Hoàng Hương
Người Việt Nam thường trồng cây này làm hàng rào hoặc làm cảnh. Nhưng y học hiện đại chứng minh nó là một loại thảo dược quý, ngăn ngừa tổn thương mạch máu, ổn định huyết áp.
Cây dâm bụt cao từ 1 đến 2m, lá đơn, mọc cách, phiến lá khía răng cưa. Hoa dâm bụt to, có màu đỏ hồng, hồng hoặc vàng, thường mọc ở nách lá hay đầu cành.
Ở nhiều vùng quê Việt Nam, hoa dâm bụt thường được trồng làm hàng rào hoặc trồng làm cảnh. Nhưng ở Malaysia. loài hoa 5 cánh có màu đỏ tươi này lại được tôn vinh là quốc hoa.
Không những vậy, hoa dâm bụt là một loại thảo dược có nhiều công dụng.
Bài thuốc Đông y từ hoa dâm bụt
Theo Đông y, hoa dâm bụt vị ngọt, tính bình có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu thũng, sát trùng, chữa kinh nguyệt không đều, khó ngủ, hồi hộp, đái đỏ.
Chữa mất ngủ: Dùng hoa dâm bụt hãm với nước nóng thay nước chè.
Chữa kiết lỵ: Hoa dâm bụt kép 10g, lá mơ lông 8g, trứng gà một quả. Đập trứng vào thuốc đã thái nhỏ, trộn đều, cho vào bát hấp cách thủy hoặc hấp cơm cũng được, ăn hết một lần, dùng 2-3 ngày sẽ hiệu quả.
Chữa thống kinh: Hoa dâm bụt kép 5g, ngãi cứu 5g, bồ kết 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần trong 15 ngày liền trước kỳ kinh 20 ngày.
Chữa di tinh: Hoa dâm bụt 10g, hạt sen 30g. Sắc uống ngày 1 thang trong 10 ngày liền.
Chữa kinh nguyệt không đều: Vỏ rễ dâm bụt 30g, lá huyết dụ 25g, ngãi cứu 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần/ngày. Uống 3 ngày, uống trước hành kinh 7 ngày.
Những lợi ích từ trà hoa dâm bụt
Còn trong Tây y, hoa dâm bụt đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm bởi khả năng kỳ diệu của loài hoa này.
Công dụng của loại thảo dược này được phát hiển lần đầu tiên tại Angola, cùng với hương vị dễ chịu, nó đã trở nên rất phổ biến ở các nước Bắc Phi, Trung Đông và thậm chí ở cả châu Âu.
Trà dâm bụt chứa nhiều vitamin C, khoáng chất và các chất chống oxy hóa khác. Chính vì vậy, trà dâm bụt có rất nhiều lợi ích với sức khỏe mà có thể bạn chưa biết.
1. Giảm huyết áp
Tạp chí Dinh dưỡng (Mỹ) năm 2010 đã đăng một nghiên cứu về tác dụng kiểm soát huyết áp đối với những người có huyết áp cao hoặc tăng huyết áp nhẹ ở độ tuổi từ 30-70 tuổi.
Kết quả cho thấy những người uống 3 tách trà hoa dâm bụt/ ngày có huyết áp ổn định hơn so với những người khác.
2. Cải thiện hệ tiêu hoá
Trà hoa dâm bụt với thuộc tính lợi tiểu và hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng, có tác dụng hỗ trợ điều trị táo bón, cải thiện sức khỏe dạ dày-ruột và giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng.
3. Phòng ngừa ung thư
Theo một vài nghiên cứu gần đây, trà hoa dâm bụt được chứng minh có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào tiền ung thư trong cơ thể. Điều này có nghĩa là thức uống này khiến các tế bào có thể gây ra ung thư không "sống sót".
4. Ngăn ngừa lão hóa
Từ nhiều thế kỷ nay, người dân Trung Quốc và Ai Cập đã biết uống trà hoa dâm bụt để tránh sự lão hóa. Chất chống oxy hóa trong loại trà kỳ diệu này giúp tiêu diệt các gốc tự do trong cơ thể, từ đó làm chậm quá trình lão hóa.
5. Giảm nguy cơ đau tim
Những hợp chất hoá học được chiết xuất từ cây dâm bụt sẽ giúp kiểm soát lượng cholesterol trong máu, do đó ngăn ngừa được bệnh tim.
Các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố cây dâm bụt có tác dụng tốt cho tim người giống như rượu vang đỏ và trà. Nó chứa các chất chống oxy hoá có tác dụng kiểm soát lượng cholesterol và giảm nguy cơ bị bệnh tim.
6. Giảm các cholesterol xấu
Nhờ các chất chống oxy hóa nên trà hoa dâm bụt có khả năng làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể từ đó bảo vệ tim mạch và ngăn ngừa các tổn thương đến với mạch máu.
Công thức làm trà dâm bụt
Trà dâm bụt có thể được làm bằng hoa dâm bụt tươi hoặc khô và có thể uống nóng hoặc lạnh.
Cách 1: Đổ nước sôi vào ấm đựng hoa dâm bụt khô theo tỉ lệ ½ chén hoa dâm bụt khô và 3 chén nước sôi. Đậy nắp rồi ngâm khoảng 20 phút. Lọc lấy nước uống.
Bạn có thể điều chỉnh lượng hoa cho hợp vị và cho thêm ít bột quế trong lúc ngâm. Bạn cũng có thể cho thêm vỏ cam, quýt, nước chanh để trà thêm hương vị tùy sở thích.
Cách 2: Ngâm hoa dâm bụt khô trong nước trong 2 ngày (không yêu cầu đun sôi). Lọc lấy nước uống.
theo Trí Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét