(iHay) Làng Phú Túc (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) nổi tiếng hơn 300 năm nay khi có nghề đan cỏ tế độc đáo. Những sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mà còn có tính thẩm mỹ rất cao.
Vào khoảng thế kỷ thứ 17, Phú Túc là một vùng quê thuần nông với đồng lúa chiêm trũng mọc nhiều loại cây cỏ dại. Người dân có khá nhiều thời gian nhàn rỗi, thấy vậy bà Nguyễn Thảo Lâm, một người con của Phú Túc đã tận dụng những loại cỏ dại này để làm thành đồ gia dụng. Dần dà những loại cỏ này được gọi chung là cỏ tế (họ Dương Xỉ) và nghề đan cỏ tế trở thành nghề phụ của cả 8 thôn thuộc xã Phú Túc.
Do quá trình đô thị hóa, cây cỏ tế bây giờ ít mọc ở Phú Túc, người dân thường nhập cỏ từ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình về làm nguyên liệu chế xuất. Những sản phẩm đan cỏ tế của Phú Túc cũng đa dạng và hội nhập hơn, cùng các món đồ trang trí cực bắt mắt.
Cỏ tế có màu nâu đặc trưng và có mùi thơm rất dễ chịu. Người thợ có thể nhuộm cho sản phẩm màu trắng, màu đỏ, màu đen để hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Cỏ tế so với mây tre đan rất mềm và dai vì vậy sản phẩm thường có tuổi sử dụng rất cao, thậm chí gần 20 năm mới có dấu hiệu hỏng. Hơn nữa, cỏ tế có mùi thơm không lẫn với bất cứ loại cỏ nào nên khi trang trí trong nhà sẽ tạo thêm một loại “nước hoa” đặc biệt.
Các loại cỏ tế sau khi được nhập về sẽ phân loại rồi phơi ít nhất 3 nắng để đạt độ dẻo dai cũng như màu sắc bắt mắt nhất, sau đó được chẻ ra làm 2, 3 phần rồi qua sự sáng tạo của nghệ nhân mà hàng nghìn mẫu mã được làm ra. Sau khi tạo hình cho sản phẩm xong, người thợ nhúng cỏ qua lớp dầu keo để cho có độ bền cao nhất rồi đem phơi thêm 2 nắng nữa để lên màu.
Qua thời gian, các công đoạn làm cỏ tế được chuyên môn hóa, mỗi gia đình làm một công đoạn rồi phối hợp với nhau cho ra sản phẩm. Sản phẩm cỏ tế Phú Túc nhiều lần được mang đi triển lãm ở trong và ngoài nước. Mới đây làng nghề đan cỏ tế Phú Túc được vinh danh trong lễ vinh danh làng nghề Việt Nam 2016. Hằng năm, Phú Túc còn tổ chức các hội thi đan cỏ tế nhanh, khéo cho những nghệ nhân, thợ giỏi trong làng rồi cử đi thi ở cấp quốc gia về thợ giỏi làng nghề truyền thống.
Hiện, Phú Túc đang cho hình thành khu triển lãm sản phẩm làng nghề hứa hẹn sẽ thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan. Đường đến Phú Túc cũng chưa bao giờ thuận tiện như lúc này khi có chuyến xe buýt 06E (Bến xe Giáp Bát – Phú Túc) chạy từ 5 giờ đến 21 giờ. Hoặc bạn chạy xe xuôi theo quốc lộ 1A tới phố Tía (Thường Tín) rồi rẽ theo tỉnh lộ 73 khoảng 9km là đến với Phú Túc trứ danh. Con đường trên tỉnh lộ 73 hai bên xanh mát, sạch sẽ chắc chắn ai cũng muốn đi thật chậm để thưởng thức không khí trong lành và cái se se lạnh của mùa thu Hà Nội.
Nguyễn Văn Công
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét