Từ trên cao nhìn xuống, những đảo chè ở đập Cầu Cau (Nghệ An) đẹp như một bức tranh. Vùng đất này đang thu hút khá đông du khách tới thưởng ngoạn.
Sách Nguyễn
Thanh An trên chè dưới nước
PHAN THU HƯƠNG
Là điểm du lịch có một không hai, Đảo Chè Thanh An ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An ngày càng thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước...
Những năm 1958 - 1960, miền Bắc có phong trào làm thủy lợi "Vắt đất ra nước thay trời làm mưa". Hưởng ứng phong trào ấy, xã Thanh An và các xã trong vùng đã huy động sức dân đào đất đắp đập Cầu Cau ngăn giữ nguồn nước từ các khe trong rừng chảy ra. Thế là có một hồ nước nhân tạo sâu khoảng 20 mét, rộng 84ha, là nguồn tưới tiêu cho hơn 700ha lúa của hai xã Thanh An và Thanh Thịnh, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Nước dâng, nhiều quả đồi thành những hòn đảo. Từ năm 1999, những quả đồi ấy đều được nông dân trồng chè. Đảo Chè Thanh An ra đời từ đó, không biết do dân địa phương hay du khách đặt tên. Đến nay, chè cao ngang nửa thân người, cành là xanh mướt, soi bóng xuống hồ nước lung linh.
Có 50 hòn đảo với diện tích 80ha, bằng 1/10 diện tích ấy được trồng chè, đảo chè lớn nhất 4ha, nhỏ nhất 1ha. Nhờ có thu nhập từ Đảo Chè, 50 hộ trồng chè ở đây đã đóng góp làm đường giao thông, xây trường học, trạm xá theo chuẩn nông thôn mới; nhiều gia đình nuôi con học đại học, xây nhà khang trang.
Những người con xã Thanh An đi học, đi làm việc các tỉnh xa, mỗi lần nghỉ hè, nghỉ phép thường rủ bạn bè về thăm Đảo Chè, rất tự hào quê mình có một nơi tuyệt đẹp, lại làm ra nhiều tiền. Đảo Chè Thanh An trở thành danh thắng, lan tỏa trên mạng với những bức ảnh tuyệt đẹp, khách quen khách lạ, gần và xa, cả khách nước ngoài tìm về, đông dần.
Trước đây, người trồng chè thường dùng "nôốc" (thuyền nan) để ra đảo. Năm 2015, Đảo Chè Thanh An chính thức kinh doanh du lịch. Để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan, một số gia đình đã góp vốn đóng 12 chiếc thuyền máy, có mái che, mỗi thuyền chở được 15 người, mỗi lượt đi vòng quanh các đảo khoảng một giờ đồng hồ với giá 30.000 đồng mỗi người.
Nếu khách có nhu cầu dừng lại một đảo nào đó, vào quán lá uống nước chè xanh, ăn sắn luộc..., chụp hình, ngắm những đảo chè lấp lóa dưới nắng, nhà thuyền không thu thêm phí. Khách có thể mua chè chế biến từ đảo hoặc nhà gần thì mua chè tươi. Nếu khách có nhu cầu dùng bữa thì vào quán kêu những món đặc sản địa phương.
Nhiều đôi lứa từ phố về rừng chụp ảnh cưới giữa những đảo chè thơ mộng lưu giữ hạnh phúc trăm năm. Nhiều nam thanh nữ tú thuê trang phục đồng bào dân tộc thiểu số và chiếc gùi để trải nghiệm làm công nhân hái chè.
Đảo Chè Thanh An có Câu lạc bộ Kayak Hạ Long, là nơi tập chèo thuyền kayak cho các bạn trẻ và phục vụ du khách muốn tự tay chèo thuyền kayak dạo quanh giữa các đảo.
Tôi đến Đảo Chè lần đầu, khám phá chưa đầy đủ nhưng thật là sướng mắt. Thuyền vòng quanh các đảo, đâu cũng là màu xanh ngút ngát, không gian thoang thoảng mùi chè ấm áp. Có những đảo gần sát nhau, cây sào chống thuyền có thể quơ trúng đảo bên này, đụng đảo bên kia.
Mong sao người kinh doanh du lịch và du khách gìn giữ vệ sinh sạch sẽ, không xả rác trên các đảo và hồ nước. Và hy vọng một ngày gần đây, Đảo Chè Thanh An sẽ đón du khách với một tầm vóc mới nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên như buổi ban đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét