Những đôi chân trần uyển chuyển trên đống lửa là một phần trong lễ hội văn hóa truyền thống đặc trưng của người Pà Thẻn ở vùng Đông Bắc.
Lễ hội nhảy lửa thường tổ chức vào thời điểm thu hoạch vụ mùa xong, khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch đến rằm tháng riêng.
Đó là lúc cảm tạ trời đất vì đã cho họ vụ mùa bội thu. Thông qua lễ hội, người dân cầu mong vụ mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và ngọn lửa sẽ mang đến may mắn, đoàn kết, xua đi cái khắc nghiệt của mùa đông. Lễ hội diễn ra mở màn bằng bài cúng của thầy mo duy nhất trong làng, thời gian kéo dài khoảng 2-3 tiếng.
Đống củi to chất lên giữa khoảng đất trống quanh làng, ngọn lửa cháy bùng lên. Khi ngọn lửa dần tắt chỉ còn lại than hồng là lúc thầy mo kết thúc nghi thức.
Hàng chục thanh niên tham gia lễ hội ngồi quây quần bên thầy mo để lắng nghe tiếng gõ phát ra theo nhịp liên hồi từ chiếc đàn gỗ. Đây là lúc nhập đồng cho người nhảy lửa.
Lễ vật cúng trời đất, thần lửa khá đơn giản, chỉ có rượu, thịt lợn, tiền vàng. Tất cả đặt phía trước chiếc ghế dài nơi thầy mo ngồi.
Nam thanh niên bắt đầu rung lên, cơ thể như đang dần được truyền thêm sức mạnh. Họ lao vào đống than hồng nhảy múa không biết nóng.
Theo nhịp, tiếng gõ và những bước nhảy hào hứng dần lên, động tác lắc lư. Họ bật lên, cúi người, nhảy lò cò và tiến ra gần đống lửa.
Những người hội đủ điều kiện, được chọn lựa để tham gia lễ Nhảy lửa có độ tuổi trung bình từ 15 đến 50 tuổi.
Người Pà Thẻn sinh sống tập trung ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nhưng đều có chung lễ hội văn hóa huyền bí này.
Lễ hội cũng được coi là hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang, thịnh vượng.
Ngọc Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét