Vỏ cứng, hung dữ, những con cua tuyệt ngon ở khu vực suối đá Ông Mô (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) được đặt tên là cua “thiết giáp”, phải những tay săn cua có nghề mới bắt được.
Một con cua đá vừa được bắt khỏi hang
Liên hệ được với Y Chiên Byă, một tay săn cua đá có tiếng ở buôn Kmleo (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), tôi xin “bám càng” đi săn cua. Nhìn tôi với ánh mắt dò xét, Y Chiên cảnh báo bằng giọng Kinh lơ lớ: “Khổ lắm, xa lắm, qua một quả đồi, mấy rẫy cà phê mới tới, mất cả đêm đấy”. Thấy tôi quả quyết đòi theo, Y Chiên dặn: “Về mặc quần dài, đi ủng đề phòng rắn cắn”.
Đúng 21h, tôi cùng Y Chiên và một thanh niên người bản địa khác tên Y Nam Nie, nhà ở buôn Kosier (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột) lên đường. Ngoài hai chiếc đèn pin và một bó tre tươi đã chẻ nhỏ, họ không mang theo bất cứ đồ nghề gì. Y Chiên nói vắn tắt: “Đêm nay đi tìm hang cua, thấy thì đánh dấu lại, sáng mai mới bắt”.
Y Nam trẻ tuổi hơn, tính cách cũng cởi mở hơn, cho hay, cua “thiết giáp” không như cua đồng, cua ruộng, chỉ sống tập trung ở lưu vực những con suối đá chạy dọc những thung lũng xen kẽ các quả đồi. Chúng thường đào hang từ trên cạn, xuyên xuống dưới sâu hàng mét đến khi nào hang có nước mới thôi.Bởi thế, nếu không phải dân trong nghề, nhìn hang cua dễ bị nhầm lẫn với hang chuột. Thêm vào đó, cua thường đào nhiều hốc, ngách thoát hiểm nhưng chúng chỉ sử dụng đúng một cửa hang làm lối ra vào. Ban đêm, khi sương bắt đầu xuống, chúng mới ra khỏi hang đi kiếm ăn.
“Trước tiên phải xác định nó ở hang nào, đi cửa nào, đánh dấu lại. Hôm sau lên đào sẽ không bị sai. Đào sâu hàng mét mà nhầm thì mất công lắm”, Y Nam nói.
Sau gần một giờ đồng hồ đi như chạy, chúng tôi cũng đến được lưu vực suối đá Ông Mô. Hai thợ săn nhẹ nhàng vạch từng lọn cỏ, cành cây lòa xòa nơi bờ suối. Bỗng Y Chiên thốt lên: “Aney leh! Aney leh!” (Đây rồi! Đây rồi!). Dưới ánh đèn pin, một chú cua đá to tướng đang lấp ló nơi cửa hang. Ánh đèn pin khiến nó đứng yên như bất động.
Tôi thì thầm với Y Nam: “Nó đang đứng yên kìa. Sao không chộp lấy?”. Y Nam ra dấu bảo tôi im lặng, còn Y Chiên làm động tác rung nhẹ cành cây bên cạnh. Con cua thấy động chạy tọt vào hang. Y Nam cẩn thận rút một que tre cắm vào gần cửa hang để đánh dấu, rồi nói: “Chộp sao được, nó nhanh lắm. Làm thế nó động, hôm sau nó bỏ đi hang khác thì mất công”.
Đêm đó, hai thợ săn tìm được hơn chục hang có cua và đánh dấu cẩn thận.
Kỹ nghệ săn cua
Tờ mờ sáng, Y Chiên và Y Nam đã lên đường cùng lỉnh kỉnh xà beng, thuổng, xô nhựa và cả một búi rơm đã vò cho nhàu nát. Đến suối đá Ông Mô, Y Nam cầm xà beng hì hục đào hố đã có đánh dấu sâu khoảng nửa mét, khoét rộng đủ để tì sát bờ vai xuống đất. Y Chiên cầm búi rơm đã vò sẵn trong lòng bàn tay rồi nhẹ nhàng đưa vào trong hang cua. Một lúc sau, Y Chiên rút tay ra, mang theo một con cua đá đầy bùn đất, hai chiếc càng cua kẹp chặt vào búi rơm.
“Thò tay không vào nó kẹp đứt thịt ngay. Thế nên mới phải dùng rơm cho nó kẹp vào đấy rồi mình lựa tay bắt nó ra”, Y Nam giải thích. Theo Y Nam, trước kia có một thanh niên người Kinh nhà ở gần khu suối Ông Mô cũng đi theo xem cánh thợ bắt cua rồi về làm theo. Nhưng anh ta chủ quan không cho búi rơm, nên bị con cua đá kẹp cứng bàn tay trong hang không sao rút ra được. “Nó nằm bẹp trên bờ suối từ sáng đến trưa khóc ầm ĩ. Anh trai nó về, cầm tay nó giật mạnh ra. Bàn tay bị cua kẹp đứt hai mảng thịt lớn cả tháng mới khỏi”, Y Nam nói.
Buổi săn cua kết thúc khi ánh mặt trời đã lên giữa đỉnh. Y Chiên mời tôi về nhà để thưởng thức món cua đá nướng. Sau gần hai tiếng hì hục chế biến, một đĩa cua đá nướng vàng ruộm bày sẵn lên mâm được mang ra, kèm theo đĩa muối hạt giã nhỏ trộn với hạt tiêu xanh giã nhuyễn. Y Chiên xé phần mai cua ra, trộn muối pha tiêu tươi xay nhuyễn vào rồi xé thịt cua chấm. So với cua biển; hoặc cua đá ở những vùng khác, cua đá “thiết giáp” suối Ông Mô thịt rắn chắc và thơm ngon hơn.
(Theo Báo Giao Thông)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét