Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

Quẩy tấu – vật bất ly thân của đồng bào Mông

Nguồn: LangvietOnline

Người Mông có rất nhiều vật dụng gắn liền với đời sống sinh hoạt thường nhật và lao động sản xuất, một trong những vật dụng gần gũi đó là chiếc quẩy tấu – vật bất ly thân của đồng bảo Mông.

Với đồng bào Mông, chiếc quẩy tấu vừa là thứ đồ đựng, vừa là phương tiện vận chuyển phổ biến và thường có miệng hình tròn, dáng vuông, với nhiều kích cỡ. Nguyên liệu đan quẩy tấu là tre, nứa và dây mây rừng. Kích thước của quẩy tấu là không hạn định, tùy thuộc vào khả năng sử dụng.
Quẩy tấu là sự sáng tạo trong lao động của người dân miền núi, nó được ví như chiếc địu, như chiếc ba lô, và hầu hết mọi thứ cần mang vác đều được đựng trong quẩy tấu. Đối với đồng bào Mông, trong các vật dụng gắn liền với cuộc sống thường ngày, chiếc quẩy tấu được xem là vật “bất ly thân”.
Đường vùng cao lắm đèo nhiều dốc, gập gà gập ghềnh, bước lên mây, bước xuống đất, khó có thể gánh, quẩy bằng đòn gánh, người Mông đã sáng tạo ra chiếc quẩy tấu, rất phù hợp với điều kiện đu quẩy lên dốc xuống khe.
Quẩy tấu mà người Mông Hà Giang sử dụng là quẩy tấu dáng vuông miệng tròn, một số nơi khác làm quẩy tấu dáng tròn thậm chí đáy nhọn miệng loe. Quẩy tấu được đan bằng tre hoặc bằng trúc, làm bằng trúc quẩy tấu chắc chắn và bền hơn. Tre, trúc róc lấy cật đan lóng hai, lóng ba ghép tròn dần về phía miệng. Lớp trong của quẩy tấu được lót bằng lớp phôi, mỏng, lớp ngoài mới là lớp cật chắc chắn. Kích thước của quẩy tấu là không hạn định, tuỳ theo khả năng sử dụng mà người ta đan quẩy tấu to hay nhỏ. Cái to dành cho người cường tráng khoẻ mạnh, cái nhỏ dành cho đàn bà con gái và trẻ con. Thậm chí người ta đan cả chiếc quẩy tấu dành cho đứa trẻ năm, sáu tuổi đeo. Dây để gùi thường làm bằng da trâu, da bò hoặc lấy từ cây móc.
Quẩy tấu không chỉ đơn thuần là vật dụng phục vụ hoạt động sống của con người hàng ngày, nó còn mang giá trị tâm linh thần bí. Cùng với con dao, cái liềm, cái cuốc... Quẩy tấu ngày tết được thắp hương thờ cúng, được ăn cơm mới, được con người mang ơn đã cùng lao động suốt một năm ròng.
Quẩy tấu còn được đà bà con gái mang khi đi chợ như là thứ đồ trang sức. Người có chồng có con mang quẩy tấu thể hiện sự đảm đang chăm chỉ vun vén cho hạnh phúc gia đình. Người chưa có chồng mang quẩy tấu như là lời khẳng định đầy hứa hẹn với đám thanh niên con trai rằng mình là người ưa lao động, đảm đang, khéo léo biết thu vén... Quẩy tấu dùng riêng cho người đi chợ hoặc đi thăm thú đó đây thường mảnh mai hơn, nhỏ hơn, nhẹ hơn và được trau chuốt kỹ lưỡng hơn so với quẩy tấu mang khi đi nương.
Không chỉ chứa đựng những giá trị văn hóa, quấy tấu còn mang cả giá trị tâm linh thần bí. Bởi vậy vào ngày tết truyền thống của người Mông, chiếc quẩy tấu được kính cẩn đặt lên bàn thờ ở vị trí trung tâm, rồi sau thủ tục thắp hương khấn vái sẽ được chia cho một phần cơm mới để ăn, được con người kể lại công tích./

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét