cây cầu. Do địa thế núi hiểm trở, cheo leo, lao động khổ sai nặng nhọc quá sức, ăn uống thiếu thốn, không thuốc men trị bệnh, số tù nhân làm đường bị chết lên đến 356 người mà cầu chỉ mới xây được 2 mố, mỗi mố cầu cao chừng 8m! Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, công trình làm đường qua núi Ông Đụng bị bỏ dở dang. Tù nhân Côn Đảo đã lấy tên ngọn núi Ma Thiên Lãnh ở Triều Tiên, có địa thế hiểm ác khó lên xuống, trong tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa “Tiết Nhơn Quí Chinh Đông” đặt tên cho cầu này.
Ma Thiên Lãnh ở Núi Dài, Tri Tôn (An Giang) 
Ở núi Dài (Ngọa Long Sơn) thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, vùng Thất Sơn (An Giang) có đồi Ma Thiên Lãnh. Du khách đến đây sau khi tham quan cảnh chùa chiền, núi non, hang động kỳ vĩ sẽ được nghe câu chuyện thật cảm động về những chiến sĩ Cách mạng đã hy sinh trong hang đá Ma Thiên Lãnh. Đồi cao chừng 80 mét, nằm cách Ô Tà Sóc (căn cứ Tỉnh ủy An Giang thời chiến tranh) khoảng 900m. Đây là một đồi đá chỉ có một con đường độc đạo lên xuống từ phía Tây. Năm 1969, máy bay Mỹ ném bom đồi Ma Thiên Lãnh, căn cứ Ô Tà Sóc. Sau hàng loạt bom dữ dội, hang Ma Thiên Lãnh bị đánh sập và hàng mươi tấn đá đổ xuống lấp kín miệng hang, 7 chiến sĩ thuộc Ðoàn 61, bị kẹt trong hang. Lúc đầu, quân ta tiếp lương thực cầu may bằng cách dùng ống tre, đưa sữa, cháo loãng theo khe hở vào hang.
Mấy ngày sau, địch rất đông và hỏa lực mạnh càn quét, đánh phá ác liệt nên đơn vị buộc phải rút lui về rừng U Minh. Bảy chiến sĩ ấy đã vĩnh viễn ở lại trong hang! Ba mươi tám năm sau, ngày 14/6/2007, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang đã thực hiện phá cửa hang Ma Thiên Lãnh. Sau 24 ngày đêm làm việc khẩn trương cật lực, chiều ngày 8/7/2007, cửa hang được mở ra, hài cốt của 7 chiến sĩ được tìm thấy. Hiện nay, tại cửa hang Ma Thiên Lãnh có dựng bia kỉ niệm với hình cờ Tổ quốc và phía dưới có bàn thờ các liệt sĩ. Cảm xúc bởi sự hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ, đã có nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật ca ngợi những người anh hùng ở Ma Thiên Lãnh.
Có những bài thơ thật cảm động được cắt dán lên Bia Tưởng niệm thể hiện lòng khâm phục, kính mến với những chiến sĩ anh hùng ngày ấy: “Hãy ngồi thêm một chút bạn ơi/ nhang sắp tàn, thắp thêm tuần nhang nữa… tôi thẫn thờ trước khối đá lặng câm/ lấp cửa hang chôn các anh trong đó/ chôn nỗi khát khao, chôn niềm thương nhớ/ Mười tám đôi mươi, trẻ quá cuộc đời…” (Nguyễn Thị Trà Giang).
Ma Thiên Lãnh ở Núi Bà Đen (Tây Ninh) 
Núi Bà Đen là một danh thắng ở miền Đông Nam bộ, gồm có 3 ngọn: núi Heo, núi Phụng, núi Bà hợp thành. Ma Thiên Lãnh ở Tây Ninh là một thung lũng khá rậm rạp hình tam giác lòng chảo nằm giữa 3 ngọn núi kia. Dân gian địa phương giải thích ở nơi này - vào những năm 50-70 của thế kỉ trước, trong hai thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, kẻ thù nhiều lần tổ chức hành quân càn quét hòng thực hiện mưu đồ tiêu diệt cách mạng. Nhưng bao cánh quân vào đây đều bị đánh tan tác không còn manh giáp. Lính tráng bỏ thây nơi hoang địa, xác chết bị cọp tha, thú xé. Những kẻ lạc trận lang thang kiệt sức rồi chết vì đói khát giữa rừng thiêng nước độc, từ đó đã hình thành nên cái tên Ma Thiên Lãnh, có nghĩa là “lãnh địa của những hồn ma”! Cũng có giả thuyết khác nói rằng: nơi đây rừng rậm thâm u nằm giữa núi non chập chùng, quang cảnh sầm uất, nhiều thú dữ và muôn ngàn hiểm nguy bí ẩn khôn lường nên chẳng ai dám lai vãng đến đây. Các “già làng” người Stiêng nói: “Ma Thiên Lãnh có nghĩa là lãnh địa thiêng của ma quỷ, ai liều lĩnh, bạo gan xâm nhập cũng sẽ trở thành hồn ma”.
Đối với người hành hương và du khách thì ngày nay, Ma Thiên Lãnh là một điểm đến hấp dẫn với phong cảnh hữu tình, núi non hoang sơ, u nhã. Khu vực núi Bà Đen xưa nay nổi tiếng là linh địa với nhiều chùa chiền miếu mạo thâm nghiêm, chốn thần linh ngự trị! Đối với cư dân sống dưới chân núi Bà Đen và thung lũng, thì Ma Thiên Lãnh là giang sơn của rắn độc, rắn khổng lồ! Nhưng người và rắn từ bao đời nay vẫn cộng sinh hòa bình. Rắn hầu như rất hiếm hoi tấn công người và người cũng ít khi tìm săn bắt rắn! Thông thường có những thợ săn bắt rắn ở xa đến. Và không ít trường hợp họ đã phải trả giá đắt! Buổi sáng, khi mặt trời lên hơn một náng tay trên đỉnh núi Bà, sương mờ còn lãng đãng vương ngàn cây, nội cỏ. Chúng tôi xuất phát lên Ma Thiên Lãnh từ dưới chân núi Phụng.
Đường rừng hiểm trở, hoang vắng với tiếng suối reo róc rách, tiếng chim hót líu lo, đồng vọng. Chúng tôi ghé một chòi giữ rẫy ở lưng chừng núi Hòn Heo. Đôi vợ chồng nông dân - ông Võ Văn Tám và bà Dương Thị Lành kể: Ma Thiên Lãnh là “đất địa” của rắn. Rắn ở đây rất nhiều và “rất to”. Rắn ngụ trong các hốc đá, rắn đeo trên cành cây, rắn bò trên các mái nhà, rắn trườn trên cỏ lá, rắn cuồn cuộn, nhung nhúc… Những lúc đói mồi, chúng hay rình rập bắt gà, vịt, cá nuôi dưới ao! Bọn chó nhà gặp chúng cũng phát hoảng, khiếp sợ! Ông Tám cho biết rắn ở Ma Thiên Lãnh dài cỡ 4m, 5m là chuyện thường! Thỉnh thoảng người ta còn gặp mãng xà. Mãng xà gốc là những con rắn Hổ mây lớn dài có khi trên 10m rất khôn ngoan, người ta thường đồn chúng thành tinh (?!).
Mãng xà biết quấn đầu và đuôi vào hai thân cây, mình ép dẹt ra như cái võng để tát bắt cá, mãng xà ăn thịt cả bê con lạc rừng! Như nhiều nông dân thật thà chất phác ở chốn sơn lâm, ông Tám quả quyết đã từng đối mặt với mãng xà tinh vào một đêm trăng sáng ở vườn xoài trên đường lên núi Bà cách đây gần 40 năm, hình như sau tiếp thu 1975 thì phải? Ngoài rắn thì trước năm 60 của thế kỉ trước, rừng Ma Thiên Lãnh còn có Hổ. Rải rác đường lên núi Bà có nhiều hang đá bí hiểm, theo dân gian, xưa kia là nơi “ông Hổ” trú ngụ! Cư dân Ma Thiên Lãnh - những người sống chung với thiên nhiên và thú dữ từ xưa đến nay có quan niệm rất rạch ròi: nước sông không xâm phạm nước giếng! Rừng là mái nhà chung, mỗi thành viên đều có cách làm ăn của riêng mình, không ai xâm phạm ai, tôn trọng quyền sống, bảo vệ môi trường là “luật rừng” hiện đại! Ấy còn là tiêu chí bất thành văn của “dân” miền rừng! Những ai phá hủy, đối xử tàn tệ với rừng sẽ lãnh hậu quả khôn lường. Những trận lụt lội, lũ quét kinh hoàng xảy ra trong những năm gần đây đã minh chứng điều đó!
Hoàng Thám / Duyên dáng Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét